Wednesday 26 December 2007

Nhân bài phỏng vấn Thủ Tướng Võ Văn Kiệt: DÁM MONG RẰNG, TỪ ĐÂY VỀ SAU…

Lâm Võ Hoàng

Được tòa soạn tranh thủ hỏi ý kiến giáo dân của tôi về bài phỏng vấn Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt về một số vấn đề của Công giáo ở Việt Nam, tôi đã từ chối, vì còn phải chờ ý kiến của nhiều bậc đàn-anh-trong-đức-tin phát biểu trước. Nhưng khi tòa soạn cho biết có hỏi nhiều nơi rồi, tòa soạn sẽ liệu sắp xếp các ý kiến mà đưa lên báo, tôi xin phép được đóng góp một vài suy nghĩ độc lập như sau.

Trước hết đây là một phỏng vấn chất lượng cao nhất mà tôi đã từng đọc. Câu hỏi thẳng thừng. Câu trả lời đầy đủ, không tránh né, xoáy vào trọng tâm và trên hết, giọng nói điềm đạm, nghiêm chỉnh, toát lên một thái độ trân trọng đối với đối tượng đề cập, trong một vấn đề có nhiều khía cạnh gay gắt, hết sức tế nhị, mà rõ ràng người trả lời đã nắm vững cũng như đã có lập trường vững chắc có cơ sở, có nguyên do, thấu tình đạt lý.

Thực chất, đây là một sự “đụng chạm” giữa hai quyền bính đồng bản chất – tôi có được phép nói không ? – độc tôn, bởi mỗi bên đều có niềm tin tuyệt đối vào sứ mạng đúng đắn của mình. Hai quyền bính bắt buộc phải song tồn, tương hiệp, vì con cái mình một đằng là công dân, một đằng là tín đồ, tín đồ và công dân kết làm một. Cho nên những tia lửa chớp, nếu có, chỉ là chuyện đời thường, như trong gia đình, khi bố mẹ bắt đầu xung trận là con cái lặng lẽ dẹp mâm bát, để mai còn có cái ăn cơm.

Rất may cho chúng ta, Đức Kitô, Chúa chúng ta, đã sớm liệu cuộc sống “biện chứng” của con cái mình, cho nên đã giải quyết rạch ròi thái độ của người Công giáo: “Hãy trả cho Xê-da (nhà vua) cái gì của Xê-da và cho Thiên Chúa cái gì thuộc Thiên Chúa”. Và Tổ phụ Augustinô đã đưa ra hình ảnh hai thành đô, nơi sống của con người: thành đô Thiên Chúa và thành đô con người, để chỉ rõ con người phải thỏa mãn hai yêu sách trong cuộc sống của mình, yêu sách của Thiên Chúa và yêu sách của thế trần. Và nghĩa vụ nặng nề đó chính là vinh quang cao cả của con người. Và như con đường nên thánh, hướng đi, nẻo tới, không dễ dàng nhận ra, bước gập ghềnh dễ làm cho chúng ta chệch phương hướng.

Trên con đường phẳng phiu, ta có thể nghĩ rằng nếu ta canh tay lái và khóa nó lại ở vị trí nhất định, xe ta sẽ cứ phom phom chạy thẳng tới. Thực tế xảy ra sẽ không đúng như vậy. Những nhân tố vô hình (như mặt phẳng không tuyệt đối của đường, sức gió đẩy) sẽ làm cho xe ta chệch hướng và xuống ruộng hồi nào ta không hay. Cho nên lái xe phải canh tay lái qua lại hoài là do vậy đó.

Trở lại vấn đề cụ thể chúng ta đang bàn, trước hết chúng ta cần nắm rõ Chính phủ muốn gì? Không gì khác hơn các chính quyền khác trên thế giới : “Giữ vững ổn định chính trị xã hội, để tiếp tục phát triển kinh tế với tốc độ nhanh hơn. Giữ vững ổn định cần thiết cho cuộc sống của mọi người”. Ngay cả khi “Nhà nước ta còn phải chặt chẽ trong một số lĩnh vực” tất cả “cũng là nhằm bảo đảm sự ổn định, ổn định chung của toàn xã hội, cũng như ổn định trong sinh hoạt tôn giáo”. Mong muốn này cơ bản và xuyên suốt là đúng, kể cả khi “Nhà nước ta còn phải chặt chẽ trong một số lĩnh vực” bởi vì “Nhà nước nào cũng phải có biện pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia và duy trì trật tự an ninh nhằm bảo đảm cuộc sống an vui của mọi người”.

Mong muốn này cơ bản đã “gặp” mong muốn của Giáo hội Công giáo, từ lâu mang tiếng bảo thủ, “đứng-về-phe-mọi-chính-quyền” chỉ vì luôn luôn quan tâm sâu sắc đến ổn định trật tự xã hội, cần thiết cho sự sống đạo của tín đồ. Nhưng ở đây, chính quyền hiểu “ổn định trật tự” theo cách nhìn của chính quyền, khi lấy làm tiếc một điều là không phải tất cả các vị Giám mục Việt Nam đã triển khai và áp dụng đường hướng này trong giáo phận của mình (như ở Thành phố Hồ Chí Minh) trái lại, Cụ Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã thực thi đường hướng này xuyên suốt từ sau ngày Giải phóng”. Thật ra, ở Tp. Hồ Chí Minh, khách quan có những nhân tố: thiên thời, địa lợi, nhơn hòa, khác với ở nhiều giáo phận khác và trên hết, có một nhân tố chỉ xảy ra ở Tp. Hồ Chí Minh, như Thủ tướng có đề cập đó là, bên đạo có Đức Phaolô Bình sáng suốt khôn ngoan (theo nghĩa Tin mừng) và bên Chính quyền, có vị Chủ tịch Uy ban Nhân dân, rồi Bí thư Thành ủy và hiện nay là Thủ tướng Chính phủ, tuy thẳng thừng “từ chối nhìn nhận Giám quản Tông tòa của giáo phận Tp.Hồ CHí Minh” vẫn hiểu rõ và biết chắc rằng sở dĩ Vatican chưa tỏ thái độ chính thức, không phải là để tìm kế phục thù (?) mà là vì, trước mắt “đang chờ đợi gởi phái đoàn sang làm việc với Chính phủ Việt Nam” và sâu xa hơn, “Vatican có thể không nắm vững tình hình của Việt Nam. Nếu Vatican được báo cáo đầy đủ và chính xác, thì Vatican sẽ có quyết định phù hợp. Chúng tôi tin chắc là Vatican không muốn gây căng thẳng và đẩy các Giáo hội địa phương vào con đường vi phạm luật pháp”. Rõ ràng :

Lọ quen biết mới gọi là tri âm?” (Kiều)

Mong muốn của Giáo hội Công giáo, không khác của Chính quyền đối với cọng đồng công dân, là bảo đảm trật tự, ổn định, thống nhất trong ý hướng sống đạo của cộng đồng tín hữu, để đẹp lòng Thiên Chúa và phục vụ hữu hiệu quê hương là cái nôi trong đó Thiên Chúa ẵm đặt từng người, để sinh ra, lớn lên, hoàn thành nhiệm vụ xã hội, rồi trở về với lòng đất mẹ, chờ ngày sống lại, nhìn tận mặt Thiên Chúa mà mình coi trọng hơn mạng sống. Đức Kitô Chúa chúng ta, há chẳng nêu gương cho chúng ta khi an nhiên phục tùng cho tới chết chính quyền của vua Hêrôđê và toàn quyền Phongxiô Pilatô và luật pháp Do Thái giáo mà chính quyền này đã nhân danh để tử hình Người trên thập giá?

Cho nên nhiều giáo phận đã không khỏi xót xa, từ đó có thái độ co cụm của người bị thường xuyên rờ lưng. Khi những quyền lợi chính đáng nhất của mình để hành đạo và sống đạo như có đủ giám mục, linh mục, chủng sinh nhà thờ, sách kinh cũng như đi lại dễ dàng để chăn dắt và trao các phép bí tích cho con chiên v.v… lại bị những cái “còn phải chặt chẽ trong một số lĩnh vực” ngăn trở một cach khó hiểu. Chính vì ở những nơi nào mà quyền lợi chính đáng đó không những không bị phủ nhận, mà còn được “tháo khoán” thì ở những nơi đó, cộng đồng giáo dân tỏ ra tiên tiến không thua kém ai trong việc lo cho đạo, nhưng cũng phải lo cho đời, sống Phúc âm là phục vụ đồng bào, không phải chỉ hạnh phúc của đồng bào có đạo, (cũng như có) quan điểm và thái độ xuyên suốt trong cuộc sống: đi với dân tộc, coi trọng quyền lợi của dân tộc coi trọng chủ quyền quốc gia, coi trọng luật pháp nhà nước, thông cảm với những khó khăn của đất nước, tự coi mình là người trong cuộc, khi đề cập đến các vấn đề của đất nước” v.v… Các trường hợp điển hình không những không thiếu, mà có thể nói nhan nhãn ở miền Đông, miềnTây Nam bộ, ở các xóm đạo thành phố Hồ Chí Minh, ở miền Bắc, với nhiều thanh niên giáo dân đi bộ đội, trung thành, dũng cảm không nhường ai, cật lực lao động đem lại phồn vinh chung cho đất nước, không thua ai, hòa mình trong cộng đồng dân tộc, chia sẻ buồn vui của đất nước như mọi người. Rõ ràng không giây phút nào người giáo dân coi Vatican là quê hương mình, mà chỉ là nơi ngự của Đấng Kế thừa Phêrô, nơi làm việc của Tòa Thánh, còn quê hương mình chỉ là nơi mà dòng giống Lạc Hồng sinh ra, lớn lên và sinh sôi nảy nở đời đời kiếp kiếp.

Vả chăng, đối với người Công giáo, như lời Chúa dạy, coi Xê-da, tức là Vua trị vì, Đấng lãnh đạo, là một tất yếu khách quan, không phải của lịch sử, mà của bản chất xã hội loài người. Không ai có thể thống trị, mà không có mệnh trời, mà mệnh trời thể hiện ở lòng dân (làm cách mạng hay đi bầu cử) giáo quyền hay thế quyền đều đại diện cho Thiên Chúa ở trần gian. Biệt lập nhau, nhưng phải sống chung nhau, đó là mệnh lệnh của Thiên Chúa. Cho nên Giáo hội sống chung với mọi chế độ chính trị người giáo dân cũng phải sống với mọi chế độ chính trị trong lịch sử, coi đó như là sự cắt đặt của Thiên Chúa bằng nhiều cách, kể cả cách mạng, thực chất là thụ mệnh trời để đổi một mệnh trời trước. Như một công chức phải công tâm làm việc với mọi giám đốc sở mà, ở trên xa xăm nào không biết, có quyết định bổ nhiệm về.

Từ tất yếu nói trên, trải qua lịch sử 2000 năm, Giáo hội La Mã có nhiều phương thức quan hệ với các chế độ chính trị, mỗi cách đều có giá trị ở địa điểm và thời điểm nhất định. Cho nên không chỉ có trường hợp Ba Lan mà Thủ tướng có đề cập, còn có trường hợp hai giáo phận của Pháp là Strasbourg và Metz mà giám mục đều do Tổng thống Pháp bổ nhiệm bằng sắc lệnh, sau khi Tòa Thánh quyết định. Do vậy, là giáo dân, tôi rất hân hoan đón nhận tin vui, trong báo hôm nay (15-3-1994): “Đoàn đại diện Vatican đã đồng ý với đoàn Việt Nam là tất cả mọi vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam, Tòa Thánh sẽ thông báo cho Chính phủ Việt Nam và có sự thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam thì Tòa Thánh mới ra quyết định”.

Có thế chứ ! Nhưng đó là về mặt hình thức. Về phần nội dung, dám mong rằng “di sản rất nặng nề : thành kiến giữa lương và giáo, giữa Công giáo và Cộng sản”, như Thủ tướng đã chính trực nhìn nhận, qua cuộc phỏng vấn có tính chất quan phòng này, quan phòng vì như hai anh em may mắn có dịp nói toạc hết những gì chất chứa trong lòng, từ đây về sau, sẽ tiêu tán dần, qua thái độ thông cảm, nhìn nhận nhau của Tòa Thánh và Nhà nước ta và những “vấn đề liên quan đến Giáo hội Việt Nam mà Tòa Thánh sẽ thông báo cho Chính phủ Việt Nam” gặp được một sự giải quyết giúp đỡ hào hiệp, nhanh chóng, tích cực, để tờ báo thân yêu của tôi, lấy kinh nghiệm lịch sử Đông Au, khỏi phải đau đớn kêu lên trời cao “rằng các bên đều có thừa kiên nhẫn và tàn nhẫn để kéo dài tình trạng bế tắc đó, như thể không biết đến nỗi đau khổ của người giáo hữu là những thành phần trực tiếp, về lâu về dài, phải gánh chịu hậu quả từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Công Giáo và Dân Tộc 20-3-1994


NĂM QUỐC TẾ GIA ĐÌNH VÀ SÙNG KÍNH TỔ TIÊN

Lâm Võ Hoàng

NĂM 1994 là năm Quốc tế Gia đình. Điều đó có nghĩa là giá đình được thế giới, thuộc mọi hình thái văn minh văn hóa, nhìn nhận như một nguồn gốc giá trị của nhân loại, đúng hơn, có khả năng bảo đảm nâng cao giá trị nhân bản đích thực của con người và loài người.

Suy luận ngược lại, ta sẽ thấy sở dĩ hôm nay giá trị của gia đình, hay nói cách khác, gia đình như một cái nôi của những giá trị, được tôn vinh là vì thời gian qua, giá trị của gia đình đã bị hiểu lầm, chà đạp, thậm chí, phủ định. Bởi thái độ khe khắt áp chế của những người muốn (hoặc tưởng là) bảo vệ nó, bởi thái độ căm thù của những nạn nhân, vì lý do này, hay lý do khác, của cơ chế gia đình, hay thực tiễn gia đình của họ, thậm chí, bởi thái độ lãng mạn, lập dị của những kẻ không muốn chấp nhận, chịu đựng bất cứ ràng buộc nào của xã hội lớn hay nhỏ.

Nhưng khi xã hội ngày càng phát triển trên cơ sở kinh tế thị trường được nuôi dưỡng bởi tiến bộ khoa học – kỹ thuật, con người ngày càng khao khát một hệ thống giá trị tinh thần sâu xa, đồng thời, nhẹ êm, thông thoáng nào đó, không phải như nai khát mong tìm đến suối, mà như người ăn phở chờ bát trà sen thơm nóng, giải nhiệt. Họ càng khao khát, khi chứng kiến nhiều dân tộc tôn sùng giá trị xã hội, gia đình, bỗng chốc, nhờ được đào luyện bởi những giá trị đó, trở thành rồng kinh tế, hiên ngang uy hiếp các con hổ kinh tế Tây phương, tại sơn lâm của nó.

Khao khát hơn hết, chính là những con hổ kinh tế Au – Mỹ này. Bắt đầu thấy rõ căn bệnh rụng lông, sứt móng của họ bắt nguồn từ chỗ xã hội của họ ngày càng phi xã hội hóa, bởi xã hội lớn của họ chỉ gồm toàn là cá nhân, khác với cấu tạo tự nhiên là tổ chức gồm tế bào, đơn vị chứa đựng tất cả mầm mống giá trị của cơ thể. Tức là xã hội phải gồm các xã hội gia đình, nơi ở, trường học, bệ phóng và kho tàng căn tính của cá nhân, nơi đi về, nương náu, hồi phục của cá nhân.

Sở dĩ đạo ta, cho tới nay, vẫn ít nhiều mang dấu ấn ngoại lai, là bởi vì trong thời kỳ truyền giáo trước đây, ta đã phần nào phủ định một giá trị cốt lõi của địa bàn truyền giáo là nền văn minh Nho giáo. Đó là sự thờ kính tổ tiên. Có lẽ bởi hình thức thờ kính trang nghiêm, long trọng nào đó khiến ta lầm tưởng và đồng hóa với tôn thờ ngẫu tượng, từ đó, dẫn tới phủ định truyền thống thờ kính, đúng hơn, sùng kính tổ tiên, gây vết thương không nhỏ trong lòng kẻ tân tòng và gây cản ngại không ít cho những ai muốn đến (trở lại) với Chúa.

Thời gian trôi qua, Giáo hội chịu đựng nhiều áp lực phủ phàng đây đó trên thế giới, từ đó, mới có điều kiện suy nghĩ lại và lần lần nới lỏng, cho phép, nhưng không tổ chức, hoặc đề ra nguyên tắc tổ chức, sùng kính kỷ niệm tổ tiên cho giáo dân trong các xã hội có truyền thống lâu đời sùng kính tổ tiên. Cho nên, sự sùng kính tổ tiên còn nhút nhát, rụt rè, thậm thụt, giản đơn, thậm chí nhếch nhác. Từ đó, không đủ sức trở thành một giá trị văn hóa có khả năng giúp giáo dân leo nhanh hơn và tiến gần Chúa hơn và hiểu thêm Chúa, để yêu Chúa hơn.

Qua kinh nghiệm và suy nghĩ bản thân người viết là kẻ tân tòng muộn, thì không một nền văn minh nào coi trọng gia đình, nối dài từ tổ tiên và thấy trong gia đình một nguồn giá trị gần gũi nhất với Công giáo, như văn minh Nho giáo.

Trước hết, người cha là hiện thân của Thiên Chúa sáng tạo, bởi bằng hành động sáng tạo, từ hư vô (tương đối), cha đã tạo ra con. Trên đời này con người không thể tìm ra đâu một người thứ hai sáng tạo ra mình như người cha (thể xác) của mình. Tình cha thương yêu con, chăm sóc, dạy dỗ con, lòng yêu kính tự hào sâu kín giữa con và cha, dù sau này, khi con lớn lên, có cãi vã nhau với cha, giúp cho ta hiểu được phần nào tình yêu thương giữa Chúa Con và Chúa Cha. Do đó, cha được coi như trời, mẹ như biển và ân nghĩa giữa cha mẹ với con là bất tận bất diệt.

Trong gia đình, dù cha có dốt, nghèo, thậm chí, ít đạo đức hơn con, nhưng con vẫn coi cha là cha, vì cha hầu như (thật ra, đúng là) có một ân sủng thiêng liêng (charisme) nào đó của một con người được mang dấu ấn đặc biệt của Thiên Chúa Cha sáng thế. Chính do ân sủng đặc biệt đó, bố mẹ nông dân của các ông nghè được xã hội gọi là cụ cố, như ngày nay trong xã hội ta, bố mẹ linh mục cũng được gọi như vậy.

Người con thương yêu cha lúc sống, tiếp tục yêu thương sau lúc chết. Dù không biết cha mình đi về đâu (dù biết cũng không cần thiết), con vẫn tiếp tục nhớ tưởng thương yêu cha mình, như thể còn sống, còn sống trong lòng mình, vẫn tiếp tục dạy dỗ, uốn nắn mình, ăn ở cho phải đạo con người.

Chính lòng yêu thương đó là nguồn gốc của sùng kính kỷ niệm tổ tiên. Mục Liên dù đau khổ vì bà mẹ Thanh Đề (không ra gì) của mình, vẫn kính trọng, yêu thương mẹ và tìm cách hy sinh cứu chuộc mẹ. Vì yêu thương ở đây là yêu thương người mẹ, cao quí nhất trên đời, dù là trong thân xác tội lỗi của một người đàn bà khốn nạn. Hai tư cách ở trong một con người, đạo nào đã dạy cho ta biết điều đó ?

Do đó, thờ kính cha mẹ, tổ tiên không phải là sùng bái ngẫu tượng. Vì ngẫu tượng là thứ gì đâu, không ai biết, nhưng do bản năng sinh tồn, đành mất chút công bái lạy, hối lộ nó, như cười tình, nói nịnh với “thầy chú” xét hỏi mình dọc đường, cho được yên thân, tránh hoạ, mau qua ải. Đằng này khi sùng kính mẹ cha, tổ tiên, ta biết ta sùng kính ai và các đối tượng sùng kính này rõ ràng là đáng sùng kính, không phải vì đức hạnh con người, mà vì là hiện thân hình thể, trong trần gian, của Thiên Chúa.

Một nền văn minh nâng cao tuyệt đỉnh giá trị nhân luân: cha (mẹ) con, vợ chồng, như trong quan hệ giữa Thiên Chúa và tạo vật, giữa Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con, giữa Đức Kitô và Giáo hội, phải chăng là bất công khi coi truyền thống sùng kính tổ tiên như một nền văn minh thờ ngẫu tượng hay như một thứ mê tín dị đoan ? Dám mong các Đấng chủ chăn suy nghĩ lại lịch sử và ra giáo huấn khôi phục giá trị truyền thống đáng quí của dân tộc và tổ chức sùng kính kỷ niệm tổ tiên của người Công giáo sao cho phù hợp với quan niệm thờ tế của đạo ta và truyền thống của địa bàn mà Thiên Chúa sinh ta ra. Đó là cách tốt đẹp đề cao, phục vụ năm Quốc tế Gia đình mà đạo ta không thể bàng quan.

Công Giáo và Dân Tộc 6-3-94

Kỷ niệm 18 năm ra mắt bạn đọc: NHƯ CÓ NGƯỜI BẠN TRONG ĐỜI

Lâm Võ Hoàng

Người viết thuộc “diện” được báo hiếu. Tuy nhiên, không phải vì không mất tiền mua, mà cứ sáng thứ sáu là tôi bắt đầu trông ngóng tờ Công giáo và dân tộc. Có khi, ngóng cho tới sáng thư hai. Nhiều khi sốt ruột quá phải chạy mua của chị Xê, ở nhà thờ Mai Khôi, để rồi gặp cảnh tôi đưa chị nghìn hai, nghìn rưỡi, hai nghìn, tùy tình hình tiền giấy trong ví, nhưng chị nhất định chỉ lấy một nghìn thôi !

Kể lể cà kê dê ngỗng (đúng hơn: gà là kê nghê là ngỗng) như vậy là để nói lên sự gắn bó quí mến của một độc giả đối với CGvDT. Người viết, tuy là cộng tác viên của báo, nhưng không phải vì có-bài-của-mình ở trong đó, rồi đâm ra quí nó, mà vì tờ báo chứa đựng những nội dung mình ham thích.

Trước hết, tôi đọc Tin mừng Chúa Nhật tuần đó và bài minh họa tiếp theo. Đắm mình trong Lời Chúa, tôi sống lại hạnh phúc tuyệt vời buổi ban đầu tìm về Chúa. Khi mỗi bước đi là một phát hiện mới lạ, mỗi bước dừng là một thấm thía không cùng. Tôi cám ơn và trung thành với CGvDT, ngày nào trên diễn đàn này đều đặn có ra Tin mừng. Và trong điều kiện hiện nay, tôi càng cám ơn và gắn bó hơn, khi CGvDT là nơi duy nhất tôi có thể trực tiếp đọc Tin mừng trên mặt báo. Ơ các báo khác, tôi chỉ thỉnh thoảng “du kích”, nhét một câu Tin mừng vào bài viết của mình và thở phào cám ơn Chúa, khi thấy câu đó nằm trên mặt báo như giọt cà cuống nguyên chất nổi tròn trên mặt chén nước chấm bánh cuốn.

Kế đó, tôi đọc ngấu nghiến “Tin vắn Công giáo” va” Công giáo năm châu”, để biết chuyện “trong nhà”, nhất là nhà mình đang ở là thành phố và đất nước. mỗi lần, tôi đều có cảm giác nhận được thư bà con, cho biết chú năm, dì sáu, mợ bảy, ông tám, khỏe mạnh, đau yếu, thành công, thất bại, may mắn, rủi ro như thế nào. Ngoài ra, còn đọc thêm tiếp theo các bài về những thời sự đặc biệt trong Giáo hội, về các Đấng này nọ với công nghiệp đáng đề cao của các ngài. Từ đó, tôi có điều kiện xây dựng thêm hơn, vững hơn, lòng yêu thương, tình đoàn kết gắn bó với Giáo hội và các tín hữu trong nước và khắp thế giới. Không có CGvDT, làm sao tôi có điều kiện như vừa nói ? Một lần nữa, cám ơn CGvDT và tất nhiên là mong CGvDT có điều kiện thuận lợi thông tin nhiều hơn đặc biệt là đối với các địa phận miền Bắc, miền Trung.

Không chỉ bó mình trong khuôn khổ Công giáo, CGvDT, như tên gọi, còn phục vụ Dân tộc, trong ba lĩnh vực nóng bỏng của đất nước hiện nay, theo ý người viết, là: xã hội, kinh tế và tuổi trẻ.

CGvDT có thể tự hào là tờ báo không phải binh vực, mà nói lên, nói lên để binh vực những con người nghèo, người thất thế trong xã hội là những đối tượng được Chúa Giêsu thương yêu đặc biệt, thương yêu đến nỗi “lựa chọn kẻ ngu dại của thế gian để làm hổ thẹn kẻ khôn ngoan”. CGvDT đã rất sớm “dấn thân” ủng hộ chương trình “Xóa đói giảm nghèo” và giục giã thân hữu viết bài đóng góp. Tuổi trẻ, tuổi thơ bất hạnh càng được CGvDT quan tâm sâu sắc, thường xuyên hơn. Bên trời Tây, vấn đề xã hội cũng được các Giáo hội địa phương quan tâm (ầm ĩ) khi, chẳng hạn, nhân danh lời măc khải bảo phải quí trọng, đón tiếp kẻ ngoại (quốc chủng), lên tiếng không đồng tình với biện pháp siết chặt điều kiện nhập cư của chính phủ Pháp (trong đó thủ tướng và đa số bộ trưởng đều ngoan đạo) mà không ngờ tới những hậu quả xáo trộn nghiêm trọng trong đời sống và văn hóa của dân tộc. Bên này, ta đặt vấn đề, một cách ít trí tuệ hơn, nhưng thiết thực hơn, có tác động gây trắc ẩn, dẫn tới hành động xã hội, từ thiện, tự giác, âm thầm, đặc biệt trong giới trẻ.

CGvDT coi trọng không kém lĩnh vực kinh tế. Không số nào mà không có bài kinh tế, thậm chí ở nơi trang trọng nhất. Nhờ tranh thủ được sự cộng tác của Lương Hữu Định, Tiến sĩ Kinh tế học và một số anh em khác, nhờ có đội ngũ phóng viên năng nổ, đặt vấn đề, viết bài chững chạc, không mị dân, không về hùa, hơn nữa, biết xoáy vào trọng tâm tâm đắc của tờ báo là xã hội nông thôn và xã hội những con người thấp bé, thất thế mà CGvDT có thể nói, đã đạt được một trọng lượng đáng kể về nghiên cứu kinh tế. Càng đáng kể hơn khi CGvDT đi trước một bước, hưởng ứng lời cầu chúc đầu Xuân của Đấng bản quyền địa phận, thánh hóa hoạt động kinh tế, đã mạnh dạn dung nạp trên mặt báo, những khái niệm hơi lạ lẫm của một số giáo dân, như : vì yêu mến Thiên Chúa mà làm kinh tế tốt, làm kinh tế tốt theo yêu cầu (bên trong) của Phúc âm là hành động tế lễ Thiên Chúa; các chủ doanh nghiệp, các lãnh đạo xí nghiệp là những mục tử của thời đại, có nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, xã hội của công nhân viên, dưới tay mình, như mục tử hiểu biết chăm sóc từng con chiên; trong thời đại hiện nay, Chúa hiện diện trong lĩnh vực kinh tế hơn bao giờ hết, vì đó là nơi tạo no ấm hay gây đau khổ cho con cái Thiên Chúa v.v…

Tuổi trẻ được CGvDT quan tâm đặc biệt, với số trang dành cho các em. Đây là tuổi trẻ, tuổi thơ công giáo, hồn nhiên, chớ không phải “trẻ con”, được đào tạo, nhắc nhở “ngoan đạo”, nhưng vẫn yêu đời và có những tình cảm, theo tuổi, của mọi người. Đố Giáo lý có thưởng có trình độ đáng nể (ít ra là đối với người viết vô đạo, vào đời đều bằng học lóm). Trong thời buổi khó khăn này, các em có được một khu vườn riêng vừa tầm, vừa sức cho các em, không gò ép các em lo ba cái chuyện lu bu của người lớn, như tốt đạo đẹp đời v.v… Quả là điều quí hiếm.

Tuổi trẻ không chỉ được phục vụ trong các trang dành cho các em, mà còn trong toàn tờ báo, do các bài viết dễ hiểu, nhẹ nhàng, nghiêm túc, tránh gay cấn, tranh cãi lôi thôi. Các em có thể học hỏi hữu ích với những bài viết, thông tin, thậm chí xã luận của CGvDT. Chỉ mong tờ báo cố gắng thêm những bài có nội dung thần học kha khá, để các em và những người thất học đạo như người viết có cơ hội bồi dưỡng vốn giáo lý của mình. Để làm điều này, ta có thể sử dụng quyển giáo lý phổ cập của Giáo hội vừa mới phát hành cho toàn thế giới.

Tóm lại, khi nhận lời cộng tác với CGvDT, người viết không phải là không nghe những điều tiếng này nọ về con người, làm nguồn gốc cho thái độ “ghét” luôn tờ báo. Về con người, người viết nhớ lại phim Nhật thời danh độ nọ “Lã Sanh môn”, mà đề tài là một sự việc có thể có nhiều cách nhìn, do đó, đạo ta chủ trương rất hay là “chớ phán xét, nếu không muốn bị phán xét”. Về tờ báo, người viết nhận thấy khách quan nó tốt, nó không phản ảnh ý kiến, quan niệm hẹp hòi của bất cứ ai. Do đó, nó cần cho mọi người Công giáo muốn gắn bó với toàn thể cộng đoàn, ít ra về mặt thông tin Công giáo. Ong bà mình dạy “ăn theo thuở, ở theo thời”, giữ được tư thế như CGvDT là điều không dễ dàng. Như Ngô Tất Tố, quệt nước mũi vào gốc cây, bệu bạo nói với nhà văn Kim Lân: “Làm người khổ lắm, bác ạ !” Nhân dịp CGvDT tròn 19 tuổi, người viết mong mỗi chúng ta ủng hộ nó nhiều hơn (mua báo, đăng quảng cáo) để từ đây về sau nó có điều kiện tăng số phát hành, tăng trang, mở rộng thông tin v.v… Có nó trong tay, ta như có người bạn trong đời, đỡ cô đơn, trong riêng tư không khép kín của ta. Amen !

Công Giáo và Dân Tộc 11-7-1993

Phát triển nông nghiệp, phát triển nông thôn thấu đáo, căn cơ: MỘT LÔGIC CỦA THỜI MỞ CỬA

Lâm Võ Hoàng

Tuần vừa qua đọc CGVDT ngày 20-6-1993, chắc không ai không xúc động khi đọc bài: “Giáo phận Long Xuyên – một Giáo xứ chìm ngập trong biển phèn mặn” của Huỳnh Hay. Riêng đối với người viết, sự xúc động diễn ra trên ba mặt : con người, tín hữu và người tìm hiểu kinh tế.

Con người không thể không chia sẻ nỗi “bất hạnh” của những con người bám đất, nối tiếp truyền thống bám đất của ông cha từ nhiều thế kỷ qua, mặc dù đổ mồ hôi xót con mắt, vẫn lâm cảnh thu hoạch 8 giạ/công lúa, trong khi “điểm hòa vốn” là 15 giạ/công. Chỉ vì thiếu nước (ngọt) giữa biển nước (mặn, phèn). Người viết có “đi thực tế” xứ đó rồi, cách đây gần mười năm, cho nên càng thấm thía với nội dung bài viết.

Người tín hữu không khỏi xót xa, ca ngợi Chúa hằng ngày “đến” với “con dân” mình một cách “tự nhiên” (!) như khi ngự xuống Vương cung thánh đường thánh Phêrô ở La Mã. Nhà lá hay vàng son đều là nhà của Chúa, được Chúa quang lâm đồng một cách. Nhà lá như cái chòi vịt chính là mặt vinh quang của Giáo hội ta. Ngợi khen Chúa không thể không ngợi khen người, vì thương yêu Chúa, vì trung thành với nguyện ước đời mình, vui vẻ, tự do, dấn thân tham gia vác thánh giá, đồng hành với Chúa hằng ngày. Ngợi khen giáo dân đứng xem lễ, nước dâng tới đầu gối ! Khiến người viết nhớ lại hành trình đầy cam go tương tợ và thử thách dữ dằn trong Đồng Tháp Mười, torng hồi ký của cha (quá cố) Bùi Văn Nho.

Người tìm hiểu kinh tế thấy mình còn thiếu sót, còn nợ đất nước, đồng bào, tổ tiên, con cháu, món nợ khu tứ giác Long Xuyên mà huyện Hòn Đất (xã Sóc Sơn, giáo xứ Tân Lập) là vùng trũng như cái lòng chảo bao la, kiểu Đồng Tháp Mười. Mùa nắng lên, nước phèn cô đọng, người địa phương gọi là “sắc lại”, kiểu sắc thuốc ba chén còn bảy phân ! Nước mặn từ biển tràn vào, người có thể chết khát nếu ít tiền (đổi nước ngọt)… “Cánh đồng phèn mặn, thấp dưới mặt biển mà từ hồi tạo thiên lập địa đến giờ chưa ai cải tạo nổi… nối tiếp nhau mấy giồng đất hẹp và ngắn, có người định cư từ nhiều thế kỷ”, như nhà văn Sơn Nam mô tả trong “Am Dương cách trở”, mới xuất bản.

Anh em chúng tôi có đề ra nhiều phương án qui hoạch tổng thể huyện và khu tứ giác, mà tính chất không khả thi, chính là ở chỗ, như bác sĩ kê toa thuốc đúng cho bệnh nhân không có tiền. Biết sao giờ ? Bệnh nhân mới tới, bác sĩ, bất kể bệnh nhân có tiền hay không, đều khám bệnh (điều tra cơ bản) chu đáo và với tất cả lương tâm mình, suy nghĩ, đắn đo, rồi kê toa cần thiết, kể cả với món thuốc đắt tiền. Không có toa thuốc cho nhà giàu và cho nhà nghèo ! Chỉ có toa thuốc trị được bệnh ! Tất nhiên là có chỉ dẫn vài cách chữa trị cho đỡ cơn ngặt. Phần còn lại là ngước mắt giao phó cho Ơn Trên !

Trên đây là cảm nghĩ của người viết khi đọc bài trên đây và mấy bài liên tiếp của Lương Hữu Định, trên CGvDT, về tình hình và định hướng phát triển nông nghiệp và nông thôn với trường hợp tham khảo là ngân hàng cho người nghèo lừng danh thế giới, Grameen Bank ở Bangladesh.

Để tiếp nối dòng suy nghĩ sâu sắc, nhiệt thành của nhà nghiên cứu mà luận án tiến sĩ kinh tế là “Ngân hàng nông thôn”, người viết xin có vài ý kiến như sau:

1. Nông thôn ta nuôi thành thị như bà mẹ chịu gầy rạt để con được bụ bẫm. Trừ dầu khí là của trời cho, danh mục xuất khẩu của ta, chủ yếu là nông sản. Đôla kiếm ra, chủ yếu được sử dụng làm “tủ kính” phồn vinh, hiện đại, che giấu cảnh nông thôn hẩm hiu, cam phận, “như những cây cổ thụ bám kẽ đá. Mùa nắng không một giọt nước, ấy thế mà cây sống gan lì, đôi khi tòn ten, dộng đầu xuống đất, trở gốc lên trời, chờ ngày xa xôi nào đó, trời sẽ mưa, hoặc đêm đến, sương rơi mịn màng”. (Sơn Nam. Sđd). Mối tương quan mâu thuẩn giữa xã hội nông thôn làm ra phần lớn của cải cho đất nước và xã hội thành thị được ưu đãi về mọi mặt (ăn ở, đi lại, giải trí, học hành…) đã được mọi người, từ lãnh đạo đến báo chí, đề cập quá nhiều, nên người viết thấy không cần nhấn mạnh nữa.

2. Điều ngẫu nhiên lạ lùng, không hẹn mà nên, vấn đề đổi mới, phát triển kinh tế xã hội nông thôn được nêu lên khá căn cơ dưới ngòi bút chuyên nghiệp của tác giả Lương Hữu Định, lại xảy ra, giữa khi nước ta có Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng bàn về vấn đề này. Không phải “để giải quyết “cái ăn” cho xã hội, mà tìm cách đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp để nông thôn thoát khỏi nghèo túng trở nên giàu có và văn minh” (CGvDT–Sđd).

Càng lạ lùng hơn, khi ở bên Trung Quốc, vấn đề có lẽ bức bách trầm trọng hơn, cho nên, cách đây mấy ngày, lãnh đạo Trung ương bên đó phải điện thoại cấp báo cho các địa phương quyết định bỏ ba chục (30) thứ thuế đánh trên 800 triệu nông dân Trung Quốc, để tránh sự lan tràn những sự kiện ở Hồ Nam và dọc một khúc sông Hoàng Hà.

Một lần nữa, người viết tự hào được làm dân Việt Nam, là đất nước mà những vấn đề kinh tế trầm trọng, được tỉnh táo đặt ra, có khi với những đánh giá táo bạo, khi cần thiết, từ phía lãnh đạo, như Hoa Đà mổ thịt, nạo tới xương cho Quan Vân Trường. Ơ đây chúng ta không đợi “nước tới trôn mới nhảy” như ở bên kia, mà vì điều ta đang quyết tâm hiện nay, là một lôgic của chính sách mở cửa cho đầu tư nước ngoài góp phần đổi mới, phát triển kinh tế nước ta và cũng là một lôgic của sự chờ đợi chấm dứt cấm vận, vì khi đó, tín dụng, viện trợ, đầu tư của nước ngoài và nhất là của các định chế tài chánh quốc tế, không dừng ở thành thị, mà tràn về nông thôn, như nước phèn, nước mặn hiện nay, từ khu tứ giác Long Xuyên tràn xuống Hòn Đất. Và khi đó, ta phải đủ sức tiếp nhận cơn lũ tín dụng, viện trợ, đầu tư nói trên, không bị động, không khoán trắng cho người ngoài, dù gì đi nữa, dù sao đi nữa, cũng là người nước ngoài và người ngoài. Bà vú, tốt nghiệp trường “cao đẳng vú em” ở Luân Đôn, không thể thay thế bà mẹ chân quê, trong mọi trường hợp!

3. Ta không thể không vực dậy nông thôn và kinh tế nông nghiệp, khi tiến hành phát triển quốc gia. Ta không thể vực dậy nông thôn và kinh tế nông nghiệp, nếu không có nhận thức rõ ràng về sức mạnh, vị trí, vai trò của các đối tượng này, trong “trọng lượng” chung của quốc gia, để từ đó có chánh sách tập trung quan tâm sức người sức của, dành ưu tiên thực sự, ưu đãi thực tế cho nông thôn (kể cả miền núi) về mọi mặt và có tổ chức thực hiện căn cơ bài bản với chuyên viên trong nước và hợp tác với chuyên gia nước ngoài.

Nông thôn, không chỉ là, chỉ có nhà nghèo. Để nông thôn giàu có, phải dựa trên người giàu, hoặc, tạm gọi là giàu ở nông thôn, làm cho họ giàu thêm, từ đó, họ mới lôi kéo người khác, còn nghèo, trở nên giàu. Phát triển nông thôn, qua đầu tư, từ nông thôn, từ trong nước, là điều căn bản, là nền tảng tiếp nhận, sử dụng viện trợ, tín dụng, đầu tư nước ngoài. Khinh rẻ nông thôn là cơ “tất bại”. Không thể phát triển nông thôn “qua mặt” nông dân, thậm chí, áp đặt từ cao, từ ngoài.

Phát triển nông nghiệp cần chú trọng đồng đều hai khu vực nông nghiệp truyền thống và vùng chuyên canh, mỗi vùng có phương thức phát triển chuyên biệt, tuy rằng tác dụng có tính chất hỗ tương.

Mũi đột phá, chìa khóa mở sự nghiệp phát triển như trên là một tổ chức Ngân hàng Phát triển nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chẳng hạn, chuyên trách trên 10 tỉnh của khu vực. Chớ không phải như hiện nay, mỗi tỉnh có mỗi chi nhánh NHPTNN độc lập với nhau. Ngoài ra, phát triển nông nghiệp (giàu có) phải được tiến hành song song với phát triển nông thôn nhằm cải thiện đời sống (văn minh) của người nông dân giàu hay nghèo. Do đó, phải có những hình thái ngân hàng nông thôn (cấp huyện) và Hợp tác xã tín dụng (cấp xã) được hỗ trợ, giao nhiệm vụ đúng mức, để đảm trách tín dụng phát triển nông thôn, cũng như tiểu thương, tiểu thủ công nghiệp nông thôn.

Một mô hình ngân hàng như trên, thật ra đã được đề xuất với lãnh đạo ngân hàng Nhà nước cách đây khoảng mười năm. Người viết từng tham gia soạn thảo đề án, sẽ xin nhắc lại và cập nhật hóa, nếu cần.

Khu tứ giác Long Xuyên nói riêng và phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, mặc dù được coi là món nợ của lãnh đạo và chuyên viên các ngành, đối với đất nước, nhưng thực tế là một bộ phận đang hình thành của bào thai kinh tế đang phát triển, trong đó các bộ phận lần lượt hình thành trước sau. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà ta có thể hưỡn đài, vì làm như thế, sẽ lâm vào cảnh “nước đến trôn mới nhảy”, như ở nước kế bên ta.

Công Giáo và Dân Tộc 27-6-1993

NGƯỜI DUY NHẤT ĐƯỢC CHÚA GIÊSU ĐÍCH THÂN PHONG THÁNH

Lâm Võ Hoàng

Đó là “tên trộm lành”, người đã mắng “tên trộm dữ” không thấy được tội lỗi của mình, mà lại oán trách Đấng Cứu thế sao không tự cứu và cứu luôn chúng nó. Là người, đã liền đó, xin Chúa Giêsu, người đồng cảnh thụ hình, hãy nhớ tới “nó”, khi Người trở lại trị vì trên Thiên quốc. Chúa Giêsu đã không đợi cho tới lúc đó. Từ trên ngự tòa thập giá, Ngài đã chứng tỏ, lần cuối, cho muôn dân muôn thuở thấy rằng Ngài quả là, vẫn là Đấng Cứu thế đầy quyền năng tuyệt đối. Khi Ngài không những tha thứ, xóa sạch mọi tội lỗi, mà còn cho “nó” được về thiên đàng với Ngài, “ngay hôm nay”. Hình thức long trọng mà Ngài đã dùng : “Amen, Ta báo cho con biết, hôm nay, với Ta, con sẽ lên Thiên đàng”, xem ra không khác gì lúc Ngài tấn phong Phêrô: “Con là Đá, trên đá này v.v…”.

Rõ ràng đây là lễ nghi phong thánh do Chúa Giêsu đích thân cử hành, lần duy nhứt, cho một người sắp chết, tức là còn sống, cho một người cả đời hung ác, và bỏ sự hung ác đó mà có cơ duyên chịu chết chung với Đấng Cứu thế và được dịp may mắn ăn năn và nhận ra Ngài. Điều trớ trêu là Chúa Giêsu sắp bước vào cõi chết lại ban sự sống vĩnh hằng cho một người mà, đầy máu người vô tội, tội lỗi đã làm cho nó không đáng sống, ngay trong thế gian này.

Hình ảnh và ý nghĩa cuộc phong thánh lạ lùng này đã không ngớt đeo đuổi ám ảnh tôi trong suốt hành trình dằng dặc tìm đến Chúa và suốt thời gian, chưa dứt, về với Chúa. Mọi cái trong tấn bi kịch này hầu như được nâng lên đến cực điểm. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã chịu một sự thất bại tuyệt đối, vô phương cứu gỡ. Chính trong sự tan vỡ cùng cực này, mà Ngài đã được một người đồng cảnh thất bại nhận ra “chân tướng” Cứu thế của Ngài, chân tướng mà mọi người đều phủ định. Với sự chết đã gần kề, người đồng cảnh đó, không những tin rằng Ngài không thể chết, mà còn tin rằng Ngài có quyền năng giúp cho nó được sống đời đời. Trong điều kiện hầu như Thiên Chúa Cha cũng muốn “bỏ” Ngài, một niềm tin vào Ngài bất chợt sáng lòa trong bóng đêm dày đặc, nhứt là từ một người xưa nay chưa từng có một giây phút nào được gần Ngài, thử hỏi làm sao Ngài không rung động tâm can? Sự phong thánh đặc biệt duy nhứt như trên, xét ra chỉ là một đáp ứng tối thiểu.

Về phần “tên trộm lành”, nếu nó chỉ biết xót thương Ngài như người vô tội, chẳng hề làm điều chi không lành, thì cũng đủ cho Ngài chiếu cố tới nó sau này, bằng cách nào đó. Hà huống chi, trong điều kiện Ngài hoàn toàn không còn gì để cho ai, thậm chí hoàn toàn không thể cứu được mạng sống của mình, “nó” vẫn xin Ngài nhớ tới nó, khi Ngài trở về trời. Một lời xin tuyệt vời như vậy quả là chưa từng thấy và quả là hết sức xứng đáng với ân sủng vô tiền khoáng hậu mà Đấng Cứu thế đã dành cho nó, khi đích thân phong thánh cho “nó”. Niềm hy vọng của “nó” quả là gương sáng nghìn đời. Đức tin của “nó” cao siêu quá mức, khi “nó” vẫn thấy đó là Chúa vĩnh hằng, nơi một con người sắp hết là một con người, sắp trở thành một thây ma, đi vào thối rữa.

Ý nghĩa phục sinh là đó! Người tội lỗi tuyệt đối trở thành một ông thánh tuyệt đối. Trong nháy mắt ! Sự thất bại truyệt đối trở thành khởi điểm của một vinh quang tuyệt đối, bất diệt. Trong nháy mắt! Dấu ấn của Thiên Chúa là đó, là vậy đó! Con đường nên thánh có dáng dấp, phảng phất như vậy đó!

Điều an ủi giúp ta kiên trì trong hành trình nên thánh, đầy vấp ngã không thôi, chính là hình ảnh những môn đệ được Chúa Giêsu thương yêu đặc biệt, hầu như phần đông đều “có vấn đề”. Như Maria, bỏ phú công việc nhà cho chị, đến nỗi Martha phải “mét” với Chúa. Như Maria Mađalêna có quá khứ “phức tạp”. Như Phêrô chối Chúa. Thậm chí, như người đàn bà xứ Xamaritanô được Chúa trò chuyện thân mật bên giếng, mặc dù rằng nàng ta có số lượng chồng “quá tải”.

Bởi một lòng trắc ẩn xót thương, thông cảm bao la nào đó, hình như Chúa không mấy “đặt nặng” vấn đề tội lỗi, không mấy chú ý đến nội dung, cụ thể tội lỗi từng người. Chúa chỉ nhìn Phêrô! Chúa hoàn toàn tha thứ cho người đàn bà sắp bị ném đá, mà không hỏi han gì cả ! Có lẽ Chúa nghĩ rằng ta quá nhỏ bé, yếu hèn, không thể phạm tội lỗi gì đáng kể. Như con kiến hôi ăn cắp hạt đường cát, rồi ba chân bốn cẳng chạy trốn. Ai nỡ giết nó!

Điều mà “hình như” Chúa quan tâm hàng đầu, chính là sự kiện ta tự giác nhận ra Chúa, chọn Chúa, tin Chúa, tin vào sứ mạng của Chúa. Phêrô “láu táu” được chọn làm Giáo hoàng, chỉ nhờ trả lời đúng trọng tâm, đạt yêu cầu câu hỏi của Chúa: “Còn con, con cho Ta là ai ?”. Hình như sự “khát khao” của Chúa Giêsu là muốn được mọi người, trước hết, dân Do Thái, nhận ra thiên tính và thiên mệnh của mình, trong con người anh thợ mộc, con lão Giuse, cũng đồng thời là nỗi đau thầm kín của Ngài, thể hiện qua lời Ngài oán than nguyền rủa thành Giêrusalem phản trắc!

Do vậy, nhận ra Ngài, tin vào Ngài, trong mỗi giây phút cuộc đời, trong mỗi suy nghĩ, hành động hằng ngày, đời thường, phải chăng đó là yêu cầu cao nhứt mà Chúa chúng ta đặt ra cho ta? Phải chăng đó là điều duy nhứt mà Ngài cần, mà chỉ có ta mới có điều kiện “cho” Ngài được? Tội lỗi là phạm trù quan trọng, không thể coi thường, nhưng không phải là tất cả. Đứa con được cha mổ bê cho ăn, không phải là người anh cúc cung tận tụy với cha, mà là đứa em hoang đàng, nhưng biết hối lỗi, trở về với Cha. Phục sinh nhiệm mầu, nhiệm mầu Phục sinh, lạy Chúa, biết bao giờ con mới hiểu. Lạy ông thánh không tên, hãy giúp chúng em nhận ra Chúa trong mùa Phục sinh này. Amen !

Công Giáo và Dân Tộc 11-4-1993

Từ lá thư chúc mừng xuân Quí Dậu: NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG VÀ SOI SÁNG MỚI

Lâm Võ Hoàng

Thư chúc mừng Xuân Quí Dậu của Toà tổng Giám mục TP.Hồ Chí Minh đã đem lại cho chúng ta nhiều phấn khởi, xúc động đồng thời làm nền cho những soi sáng đường hướng mới cho hoạt động và đời sống Công giáo. Những soi sáng này, hơn bao giờ hết, hết sức cần thiết, để xác định vị trí vai trò của cộng đồng giáo dân giữa lòng dân tộc, trong giai đoạn phát triển sôi sục hiện nay của đất nước.

Phấn khởi không chỉ vì “những điều phấn khởi mới, so với những năm trước, cả hai mặt Đạo và Đời” như thư chúc mừng có nhắc, mà còn vì những cố gắng mạnh dạn của Đấng chủ chăn dẫn đưa cộng đoàn “về nguồn”, từ đó trở lại với những giá trị cao cả của dân tộc, và tích cực tự tin dấn thân vào sự nghiệp chung của đất nước.

Xúc động vì những tâm tình tha thiết, khiêm tốn, chan hòa của vị cha chung “mừng tuổi” con cái, nhắc nhở họ “là con cái Chúa, sống nhờ ơn Chúa… tỏ lòng biết ơn Chúa, biết ơn tổ tiên, để biết đến nhau, biết đến đồng bào nghèo, sao cho mọi người, mọi nhà đều có được hương Tết, nhờ sự tiết kiệm, nhờ tình liên đới thân thương của mọi người”.

Thư chúc mừng không chỉ có vậy, mà còn là dịp tốt để khẳng định và soi sáng một nội dung suy tư và hành động hết sức quan trọng cho cộng đồng giáo dân. Đó là sự thờ kính tổ tiên mà thư chúc mừng tạm gọi là “biết ơn ông bà tổ tiên” và sự thánh hóa hoạt động kinh tế mà thư chúc mừng gọi là “thánh hóa công ăn việc làm của chúng ta”.

Việc thờ kính tổ tiên trong lịch sử, là một thử thách nghiêm trọng không những cho bản thân người tân tòng Việt Nam mà còn cho toàn Giáo Hội do một quan niệm chưa thấu đáo về một thực tế văn hóa chính đáng. Ngày nay, vị chủ chăn, Đấng thay mặt Chúa đã gắn liền “biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên là một cách để chứng tỏ lòng biết ơn Chúa trong đức tin” trên cơ sở “ông bà tổ tiên (là) một gia nghiệp văn hóa đạo đức từ ngàn đời. Chính Thiên Chúa đã ban cho tổ tiên chúng ta bao sức lực và tình thương để gầy dựng, xây đắp và trối lại cho chúng ta là con cháu ngày nay không chỉ sông núi, ruộng vườn mà biết bao vẻ đẹp tinh thần của nếp sống đạo hạnh nhân nghĩa, đoàn kết, làm nên tâm hồn của cả khối dân trên 70 triệu con người Việt Nam, được dạy cho biết gọi nhau là đồng bào, để đối xử với nhau như ruột thịt cùng một dạ mẹ sinh ra!”. Chúa ôi ! nếu hai trăm năm trước, Giáo hội của Chúa “hiểu giùm” cho như vậy, thì làm sao có “vụ án Công giáo” dai dẳng mãi đến ngày nay ? Do đó, công bằng mà nói, Giáo hội ta phát triển không chỉ được tưới bằng máu các thánh tử đạo mà còn được “xông” bằng những đau xót triền miên của những tín hữu, vì đức vâng lời, mà lỗi đạo hiếu với ông bà tổ tiên.

Cây có gốc mới nở nhành xanh ngọn,

Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu ?

“Người ta nguồn gốc ở đâu ?

Có tổ tiên trước, rồi sau có mình!”

Được thờ kính tổ tiên, thờ kính anh hùng dân tộc theo cách phù hợp, không phải với “đạo mình”, mà với thời đại, người Công giáo sẽ tìm lại được sự ấm áp trong lòng đồng bào dân tộc, như trong dạ mẹ Au Cơ, từ đó càng thêm sức mạnh, “thương yêu nhau, giúp nhau xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc bằng lao động có hiệu quả kinh tế đồng thời có giá trị đạo đức lành mạnh”, điều mà như thư chúc mừng cho biết, đấng chủ chăn “muốn nhấn mạnh cách riêng với chúng ta nhân dịp chúc mừng năm mới cho nhau năm Quí Dậu này”

Có thể nói đây là lần đầu tiên, ít ra, trong Giáo phận chúng ta nếu người viết không lầm, vấn đề đời sống kinh tế, được nâng lên ngang tầm với đời sống bản thân và đời sống gia đình vốn được thánh hóa thường xuyên bằng gương mẫu đời sống bản thân và đời sống gia đình của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Xuất phát từ “chiều kích xã hội của đời sống con người, đặc biệt từ Công đồng Vatican thứ II”, đời sống kinh tế được cầu xin “Chúa thánh hoá” để người Công giáo, “trong tư cách là người Công giáo, người sống đạo bác ái, đạo dạy yêu thương hết thảy mọi người… ý thức thêm giá trị và trách nhiệm xã hội” của nó (đời sống kinh tế).

Vấn đề kinh tế càng trở nên quan trọng và bức bách, khi “thời gian mấy năm gần đây, đất nước ta đã từng bước đi vào nền kinh tế thị trường, trong đối nội và đối ngoại, mở rộng buôn bán có cạnh tranh theo cung cầu”. Vì ý thức được tầm quan trọng của vai trò phát triển kinh tế trong tương lai tiến bộ của đất nước, mà Đấng chủ chăn đã khẳng khái nêu lên những mặt yếu của cơ chế kinh tế thị trường.

Một mặt ngài mạnh dạn khẳng định “nó phát huy quyền tự do sáng kiến và tài năng cá nhân cũng như tập thể, nó kích thích nhiệt tình lao động sáng tạo và nên cơ hội cho nguồn thu nhập được cao hơn và nhanh hơn. Sự phong phú đa dạng và náo nhiệt trong sinh hoạt kinh tế các chợ búa và đường phố cho thấy rõ thực tại đó”.

Mặt khác, ngày xót xa vạch ra “kinh tế thị trường lại bao hàm nhiều mối nguy cơ đe dọa nền đạo hạnh và nhân nghĩa vốn là gia sản tinh thần ngàn đời của dân tộc Việt Nam chúng ta”. Bởi thế, ngài đã tha thiết kêu gọi người Công giáo phải “tỉnh thức (và) cầu nguyện xin Chúa được sống và làm ăn cho xứng đáng danh nghĩa Công giáo, danh nghĩa đạo bác ái ngay trong những sáng kiến về việc làm và cách tổ chức sinh hoạt kinh tế”.

Có như thế mới tránh được “nguy cơ đe dọa tinh thần đạo đức là lấy tiền bạc của cải làm lẽ sống, khiến liều mình quên cả đạo lý, đặc biệt là sự sống công bằng và nhân ái trong mọi hoạt động kinh tế, nguy cơ dẫn tới sự chênh lệch ngày càng lớn giữa một thiểu số người làm giàu rất nhanh và rất lớn, với đa số đồng bào là người nghèo và khó khăn thêm”.

Trong số những người giàu và những người nghèo này, tuy ngài không nói rõ ra, đều có người Công giáo chúng ta. Do vậy ngài mới nhắc nhở chúng ta, “cách riêng những người và những tập thể có may mắn vật chất, thức tỉnh mà biết đến nhau, biết đến đồng bào nghèo”.

Tất nhiên là trình bày như trên, vị trí vai trò trọng yếu của hoạt động kinh tế, công bằng và bác ái, dù trong cơ chế thị trường, chưa được đào sâu, với những thuật ngữ thích hợp, vì Chủ chăn chúng ta nào phải là chuyên gia kinh tế? Song ý hướng, cũng như điều ngài muốn nói, tâm tình ngài muốn bộc lộ, đã được thể hiện sáng tỏ trong câu đã nêu: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh cách riêng về điểm này với anh chị em”. Rõ ràng, vấn đề kinh tế là nội dung trọng điểm của toàn bức thư chúc mừng.

Định hướng đã được chỉ dẫn ra một cách không thể nghi ngờ gì nữa. Phần còn lại thuộc về giáo dân chúng ta, người làm kinh tế. Làm kinh tế như thế nào? Đó là điều ta cần suy tư, cầu nguyện, trao đổi với nhau, để thể hiện cho bằng được khả năng hiện thực của việc làm kinh tế tốt, tức là, trong tinh thần tôn trọng tuyệt đối “Công bằng và bác ái (như) Tin Mừng của Chúa Kitô”. Giáo dân càng làm kinh tế tốt, thì “Đạo càng được canh tân” và Đạo càng phát triển hòa nhịp với “Đời càng ra sức đổi mới”.

Hiệp thông và tỉnh thức”, phải chăng đó là cốt lõi của thông điệp đầu xuân con gà của Đấng chủ chăn? Hiệp thông với tổ tiên là để hiệp thông với đồng bào. Hiệp thông với đồng bào là để “thương yêu nhau xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc”, bằng cách làm kinh tế tốt trên nền tảng công bằng và bác ái của Tin mừng. Làm kinh tế tốt phải biết thức tỉnh để nhớ nhiệm vụ, tránh nguy cơ và “cầu nguyện mãi mãi trong năm”, nhứt là năm con gà mà vai trò xã hội là đánh thức chúng ta.

(Công Giáo và Dân Tộc 21-2-1993)

ĐỀ NGHỊ SỬA LỜI KINH LẠY CHA

Lâm Võ Hoàng

Ai cũng biết Kinh Lạy Cha là kinh duy nhứt được Chúa Giêsu “soạn” riêng cho chúng ta đọc, khi cầu nguyện Thiên Chúa. Cho nên, có thể nói là những nội dung cốt yếu nhứt của đức tin Công giáo đều gom hết trong đó. Nhờ cách lưu truyền dựa trên khẳng định: “Trời đất có thể qua đi, không một chấm nào của Lời Ta có thể thay đổi”, mà ngày nay, chúng ta diễm phúc được cầu nguyện hằng ngày bằng ngôn từ sát với huấn dụ của Chúa hai ngàn năm trước.

Bởi vị trí hết sức đặc biệt như vậy trong đời sống đức tin, không ai có thể bàng quan trước việc sửa đổi lời Kinh Lạy Cha, nhứt là khi được nghe có “vấn đề” gì đó(?). Riêng tôi, xin cám ơn cha Vũ Quang Tuyến đã mạnh dạn nhận định thẳng thắn trong bài “Phải chăng đã có Kinh Lạy Cha chính thức ?”(CG&DT 27-9-92)và vô củng tâm đắc với nhận xét thấu đáo của cha: “Kinh Lạy Cha đã ăn sâu vào xương tuỷ người có đạo”. Tâm đắc, vì gắn liền với kỷ niệm “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy”. Hơn bốn mươi năm trước, một buổi chiều tà, bỗng nhiên tôi làm gan bước vào một nhà thờ đầy ắp người ngồi, đầy ắp tiếng cầu kinh, như hai lượn sóng triều, dồi qua dập lại, làm tôi choáng ngợp trước cú sốc văn hóa đầu tiên trong đời. Chỉ trong gang tấc mà mọi các đều lạ lẫm, nhứt là lời kinh xưa rích, quê trân, kêu “bây”, xưng “tao”, gọi “quân dữ” v.v… Hai bài kinh lặp đi lặp lại như ngựa phi (Lạy Cha), như đưa võng (Kính Mừng), lần đầu gây trong tôi một ấn tượng êm đềm, không thể giải thích. Từ đáy tâm hồn, thốt lên một lời cảnh giác: “Muốn vô đạo, thì phải chấp nhận tất cả những cái này”. Và tôi đã chấp nhận.

Bởi đã dứt khoát chấp nhận tất cả “những cái đó” làm của tôi, mà hôm nay, tôi tự thấy bổn phận trình bày một số suy nghĩ riêng về dự thảo “Kinh Lạy Cha chính thức”, để đóng góp vào giòng suy nghĩ chung của cộng đoàn:

1/ Điều rủi cho “đạo ta” là không làm chủ được một cách nhuần nhuyễn ngôn ngữ triết học-siêu hình hán nôm bác lãm, súc tích, thâm trầm, như trong các kinh sách Phật giáo đại thừa. Mặc dù ta không thiếu những đấng bậc tinh thông hán học, nhưng hình như có “cái gì đó” khiến ta không sao vận dụng lưu loát hán nôm, để diễn đạt chính xác thuật ngữ tín lý của ta. Trong khi bên Phật giáo, khởi đầu từ thánh sư Đường Huyền Trang đã chuyển tả thành công giáo lý, từ tiếng sanscrit và pâli, ra tiếng Hán tuyệt vời. Phải chăng “cái gì đó” là sự thâm nhập chưa đầy đủ của “đạo ta” vào nền văn hóa dân tộc mà ngôn ngữ hán nôm là bộ phận cấu thành?

2/ Ngược lại, thế mạnh (ít ra trước kia) của ta là nắm vững kho tàng ngôn ngữ dân dả của những từng lớp thấp, thất thế trong xã hội, gồm những dân lưu tản, bần cùng Thái Bình, Nghệ An, Hòn Đất, Lái Thiêu. Chính các “cố đạo”, vì nhu cầu phục vụ dân quê dốt chữ (hán nôm) đã ra công “chế tạo” chữ “quốc ngữ” mà chưa có chữ viết Latinh hóa nào trong khu vực (Nhật, Hoa , Phi, Mã Lai, Indonesia) đạt được mức thích hợp hoàn hảo tuyệt vời như chữ Việt. Các tự điển tiếng Việt đồ sộ đều do các cố đạo (A. de Rhodes, Génibriel, Gustave Hue, Cadière, v.v…) hoặc bổn đạo (Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của v.v…) đóng góp vào kho tàng văn hoá chung của dân tộc.

Rõ ràng, hàng thế kỷ trước đây, những vị đã soạn những kinh bổn hiện dùng, đều nắm rất vững “linh hồn”vừa của tiếng Việt, do đó, bảo đảm rất chắc nội dung thần học của ngôn từ sử dụng. Ngày nay, muốn thay đổi cho dễ hiểu, hợp thời, một số từ mà ta cho là nôm na, lạc hậu, điều cần thiết là phải tiếp tục bảo đảm nội dung súc tích bằng hay hơn trước. Nếu chỉ vì mục tiêu dễ hiểu mà thay đổi bằng những ngôn từ (xin lỗi) trình độ báo chí, thì thà giữ lại tiếng xưa cũ, “ăn chắc mặc dày”!

3/ Mỗi định chế xã hội đặc thù nếu có ngôn ngữ đặc thù, càng có bề dày lịch sử, càng khả kính của nó, do giá trị xúc cảm tích luỹ lâu đời trong đó. Ngôn nhữ tôn giáo thể hiện những khái niệm siêu hình, mặc khải, không thể thấu hiểu tức khắc bằng trí tuệ, mà phải thông qua cảm nhận của tâm linh. Do vậy, khi cần thiết, ngôn từ mới, một mặt, không nên quá xa lạ, trần tục, mặt khác, phải có tác dụng làm sáng ý hơn, tức là giúp tín hữu đào sâu hơn nội dung tín lý ẩn tàng trong ngôn từ cần sửa đổi. Tóm lại, sự sửa đổi phải thể hiện tính hơn hẳn, mới tránh cãi vã và sự tuân phục mới đi đôi với sự khâm phục.

4/ Am tiết, nhịp điệu bài kinh là nề nếp của ký ức, do đó, không thể xem nhẹ. Sửa đổi mà phá vỡ tiết tấu, âm điệu quen thân từ trong lòng mẹ, có thể dẫn tới lạc lõng, chới với trong nguyện cầu. Bên Pháp, khi Tổng thống Giscard d’ Estaing, vốn là nhạc sĩ phong cầm, muốn sửa đổi tiết điệu bài quốc ca La Marseillaise, nhưng không được ai tán thành, nên không dám thử nghiệm. Mới đây, khi khai mạc thế vận hội mùa đông 1992 tại Albertville, quốc ca Pháp, nước chủ nhà, được một em bé hát vang lên, với lời sặc mùi ăn gan uống huyết nước Đức, “đệ nhứt bồ tèo, sinh tử chi giao” của Pháp hiện nay, một số nhân sĩ, nhà văn, nhà báo đòi sửa lại lời ca phản động lỗi thời đó, nhưng đành chào thua trước sự dửng dưng của dư luận, cho rằng lịch sử là lịch sử, lịch sử là ký ức chung, không thể, không nên thay đổi vì hiện tại. Ay, chuyện nhỏ mà còn thế!

5/ “Bứt mây động rừng”, sửa lời Kinh Lạy Cha, không thể không tiến hành sửa lại tòan bộ kinh sách, vì những từ được sửa đổi ở đây, không thể được giữ nguyên ở kia.

Nhận định như trên, người viết không những không chủ trương bảo thủ bản văn hiện hành, mà còn vui mừng đóng góp. Vì “rượu đã rót ra, thì phải uống cạn”, ít ra, còn được “một tiếng khà” như cụ Nguyễn Khuyến. Sau đây, là ý kiến đóng góp thô thiển cho bản văn dự thảo Kinh Lạy Cha.

- “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”. Kính đề nghị giữ nguyên: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, gọn nhẹ, sát nghĩa, khỏe khoắn hơn.

- “Xin làm cho danh Thánh Cha vinh hiển”. Kính đề nghị giữ nguyên: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng”, vì “chúng con nguyện” nêu bật ý nghĩa tòan bài là một lời cầu nguyện, do đó, không vì yêu cầu sắp xếp một loại điều “xin”, mà bỏ qua ý nghĩa trên đây và “danh Cha cả sáng”, với “cả” là lớn, trọng hơn hết, trùm khắp hết và “sáng” là chói loà, rõ ràng, “cả sáng” như vậy, “vinh hiển” nào bằng?

- “Triều đại Cha mau đến”. Kính đề nghị giữ nguyên: “Nước Cha trị đến”. Cha V.Q.Tuyến đã giải thích tường tận về chữ “Nước”, không thể nói gì hơn. Chỉ xin phép tự hỏi “Nên gọi Nước Trời (như hạt cải) bằng gì đây?”. Chữ “Trị” có nghĩa là cai trị, sửa trị, tức là làm chủ, để lập trật tự mới, hết loạn. “Trị đến” hàm ý đã trị rồi, xin mau mở rộng đến. Vì đây là lời cầu, hễ cầu là mong, hễ mong là muốn cho mau tới. Cho nên, không có chữ mau”, vẫn không mất ý nghĩa “mau” trong “trị đến”.

- “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Kính đề nghị: “Ý Cha được vâng dưới đất cũng như trên trời”. Y Chúa có thể thể hiện như trong Sáng Thế: “Anh sáng hãy có và Anh sáng đã ló”. Ở đây, yêu cầu đặt ra cao hơn! Đó là: Nguyện xin ý Chúa được vâng bởi những tạo vật có tự do, ở dưới đất cũng như trên trời, trở lại với tuyệt đỉnh của tự do, là biết vâng phục trong tự do, tức là tự do vâng phục Đấng Sáng tạo mình. Từ đó, giải quyết những rối loạn gây ra bởi Lucifer trên trời và Adam dưới đất.

- “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Kính xin nhất trí.

- “Xin tha tội cho chúng con”. Kính đề nghị: “Và tha tội xúc phạm của con”. Chữ “Và” xuống câu êm ái, xin giữ. “Tội xúc phạm” nhấn mạnh và làm sáng rỏ ý nghĩa nội dung thần học của phạm trù “tội”, thực chất là xúc phạm Thiên Chúa, nên Thiên Chúa có quyền tha tội, để ta sạch tội, giao hòa trở lại với Thiên Chúa.

Trong tôn giáo khác, tội thuộc phạm trù khách quan, hễ phạm tội là phải trả quả không kiếp này thì kiếp sau, không ai có quyền tha. Việc xưng tội và giải tội là nội dung khó “nuốt” nhứt cho ai muốn “trở lại đạo”.

- “Như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”.Kính đề nghị: “Như chúng con cũng tha kẻ xúc phạm chúng con”. Yêu cầu ở đây là phải tha thứ từ kẻ xúc phạm tự ái mình bằng lời ăn tiếng nói, cho tới kẻ ác độc xúc phạm oan uổng mạng sống mình (như các thánh tử đạo).

- “Xin đừng để chúng con sa chước cám do”. Kính đề nghị: “Xin chớ để chúng con bị sa cám dỗ”. Xin giữ “chớ” đồng nghĩa với “đừng”, nhưng quen thuộc hơn, ngoài ra, còn làm rắn rỏi âm điệu của câu hơn. “Bị” ở đây nói lên thân phận con người, ngày càng yếu đuối trước áp lực mãnh liệt, tinh vi của cám dỗ, ngày càng có chiều kích vĩ mô, bao trùm con người, như ân sủng, cho nên con người thường “bị sa” hơn là (muốn) “sa”, và hơn bao giờ hết, cần đến sự thông cảm thứ tha của Thiên Chúa và Giáo hội. Ngoài ra, “cám dỗ” tự thân là một “chước” phỉnh gạt làm cho xiêu lòng. Nói “ chước cám dỗ” là kéo phạm trù cám dỗ xuống chiều kích vi mô, nhắm từng cá nhân.

- “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dư”. Kính đề nghị: “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự ác”. “Ác” vừa đồng nghĩa (xưa) với “dữ”, vừa bao hàm thêm ý “tội lỗi”. Ngày nay, ý nghĩa của “dữ” đã mờ nhạt: chó dữ nhưng không ác.

Trên đây là góp ý dốt nát của một giáo dân nói theo hiểu biết nông cạn. Có chi thất thố, cúi xin bề trên thông cảm.

(Công Giáo và Dân Tộc 1-11-1992)

ĐẾN VỚI CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC

Lâm Võ Hoàng
Đạo ta là đạo của sự sống phức tạp, của những con người phức tạp. Nhưng tuyệt vời chính là sự thánh ẩn tàng trong cái xô bồ, lu bù đời thường. Tờ Công Giáo và Dân Tộc, như mỗi người chúng ta, không thoát khỏi qui luật đó.
Có thể nói tôi đến với báo Công giáo và Dân tộc bằng ba bước: chùi chân, vào nhà và ngồi xuống.
Bước chùi chân, khi tình cờ tôi lượm được một mảnh giấy báo ( ở trong trại, giấy báo quý hiếm lắm!). Kiếm chỗ vắng đem đọc, thì ra một đoạn Tin mừng của thánh lễ Chúa nhật. Đọc kỹ các cột khác thì biết chắc mảnh báo này chỉ mới gần đây. Lòng tôi bồi hồi xúc cảm biết bao, khi nghĩ rằng “ngoài xã hội”, vẫn còn có điều kiện (hạn hẹp) để nghe Tin mừng. Tôi đọc đi đọc lại, nhấm nháp từng từ ngữ, câu văn “ngô nghê” (!), nước mắt cứ chực trào ra. Thật là khác với lời lẽ đầy trí tuệ của cuốn Kinh thánh Jerusalem bỏ túi mà tôi cất dấu bên mình giữ gìn kỹ hơn là con ngươi của mắt. Hỏi ra mới biết mảnh giấy in đó là của báo Công giáo và Dân tộc, cơ quan ngôn luận của “mấy ông cha yêu nước” mà tôi đã nghe nói đầy tai. Sau nhiều ngày dằn vặt tư tưởng, rốt cuộc, tôi đã giải quyết vấn đề: tờ báo nói trên là cần thiết, để, ít ra, còn nói lên được Tin mừng. Mọi cái khác đều thuộc lương tâm của mỗi người, chỉ có Chúa mới đủ quyền và đủ “thông tin” để phán xét. Ngòai ra, lời nói “tếu” của một nhà văn tài danh, chuyên môn “chọc ghẹo” Vatican, Roger Peyrefitte, đã làm cho tôi vui vẻ “miễn tố” : “Giáo hội Công giáo sở dĩ tồn tại được hai ngàn năm là nhờ, trong bất cứ biến thiên lịch sử nào, đều có con cái của Giáo hội ở hai bên chiến tuyến”. Thế là rõ và tôi chùi chân bước vào nhà.
Trở về xã hội, tất nhiên, tôi là độc giả trung thành của CG&DT. Hằng tuần, chị Xê ở nhà thờ Mai Khôi Tú Xương (nơi tôi rửa tội) vẫn dành cho tôi một số. Giá trị nội dung bài vở, thì, như ông bà mình nói, “bá nhơn bá bụng”. Chúa Trịnh đói bụng ăn tương của Trạng Quỳnh còn tấm tắc khen ngon, huống chi tôi không khó tính, mà lại đói bụng. Đói bụng tin tức Công giáo trong nước, ngoài nước, từ Toà thánh đến xóm đạo heo hút, từ tin chính luận đến tin lẩm cẩm. Tất cả đều là chuyện trong nhà, nhà chung, nhà ấm áp của mỗi người, của mọi người, chê cũng được, khen cũng được, nó vẫn vậy, chỉ có vậy, nhờ vậy mà còn cái để khen hay chê! Đạo ta là đạo của sự sống phức tạp, của những con người phức tạp. Nhưng tuyệt vời chính là sự thánh ẩn tàng trong cái xô bồ, lu bu đời thường . Tờ CG& DT, như mỗi người chúng ta, không thoát khỏi qui luật đó. Nhờ CG&DT, tôi được làm quen (qua chữ in) với những cây bút lớn Huỳnh Hay, Khổng Thành Ngọc và thích thú nhứt, với thơ “da ua” của Bùi Chí Vinh.
Bước ngồi xuống, khi nẩy trong lòng tôi ý nguyện đóng góp với CD&DT, trong lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực mà thành kiến cho là của ma quỉ. Vì thành kiến đó mà một số tín hữu Công giáo đã hầu như quên đức bác ái, công bằng, khi làm kinh tế. Niềm xác tín của riêng tôi là kinh tế không những không thiếu vắng sự có mặt của Chúa và tác động của Thánh Linh, mà Chúa còn có mặt thường trực, Thánh Linh còn tác động mãnh liệt, hơn bao giờ hết. Do đó, đức tin và kinh tế không những không mâu thuẫn với nhau mà còn có thể, thậm chí, rất cần, thâm nhập nhau, như nước chui vào, thấm nhuần cát.
Rồi thiên thần đã dẫn anh Lê Thuận Nghĩa đến nhờ tôi viết bài. Sự đáp ứng không tức khắc, như tôi muốn. Vì thú thật, viết cho Tuổi Trẻ dễ hơn, vì có thể viết đơn thuần chuyên môn, hơn nữa, như “thia thia quen chậu”, có thể luyến láy chút đỉnh không sao! Còn ở đây? Nói về đức tin với các chuyên gia thần học à? với các cha, các mẹ bề trên à ? Với các cụ trưởng lão nghiêm nghị à? Với các em trúng giai Đố Giáo lý có thưởng à? Hơn nữa, viết về kinh tế, khi trên CG&DT đã sáng loà ngọn đèn cao áp thủy ngân Lương Hữu Định, với sở học nặng chắc như vàng khối à? Chả dại, hãy suy nghĩ! Sau nhiều ngày dằn vật tư tưởng ( một lần nữa) và với sự kiên trì thuyết phục của anh Nghĩa, tôi đã nhận lời, sau khi tìm được lối thoát. Ư! Tôi là giáo dân, trình độ tôi chỉ có thế, nhưng tôi cũng là dân Chúa, cũng có tiếng nói trong cộng đoàn. Từ thời Môi-sê, tiếng nói đó cũng nặng ký lắm chứ! Vả lại trình độ thần học của giáo dân, thấp hay cao là trách nhiệm của giáo sĩ là thầy dạy. Vậy thì giáo dân cứ hãy mạnh dạn là giáo dân. Trong kinh tế, người sản xuất, người tiêu thụ đâu có trình độ như các nhà kinh tế học nhưng chính tâm lý và thái độ ứng xử của họ mới là nguồn gốc và nền tảng của kinh tế thị trường, chớ không phải là lý thuyết xuất phát từ cái não và não trạng của các nhà kinh tế học. Do vậy trách nhiệm của các nhà kinh tế học là nâng cao dân trí về kinh tế, để từ đó, mỗi người, mọi người có tâm lý đúng đắn và có thái độ ứng xử phù hợp, để cơ chế kinh tế thị trường họat động điều hòa, phát triển, đem lại lợi ích ngày càng cao hơn cho mỗi người và mọi người. Thế là tôi ngồi xuống “trước pháp trường trắng”.(*)

* tình cảnh người viết văn ngồi trước tờ giấy trắng (theo Nguyễn Tuân, báo Hà nội mới chủ nhật kể)


(Công Giáo và Dân Tộc 12-7-1992)


KHẢ THI CHĂNG LÀM KINH TẾ TỐT VÌ YÊU MẾN CHÚA?

Lâm Võ Hoàng

Sau khi bài “Con có yêu mến Thầy không?Hãy làm kinh tế tốt”(Báo CG&DT số 856) ra mắt bạn đọc, Toà soạn và người viết có nhận câu hỏi: “Thế nào là làm kinh tế tốt?” Mặc dù sự đời là nói chung chung dễ hơn là nói chính xác và thực tiễn làm kinh tế tốt “chua cay” hơn khuyên bảo làm kinh tế tốt, nhưng với ý thức trách nhiệm với bạn đọc, người viết xin cố gắng trình bày vài suy nghĩ độc lập thô thiển của một người Công giáo với những người đồng đạo về vấn đề này như sau:

Trước hết, phạm trù kinh tế, thực ra không xa lạ với đức tin chúng ta. Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, qua Tin mừng, đã thể hiện là một nhà kinh tế lỗi lạc, với cái nhìn hết sức chuyên môn, hiện đại, có giá trị kinh điển, ngay trong những năm cuối thế kỷ 20.

Điển hình như dụ ngôn chủ nhà giao bạc nén để sinh lợi cho các gia nhân. Ai cũng cố gắng lo lam lo làm để báo cáo thành tích tốt làm vừa lòng chủ. Đứa tưởng mình khôn lõi bèn chọn giải pháp nằm phè, tới ngày báo công, chỉ mang trả lại nén bạc được trao. Khi bị phê phán sao không đem gởi ngân hàng còn mắng ngược chủ nhà không biết gieo, chỉ thích gặt!. Như dụ ngôn cây nho không ra trái, thì phải chặt bỏ, vì đó là một đầu tư không sinh lợi, chiếm vốn vô ích. Nhưng trong trường hợp khác, thì Chúa đồng ý cho hoãn chặt. Mục đích là để rà soát lại cách thức đầu tư đã được tiến hành đúng đắn đầy đủ chưa, tránh sự nóng nảy đôi khi chưa hẳn là quyết đoán. Như dụ ngôn Nước Trời như gieo hạt giống, há chẳng phải là bài học xuất sắc về chiến lược và kỹ thuật đầu tư hiện đại ư ? Đầu tư là phải chọn đất và cách gieo thích hợp, không những phải chăm sóc, mà còn phải chăm lo bảo vệ (chim trời , cỏ dại) . Nếu tiến hành đúng đắn, đầu tư sẽ đem lại những lợi ích thiết thực to lớn các mặt mà Chúa mô tả, y như trong phần kết một phương án khả thi của Price Waterhouse lừng danh thế giới. Như sự kiện Chúa đập phá, đánh đuổi những tên bán vật tế, đổi bạc cúng, trong đền thánh, vì chúng đã dựa vào độc quyền tế tự của bọn thầy cả, để chiếm thu “siêu lợi vị trí”, kiếm chác tồi tàn trên niềm tin cao cả của quần chúng, biến nơi thờ phụng thiêng liêng thành chợ trời huyên náo.

Vì vậy, ta có thể được bảo đảm rằng khi hiến dâng lên Chúa lòng yêu mến tràn trề, thể hiện dưới dạng của lễ “làm kinh tế tốt”, chắc chắn của lễ của ta sẽ được tiếp nhận bởi cặp mắt nhà nghề của bậc thầy, biết khám phá và đánh giá đúng mức mọi hy sinh, cố gắng chôn dấu trong đó, như bậc vương giả sành ăn biết nhận ra và thưởng thức từng mùi riềng, mẻ, tỏi , gừng, hành, tiêu, xả, ớt, cà cuống, húng lìu ướp trong miếng thịt?

Mặt khác, Chúa ta Nhập thể, tức là không trần tục, nhưng không thoát tục. Cõi thế trần, như hang Bêlem, có thể là nơi tột cùng của bần hèn, trơ trụi, hôi hám, tối tăm, nhưng nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa Giáng sinh, được sao sáng chiếu rọi, thiên sứ hoan ca, đạo vương phủ phục. Phục vụ thế trần, kinh tế là một phạm trù không bao giờ vắng bóng Thiên Chúa và tình yêu Thiên Chúa. Giờ đây khi kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến tiến bộ và hạnh phúc thế trần của loài người, thì đó là địa bàn tác động trọng điểm của Chúa Thánh Linh. Những vấn đề đạo đức gay gắt như tự do, dân chủ, nhân quyền, môi sinh, quyền “khác hơn”, quyền của thiểu số v.v… không thể được đặt ra trước lương tâm loài người, ngay cả trong lòng Giáo hội, nếu thiếu vắng một môi trường đã vượt quá mức “ăn no mặc ấm”. “Có thực mới vực được đạo” là đó.

Bởi vậy, giờ đây, “làm kinh tế” không thể thoát ly con người là đối tượng và mục tiêu của mọi hành vi kinh tế, và “làm kinh tế tốt” không gì khác hơn là mở rộng thu nhập để mở rộng tiêu thụ, từ đó, mở rộng sản xuất và kinh doanh, nguồn gốc của mở rộng thu nhập, đầu mối an sinh con người. Còn “làm kinh tế tốt, vì yêu mến Thiên Chúa” là như thế nào ? Là qui chiếu trọn vẹn về Chúa, khi làm kinh tế tốt, như mọi người. Tức là, như người ăn chay trong Tin mừng, vẫn xức dầu thơm, ăn mặc “xịn”, như mọi người, thậm chí phải dấu kín không để cho ai biết, như người cầu nguyện tìm nơi kín đáo, rằng Chúa là đích đích thực là nguồn cảm hứng chủ yếu của mọi hành vi kinh tế của mình.

Làm kinh tế tốt, trong chiều hướng này, là cầu mong đạt kết quả như người, chớ không cần “siêu” hơn người (vì muốn siêu đôi khi là cám dỗ). Nhưng bên trong, luôn luôn có những điều chỉnh thường xuyên khác người. Chẳng hạn như :không nên làm , vì đó là ác độc, kiêu căng , tham lam v.v… hoặc nên làm, vì đó là đòi hỏi của bác ái, công bằng, nhiệm vụ, là hy sinh dâng lên Chúa v,v,.. Tất nhiên không phải mỗi lần nhớ đến Lời Chúa là ta sẽ thực hiện được điều chỉnh nói trên như trong bài hát : “… làm việc gì cũng sẽ thành công”, vì nếu như thế, ta khỏi cần làm kinh tế tốt nữa, ta đã làm thánh rồi!

Qui chiếu về Chúa trước mỗi quyết định của ta, đó là cơ bản. Còn thực hiện chưa được hay chưa đủ, thì dịp khác, Chúa sẽ cho ơn giải quyết. Sở dĩ đặt ra yêu cầu quy chiếu về Chúa là vì kinh tế là phạm trù có khả năng thể hiện đức bác ái, công bằng và hy vọng, cho nên nơi đó, ân sủng nhiều mà cám dỗ cũng lắm. Kinh tế đã từng biến nhiều người thành yêu ma, nhưng cũng có khả năng giúp nên thánh, như tảng đá vấp được sử dụng thành viên đá góc, những người không coi thành công kinh tế của mình như đăng quang bản thân, từ đó được sử dụng như công cụ quyền uy, phương tiện hưởng thụ ích kỷ, riêng tư, mà như một đóng góp nhỏ bé vào sự nghiệp “đổi mới, đổi mới mặt địa cầu”, trong tin tưởng và tuân phục vào tác động của Thánh linh. Hoài bão của họ là bảo đảm bản thân không làm gánh nặng cho xã hội, đồng thời, góp phần đem lại văn minh no ấm, suy sướng cho nhiều người, để mọi con người, từ quả đất này, như tiền đình của Nước Trời, được hưởng chút hồng ân vật chất của Thiên Chúa. Như lời hứa trong Sáng thế, để từ đó, khao khát hồng ân siêu nhiên của Nước Trời và như nai nọ “tìm về nguồn nước trong”, dưới sự dẫn dắt của Giáo hội.

Muốn vậy, mỗi người Kitô hữu trong vị trí xã hội của mình, phải làm hết trách nhiệm lớn, nhỏ mà Chúa đã giao phó. Như người quản lý Nhà nước thì phải ra sức làm luật kinh tế chặt chẽ, đầy đủ, phù hợp với yêu cầu quốc gia và quốc tế, để làm khung và nền cho công tác quản lý, qui định kiểm soát, chế tài, hỗ trợ, đối phó đổi mới thường xuyên. Đó là những người “thế thiên hành đạo” trên bình diện kinh tế vĩ mô.

“Thế thiên hành đạo” trên vình diện kinh tế vi mochủ nhân, giám đốc xí nghiệp. Họ phải tiết kiệm, tích lũy để đầu tư, cải tiến, mở rộng hoạt động, duy trì, tạo mới công ăn việc làm cho người lao động, trả lương đầy đủ tạo no ấm và động cơ lao động tốt cho cho công nhân viên xí nghiệp. Đồng thời họ cũng phải tích cực góp phần phát triển sản xuất kinh doanh quốc gia, nền tảng và chỗ dựa của xí nghiệp họ.

Công nhân viên chức, trên cơ sở ý thức mình là một thành viên đóng góp vào quá trình sản xuất- kinh doanh, phải thể hiện tinh thần tích cực trách nhiệm, gắng sức làm ra sản phẩm tối ưu phục vụ người lao động tiêu dùng. Không gì đáng buồn cho bằng người lao động nghèo mua phải món hàng kém chất lượng, mau hư, thậm chí dỏm, ăn sinh bệnh. Đồng thời, họ cũng cần thông cảm hoàn cảnh khó khăn của xí nghiệp mà tích cực kiên trì hợp tác với người phụ trách để vượt khó, duy trì công ăn việc làm, chờ vận may sắp tới.

Người tiêu dùng phải cố gắng ủng hộ, tiêu dùng hàng nội hoa đàng hoàng, để bảo đảm công ăn việc làm cho đồng bào lao động của mình, cũng như cho mình. Xài hàng ngoại nhập, vì mê hoặc vọng ngọai là lỗi đạo với quốc gia, đồng bào, vì Chúa còn sắp đặt ranh giới quốc gia, thì ưu tiên dành cho sản phẩm quốc gia (đúng đắn) là nghĩa vụ. Tất nhiên, nghĩa vụ này còn tuỳ thuộc ý thức trách nhiệm của các đối tượng vĩ mô và vi mô nói trên đây. Nước Nhật được như ngày nay là nhờ biết làm hàng tiêu dùng trong nước tốt bằng, hoặc hơn hàng xuất khẩu.

Đây là bài học ta cần ghi nhớ, không những đối với sản phẩm tiêu dùng mà còn đối với những người tham gia làm ra các sản phẩm Nhật. Đó là Nhà nước Nhật, xí nghiệp Nhật, công nhân Nhật, người tiêu dùng Nhật. Họ chưa biết Chúa nhiều, nhưng về kinh tế, họ hành động trong thực tiễn như thể có Chúa. Nói như vậy, là để tự nhắc nhở và nhắc nhở nhau là “làm kinh tế tốt, vì yêu mến Chúa”, không phải là điều xa vời, mà là hoàn toàn khả thi.

(Báo Công giáo và Dân tộc 5-7-1992)