Wednesday 26 December 2007

NĂM QUỐC TẾ GIA ĐÌNH VÀ SÙNG KÍNH TỔ TIÊN

Lâm Võ Hoàng

NĂM 1994 là năm Quốc tế Gia đình. Điều đó có nghĩa là giá đình được thế giới, thuộc mọi hình thái văn minh văn hóa, nhìn nhận như một nguồn gốc giá trị của nhân loại, đúng hơn, có khả năng bảo đảm nâng cao giá trị nhân bản đích thực của con người và loài người.

Suy luận ngược lại, ta sẽ thấy sở dĩ hôm nay giá trị của gia đình, hay nói cách khác, gia đình như một cái nôi của những giá trị, được tôn vinh là vì thời gian qua, giá trị của gia đình đã bị hiểu lầm, chà đạp, thậm chí, phủ định. Bởi thái độ khe khắt áp chế của những người muốn (hoặc tưởng là) bảo vệ nó, bởi thái độ căm thù của những nạn nhân, vì lý do này, hay lý do khác, của cơ chế gia đình, hay thực tiễn gia đình của họ, thậm chí, bởi thái độ lãng mạn, lập dị của những kẻ không muốn chấp nhận, chịu đựng bất cứ ràng buộc nào của xã hội lớn hay nhỏ.

Nhưng khi xã hội ngày càng phát triển trên cơ sở kinh tế thị trường được nuôi dưỡng bởi tiến bộ khoa học – kỹ thuật, con người ngày càng khao khát một hệ thống giá trị tinh thần sâu xa, đồng thời, nhẹ êm, thông thoáng nào đó, không phải như nai khát mong tìm đến suối, mà như người ăn phở chờ bát trà sen thơm nóng, giải nhiệt. Họ càng khao khát, khi chứng kiến nhiều dân tộc tôn sùng giá trị xã hội, gia đình, bỗng chốc, nhờ được đào luyện bởi những giá trị đó, trở thành rồng kinh tế, hiên ngang uy hiếp các con hổ kinh tế Tây phương, tại sơn lâm của nó.

Khao khát hơn hết, chính là những con hổ kinh tế Au – Mỹ này. Bắt đầu thấy rõ căn bệnh rụng lông, sứt móng của họ bắt nguồn từ chỗ xã hội của họ ngày càng phi xã hội hóa, bởi xã hội lớn của họ chỉ gồm toàn là cá nhân, khác với cấu tạo tự nhiên là tổ chức gồm tế bào, đơn vị chứa đựng tất cả mầm mống giá trị của cơ thể. Tức là xã hội phải gồm các xã hội gia đình, nơi ở, trường học, bệ phóng và kho tàng căn tính của cá nhân, nơi đi về, nương náu, hồi phục của cá nhân.

Sở dĩ đạo ta, cho tới nay, vẫn ít nhiều mang dấu ấn ngoại lai, là bởi vì trong thời kỳ truyền giáo trước đây, ta đã phần nào phủ định một giá trị cốt lõi của địa bàn truyền giáo là nền văn minh Nho giáo. Đó là sự thờ kính tổ tiên. Có lẽ bởi hình thức thờ kính trang nghiêm, long trọng nào đó khiến ta lầm tưởng và đồng hóa với tôn thờ ngẫu tượng, từ đó, dẫn tới phủ định truyền thống thờ kính, đúng hơn, sùng kính tổ tiên, gây vết thương không nhỏ trong lòng kẻ tân tòng và gây cản ngại không ít cho những ai muốn đến (trở lại) với Chúa.

Thời gian trôi qua, Giáo hội chịu đựng nhiều áp lực phủ phàng đây đó trên thế giới, từ đó, mới có điều kiện suy nghĩ lại và lần lần nới lỏng, cho phép, nhưng không tổ chức, hoặc đề ra nguyên tắc tổ chức, sùng kính kỷ niệm tổ tiên cho giáo dân trong các xã hội có truyền thống lâu đời sùng kính tổ tiên. Cho nên, sự sùng kính tổ tiên còn nhút nhát, rụt rè, thậm thụt, giản đơn, thậm chí nhếch nhác. Từ đó, không đủ sức trở thành một giá trị văn hóa có khả năng giúp giáo dân leo nhanh hơn và tiến gần Chúa hơn và hiểu thêm Chúa, để yêu Chúa hơn.

Qua kinh nghiệm và suy nghĩ bản thân người viết là kẻ tân tòng muộn, thì không một nền văn minh nào coi trọng gia đình, nối dài từ tổ tiên và thấy trong gia đình một nguồn giá trị gần gũi nhất với Công giáo, như văn minh Nho giáo.

Trước hết, người cha là hiện thân của Thiên Chúa sáng tạo, bởi bằng hành động sáng tạo, từ hư vô (tương đối), cha đã tạo ra con. Trên đời này con người không thể tìm ra đâu một người thứ hai sáng tạo ra mình như người cha (thể xác) của mình. Tình cha thương yêu con, chăm sóc, dạy dỗ con, lòng yêu kính tự hào sâu kín giữa con và cha, dù sau này, khi con lớn lên, có cãi vã nhau với cha, giúp cho ta hiểu được phần nào tình yêu thương giữa Chúa Con và Chúa Cha. Do đó, cha được coi như trời, mẹ như biển và ân nghĩa giữa cha mẹ với con là bất tận bất diệt.

Trong gia đình, dù cha có dốt, nghèo, thậm chí, ít đạo đức hơn con, nhưng con vẫn coi cha là cha, vì cha hầu như (thật ra, đúng là) có một ân sủng thiêng liêng (charisme) nào đó của một con người được mang dấu ấn đặc biệt của Thiên Chúa Cha sáng thế. Chính do ân sủng đặc biệt đó, bố mẹ nông dân của các ông nghè được xã hội gọi là cụ cố, như ngày nay trong xã hội ta, bố mẹ linh mục cũng được gọi như vậy.

Người con thương yêu cha lúc sống, tiếp tục yêu thương sau lúc chết. Dù không biết cha mình đi về đâu (dù biết cũng không cần thiết), con vẫn tiếp tục nhớ tưởng thương yêu cha mình, như thể còn sống, còn sống trong lòng mình, vẫn tiếp tục dạy dỗ, uốn nắn mình, ăn ở cho phải đạo con người.

Chính lòng yêu thương đó là nguồn gốc của sùng kính kỷ niệm tổ tiên. Mục Liên dù đau khổ vì bà mẹ Thanh Đề (không ra gì) của mình, vẫn kính trọng, yêu thương mẹ và tìm cách hy sinh cứu chuộc mẹ. Vì yêu thương ở đây là yêu thương người mẹ, cao quí nhất trên đời, dù là trong thân xác tội lỗi của một người đàn bà khốn nạn. Hai tư cách ở trong một con người, đạo nào đã dạy cho ta biết điều đó ?

Do đó, thờ kính cha mẹ, tổ tiên không phải là sùng bái ngẫu tượng. Vì ngẫu tượng là thứ gì đâu, không ai biết, nhưng do bản năng sinh tồn, đành mất chút công bái lạy, hối lộ nó, như cười tình, nói nịnh với “thầy chú” xét hỏi mình dọc đường, cho được yên thân, tránh hoạ, mau qua ải. Đằng này khi sùng kính mẹ cha, tổ tiên, ta biết ta sùng kính ai và các đối tượng sùng kính này rõ ràng là đáng sùng kính, không phải vì đức hạnh con người, mà vì là hiện thân hình thể, trong trần gian, của Thiên Chúa.

Một nền văn minh nâng cao tuyệt đỉnh giá trị nhân luân: cha (mẹ) con, vợ chồng, như trong quan hệ giữa Thiên Chúa và tạo vật, giữa Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con, giữa Đức Kitô và Giáo hội, phải chăng là bất công khi coi truyền thống sùng kính tổ tiên như một nền văn minh thờ ngẫu tượng hay như một thứ mê tín dị đoan ? Dám mong các Đấng chủ chăn suy nghĩ lại lịch sử và ra giáo huấn khôi phục giá trị truyền thống đáng quí của dân tộc và tổ chức sùng kính kỷ niệm tổ tiên của người Công giáo sao cho phù hợp với quan niệm thờ tế của đạo ta và truyền thống của địa bàn mà Thiên Chúa sinh ta ra. Đó là cách tốt đẹp đề cao, phục vụ năm Quốc tế Gia đình mà đạo ta không thể bàng quan.

Công Giáo và Dân Tộc 6-3-94

No comments: