Wednesday 26 December 2007

NGƯỜI DUY NHẤT ĐƯỢC CHÚA GIÊSU ĐÍCH THÂN PHONG THÁNH

Lâm Võ Hoàng

Đó là “tên trộm lành”, người đã mắng “tên trộm dữ” không thấy được tội lỗi của mình, mà lại oán trách Đấng Cứu thế sao không tự cứu và cứu luôn chúng nó. Là người, đã liền đó, xin Chúa Giêsu, người đồng cảnh thụ hình, hãy nhớ tới “nó”, khi Người trở lại trị vì trên Thiên quốc. Chúa Giêsu đã không đợi cho tới lúc đó. Từ trên ngự tòa thập giá, Ngài đã chứng tỏ, lần cuối, cho muôn dân muôn thuở thấy rằng Ngài quả là, vẫn là Đấng Cứu thế đầy quyền năng tuyệt đối. Khi Ngài không những tha thứ, xóa sạch mọi tội lỗi, mà còn cho “nó” được về thiên đàng với Ngài, “ngay hôm nay”. Hình thức long trọng mà Ngài đã dùng : “Amen, Ta báo cho con biết, hôm nay, với Ta, con sẽ lên Thiên đàng”, xem ra không khác gì lúc Ngài tấn phong Phêrô: “Con là Đá, trên đá này v.v…”.

Rõ ràng đây là lễ nghi phong thánh do Chúa Giêsu đích thân cử hành, lần duy nhứt, cho một người sắp chết, tức là còn sống, cho một người cả đời hung ác, và bỏ sự hung ác đó mà có cơ duyên chịu chết chung với Đấng Cứu thế và được dịp may mắn ăn năn và nhận ra Ngài. Điều trớ trêu là Chúa Giêsu sắp bước vào cõi chết lại ban sự sống vĩnh hằng cho một người mà, đầy máu người vô tội, tội lỗi đã làm cho nó không đáng sống, ngay trong thế gian này.

Hình ảnh và ý nghĩa cuộc phong thánh lạ lùng này đã không ngớt đeo đuổi ám ảnh tôi trong suốt hành trình dằng dặc tìm đến Chúa và suốt thời gian, chưa dứt, về với Chúa. Mọi cái trong tấn bi kịch này hầu như được nâng lên đến cực điểm. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã chịu một sự thất bại tuyệt đối, vô phương cứu gỡ. Chính trong sự tan vỡ cùng cực này, mà Ngài đã được một người đồng cảnh thất bại nhận ra “chân tướng” Cứu thế của Ngài, chân tướng mà mọi người đều phủ định. Với sự chết đã gần kề, người đồng cảnh đó, không những tin rằng Ngài không thể chết, mà còn tin rằng Ngài có quyền năng giúp cho nó được sống đời đời. Trong điều kiện hầu như Thiên Chúa Cha cũng muốn “bỏ” Ngài, một niềm tin vào Ngài bất chợt sáng lòa trong bóng đêm dày đặc, nhứt là từ một người xưa nay chưa từng có một giây phút nào được gần Ngài, thử hỏi làm sao Ngài không rung động tâm can? Sự phong thánh đặc biệt duy nhứt như trên, xét ra chỉ là một đáp ứng tối thiểu.

Về phần “tên trộm lành”, nếu nó chỉ biết xót thương Ngài như người vô tội, chẳng hề làm điều chi không lành, thì cũng đủ cho Ngài chiếu cố tới nó sau này, bằng cách nào đó. Hà huống chi, trong điều kiện Ngài hoàn toàn không còn gì để cho ai, thậm chí hoàn toàn không thể cứu được mạng sống của mình, “nó” vẫn xin Ngài nhớ tới nó, khi Ngài trở về trời. Một lời xin tuyệt vời như vậy quả là chưa từng thấy và quả là hết sức xứng đáng với ân sủng vô tiền khoáng hậu mà Đấng Cứu thế đã dành cho nó, khi đích thân phong thánh cho “nó”. Niềm hy vọng của “nó” quả là gương sáng nghìn đời. Đức tin của “nó” cao siêu quá mức, khi “nó” vẫn thấy đó là Chúa vĩnh hằng, nơi một con người sắp hết là một con người, sắp trở thành một thây ma, đi vào thối rữa.

Ý nghĩa phục sinh là đó! Người tội lỗi tuyệt đối trở thành một ông thánh tuyệt đối. Trong nháy mắt ! Sự thất bại truyệt đối trở thành khởi điểm của một vinh quang tuyệt đối, bất diệt. Trong nháy mắt! Dấu ấn của Thiên Chúa là đó, là vậy đó! Con đường nên thánh có dáng dấp, phảng phất như vậy đó!

Điều an ủi giúp ta kiên trì trong hành trình nên thánh, đầy vấp ngã không thôi, chính là hình ảnh những môn đệ được Chúa Giêsu thương yêu đặc biệt, hầu như phần đông đều “có vấn đề”. Như Maria, bỏ phú công việc nhà cho chị, đến nỗi Martha phải “mét” với Chúa. Như Maria Mađalêna có quá khứ “phức tạp”. Như Phêrô chối Chúa. Thậm chí, như người đàn bà xứ Xamaritanô được Chúa trò chuyện thân mật bên giếng, mặc dù rằng nàng ta có số lượng chồng “quá tải”.

Bởi một lòng trắc ẩn xót thương, thông cảm bao la nào đó, hình như Chúa không mấy “đặt nặng” vấn đề tội lỗi, không mấy chú ý đến nội dung, cụ thể tội lỗi từng người. Chúa chỉ nhìn Phêrô! Chúa hoàn toàn tha thứ cho người đàn bà sắp bị ném đá, mà không hỏi han gì cả ! Có lẽ Chúa nghĩ rằng ta quá nhỏ bé, yếu hèn, không thể phạm tội lỗi gì đáng kể. Như con kiến hôi ăn cắp hạt đường cát, rồi ba chân bốn cẳng chạy trốn. Ai nỡ giết nó!

Điều mà “hình như” Chúa quan tâm hàng đầu, chính là sự kiện ta tự giác nhận ra Chúa, chọn Chúa, tin Chúa, tin vào sứ mạng của Chúa. Phêrô “láu táu” được chọn làm Giáo hoàng, chỉ nhờ trả lời đúng trọng tâm, đạt yêu cầu câu hỏi của Chúa: “Còn con, con cho Ta là ai ?”. Hình như sự “khát khao” của Chúa Giêsu là muốn được mọi người, trước hết, dân Do Thái, nhận ra thiên tính và thiên mệnh của mình, trong con người anh thợ mộc, con lão Giuse, cũng đồng thời là nỗi đau thầm kín của Ngài, thể hiện qua lời Ngài oán than nguyền rủa thành Giêrusalem phản trắc!

Do vậy, nhận ra Ngài, tin vào Ngài, trong mỗi giây phút cuộc đời, trong mỗi suy nghĩ, hành động hằng ngày, đời thường, phải chăng đó là yêu cầu cao nhứt mà Chúa chúng ta đặt ra cho ta? Phải chăng đó là điều duy nhứt mà Ngài cần, mà chỉ có ta mới có điều kiện “cho” Ngài được? Tội lỗi là phạm trù quan trọng, không thể coi thường, nhưng không phải là tất cả. Đứa con được cha mổ bê cho ăn, không phải là người anh cúc cung tận tụy với cha, mà là đứa em hoang đàng, nhưng biết hối lỗi, trở về với Cha. Phục sinh nhiệm mầu, nhiệm mầu Phục sinh, lạy Chúa, biết bao giờ con mới hiểu. Lạy ông thánh không tên, hãy giúp chúng em nhận ra Chúa trong mùa Phục sinh này. Amen !

Công Giáo và Dân Tộc 11-4-1993

No comments: