Wednesday 26 December 2007

KHẢ THI CHĂNG LÀM KINH TẾ TỐT VÌ YÊU MẾN CHÚA?

Lâm Võ Hoàng

Sau khi bài “Con có yêu mến Thầy không?Hãy làm kinh tế tốt”(Báo CG&DT số 856) ra mắt bạn đọc, Toà soạn và người viết có nhận câu hỏi: “Thế nào là làm kinh tế tốt?” Mặc dù sự đời là nói chung chung dễ hơn là nói chính xác và thực tiễn làm kinh tế tốt “chua cay” hơn khuyên bảo làm kinh tế tốt, nhưng với ý thức trách nhiệm với bạn đọc, người viết xin cố gắng trình bày vài suy nghĩ độc lập thô thiển của một người Công giáo với những người đồng đạo về vấn đề này như sau:

Trước hết, phạm trù kinh tế, thực ra không xa lạ với đức tin chúng ta. Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, qua Tin mừng, đã thể hiện là một nhà kinh tế lỗi lạc, với cái nhìn hết sức chuyên môn, hiện đại, có giá trị kinh điển, ngay trong những năm cuối thế kỷ 20.

Điển hình như dụ ngôn chủ nhà giao bạc nén để sinh lợi cho các gia nhân. Ai cũng cố gắng lo lam lo làm để báo cáo thành tích tốt làm vừa lòng chủ. Đứa tưởng mình khôn lõi bèn chọn giải pháp nằm phè, tới ngày báo công, chỉ mang trả lại nén bạc được trao. Khi bị phê phán sao không đem gởi ngân hàng còn mắng ngược chủ nhà không biết gieo, chỉ thích gặt!. Như dụ ngôn cây nho không ra trái, thì phải chặt bỏ, vì đó là một đầu tư không sinh lợi, chiếm vốn vô ích. Nhưng trong trường hợp khác, thì Chúa đồng ý cho hoãn chặt. Mục đích là để rà soát lại cách thức đầu tư đã được tiến hành đúng đắn đầy đủ chưa, tránh sự nóng nảy đôi khi chưa hẳn là quyết đoán. Như dụ ngôn Nước Trời như gieo hạt giống, há chẳng phải là bài học xuất sắc về chiến lược và kỹ thuật đầu tư hiện đại ư ? Đầu tư là phải chọn đất và cách gieo thích hợp, không những phải chăm sóc, mà còn phải chăm lo bảo vệ (chim trời , cỏ dại) . Nếu tiến hành đúng đắn, đầu tư sẽ đem lại những lợi ích thiết thực to lớn các mặt mà Chúa mô tả, y như trong phần kết một phương án khả thi của Price Waterhouse lừng danh thế giới. Như sự kiện Chúa đập phá, đánh đuổi những tên bán vật tế, đổi bạc cúng, trong đền thánh, vì chúng đã dựa vào độc quyền tế tự của bọn thầy cả, để chiếm thu “siêu lợi vị trí”, kiếm chác tồi tàn trên niềm tin cao cả của quần chúng, biến nơi thờ phụng thiêng liêng thành chợ trời huyên náo.

Vì vậy, ta có thể được bảo đảm rằng khi hiến dâng lên Chúa lòng yêu mến tràn trề, thể hiện dưới dạng của lễ “làm kinh tế tốt”, chắc chắn của lễ của ta sẽ được tiếp nhận bởi cặp mắt nhà nghề của bậc thầy, biết khám phá và đánh giá đúng mức mọi hy sinh, cố gắng chôn dấu trong đó, như bậc vương giả sành ăn biết nhận ra và thưởng thức từng mùi riềng, mẻ, tỏi , gừng, hành, tiêu, xả, ớt, cà cuống, húng lìu ướp trong miếng thịt?

Mặt khác, Chúa ta Nhập thể, tức là không trần tục, nhưng không thoát tục. Cõi thế trần, như hang Bêlem, có thể là nơi tột cùng của bần hèn, trơ trụi, hôi hám, tối tăm, nhưng nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa Giáng sinh, được sao sáng chiếu rọi, thiên sứ hoan ca, đạo vương phủ phục. Phục vụ thế trần, kinh tế là một phạm trù không bao giờ vắng bóng Thiên Chúa và tình yêu Thiên Chúa. Giờ đây khi kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến tiến bộ và hạnh phúc thế trần của loài người, thì đó là địa bàn tác động trọng điểm của Chúa Thánh Linh. Những vấn đề đạo đức gay gắt như tự do, dân chủ, nhân quyền, môi sinh, quyền “khác hơn”, quyền của thiểu số v.v… không thể được đặt ra trước lương tâm loài người, ngay cả trong lòng Giáo hội, nếu thiếu vắng một môi trường đã vượt quá mức “ăn no mặc ấm”. “Có thực mới vực được đạo” là đó.

Bởi vậy, giờ đây, “làm kinh tế” không thể thoát ly con người là đối tượng và mục tiêu của mọi hành vi kinh tế, và “làm kinh tế tốt” không gì khác hơn là mở rộng thu nhập để mở rộng tiêu thụ, từ đó, mở rộng sản xuất và kinh doanh, nguồn gốc của mở rộng thu nhập, đầu mối an sinh con người. Còn “làm kinh tế tốt, vì yêu mến Thiên Chúa” là như thế nào ? Là qui chiếu trọn vẹn về Chúa, khi làm kinh tế tốt, như mọi người. Tức là, như người ăn chay trong Tin mừng, vẫn xức dầu thơm, ăn mặc “xịn”, như mọi người, thậm chí phải dấu kín không để cho ai biết, như người cầu nguyện tìm nơi kín đáo, rằng Chúa là đích đích thực là nguồn cảm hứng chủ yếu của mọi hành vi kinh tế của mình.

Làm kinh tế tốt, trong chiều hướng này, là cầu mong đạt kết quả như người, chớ không cần “siêu” hơn người (vì muốn siêu đôi khi là cám dỗ). Nhưng bên trong, luôn luôn có những điều chỉnh thường xuyên khác người. Chẳng hạn như :không nên làm , vì đó là ác độc, kiêu căng , tham lam v.v… hoặc nên làm, vì đó là đòi hỏi của bác ái, công bằng, nhiệm vụ, là hy sinh dâng lên Chúa v,v,.. Tất nhiên không phải mỗi lần nhớ đến Lời Chúa là ta sẽ thực hiện được điều chỉnh nói trên như trong bài hát : “… làm việc gì cũng sẽ thành công”, vì nếu như thế, ta khỏi cần làm kinh tế tốt nữa, ta đã làm thánh rồi!

Qui chiếu về Chúa trước mỗi quyết định của ta, đó là cơ bản. Còn thực hiện chưa được hay chưa đủ, thì dịp khác, Chúa sẽ cho ơn giải quyết. Sở dĩ đặt ra yêu cầu quy chiếu về Chúa là vì kinh tế là phạm trù có khả năng thể hiện đức bác ái, công bằng và hy vọng, cho nên nơi đó, ân sủng nhiều mà cám dỗ cũng lắm. Kinh tế đã từng biến nhiều người thành yêu ma, nhưng cũng có khả năng giúp nên thánh, như tảng đá vấp được sử dụng thành viên đá góc, những người không coi thành công kinh tế của mình như đăng quang bản thân, từ đó được sử dụng như công cụ quyền uy, phương tiện hưởng thụ ích kỷ, riêng tư, mà như một đóng góp nhỏ bé vào sự nghiệp “đổi mới, đổi mới mặt địa cầu”, trong tin tưởng và tuân phục vào tác động của Thánh linh. Hoài bão của họ là bảo đảm bản thân không làm gánh nặng cho xã hội, đồng thời, góp phần đem lại văn minh no ấm, suy sướng cho nhiều người, để mọi con người, từ quả đất này, như tiền đình của Nước Trời, được hưởng chút hồng ân vật chất của Thiên Chúa. Như lời hứa trong Sáng thế, để từ đó, khao khát hồng ân siêu nhiên của Nước Trời và như nai nọ “tìm về nguồn nước trong”, dưới sự dẫn dắt của Giáo hội.

Muốn vậy, mỗi người Kitô hữu trong vị trí xã hội của mình, phải làm hết trách nhiệm lớn, nhỏ mà Chúa đã giao phó. Như người quản lý Nhà nước thì phải ra sức làm luật kinh tế chặt chẽ, đầy đủ, phù hợp với yêu cầu quốc gia và quốc tế, để làm khung và nền cho công tác quản lý, qui định kiểm soát, chế tài, hỗ trợ, đối phó đổi mới thường xuyên. Đó là những người “thế thiên hành đạo” trên bình diện kinh tế vĩ mô.

“Thế thiên hành đạo” trên vình diện kinh tế vi mochủ nhân, giám đốc xí nghiệp. Họ phải tiết kiệm, tích lũy để đầu tư, cải tiến, mở rộng hoạt động, duy trì, tạo mới công ăn việc làm cho người lao động, trả lương đầy đủ tạo no ấm và động cơ lao động tốt cho cho công nhân viên xí nghiệp. Đồng thời họ cũng phải tích cực góp phần phát triển sản xuất kinh doanh quốc gia, nền tảng và chỗ dựa của xí nghiệp họ.

Công nhân viên chức, trên cơ sở ý thức mình là một thành viên đóng góp vào quá trình sản xuất- kinh doanh, phải thể hiện tinh thần tích cực trách nhiệm, gắng sức làm ra sản phẩm tối ưu phục vụ người lao động tiêu dùng. Không gì đáng buồn cho bằng người lao động nghèo mua phải món hàng kém chất lượng, mau hư, thậm chí dỏm, ăn sinh bệnh. Đồng thời, họ cũng cần thông cảm hoàn cảnh khó khăn của xí nghiệp mà tích cực kiên trì hợp tác với người phụ trách để vượt khó, duy trì công ăn việc làm, chờ vận may sắp tới.

Người tiêu dùng phải cố gắng ủng hộ, tiêu dùng hàng nội hoa đàng hoàng, để bảo đảm công ăn việc làm cho đồng bào lao động của mình, cũng như cho mình. Xài hàng ngoại nhập, vì mê hoặc vọng ngọai là lỗi đạo với quốc gia, đồng bào, vì Chúa còn sắp đặt ranh giới quốc gia, thì ưu tiên dành cho sản phẩm quốc gia (đúng đắn) là nghĩa vụ. Tất nhiên, nghĩa vụ này còn tuỳ thuộc ý thức trách nhiệm của các đối tượng vĩ mô và vi mô nói trên đây. Nước Nhật được như ngày nay là nhờ biết làm hàng tiêu dùng trong nước tốt bằng, hoặc hơn hàng xuất khẩu.

Đây là bài học ta cần ghi nhớ, không những đối với sản phẩm tiêu dùng mà còn đối với những người tham gia làm ra các sản phẩm Nhật. Đó là Nhà nước Nhật, xí nghiệp Nhật, công nhân Nhật, người tiêu dùng Nhật. Họ chưa biết Chúa nhiều, nhưng về kinh tế, họ hành động trong thực tiễn như thể có Chúa. Nói như vậy, là để tự nhắc nhở và nhắc nhở nhau là “làm kinh tế tốt, vì yêu mến Chúa”, không phải là điều xa vời, mà là hoàn toàn khả thi.

(Báo Công giáo và Dân tộc 5-7-1992)

No comments: