Wednesday 26 December 2007

Kỷ niệm 18 năm ra mắt bạn đọc: NHƯ CÓ NGƯỜI BẠN TRONG ĐỜI

Lâm Võ Hoàng

Người viết thuộc “diện” được báo hiếu. Tuy nhiên, không phải vì không mất tiền mua, mà cứ sáng thứ sáu là tôi bắt đầu trông ngóng tờ Công giáo và dân tộc. Có khi, ngóng cho tới sáng thư hai. Nhiều khi sốt ruột quá phải chạy mua của chị Xê, ở nhà thờ Mai Khôi, để rồi gặp cảnh tôi đưa chị nghìn hai, nghìn rưỡi, hai nghìn, tùy tình hình tiền giấy trong ví, nhưng chị nhất định chỉ lấy một nghìn thôi !

Kể lể cà kê dê ngỗng (đúng hơn: gà là kê nghê là ngỗng) như vậy là để nói lên sự gắn bó quí mến của một độc giả đối với CGvDT. Người viết, tuy là cộng tác viên của báo, nhưng không phải vì có-bài-của-mình ở trong đó, rồi đâm ra quí nó, mà vì tờ báo chứa đựng những nội dung mình ham thích.

Trước hết, tôi đọc Tin mừng Chúa Nhật tuần đó và bài minh họa tiếp theo. Đắm mình trong Lời Chúa, tôi sống lại hạnh phúc tuyệt vời buổi ban đầu tìm về Chúa. Khi mỗi bước đi là một phát hiện mới lạ, mỗi bước dừng là một thấm thía không cùng. Tôi cám ơn và trung thành với CGvDT, ngày nào trên diễn đàn này đều đặn có ra Tin mừng. Và trong điều kiện hiện nay, tôi càng cám ơn và gắn bó hơn, khi CGvDT là nơi duy nhất tôi có thể trực tiếp đọc Tin mừng trên mặt báo. Ơ các báo khác, tôi chỉ thỉnh thoảng “du kích”, nhét một câu Tin mừng vào bài viết của mình và thở phào cám ơn Chúa, khi thấy câu đó nằm trên mặt báo như giọt cà cuống nguyên chất nổi tròn trên mặt chén nước chấm bánh cuốn.

Kế đó, tôi đọc ngấu nghiến “Tin vắn Công giáo” va” Công giáo năm châu”, để biết chuyện “trong nhà”, nhất là nhà mình đang ở là thành phố và đất nước. mỗi lần, tôi đều có cảm giác nhận được thư bà con, cho biết chú năm, dì sáu, mợ bảy, ông tám, khỏe mạnh, đau yếu, thành công, thất bại, may mắn, rủi ro như thế nào. Ngoài ra, còn đọc thêm tiếp theo các bài về những thời sự đặc biệt trong Giáo hội, về các Đấng này nọ với công nghiệp đáng đề cao của các ngài. Từ đó, tôi có điều kiện xây dựng thêm hơn, vững hơn, lòng yêu thương, tình đoàn kết gắn bó với Giáo hội và các tín hữu trong nước và khắp thế giới. Không có CGvDT, làm sao tôi có điều kiện như vừa nói ? Một lần nữa, cám ơn CGvDT và tất nhiên là mong CGvDT có điều kiện thuận lợi thông tin nhiều hơn đặc biệt là đối với các địa phận miền Bắc, miền Trung.

Không chỉ bó mình trong khuôn khổ Công giáo, CGvDT, như tên gọi, còn phục vụ Dân tộc, trong ba lĩnh vực nóng bỏng của đất nước hiện nay, theo ý người viết, là: xã hội, kinh tế và tuổi trẻ.

CGvDT có thể tự hào là tờ báo không phải binh vực, mà nói lên, nói lên để binh vực những con người nghèo, người thất thế trong xã hội là những đối tượng được Chúa Giêsu thương yêu đặc biệt, thương yêu đến nỗi “lựa chọn kẻ ngu dại của thế gian để làm hổ thẹn kẻ khôn ngoan”. CGvDT đã rất sớm “dấn thân” ủng hộ chương trình “Xóa đói giảm nghèo” và giục giã thân hữu viết bài đóng góp. Tuổi trẻ, tuổi thơ bất hạnh càng được CGvDT quan tâm sâu sắc, thường xuyên hơn. Bên trời Tây, vấn đề xã hội cũng được các Giáo hội địa phương quan tâm (ầm ĩ) khi, chẳng hạn, nhân danh lời măc khải bảo phải quí trọng, đón tiếp kẻ ngoại (quốc chủng), lên tiếng không đồng tình với biện pháp siết chặt điều kiện nhập cư của chính phủ Pháp (trong đó thủ tướng và đa số bộ trưởng đều ngoan đạo) mà không ngờ tới những hậu quả xáo trộn nghiêm trọng trong đời sống và văn hóa của dân tộc. Bên này, ta đặt vấn đề, một cách ít trí tuệ hơn, nhưng thiết thực hơn, có tác động gây trắc ẩn, dẫn tới hành động xã hội, từ thiện, tự giác, âm thầm, đặc biệt trong giới trẻ.

CGvDT coi trọng không kém lĩnh vực kinh tế. Không số nào mà không có bài kinh tế, thậm chí ở nơi trang trọng nhất. Nhờ tranh thủ được sự cộng tác của Lương Hữu Định, Tiến sĩ Kinh tế học và một số anh em khác, nhờ có đội ngũ phóng viên năng nổ, đặt vấn đề, viết bài chững chạc, không mị dân, không về hùa, hơn nữa, biết xoáy vào trọng tâm tâm đắc của tờ báo là xã hội nông thôn và xã hội những con người thấp bé, thất thế mà CGvDT có thể nói, đã đạt được một trọng lượng đáng kể về nghiên cứu kinh tế. Càng đáng kể hơn khi CGvDT đi trước một bước, hưởng ứng lời cầu chúc đầu Xuân của Đấng bản quyền địa phận, thánh hóa hoạt động kinh tế, đã mạnh dạn dung nạp trên mặt báo, những khái niệm hơi lạ lẫm của một số giáo dân, như : vì yêu mến Thiên Chúa mà làm kinh tế tốt, làm kinh tế tốt theo yêu cầu (bên trong) của Phúc âm là hành động tế lễ Thiên Chúa; các chủ doanh nghiệp, các lãnh đạo xí nghiệp là những mục tử của thời đại, có nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, xã hội của công nhân viên, dưới tay mình, như mục tử hiểu biết chăm sóc từng con chiên; trong thời đại hiện nay, Chúa hiện diện trong lĩnh vực kinh tế hơn bao giờ hết, vì đó là nơi tạo no ấm hay gây đau khổ cho con cái Thiên Chúa v.v…

Tuổi trẻ được CGvDT quan tâm đặc biệt, với số trang dành cho các em. Đây là tuổi trẻ, tuổi thơ công giáo, hồn nhiên, chớ không phải “trẻ con”, được đào tạo, nhắc nhở “ngoan đạo”, nhưng vẫn yêu đời và có những tình cảm, theo tuổi, của mọi người. Đố Giáo lý có thưởng có trình độ đáng nể (ít ra là đối với người viết vô đạo, vào đời đều bằng học lóm). Trong thời buổi khó khăn này, các em có được một khu vườn riêng vừa tầm, vừa sức cho các em, không gò ép các em lo ba cái chuyện lu bu của người lớn, như tốt đạo đẹp đời v.v… Quả là điều quí hiếm.

Tuổi trẻ không chỉ được phục vụ trong các trang dành cho các em, mà còn trong toàn tờ báo, do các bài viết dễ hiểu, nhẹ nhàng, nghiêm túc, tránh gay cấn, tranh cãi lôi thôi. Các em có thể học hỏi hữu ích với những bài viết, thông tin, thậm chí xã luận của CGvDT. Chỉ mong tờ báo cố gắng thêm những bài có nội dung thần học kha khá, để các em và những người thất học đạo như người viết có cơ hội bồi dưỡng vốn giáo lý của mình. Để làm điều này, ta có thể sử dụng quyển giáo lý phổ cập của Giáo hội vừa mới phát hành cho toàn thế giới.

Tóm lại, khi nhận lời cộng tác với CGvDT, người viết không phải là không nghe những điều tiếng này nọ về con người, làm nguồn gốc cho thái độ “ghét” luôn tờ báo. Về con người, người viết nhớ lại phim Nhật thời danh độ nọ “Lã Sanh môn”, mà đề tài là một sự việc có thể có nhiều cách nhìn, do đó, đạo ta chủ trương rất hay là “chớ phán xét, nếu không muốn bị phán xét”. Về tờ báo, người viết nhận thấy khách quan nó tốt, nó không phản ảnh ý kiến, quan niệm hẹp hòi của bất cứ ai. Do đó, nó cần cho mọi người Công giáo muốn gắn bó với toàn thể cộng đoàn, ít ra về mặt thông tin Công giáo. Ong bà mình dạy “ăn theo thuở, ở theo thời”, giữ được tư thế như CGvDT là điều không dễ dàng. Như Ngô Tất Tố, quệt nước mũi vào gốc cây, bệu bạo nói với nhà văn Kim Lân: “Làm người khổ lắm, bác ạ !” Nhân dịp CGvDT tròn 19 tuổi, người viết mong mỗi chúng ta ủng hộ nó nhiều hơn (mua báo, đăng quảng cáo) để từ đây về sau nó có điều kiện tăng số phát hành, tăng trang, mở rộng thông tin v.v… Có nó trong tay, ta như có người bạn trong đời, đỡ cô đơn, trong riêng tư không khép kín của ta. Amen !

Công Giáo và Dân Tộc 11-7-1993

No comments: