Wednesday 26 December 2007

ĐẾN VỚI CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC

Lâm Võ Hoàng
Đạo ta là đạo của sự sống phức tạp, của những con người phức tạp. Nhưng tuyệt vời chính là sự thánh ẩn tàng trong cái xô bồ, lu bù đời thường. Tờ Công Giáo và Dân Tộc, như mỗi người chúng ta, không thoát khỏi qui luật đó.
Có thể nói tôi đến với báo Công giáo và Dân tộc bằng ba bước: chùi chân, vào nhà và ngồi xuống.
Bước chùi chân, khi tình cờ tôi lượm được một mảnh giấy báo ( ở trong trại, giấy báo quý hiếm lắm!). Kiếm chỗ vắng đem đọc, thì ra một đoạn Tin mừng của thánh lễ Chúa nhật. Đọc kỹ các cột khác thì biết chắc mảnh báo này chỉ mới gần đây. Lòng tôi bồi hồi xúc cảm biết bao, khi nghĩ rằng “ngoài xã hội”, vẫn còn có điều kiện (hạn hẹp) để nghe Tin mừng. Tôi đọc đi đọc lại, nhấm nháp từng từ ngữ, câu văn “ngô nghê” (!), nước mắt cứ chực trào ra. Thật là khác với lời lẽ đầy trí tuệ của cuốn Kinh thánh Jerusalem bỏ túi mà tôi cất dấu bên mình giữ gìn kỹ hơn là con ngươi của mắt. Hỏi ra mới biết mảnh giấy in đó là của báo Công giáo và Dân tộc, cơ quan ngôn luận của “mấy ông cha yêu nước” mà tôi đã nghe nói đầy tai. Sau nhiều ngày dằn vặt tư tưởng, rốt cuộc, tôi đã giải quyết vấn đề: tờ báo nói trên là cần thiết, để, ít ra, còn nói lên được Tin mừng. Mọi cái khác đều thuộc lương tâm của mỗi người, chỉ có Chúa mới đủ quyền và đủ “thông tin” để phán xét. Ngòai ra, lời nói “tếu” của một nhà văn tài danh, chuyên môn “chọc ghẹo” Vatican, Roger Peyrefitte, đã làm cho tôi vui vẻ “miễn tố” : “Giáo hội Công giáo sở dĩ tồn tại được hai ngàn năm là nhờ, trong bất cứ biến thiên lịch sử nào, đều có con cái của Giáo hội ở hai bên chiến tuyến”. Thế là rõ và tôi chùi chân bước vào nhà.
Trở về xã hội, tất nhiên, tôi là độc giả trung thành của CG&DT. Hằng tuần, chị Xê ở nhà thờ Mai Khôi Tú Xương (nơi tôi rửa tội) vẫn dành cho tôi một số. Giá trị nội dung bài vở, thì, như ông bà mình nói, “bá nhơn bá bụng”. Chúa Trịnh đói bụng ăn tương của Trạng Quỳnh còn tấm tắc khen ngon, huống chi tôi không khó tính, mà lại đói bụng. Đói bụng tin tức Công giáo trong nước, ngoài nước, từ Toà thánh đến xóm đạo heo hút, từ tin chính luận đến tin lẩm cẩm. Tất cả đều là chuyện trong nhà, nhà chung, nhà ấm áp của mỗi người, của mọi người, chê cũng được, khen cũng được, nó vẫn vậy, chỉ có vậy, nhờ vậy mà còn cái để khen hay chê! Đạo ta là đạo của sự sống phức tạp, của những con người phức tạp. Nhưng tuyệt vời chính là sự thánh ẩn tàng trong cái xô bồ, lu bu đời thường . Tờ CG& DT, như mỗi người chúng ta, không thoát khỏi qui luật đó. Nhờ CG&DT, tôi được làm quen (qua chữ in) với những cây bút lớn Huỳnh Hay, Khổng Thành Ngọc và thích thú nhứt, với thơ “da ua” của Bùi Chí Vinh.
Bước ngồi xuống, khi nẩy trong lòng tôi ý nguyện đóng góp với CD&DT, trong lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực mà thành kiến cho là của ma quỉ. Vì thành kiến đó mà một số tín hữu Công giáo đã hầu như quên đức bác ái, công bằng, khi làm kinh tế. Niềm xác tín của riêng tôi là kinh tế không những không thiếu vắng sự có mặt của Chúa và tác động của Thánh Linh, mà Chúa còn có mặt thường trực, Thánh Linh còn tác động mãnh liệt, hơn bao giờ hết. Do đó, đức tin và kinh tế không những không mâu thuẫn với nhau mà còn có thể, thậm chí, rất cần, thâm nhập nhau, như nước chui vào, thấm nhuần cát.
Rồi thiên thần đã dẫn anh Lê Thuận Nghĩa đến nhờ tôi viết bài. Sự đáp ứng không tức khắc, như tôi muốn. Vì thú thật, viết cho Tuổi Trẻ dễ hơn, vì có thể viết đơn thuần chuyên môn, hơn nữa, như “thia thia quen chậu”, có thể luyến láy chút đỉnh không sao! Còn ở đây? Nói về đức tin với các chuyên gia thần học à? với các cha, các mẹ bề trên à ? Với các cụ trưởng lão nghiêm nghị à? Với các em trúng giai Đố Giáo lý có thưởng à? Hơn nữa, viết về kinh tế, khi trên CG&DT đã sáng loà ngọn đèn cao áp thủy ngân Lương Hữu Định, với sở học nặng chắc như vàng khối à? Chả dại, hãy suy nghĩ! Sau nhiều ngày dằn vật tư tưởng ( một lần nữa) và với sự kiên trì thuyết phục của anh Nghĩa, tôi đã nhận lời, sau khi tìm được lối thoát. Ư! Tôi là giáo dân, trình độ tôi chỉ có thế, nhưng tôi cũng là dân Chúa, cũng có tiếng nói trong cộng đoàn. Từ thời Môi-sê, tiếng nói đó cũng nặng ký lắm chứ! Vả lại trình độ thần học của giáo dân, thấp hay cao là trách nhiệm của giáo sĩ là thầy dạy. Vậy thì giáo dân cứ hãy mạnh dạn là giáo dân. Trong kinh tế, người sản xuất, người tiêu thụ đâu có trình độ như các nhà kinh tế học nhưng chính tâm lý và thái độ ứng xử của họ mới là nguồn gốc và nền tảng của kinh tế thị trường, chớ không phải là lý thuyết xuất phát từ cái não và não trạng của các nhà kinh tế học. Do vậy trách nhiệm của các nhà kinh tế học là nâng cao dân trí về kinh tế, để từ đó, mỗi người, mọi người có tâm lý đúng đắn và có thái độ ứng xử phù hợp, để cơ chế kinh tế thị trường họat động điều hòa, phát triển, đem lại lợi ích ngày càng cao hơn cho mỗi người và mọi người. Thế là tôi ngồi xuống “trước pháp trường trắng”.(*)

* tình cảnh người viết văn ngồi trước tờ giấy trắng (theo Nguyễn Tuân, báo Hà nội mới chủ nhật kể)


(Công Giáo và Dân Tộc 12-7-1992)


No comments: