Wednesday 26 December 2007

Phát triển nông nghiệp, phát triển nông thôn thấu đáo, căn cơ: MỘT LÔGIC CỦA THỜI MỞ CỬA

Lâm Võ Hoàng

Tuần vừa qua đọc CGVDT ngày 20-6-1993, chắc không ai không xúc động khi đọc bài: “Giáo phận Long Xuyên – một Giáo xứ chìm ngập trong biển phèn mặn” của Huỳnh Hay. Riêng đối với người viết, sự xúc động diễn ra trên ba mặt : con người, tín hữu và người tìm hiểu kinh tế.

Con người không thể không chia sẻ nỗi “bất hạnh” của những con người bám đất, nối tiếp truyền thống bám đất của ông cha từ nhiều thế kỷ qua, mặc dù đổ mồ hôi xót con mắt, vẫn lâm cảnh thu hoạch 8 giạ/công lúa, trong khi “điểm hòa vốn” là 15 giạ/công. Chỉ vì thiếu nước (ngọt) giữa biển nước (mặn, phèn). Người viết có “đi thực tế” xứ đó rồi, cách đây gần mười năm, cho nên càng thấm thía với nội dung bài viết.

Người tín hữu không khỏi xót xa, ca ngợi Chúa hằng ngày “đến” với “con dân” mình một cách “tự nhiên” (!) như khi ngự xuống Vương cung thánh đường thánh Phêrô ở La Mã. Nhà lá hay vàng son đều là nhà của Chúa, được Chúa quang lâm đồng một cách. Nhà lá như cái chòi vịt chính là mặt vinh quang của Giáo hội ta. Ngợi khen Chúa không thể không ngợi khen người, vì thương yêu Chúa, vì trung thành với nguyện ước đời mình, vui vẻ, tự do, dấn thân tham gia vác thánh giá, đồng hành với Chúa hằng ngày. Ngợi khen giáo dân đứng xem lễ, nước dâng tới đầu gối ! Khiến người viết nhớ lại hành trình đầy cam go tương tợ và thử thách dữ dằn trong Đồng Tháp Mười, torng hồi ký của cha (quá cố) Bùi Văn Nho.

Người tìm hiểu kinh tế thấy mình còn thiếu sót, còn nợ đất nước, đồng bào, tổ tiên, con cháu, món nợ khu tứ giác Long Xuyên mà huyện Hòn Đất (xã Sóc Sơn, giáo xứ Tân Lập) là vùng trũng như cái lòng chảo bao la, kiểu Đồng Tháp Mười. Mùa nắng lên, nước phèn cô đọng, người địa phương gọi là “sắc lại”, kiểu sắc thuốc ba chén còn bảy phân ! Nước mặn từ biển tràn vào, người có thể chết khát nếu ít tiền (đổi nước ngọt)… “Cánh đồng phèn mặn, thấp dưới mặt biển mà từ hồi tạo thiên lập địa đến giờ chưa ai cải tạo nổi… nối tiếp nhau mấy giồng đất hẹp và ngắn, có người định cư từ nhiều thế kỷ”, như nhà văn Sơn Nam mô tả trong “Am Dương cách trở”, mới xuất bản.

Anh em chúng tôi có đề ra nhiều phương án qui hoạch tổng thể huyện và khu tứ giác, mà tính chất không khả thi, chính là ở chỗ, như bác sĩ kê toa thuốc đúng cho bệnh nhân không có tiền. Biết sao giờ ? Bệnh nhân mới tới, bác sĩ, bất kể bệnh nhân có tiền hay không, đều khám bệnh (điều tra cơ bản) chu đáo và với tất cả lương tâm mình, suy nghĩ, đắn đo, rồi kê toa cần thiết, kể cả với món thuốc đắt tiền. Không có toa thuốc cho nhà giàu và cho nhà nghèo ! Chỉ có toa thuốc trị được bệnh ! Tất nhiên là có chỉ dẫn vài cách chữa trị cho đỡ cơn ngặt. Phần còn lại là ngước mắt giao phó cho Ơn Trên !

Trên đây là cảm nghĩ của người viết khi đọc bài trên đây và mấy bài liên tiếp của Lương Hữu Định, trên CGvDT, về tình hình và định hướng phát triển nông nghiệp và nông thôn với trường hợp tham khảo là ngân hàng cho người nghèo lừng danh thế giới, Grameen Bank ở Bangladesh.

Để tiếp nối dòng suy nghĩ sâu sắc, nhiệt thành của nhà nghiên cứu mà luận án tiến sĩ kinh tế là “Ngân hàng nông thôn”, người viết xin có vài ý kiến như sau:

1. Nông thôn ta nuôi thành thị như bà mẹ chịu gầy rạt để con được bụ bẫm. Trừ dầu khí là của trời cho, danh mục xuất khẩu của ta, chủ yếu là nông sản. Đôla kiếm ra, chủ yếu được sử dụng làm “tủ kính” phồn vinh, hiện đại, che giấu cảnh nông thôn hẩm hiu, cam phận, “như những cây cổ thụ bám kẽ đá. Mùa nắng không một giọt nước, ấy thế mà cây sống gan lì, đôi khi tòn ten, dộng đầu xuống đất, trở gốc lên trời, chờ ngày xa xôi nào đó, trời sẽ mưa, hoặc đêm đến, sương rơi mịn màng”. (Sơn Nam. Sđd). Mối tương quan mâu thuẩn giữa xã hội nông thôn làm ra phần lớn của cải cho đất nước và xã hội thành thị được ưu đãi về mọi mặt (ăn ở, đi lại, giải trí, học hành…) đã được mọi người, từ lãnh đạo đến báo chí, đề cập quá nhiều, nên người viết thấy không cần nhấn mạnh nữa.

2. Điều ngẫu nhiên lạ lùng, không hẹn mà nên, vấn đề đổi mới, phát triển kinh tế xã hội nông thôn được nêu lên khá căn cơ dưới ngòi bút chuyên nghiệp của tác giả Lương Hữu Định, lại xảy ra, giữa khi nước ta có Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng bàn về vấn đề này. Không phải “để giải quyết “cái ăn” cho xã hội, mà tìm cách đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp để nông thôn thoát khỏi nghèo túng trở nên giàu có và văn minh” (CGvDT–Sđd).

Càng lạ lùng hơn, khi ở bên Trung Quốc, vấn đề có lẽ bức bách trầm trọng hơn, cho nên, cách đây mấy ngày, lãnh đạo Trung ương bên đó phải điện thoại cấp báo cho các địa phương quyết định bỏ ba chục (30) thứ thuế đánh trên 800 triệu nông dân Trung Quốc, để tránh sự lan tràn những sự kiện ở Hồ Nam và dọc một khúc sông Hoàng Hà.

Một lần nữa, người viết tự hào được làm dân Việt Nam, là đất nước mà những vấn đề kinh tế trầm trọng, được tỉnh táo đặt ra, có khi với những đánh giá táo bạo, khi cần thiết, từ phía lãnh đạo, như Hoa Đà mổ thịt, nạo tới xương cho Quan Vân Trường. Ơ đây chúng ta không đợi “nước tới trôn mới nhảy” như ở bên kia, mà vì điều ta đang quyết tâm hiện nay, là một lôgic của chính sách mở cửa cho đầu tư nước ngoài góp phần đổi mới, phát triển kinh tế nước ta và cũng là một lôgic của sự chờ đợi chấm dứt cấm vận, vì khi đó, tín dụng, viện trợ, đầu tư của nước ngoài và nhất là của các định chế tài chánh quốc tế, không dừng ở thành thị, mà tràn về nông thôn, như nước phèn, nước mặn hiện nay, từ khu tứ giác Long Xuyên tràn xuống Hòn Đất. Và khi đó, ta phải đủ sức tiếp nhận cơn lũ tín dụng, viện trợ, đầu tư nói trên, không bị động, không khoán trắng cho người ngoài, dù gì đi nữa, dù sao đi nữa, cũng là người nước ngoài và người ngoài. Bà vú, tốt nghiệp trường “cao đẳng vú em” ở Luân Đôn, không thể thay thế bà mẹ chân quê, trong mọi trường hợp!

3. Ta không thể không vực dậy nông thôn và kinh tế nông nghiệp, khi tiến hành phát triển quốc gia. Ta không thể vực dậy nông thôn và kinh tế nông nghiệp, nếu không có nhận thức rõ ràng về sức mạnh, vị trí, vai trò của các đối tượng này, trong “trọng lượng” chung của quốc gia, để từ đó có chánh sách tập trung quan tâm sức người sức của, dành ưu tiên thực sự, ưu đãi thực tế cho nông thôn (kể cả miền núi) về mọi mặt và có tổ chức thực hiện căn cơ bài bản với chuyên viên trong nước và hợp tác với chuyên gia nước ngoài.

Nông thôn, không chỉ là, chỉ có nhà nghèo. Để nông thôn giàu có, phải dựa trên người giàu, hoặc, tạm gọi là giàu ở nông thôn, làm cho họ giàu thêm, từ đó, họ mới lôi kéo người khác, còn nghèo, trở nên giàu. Phát triển nông thôn, qua đầu tư, từ nông thôn, từ trong nước, là điều căn bản, là nền tảng tiếp nhận, sử dụng viện trợ, tín dụng, đầu tư nước ngoài. Khinh rẻ nông thôn là cơ “tất bại”. Không thể phát triển nông thôn “qua mặt” nông dân, thậm chí, áp đặt từ cao, từ ngoài.

Phát triển nông nghiệp cần chú trọng đồng đều hai khu vực nông nghiệp truyền thống và vùng chuyên canh, mỗi vùng có phương thức phát triển chuyên biệt, tuy rằng tác dụng có tính chất hỗ tương.

Mũi đột phá, chìa khóa mở sự nghiệp phát triển như trên là một tổ chức Ngân hàng Phát triển nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chẳng hạn, chuyên trách trên 10 tỉnh của khu vực. Chớ không phải như hiện nay, mỗi tỉnh có mỗi chi nhánh NHPTNN độc lập với nhau. Ngoài ra, phát triển nông nghiệp (giàu có) phải được tiến hành song song với phát triển nông thôn nhằm cải thiện đời sống (văn minh) của người nông dân giàu hay nghèo. Do đó, phải có những hình thái ngân hàng nông thôn (cấp huyện) và Hợp tác xã tín dụng (cấp xã) được hỗ trợ, giao nhiệm vụ đúng mức, để đảm trách tín dụng phát triển nông thôn, cũng như tiểu thương, tiểu thủ công nghiệp nông thôn.

Một mô hình ngân hàng như trên, thật ra đã được đề xuất với lãnh đạo ngân hàng Nhà nước cách đây khoảng mười năm. Người viết từng tham gia soạn thảo đề án, sẽ xin nhắc lại và cập nhật hóa, nếu cần.

Khu tứ giác Long Xuyên nói riêng và phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, mặc dù được coi là món nợ của lãnh đạo và chuyên viên các ngành, đối với đất nước, nhưng thực tế là một bộ phận đang hình thành của bào thai kinh tế đang phát triển, trong đó các bộ phận lần lượt hình thành trước sau. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà ta có thể hưỡn đài, vì làm như thế, sẽ lâm vào cảnh “nước đến trôn mới nhảy”, như ở nước kế bên ta.

Công Giáo và Dân Tộc 27-6-1993

No comments: