Wednesday 26 December 2007

Từ lá thư chúc mừng xuân Quí Dậu: NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG VÀ SOI SÁNG MỚI

Lâm Võ Hoàng

Thư chúc mừng Xuân Quí Dậu của Toà tổng Giám mục TP.Hồ Chí Minh đã đem lại cho chúng ta nhiều phấn khởi, xúc động đồng thời làm nền cho những soi sáng đường hướng mới cho hoạt động và đời sống Công giáo. Những soi sáng này, hơn bao giờ hết, hết sức cần thiết, để xác định vị trí vai trò của cộng đồng giáo dân giữa lòng dân tộc, trong giai đoạn phát triển sôi sục hiện nay của đất nước.

Phấn khởi không chỉ vì “những điều phấn khởi mới, so với những năm trước, cả hai mặt Đạo và Đời” như thư chúc mừng có nhắc, mà còn vì những cố gắng mạnh dạn của Đấng chủ chăn dẫn đưa cộng đoàn “về nguồn”, từ đó trở lại với những giá trị cao cả của dân tộc, và tích cực tự tin dấn thân vào sự nghiệp chung của đất nước.

Xúc động vì những tâm tình tha thiết, khiêm tốn, chan hòa của vị cha chung “mừng tuổi” con cái, nhắc nhở họ “là con cái Chúa, sống nhờ ơn Chúa… tỏ lòng biết ơn Chúa, biết ơn tổ tiên, để biết đến nhau, biết đến đồng bào nghèo, sao cho mọi người, mọi nhà đều có được hương Tết, nhờ sự tiết kiệm, nhờ tình liên đới thân thương của mọi người”.

Thư chúc mừng không chỉ có vậy, mà còn là dịp tốt để khẳng định và soi sáng một nội dung suy tư và hành động hết sức quan trọng cho cộng đồng giáo dân. Đó là sự thờ kính tổ tiên mà thư chúc mừng tạm gọi là “biết ơn ông bà tổ tiên” và sự thánh hóa hoạt động kinh tế mà thư chúc mừng gọi là “thánh hóa công ăn việc làm của chúng ta”.

Việc thờ kính tổ tiên trong lịch sử, là một thử thách nghiêm trọng không những cho bản thân người tân tòng Việt Nam mà còn cho toàn Giáo Hội do một quan niệm chưa thấu đáo về một thực tế văn hóa chính đáng. Ngày nay, vị chủ chăn, Đấng thay mặt Chúa đã gắn liền “biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên là một cách để chứng tỏ lòng biết ơn Chúa trong đức tin” trên cơ sở “ông bà tổ tiên (là) một gia nghiệp văn hóa đạo đức từ ngàn đời. Chính Thiên Chúa đã ban cho tổ tiên chúng ta bao sức lực và tình thương để gầy dựng, xây đắp và trối lại cho chúng ta là con cháu ngày nay không chỉ sông núi, ruộng vườn mà biết bao vẻ đẹp tinh thần của nếp sống đạo hạnh nhân nghĩa, đoàn kết, làm nên tâm hồn của cả khối dân trên 70 triệu con người Việt Nam, được dạy cho biết gọi nhau là đồng bào, để đối xử với nhau như ruột thịt cùng một dạ mẹ sinh ra!”. Chúa ôi ! nếu hai trăm năm trước, Giáo hội của Chúa “hiểu giùm” cho như vậy, thì làm sao có “vụ án Công giáo” dai dẳng mãi đến ngày nay ? Do đó, công bằng mà nói, Giáo hội ta phát triển không chỉ được tưới bằng máu các thánh tử đạo mà còn được “xông” bằng những đau xót triền miên của những tín hữu, vì đức vâng lời, mà lỗi đạo hiếu với ông bà tổ tiên.

Cây có gốc mới nở nhành xanh ngọn,

Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu ?

“Người ta nguồn gốc ở đâu ?

Có tổ tiên trước, rồi sau có mình!”

Được thờ kính tổ tiên, thờ kính anh hùng dân tộc theo cách phù hợp, không phải với “đạo mình”, mà với thời đại, người Công giáo sẽ tìm lại được sự ấm áp trong lòng đồng bào dân tộc, như trong dạ mẹ Au Cơ, từ đó càng thêm sức mạnh, “thương yêu nhau, giúp nhau xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc bằng lao động có hiệu quả kinh tế đồng thời có giá trị đạo đức lành mạnh”, điều mà như thư chúc mừng cho biết, đấng chủ chăn “muốn nhấn mạnh cách riêng với chúng ta nhân dịp chúc mừng năm mới cho nhau năm Quí Dậu này”

Có thể nói đây là lần đầu tiên, ít ra, trong Giáo phận chúng ta nếu người viết không lầm, vấn đề đời sống kinh tế, được nâng lên ngang tầm với đời sống bản thân và đời sống gia đình vốn được thánh hóa thường xuyên bằng gương mẫu đời sống bản thân và đời sống gia đình của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Xuất phát từ “chiều kích xã hội của đời sống con người, đặc biệt từ Công đồng Vatican thứ II”, đời sống kinh tế được cầu xin “Chúa thánh hoá” để người Công giáo, “trong tư cách là người Công giáo, người sống đạo bác ái, đạo dạy yêu thương hết thảy mọi người… ý thức thêm giá trị và trách nhiệm xã hội” của nó (đời sống kinh tế).

Vấn đề kinh tế càng trở nên quan trọng và bức bách, khi “thời gian mấy năm gần đây, đất nước ta đã từng bước đi vào nền kinh tế thị trường, trong đối nội và đối ngoại, mở rộng buôn bán có cạnh tranh theo cung cầu”. Vì ý thức được tầm quan trọng của vai trò phát triển kinh tế trong tương lai tiến bộ của đất nước, mà Đấng chủ chăn đã khẳng khái nêu lên những mặt yếu của cơ chế kinh tế thị trường.

Một mặt ngài mạnh dạn khẳng định “nó phát huy quyền tự do sáng kiến và tài năng cá nhân cũng như tập thể, nó kích thích nhiệt tình lao động sáng tạo và nên cơ hội cho nguồn thu nhập được cao hơn và nhanh hơn. Sự phong phú đa dạng và náo nhiệt trong sinh hoạt kinh tế các chợ búa và đường phố cho thấy rõ thực tại đó”.

Mặt khác, ngày xót xa vạch ra “kinh tế thị trường lại bao hàm nhiều mối nguy cơ đe dọa nền đạo hạnh và nhân nghĩa vốn là gia sản tinh thần ngàn đời của dân tộc Việt Nam chúng ta”. Bởi thế, ngài đã tha thiết kêu gọi người Công giáo phải “tỉnh thức (và) cầu nguyện xin Chúa được sống và làm ăn cho xứng đáng danh nghĩa Công giáo, danh nghĩa đạo bác ái ngay trong những sáng kiến về việc làm và cách tổ chức sinh hoạt kinh tế”.

Có như thế mới tránh được “nguy cơ đe dọa tinh thần đạo đức là lấy tiền bạc của cải làm lẽ sống, khiến liều mình quên cả đạo lý, đặc biệt là sự sống công bằng và nhân ái trong mọi hoạt động kinh tế, nguy cơ dẫn tới sự chênh lệch ngày càng lớn giữa một thiểu số người làm giàu rất nhanh và rất lớn, với đa số đồng bào là người nghèo và khó khăn thêm”.

Trong số những người giàu và những người nghèo này, tuy ngài không nói rõ ra, đều có người Công giáo chúng ta. Do vậy ngài mới nhắc nhở chúng ta, “cách riêng những người và những tập thể có may mắn vật chất, thức tỉnh mà biết đến nhau, biết đến đồng bào nghèo”.

Tất nhiên là trình bày như trên, vị trí vai trò trọng yếu của hoạt động kinh tế, công bằng và bác ái, dù trong cơ chế thị trường, chưa được đào sâu, với những thuật ngữ thích hợp, vì Chủ chăn chúng ta nào phải là chuyên gia kinh tế? Song ý hướng, cũng như điều ngài muốn nói, tâm tình ngài muốn bộc lộ, đã được thể hiện sáng tỏ trong câu đã nêu: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh cách riêng về điểm này với anh chị em”. Rõ ràng, vấn đề kinh tế là nội dung trọng điểm của toàn bức thư chúc mừng.

Định hướng đã được chỉ dẫn ra một cách không thể nghi ngờ gì nữa. Phần còn lại thuộc về giáo dân chúng ta, người làm kinh tế. Làm kinh tế như thế nào? Đó là điều ta cần suy tư, cầu nguyện, trao đổi với nhau, để thể hiện cho bằng được khả năng hiện thực của việc làm kinh tế tốt, tức là, trong tinh thần tôn trọng tuyệt đối “Công bằng và bác ái (như) Tin Mừng của Chúa Kitô”. Giáo dân càng làm kinh tế tốt, thì “Đạo càng được canh tân” và Đạo càng phát triển hòa nhịp với “Đời càng ra sức đổi mới”.

Hiệp thông và tỉnh thức”, phải chăng đó là cốt lõi của thông điệp đầu xuân con gà của Đấng chủ chăn? Hiệp thông với tổ tiên là để hiệp thông với đồng bào. Hiệp thông với đồng bào là để “thương yêu nhau xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc”, bằng cách làm kinh tế tốt trên nền tảng công bằng và bác ái của Tin mừng. Làm kinh tế tốt phải biết thức tỉnh để nhớ nhiệm vụ, tránh nguy cơ và “cầu nguyện mãi mãi trong năm”, nhứt là năm con gà mà vai trò xã hội là đánh thức chúng ta.

(Công Giáo và Dân Tộc 21-2-1993)

No comments: