Wednesday 26 December 2007

ĐỀ NGHỊ SỬA LỜI KINH LẠY CHA

Lâm Võ Hoàng

Ai cũng biết Kinh Lạy Cha là kinh duy nhứt được Chúa Giêsu “soạn” riêng cho chúng ta đọc, khi cầu nguyện Thiên Chúa. Cho nên, có thể nói là những nội dung cốt yếu nhứt của đức tin Công giáo đều gom hết trong đó. Nhờ cách lưu truyền dựa trên khẳng định: “Trời đất có thể qua đi, không một chấm nào của Lời Ta có thể thay đổi”, mà ngày nay, chúng ta diễm phúc được cầu nguyện hằng ngày bằng ngôn từ sát với huấn dụ của Chúa hai ngàn năm trước.

Bởi vị trí hết sức đặc biệt như vậy trong đời sống đức tin, không ai có thể bàng quan trước việc sửa đổi lời Kinh Lạy Cha, nhứt là khi được nghe có “vấn đề” gì đó(?). Riêng tôi, xin cám ơn cha Vũ Quang Tuyến đã mạnh dạn nhận định thẳng thắn trong bài “Phải chăng đã có Kinh Lạy Cha chính thức ?”(CG&DT 27-9-92)và vô củng tâm đắc với nhận xét thấu đáo của cha: “Kinh Lạy Cha đã ăn sâu vào xương tuỷ người có đạo”. Tâm đắc, vì gắn liền với kỷ niệm “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy”. Hơn bốn mươi năm trước, một buổi chiều tà, bỗng nhiên tôi làm gan bước vào một nhà thờ đầy ắp người ngồi, đầy ắp tiếng cầu kinh, như hai lượn sóng triều, dồi qua dập lại, làm tôi choáng ngợp trước cú sốc văn hóa đầu tiên trong đời. Chỉ trong gang tấc mà mọi các đều lạ lẫm, nhứt là lời kinh xưa rích, quê trân, kêu “bây”, xưng “tao”, gọi “quân dữ” v.v… Hai bài kinh lặp đi lặp lại như ngựa phi (Lạy Cha), như đưa võng (Kính Mừng), lần đầu gây trong tôi một ấn tượng êm đềm, không thể giải thích. Từ đáy tâm hồn, thốt lên một lời cảnh giác: “Muốn vô đạo, thì phải chấp nhận tất cả những cái này”. Và tôi đã chấp nhận.

Bởi đã dứt khoát chấp nhận tất cả “những cái đó” làm của tôi, mà hôm nay, tôi tự thấy bổn phận trình bày một số suy nghĩ riêng về dự thảo “Kinh Lạy Cha chính thức”, để đóng góp vào giòng suy nghĩ chung của cộng đoàn:

1/ Điều rủi cho “đạo ta” là không làm chủ được một cách nhuần nhuyễn ngôn ngữ triết học-siêu hình hán nôm bác lãm, súc tích, thâm trầm, như trong các kinh sách Phật giáo đại thừa. Mặc dù ta không thiếu những đấng bậc tinh thông hán học, nhưng hình như có “cái gì đó” khiến ta không sao vận dụng lưu loát hán nôm, để diễn đạt chính xác thuật ngữ tín lý của ta. Trong khi bên Phật giáo, khởi đầu từ thánh sư Đường Huyền Trang đã chuyển tả thành công giáo lý, từ tiếng sanscrit và pâli, ra tiếng Hán tuyệt vời. Phải chăng “cái gì đó” là sự thâm nhập chưa đầy đủ của “đạo ta” vào nền văn hóa dân tộc mà ngôn ngữ hán nôm là bộ phận cấu thành?

2/ Ngược lại, thế mạnh (ít ra trước kia) của ta là nắm vững kho tàng ngôn ngữ dân dả của những từng lớp thấp, thất thế trong xã hội, gồm những dân lưu tản, bần cùng Thái Bình, Nghệ An, Hòn Đất, Lái Thiêu. Chính các “cố đạo”, vì nhu cầu phục vụ dân quê dốt chữ (hán nôm) đã ra công “chế tạo” chữ “quốc ngữ” mà chưa có chữ viết Latinh hóa nào trong khu vực (Nhật, Hoa , Phi, Mã Lai, Indonesia) đạt được mức thích hợp hoàn hảo tuyệt vời như chữ Việt. Các tự điển tiếng Việt đồ sộ đều do các cố đạo (A. de Rhodes, Génibriel, Gustave Hue, Cadière, v.v…) hoặc bổn đạo (Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của v.v…) đóng góp vào kho tàng văn hoá chung của dân tộc.

Rõ ràng, hàng thế kỷ trước đây, những vị đã soạn những kinh bổn hiện dùng, đều nắm rất vững “linh hồn”vừa của tiếng Việt, do đó, bảo đảm rất chắc nội dung thần học của ngôn từ sử dụng. Ngày nay, muốn thay đổi cho dễ hiểu, hợp thời, một số từ mà ta cho là nôm na, lạc hậu, điều cần thiết là phải tiếp tục bảo đảm nội dung súc tích bằng hay hơn trước. Nếu chỉ vì mục tiêu dễ hiểu mà thay đổi bằng những ngôn từ (xin lỗi) trình độ báo chí, thì thà giữ lại tiếng xưa cũ, “ăn chắc mặc dày”!

3/ Mỗi định chế xã hội đặc thù nếu có ngôn ngữ đặc thù, càng có bề dày lịch sử, càng khả kính của nó, do giá trị xúc cảm tích luỹ lâu đời trong đó. Ngôn nhữ tôn giáo thể hiện những khái niệm siêu hình, mặc khải, không thể thấu hiểu tức khắc bằng trí tuệ, mà phải thông qua cảm nhận của tâm linh. Do vậy, khi cần thiết, ngôn từ mới, một mặt, không nên quá xa lạ, trần tục, mặt khác, phải có tác dụng làm sáng ý hơn, tức là giúp tín hữu đào sâu hơn nội dung tín lý ẩn tàng trong ngôn từ cần sửa đổi. Tóm lại, sự sửa đổi phải thể hiện tính hơn hẳn, mới tránh cãi vã và sự tuân phục mới đi đôi với sự khâm phục.

4/ Am tiết, nhịp điệu bài kinh là nề nếp của ký ức, do đó, không thể xem nhẹ. Sửa đổi mà phá vỡ tiết tấu, âm điệu quen thân từ trong lòng mẹ, có thể dẫn tới lạc lõng, chới với trong nguyện cầu. Bên Pháp, khi Tổng thống Giscard d’ Estaing, vốn là nhạc sĩ phong cầm, muốn sửa đổi tiết điệu bài quốc ca La Marseillaise, nhưng không được ai tán thành, nên không dám thử nghiệm. Mới đây, khi khai mạc thế vận hội mùa đông 1992 tại Albertville, quốc ca Pháp, nước chủ nhà, được một em bé hát vang lên, với lời sặc mùi ăn gan uống huyết nước Đức, “đệ nhứt bồ tèo, sinh tử chi giao” của Pháp hiện nay, một số nhân sĩ, nhà văn, nhà báo đòi sửa lại lời ca phản động lỗi thời đó, nhưng đành chào thua trước sự dửng dưng của dư luận, cho rằng lịch sử là lịch sử, lịch sử là ký ức chung, không thể, không nên thay đổi vì hiện tại. Ay, chuyện nhỏ mà còn thế!

5/ “Bứt mây động rừng”, sửa lời Kinh Lạy Cha, không thể không tiến hành sửa lại tòan bộ kinh sách, vì những từ được sửa đổi ở đây, không thể được giữ nguyên ở kia.

Nhận định như trên, người viết không những không chủ trương bảo thủ bản văn hiện hành, mà còn vui mừng đóng góp. Vì “rượu đã rót ra, thì phải uống cạn”, ít ra, còn được “một tiếng khà” như cụ Nguyễn Khuyến. Sau đây, là ý kiến đóng góp thô thiển cho bản văn dự thảo Kinh Lạy Cha.

- “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”. Kính đề nghị giữ nguyên: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, gọn nhẹ, sát nghĩa, khỏe khoắn hơn.

- “Xin làm cho danh Thánh Cha vinh hiển”. Kính đề nghị giữ nguyên: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng”, vì “chúng con nguyện” nêu bật ý nghĩa tòan bài là một lời cầu nguyện, do đó, không vì yêu cầu sắp xếp một loại điều “xin”, mà bỏ qua ý nghĩa trên đây và “danh Cha cả sáng”, với “cả” là lớn, trọng hơn hết, trùm khắp hết và “sáng” là chói loà, rõ ràng, “cả sáng” như vậy, “vinh hiển” nào bằng?

- “Triều đại Cha mau đến”. Kính đề nghị giữ nguyên: “Nước Cha trị đến”. Cha V.Q.Tuyến đã giải thích tường tận về chữ “Nước”, không thể nói gì hơn. Chỉ xin phép tự hỏi “Nên gọi Nước Trời (như hạt cải) bằng gì đây?”. Chữ “Trị” có nghĩa là cai trị, sửa trị, tức là làm chủ, để lập trật tự mới, hết loạn. “Trị đến” hàm ý đã trị rồi, xin mau mở rộng đến. Vì đây là lời cầu, hễ cầu là mong, hễ mong là muốn cho mau tới. Cho nên, không có chữ mau”, vẫn không mất ý nghĩa “mau” trong “trị đến”.

- “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Kính đề nghị: “Ý Cha được vâng dưới đất cũng như trên trời”. Y Chúa có thể thể hiện như trong Sáng Thế: “Anh sáng hãy có và Anh sáng đã ló”. Ở đây, yêu cầu đặt ra cao hơn! Đó là: Nguyện xin ý Chúa được vâng bởi những tạo vật có tự do, ở dưới đất cũng như trên trời, trở lại với tuyệt đỉnh của tự do, là biết vâng phục trong tự do, tức là tự do vâng phục Đấng Sáng tạo mình. Từ đó, giải quyết những rối loạn gây ra bởi Lucifer trên trời và Adam dưới đất.

- “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Kính xin nhất trí.

- “Xin tha tội cho chúng con”. Kính đề nghị: “Và tha tội xúc phạm của con”. Chữ “Và” xuống câu êm ái, xin giữ. “Tội xúc phạm” nhấn mạnh và làm sáng rỏ ý nghĩa nội dung thần học của phạm trù “tội”, thực chất là xúc phạm Thiên Chúa, nên Thiên Chúa có quyền tha tội, để ta sạch tội, giao hòa trở lại với Thiên Chúa.

Trong tôn giáo khác, tội thuộc phạm trù khách quan, hễ phạm tội là phải trả quả không kiếp này thì kiếp sau, không ai có quyền tha. Việc xưng tội và giải tội là nội dung khó “nuốt” nhứt cho ai muốn “trở lại đạo”.

- “Như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”.Kính đề nghị: “Như chúng con cũng tha kẻ xúc phạm chúng con”. Yêu cầu ở đây là phải tha thứ từ kẻ xúc phạm tự ái mình bằng lời ăn tiếng nói, cho tới kẻ ác độc xúc phạm oan uổng mạng sống mình (như các thánh tử đạo).

- “Xin đừng để chúng con sa chước cám do”. Kính đề nghị: “Xin chớ để chúng con bị sa cám dỗ”. Xin giữ “chớ” đồng nghĩa với “đừng”, nhưng quen thuộc hơn, ngoài ra, còn làm rắn rỏi âm điệu của câu hơn. “Bị” ở đây nói lên thân phận con người, ngày càng yếu đuối trước áp lực mãnh liệt, tinh vi của cám dỗ, ngày càng có chiều kích vĩ mô, bao trùm con người, như ân sủng, cho nên con người thường “bị sa” hơn là (muốn) “sa”, và hơn bao giờ hết, cần đến sự thông cảm thứ tha của Thiên Chúa và Giáo hội. Ngoài ra, “cám dỗ” tự thân là một “chước” phỉnh gạt làm cho xiêu lòng. Nói “ chước cám dỗ” là kéo phạm trù cám dỗ xuống chiều kích vi mô, nhắm từng cá nhân.

- “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dư”. Kính đề nghị: “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự ác”. “Ác” vừa đồng nghĩa (xưa) với “dữ”, vừa bao hàm thêm ý “tội lỗi”. Ngày nay, ý nghĩa của “dữ” đã mờ nhạt: chó dữ nhưng không ác.

Trên đây là góp ý dốt nát của một giáo dân nói theo hiểu biết nông cạn. Có chi thất thố, cúi xin bề trên thông cảm.

(Công Giáo và Dân Tộc 1-11-1992)

No comments: