Wednesday 26 December 2007

Nhân bài phỏng vấn Thủ Tướng Võ Văn Kiệt: DÁM MONG RẰNG, TỪ ĐÂY VỀ SAU…

Lâm Võ Hoàng

Được tòa soạn tranh thủ hỏi ý kiến giáo dân của tôi về bài phỏng vấn Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt về một số vấn đề của Công giáo ở Việt Nam, tôi đã từ chối, vì còn phải chờ ý kiến của nhiều bậc đàn-anh-trong-đức-tin phát biểu trước. Nhưng khi tòa soạn cho biết có hỏi nhiều nơi rồi, tòa soạn sẽ liệu sắp xếp các ý kiến mà đưa lên báo, tôi xin phép được đóng góp một vài suy nghĩ độc lập như sau.

Trước hết đây là một phỏng vấn chất lượng cao nhất mà tôi đã từng đọc. Câu hỏi thẳng thừng. Câu trả lời đầy đủ, không tránh né, xoáy vào trọng tâm và trên hết, giọng nói điềm đạm, nghiêm chỉnh, toát lên một thái độ trân trọng đối với đối tượng đề cập, trong một vấn đề có nhiều khía cạnh gay gắt, hết sức tế nhị, mà rõ ràng người trả lời đã nắm vững cũng như đã có lập trường vững chắc có cơ sở, có nguyên do, thấu tình đạt lý.

Thực chất, đây là một sự “đụng chạm” giữa hai quyền bính đồng bản chất – tôi có được phép nói không ? – độc tôn, bởi mỗi bên đều có niềm tin tuyệt đối vào sứ mạng đúng đắn của mình. Hai quyền bính bắt buộc phải song tồn, tương hiệp, vì con cái mình một đằng là công dân, một đằng là tín đồ, tín đồ và công dân kết làm một. Cho nên những tia lửa chớp, nếu có, chỉ là chuyện đời thường, như trong gia đình, khi bố mẹ bắt đầu xung trận là con cái lặng lẽ dẹp mâm bát, để mai còn có cái ăn cơm.

Rất may cho chúng ta, Đức Kitô, Chúa chúng ta, đã sớm liệu cuộc sống “biện chứng” của con cái mình, cho nên đã giải quyết rạch ròi thái độ của người Công giáo: “Hãy trả cho Xê-da (nhà vua) cái gì của Xê-da và cho Thiên Chúa cái gì thuộc Thiên Chúa”. Và Tổ phụ Augustinô đã đưa ra hình ảnh hai thành đô, nơi sống của con người: thành đô Thiên Chúa và thành đô con người, để chỉ rõ con người phải thỏa mãn hai yêu sách trong cuộc sống của mình, yêu sách của Thiên Chúa và yêu sách của thế trần. Và nghĩa vụ nặng nề đó chính là vinh quang cao cả của con người. Và như con đường nên thánh, hướng đi, nẻo tới, không dễ dàng nhận ra, bước gập ghềnh dễ làm cho chúng ta chệch phương hướng.

Trên con đường phẳng phiu, ta có thể nghĩ rằng nếu ta canh tay lái và khóa nó lại ở vị trí nhất định, xe ta sẽ cứ phom phom chạy thẳng tới. Thực tế xảy ra sẽ không đúng như vậy. Những nhân tố vô hình (như mặt phẳng không tuyệt đối của đường, sức gió đẩy) sẽ làm cho xe ta chệch hướng và xuống ruộng hồi nào ta không hay. Cho nên lái xe phải canh tay lái qua lại hoài là do vậy đó.

Trở lại vấn đề cụ thể chúng ta đang bàn, trước hết chúng ta cần nắm rõ Chính phủ muốn gì? Không gì khác hơn các chính quyền khác trên thế giới : “Giữ vững ổn định chính trị xã hội, để tiếp tục phát triển kinh tế với tốc độ nhanh hơn. Giữ vững ổn định cần thiết cho cuộc sống của mọi người”. Ngay cả khi “Nhà nước ta còn phải chặt chẽ trong một số lĩnh vực” tất cả “cũng là nhằm bảo đảm sự ổn định, ổn định chung của toàn xã hội, cũng như ổn định trong sinh hoạt tôn giáo”. Mong muốn này cơ bản và xuyên suốt là đúng, kể cả khi “Nhà nước ta còn phải chặt chẽ trong một số lĩnh vực” bởi vì “Nhà nước nào cũng phải có biện pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia và duy trì trật tự an ninh nhằm bảo đảm cuộc sống an vui của mọi người”.

Mong muốn này cơ bản đã “gặp” mong muốn của Giáo hội Công giáo, từ lâu mang tiếng bảo thủ, “đứng-về-phe-mọi-chính-quyền” chỉ vì luôn luôn quan tâm sâu sắc đến ổn định trật tự xã hội, cần thiết cho sự sống đạo của tín đồ. Nhưng ở đây, chính quyền hiểu “ổn định trật tự” theo cách nhìn của chính quyền, khi lấy làm tiếc một điều là không phải tất cả các vị Giám mục Việt Nam đã triển khai và áp dụng đường hướng này trong giáo phận của mình (như ở Thành phố Hồ Chí Minh) trái lại, Cụ Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã thực thi đường hướng này xuyên suốt từ sau ngày Giải phóng”. Thật ra, ở Tp. Hồ Chí Minh, khách quan có những nhân tố: thiên thời, địa lợi, nhơn hòa, khác với ở nhiều giáo phận khác và trên hết, có một nhân tố chỉ xảy ra ở Tp. Hồ Chí Minh, như Thủ tướng có đề cập đó là, bên đạo có Đức Phaolô Bình sáng suốt khôn ngoan (theo nghĩa Tin mừng) và bên Chính quyền, có vị Chủ tịch Uy ban Nhân dân, rồi Bí thư Thành ủy và hiện nay là Thủ tướng Chính phủ, tuy thẳng thừng “từ chối nhìn nhận Giám quản Tông tòa của giáo phận Tp.Hồ CHí Minh” vẫn hiểu rõ và biết chắc rằng sở dĩ Vatican chưa tỏ thái độ chính thức, không phải là để tìm kế phục thù (?) mà là vì, trước mắt “đang chờ đợi gởi phái đoàn sang làm việc với Chính phủ Việt Nam” và sâu xa hơn, “Vatican có thể không nắm vững tình hình của Việt Nam. Nếu Vatican được báo cáo đầy đủ và chính xác, thì Vatican sẽ có quyết định phù hợp. Chúng tôi tin chắc là Vatican không muốn gây căng thẳng và đẩy các Giáo hội địa phương vào con đường vi phạm luật pháp”. Rõ ràng :

Lọ quen biết mới gọi là tri âm?” (Kiều)

Mong muốn của Giáo hội Công giáo, không khác của Chính quyền đối với cọng đồng công dân, là bảo đảm trật tự, ổn định, thống nhất trong ý hướng sống đạo của cộng đồng tín hữu, để đẹp lòng Thiên Chúa và phục vụ hữu hiệu quê hương là cái nôi trong đó Thiên Chúa ẵm đặt từng người, để sinh ra, lớn lên, hoàn thành nhiệm vụ xã hội, rồi trở về với lòng đất mẹ, chờ ngày sống lại, nhìn tận mặt Thiên Chúa mà mình coi trọng hơn mạng sống. Đức Kitô Chúa chúng ta, há chẳng nêu gương cho chúng ta khi an nhiên phục tùng cho tới chết chính quyền của vua Hêrôđê và toàn quyền Phongxiô Pilatô và luật pháp Do Thái giáo mà chính quyền này đã nhân danh để tử hình Người trên thập giá?

Cho nên nhiều giáo phận đã không khỏi xót xa, từ đó có thái độ co cụm của người bị thường xuyên rờ lưng. Khi những quyền lợi chính đáng nhất của mình để hành đạo và sống đạo như có đủ giám mục, linh mục, chủng sinh nhà thờ, sách kinh cũng như đi lại dễ dàng để chăn dắt và trao các phép bí tích cho con chiên v.v… lại bị những cái “còn phải chặt chẽ trong một số lĩnh vực” ngăn trở một cach khó hiểu. Chính vì ở những nơi nào mà quyền lợi chính đáng đó không những không bị phủ nhận, mà còn được “tháo khoán” thì ở những nơi đó, cộng đồng giáo dân tỏ ra tiên tiến không thua kém ai trong việc lo cho đạo, nhưng cũng phải lo cho đời, sống Phúc âm là phục vụ đồng bào, không phải chỉ hạnh phúc của đồng bào có đạo, (cũng như có) quan điểm và thái độ xuyên suốt trong cuộc sống: đi với dân tộc, coi trọng quyền lợi của dân tộc coi trọng chủ quyền quốc gia, coi trọng luật pháp nhà nước, thông cảm với những khó khăn của đất nước, tự coi mình là người trong cuộc, khi đề cập đến các vấn đề của đất nước” v.v… Các trường hợp điển hình không những không thiếu, mà có thể nói nhan nhãn ở miền Đông, miềnTây Nam bộ, ở các xóm đạo thành phố Hồ Chí Minh, ở miền Bắc, với nhiều thanh niên giáo dân đi bộ đội, trung thành, dũng cảm không nhường ai, cật lực lao động đem lại phồn vinh chung cho đất nước, không thua ai, hòa mình trong cộng đồng dân tộc, chia sẻ buồn vui của đất nước như mọi người. Rõ ràng không giây phút nào người giáo dân coi Vatican là quê hương mình, mà chỉ là nơi ngự của Đấng Kế thừa Phêrô, nơi làm việc của Tòa Thánh, còn quê hương mình chỉ là nơi mà dòng giống Lạc Hồng sinh ra, lớn lên và sinh sôi nảy nở đời đời kiếp kiếp.

Vả chăng, đối với người Công giáo, như lời Chúa dạy, coi Xê-da, tức là Vua trị vì, Đấng lãnh đạo, là một tất yếu khách quan, không phải của lịch sử, mà của bản chất xã hội loài người. Không ai có thể thống trị, mà không có mệnh trời, mà mệnh trời thể hiện ở lòng dân (làm cách mạng hay đi bầu cử) giáo quyền hay thế quyền đều đại diện cho Thiên Chúa ở trần gian. Biệt lập nhau, nhưng phải sống chung nhau, đó là mệnh lệnh của Thiên Chúa. Cho nên Giáo hội sống chung với mọi chế độ chính trị người giáo dân cũng phải sống với mọi chế độ chính trị trong lịch sử, coi đó như là sự cắt đặt của Thiên Chúa bằng nhiều cách, kể cả cách mạng, thực chất là thụ mệnh trời để đổi một mệnh trời trước. Như một công chức phải công tâm làm việc với mọi giám đốc sở mà, ở trên xa xăm nào không biết, có quyết định bổ nhiệm về.

Từ tất yếu nói trên, trải qua lịch sử 2000 năm, Giáo hội La Mã có nhiều phương thức quan hệ với các chế độ chính trị, mỗi cách đều có giá trị ở địa điểm và thời điểm nhất định. Cho nên không chỉ có trường hợp Ba Lan mà Thủ tướng có đề cập, còn có trường hợp hai giáo phận của Pháp là Strasbourg và Metz mà giám mục đều do Tổng thống Pháp bổ nhiệm bằng sắc lệnh, sau khi Tòa Thánh quyết định. Do vậy, là giáo dân, tôi rất hân hoan đón nhận tin vui, trong báo hôm nay (15-3-1994): “Đoàn đại diện Vatican đã đồng ý với đoàn Việt Nam là tất cả mọi vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam, Tòa Thánh sẽ thông báo cho Chính phủ Việt Nam và có sự thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam thì Tòa Thánh mới ra quyết định”.

Có thế chứ ! Nhưng đó là về mặt hình thức. Về phần nội dung, dám mong rằng “di sản rất nặng nề : thành kiến giữa lương và giáo, giữa Công giáo và Cộng sản”, như Thủ tướng đã chính trực nhìn nhận, qua cuộc phỏng vấn có tính chất quan phòng này, quan phòng vì như hai anh em may mắn có dịp nói toạc hết những gì chất chứa trong lòng, từ đây về sau, sẽ tiêu tán dần, qua thái độ thông cảm, nhìn nhận nhau của Tòa Thánh và Nhà nước ta và những “vấn đề liên quan đến Giáo hội Việt Nam mà Tòa Thánh sẽ thông báo cho Chính phủ Việt Nam” gặp được một sự giải quyết giúp đỡ hào hiệp, nhanh chóng, tích cực, để tờ báo thân yêu của tôi, lấy kinh nghiệm lịch sử Đông Au, khỏi phải đau đớn kêu lên trời cao “rằng các bên đều có thừa kiên nhẫn và tàn nhẫn để kéo dài tình trạng bế tắc đó, như thể không biết đến nỗi đau khổ của người giáo hữu là những thành phần trực tiếp, về lâu về dài, phải gánh chịu hậu quả từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Công Giáo và Dân Tộc 20-3-1994


No comments: