Wednesday 2 January 2008

HƯỚNG VỀ LẠNG SƠN

Lâm Võ Hoàng

LTS: Quốc Trung, trong bài “Ghi chép từ Lạng Sơn” (CGvDT số 960 ngày 29-5-1994), cho thấy một giáo phận Lạng Sơn rộng 25.000 cây số với khoảng 3000 – 3.500 giáo hữu trên một dân số khoảng 1.200.000 người mà chỉ có duy nhất: một giám mục 72 tuổi, một linh mục trên 80 tuổi và một nữ tu 104 tuổi.

Nhưng giáo phận Lạng Sơn chưa bao giờ là một giáo phận đông đúc về dân số và nhân sự Công giáo. Theo Niên giám 1939, giáo phận Lạng Sơn có: một giám mục người Pháp, 12 linh mục người Pháp và 13 linh mục người Việt với 4.639 giáo hữu. Năm 1954 di cư vào Nam một giám mục người Pháp, 13 linh mục người Việt với 2.500 giáo hữu; ở Lạng Sơn còn 5 linh mục trong đó một vị sau này được chọn làm giám mục (Đức Cha Phạm Văn Dụ) với 2.500 giáo hữu. Đức cha Phạm Văn Dụ được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Hiệu tòa Boseta ngày 5-3-1960 mà không có tham khảo và được sự chấp thuận của chính phủ VNDCCH nên không được nhìn nhận. Đức cha Phạm Văn Dụ chỉ mới được Nhà nước CHXHCNVN công nhận sau chuyến viếng thăm và làm việc của Đức Hồng Y Etchegaray tại Hà Nội năm 1990.

Tình hình của một giáo phận như giáo phận Lạng Sơn đang làm mọi người quan tâm.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu tấm lòng của một trí thức công giáo, ông Lâm Võ Hoàng chuyên viên kinh tế-tài chanh trong nhóm Tư vấn của Thủ tướng Võ VănKiệt và là cộng tác viên thân tình của CGvDT.

TÔI bức xúc suốt mấy tuần nay, sau khi đọc bài “Ghi chép từ Lạng Sơn” (CGvDT 29-5-1994). Lạ thật, tôi là dân Nam Kỳ Lục tỉnh đặc sệt, can cớ gì, tội tình chi, mà vương vấn với Lạng Sơn, mà tôi chưa hề đặt chân đến, dù trong chiêm bao ? Tôi chỉ biết Lạng Sơn qua lịch sử là ải địa đầu đất nước, mỗi khi phương Bắc xâm lăng là hứng đòn trước hết và lì đòn đem thân châu chấu đá xe ngăn trở sức tiến vũ bảo của kẻ thù. Và khi kẻ thù rút lui về nước, đánh tập hậu cho chết luôn, để chừa thói cá lớn ăn hiếp cá bé.

Tôi xót xa như một tế bào đau xót, khi một bộ phận cơ thể bị thương tích hay bầm dập. Vâng! Giáo phận Lạng Sơn chính là bộ phận cơ thể Giáo hội Việt Nam đang bị bầm dập đó! Nếu giáo phận TP.Hồ Chí Minh là cha mẹ, thì giáo phận Lạng Sơn là chú bác tôi. Làm sao tôi không xót xa về những gì xảy ra ở nơi nhà chú bác tôi ?

Đồng thời, tôi cũng dâng lời tạ ơn Chúa, vì trong hoàn cảnh dù đen tối đến đâu, vẫn có dấu ấn Chúa, bàn tay Chúa ở đấy. Một giáo phận trải rộng trên địa bàn 25.000 cây số vuông nhưng chỉ với độ 3.000 giáo dân, một giám mục 72 tuổi, một linh mục trên 80 tuổi, một đại chủng sinh trên 50 tuổi (?) và một nữ tu dòng Mến Thánh Giá 104 tuổi. Thế cũng tạm gọi là đầy đủ “lễ bộ” rồi. Nếu bỏ qua yếu tố số lượng, rõ ràng địa phận không thua kém ai. Ai có gì “mình” có nấy, tuy “rày hằng ngày dùng… thiếu”. Nhưng thà có ít, mà có dùng, hơn là không! Dấu ấn của Chúa, chính là ở chỗ đó: trong cùng cực của thiếu thốn, vẫn đầy đủ cái cần thiết, kể cả những buổi đọc kinh tối tập thể với khoảng 20 giáo dân. Nếu hôm nào có Đức giám, Cha cố, bà xơ thì rõ ràng đây là toàn giáo phận đang dâng lời cầu nguyện cho cả Giáo hội và thế gian được nhờ. Trên quả đất này, thử hỏi còn mấy giáo phận cùng nhau đồng thanh kinh nguyện mỗi tối.

Tuy chỉ là một đốm lửa “âm ỉ”, nhưng sức sống nội tại vẫn còn đấy. Sự yếu ớt chỉ do tác động khống chế của khách quan bên ngoài. Trong khi đó, tại nhiều nước phát triển, giữa khung cảnh mũ mão vàng son, hoa đăng, hương trầm rực rỡ trong cung thánh, lòng tin nguội lạnh bởi nhàm chán, nghi ngờ, ảnh hưởng tà mị, buông thả v.v… đã làm thưa thớt số tín hữu tham gia phụng vụ. Trong điều kiện như trên, phải chăng những buổi đọc kinh tối lèo tèo, ảm đạm ở nhà thờ Cửa Nam Lạng Sơn, đẹp lòng Chúa hơn là những buổi lễ nghi rình rang ? Cũng như những hy lễ bằng nước mắt thống hối chân thành đẹp lòng Chúa hơn là những hy lễ bằng huyết cừu non bò béo ?

Nói như vậy, không phải chúng ta bằng lòng với “mô hình” Lạng Sơn, cũng như không thể nói các thánh tử đạo “khoái” đổ máu. Đó chẳng qua là điều bất đắc dĩ, hoàn toàn không ham muốn, nhưng không thể không chọn lựa và chấp nhận, vui vẻ chấp nhận. Như ý nghĩa của lời cầu xin của Chúa Giêsu xin Chúa Cha hãy cho qua chén đắng, nhưng vẫn xác định tuân theo ý muốn của Chúa Cha. Lạng Sơn đối với Lạng Sơn, cũng như Lạng Sơn đối với chúng ta, vừa là ân sủng, vừa là điều bức xúc không thể bàng quan. Cũng như tình hình hiện nay ở địa phận TP.Hồ Chí Minh, vừa là ân sủng, vừa là bức xúc, nhưng ân sủng vượt trội bức xúc, vì bức xúc cũng là dịp để ta suy nghĩ về địa phận của chúng ta.

Trở lại Lạng Sơn, bức xúc của tôi là tôi có quá nhiều phương tiện, công cụ sống đạo chung quanh tôi. Bởi quá thừa thải công cụ ban ơn bí tích , nên tôi đâm hư. Đi xem lễ, thì lựa nhà thờ và giờ có cha giảng ngắn, làm lễ nhanh. Xưng tội, thì lựa cha thương mình, cho đền tội nhẹ nhàng. Ngoài ra, kinh lễ bơ phờ, công tác xã hội cộng đoàn giai ư bất biết v.v… Như vậy nếu tôi ở Lạng Sơn, thì việc gì sẽ xẩy ra cho tôi ? Cao quí thay 3.000 anh chị em của tôi trong đức tin, đói bí tích, khát lời rao Tin Mừng trong bao lâu nay rồi, mà vẫn còn là, tự nhận là giáo dân, là dân của Chúa!

Bởi vậy, nghe nói Đức cha Lạng Sơn chỉ ước ao, ngoài sự tiếp tay của những linh mục chấp nhận vì Chúa dấn thân làm thừa sai trong đất nước quê hương là được có điều kiện xây dựng lại nhà thờ Chính tòa, tôi rất đỗi vui mừng, vì biết được cái tôi có thể làm cho Lạng Sơn, trong khả năng của mình. Đó là tham gia quyên góp sao cho đủ ít ra một tỷ đồng, để trên ải địa đầu đất nước Việt Nam Chúa có một nơi ngự khang trang và cũng để bắt đầu một công cuộc hồi sinh cho địa phận Lạng Sơn, mà mỗi chúng ta, theo cách riêng, đều có trách nhiệm, vì bấy lâu nay ta đã bỏ quên địa phận Lạng Sơn trong thử thách nặng nề. Vừa qua, khi công nhận Đức Giám mục Phạm Văn Dụ, Nhà nước đã cất viên đá tảng đầu tiên trong gánh nặng oằn vai của địa phận. Lẽ nào, ta thờ ơ cho rằng như thế là đủ rồi. Rồi làm sao ngày mai, bước vào nhà thờ “của ta”, ta ăn nói làm sao với Chúa đây ?

(Công Giáo và Dân Tộc 10-7-1994)

No comments: