Wednesday 2 January 2008

SUY NGHĨ VỀ BÀI PHỎNG VẤN ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC NGUYỄN VĂN BÌNH CỦA BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG NGÀY 29-4-1995

Lâm Võ Hoàng

Thật là một sự vui mừng khôn xiết, khi giáp ngày 30-4-1995, người Công giáo là tôi được đọc bào phỏng vấn Đức Phaolô Bình, Tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh, của báo Sài Gòn Giải Phóng (29-4-1995). Mừng vì nhiều lẽ.

Trước hết, ngài vẫn sáng suốt minh mẫn, có lẽ sáng suốt minh mẫn hơn lúc nào hết, vì ngài tổng kết tình hình 20 năm hoạt động Công giáo tại thành phố Hồ Chí Minh, một cách chân thành, bộc trực, khách quan, có trách nhiệm đến đỗi người viết có cảm tưởng đây là di chúc mục vụ của ngài.

Kế đến, ngài phải khỏe mạnh mới có thể sáng suốt đến thế. Nhớ lại ngày ngài ở bệnh viện về, người viết có đến bái mừng thấy ngài nói chuyện không ra hơi, bèn xin lui gót, ngài giữ lại, thế rồi cha con nói cười rúc rích với nhau đến hơn nữa giờ. Lúc đó, ngài có báo là sắp có Giám quản, người viết lúng túng an ủi “đại” là ngài càng khỏe, vì dù sao ngài vẫn là chủ chăn của đàn chiên thành phố.

Cuối cùng, đây có lẽ là hình ảnh sinh động nhất của đường hướng mục vụ, phục vụ của ngài, đường hướng mà những người tin yêu, hoặc khe khắt đều có ý kiến, đường hướng mà phải chăng Nhà nước muốn duy trì, kể cả nơi người kế vị của ngài, đường hướng không phải ngài muốn, mà trong hoàn cảnh đặc biệt đặt ra cho thành phố Hồ Chí Minh, đó là đường hướng tối ưu ngài bắt buộc phải chọn, không thể làm khác hơn.

Một lẽ vui mừng khác nữa là báo Sài Gòn Giải Phóng đã thực hiện bài phỏng vấn và (người viết nghĩ như thế) cho đăng nguyên vẹn (nếu có “biên tập”, chắc cũng cốt làm cho trơn tru, chớ không đến đỗi làm sai lệch ý của người ta). Và đây cũng là vinh quang của tờ báo Đảng, rõ ràng xứng đáng với tôn chỉ là “Tiếng nói của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”, vì đã cho đăng khá trung thực một tiếng nói tiêu biểu của một bộ phận không nhỏ nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Nhất là vào dịp ngày 30-4-1975. Với tư cách một người viết (bài cho ) báo, người viết xin chia sẻ vinh quang này và thành tâm mong ước báo Sài Gòn Giải Phóng tiếp tục cho nhiều tiếng nói khác của nhân dân được phát biểu trung thực, làm sáng tỏ bản lĩnh của Đảng là không sợ chân lý, mà cầu mong biết chân lý, để cầm quyền tốt, từ đó, làm cho dân thương, hơn là dân sợ. Càng lý thú hơn là hơn 10 ngày sau đó cũng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, có bài trả lời phỏng vấn của ông Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, vô hình trung (người viết nghĩ thế, mặc dù có dư luận cho rằng có “tổ chức”) tạo cuộc đối thoại tuy gián tiếp, nhưng không phải không ý nghĩa.

Trở lại nhân vật trung tâm của chúng ta, khi được hỏi “cảm tưởng về 20 năm sống và hoạt động dưới chế độ XHCN”, ngài đã trả lời “cảm thấy thời gian như thật dài (như) khi người ta mong đợi”. Mong đợi gì? “Cho nước nhà được phồn vinh giàu mạnh … cho sự đạo được tiến triển và sinh hoạt tôn giáo được tự do, được bình thường. Nhưng nhiều chuyện, chờ lâu quá mà không thấy tới, hay chỉ tới dần dần, từng bước rất chậm!”. Trong vài lời ngắn ngủi ngài đã tổng kết toàn bộ tình hình: thái độ kiên nhẫn mong đợi của cộng đoàn Công giáo và thực tiễn khách quan đặt ra cho họ.

Người viết rất cảm xúc khi ngài tâm sự là trước đây, nghe và đọc thấy những khó khăn của Công giáo ở Liên Xô, Đông Au, Trung Quốc và miền Bắc ngài “tự nhiên cũng rất sợ cộng sản”. Tuy nhiên, ngày 30-4-1975, với tư cách người Việt Nam, ngài đã “rất mừng”, nhưng với tư cách người phụ trách trong Giáo hội, ngài “cũng rất lo là không biết rồi sự đạo sẽ ra sao”. Mặc dù vậy, trên cơ sở suy nghĩ cố hữu đúng đắn là “giữa những người Việt Nam với nhau, thế nào cũng thu xếp để sống chung với nhau được”, ngài đã dấn thân “kêu gọi các linh mục, tu sĩ và giáo dân ở lại góp phần với mọi người xây dựng đất nước”.

Cũng với thái độ dấn thân ngày càng sâu sắc, trong khi tình hình còn mịt mù và trong băn khoăn về chính sách tôn giáo đối với miền Nam có giống như ở miền Bắc hay không, ngài đã thể hiện tin tưởng vào Thiên Chúa và ở con người, bằng cách dũng cảm “kêu gọi giáo hữu đón nhận thống nhất Tổ quốc như một tin vui, như một ân huệ của Thiên Chúa”, dẫu rằng có người trách ngài “đã vận dụng Tin Mừng không đúng chỗ”. Luôn luôn tin tưởng vào suy nghĩ ban đầu của mình “quả đúng như vậy”, ngài đã thể hiện lòng yêu nước và nhận thức chính trị sâu sắc của mình, khi giữa những ý kiến tương phản, ngài “vẫn nghĩ rằng nếu đất nước không thống nhất, thì không biết làm sao mà đương đầu được với những khó khăn to lớn như đã gặp trong hai mươi năm qua”.

Mặc dù những suy nghĩ đúng đắn, thái độ dấn thân dũng cảm của ngài trong buổi đầu đầy ẩn số, sau 20 năm hoạt động dưới chế độ cộng sản, ngài đã trả lời thẳng thắn “vẫn còn sợ cộng sản”, khi được hỏi thẳng thừng như vậy. Nhưng cái sợ hôm nay khác với cái sợ trước đây. Trước đây, ta khiếp sợ cái nghiêm khắc tất yếu của Cách mạng, nghi ngờ, cảnh giác trước mọi sự mới lạ và sẵn sàng trấn áp không nương tay.

Vâng! Cho tới ngài, may mắn được đề cao, đáng giá tốt, đến đỗi lấy đường hướng hoạt động mục vụ của ngài (?) làm tiêu chuẩn cho người kế vị ngài mà “vẫn còn sợ… bởi vì khi đọc các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, cũng như khi gặp các anh lãnh đạo ở những cấp cao, thì thấy mọi sự đều dễ dàng, nhưng khi điều hành ở cơ sở thì còn lắm vấn đề phiền phức quá… Ngay ở Trung ương, có những vấn đề thật đơn giản mà không được giải quyết dứt điểm, cứ nhỏ giọt, cứ dây dưa (như) việc đào tạo linh mục chẳng hạn tại sao cứ phải hạn chế sĩ số cho từng giáo phận?”. Để rồi từ tận đáy lòng, ngài phải buột ra một lời than kín đáo và một dấu hỏi nhẹ nhàng: “Đảng và Nhà nước mất gì? Xã hội thiệt gì? Hay Đảng và Nhà nước muốn hạn chế linh mục để Công giáo không phát triển được”. Thậm chí những vụ việc mà trước đây, nhiều giáo dân từ đó suy nghĩ lệch lạc về ngài, mãi hôm nay mới nghe được tiếng lòng đau xót trong phận làm cha của ngài, khi ngài thổ lộ: “một số vụ việc như vụ nhà thờ Vinh Sơn, vụ các dòng tu ở Thủ Đức, vụ dòng Đồng công đã được xử lý quá mức cần thiết. Nhưng nay thì hậu quả của các vụ việc ấy đã được thu xếp”.

“Duy còn một vấn đế tồn đọng (vấn đề có lẽ “cộm” nhất hiện nay, có quan hệ thiết thân tới ngài và đàn chiên trên nửa triệu của Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh) là vụ bổ nhiệm Giám quản Tông toà hay nói đúng hơn là vấn đề kế vị ngài, cho tới nay kéo dài đã khá lâu (gần hai năm) mà chưa được giải quyết. Tại sao vậy?” Câu hỏi ngắn gọn này không có nghĩa là ngài chưa biết tại sao, mà chỉ vì những lý lẽ, lập luận đã được đưa ra khác nhiều, trước và kể cả sau cuộc phỏng vấn này, theo suy đoán riêng của người viết, không được lương tâm ngài chấp nhận. Bởi vì một đặc thù trong tôn giáo là : “Hãy trả lại cho vua cái gì thuộc về vua và cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa”, theo lời dạy của chính Đức Kitô cho nên nhiều Thánh Tử đạo biết mình cãi lệnh vua không chịu bước qua Thập giá là “quấy” với vua, cho nên đã vui vẻ chấp nhận hình phạt đầu rơi máu đổ, để khỏi bất trung với Chúa. Lương tâm đã không thể chấp nhận, thì con người chỉ biết đặt câu hỏi cho Thiên Chúa và thế gian: “Tại sao vậy?”

Được hỏi và để nêu bật nguyên nhân tình hình đạo đời tương đối tốt từ ngày giải phóng đến nay, ngài đã cho biết có hai nguyên nhân : một là “chính sách đại đoàn kết của Mặt trận đã được thực hành tốt đẹp”, đặc biệt ở thành phố mà mọi vấn đề thuộc thẩm quyền đều đã được giải quyết nhanh chóng rốt ráo, hai là “nhờ có đông đảo linh mục, tu sĩ và giáo hữu sớm nhận thức được những vấn đề của xã hội mới, nên đã tích cực cùng với đồng bào các giới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho bầu không khí đạo đời hòa hợp”. Nhưng ngài cũng đồng thời lưu ý là trong mỗi nguyên nhân đều phải có hai nhân tố : lãnh đạo và hạt nhân, “có lãnh đạo sâu sát mà không có hạt nhân thì không thúc đẩy được phong trào, có hạt nhân mà không có lãnh đạo am hiểu, thì hạt nhân cũng không phát huy được tác dụng”.

Được hỏi về hai vấn đề cụ thể mà cho tới nay nhiều người cho là ngài “không ưa”, ngài đã thẳng thắn vạch ra cái được và chưa được.

Đối với Uy ban Đoàn kết Công giáo, ngài không có gì phàn nàn bởi lẽ nhờ có Uỷ ban, Toà Tổng khỏi đứng ra vận động các linh mục, tu sĩ, giáo dân tham gia các hoạt động xã hội, hơn nữa, những người đứng ra thành lập tổ chức Uỷ ban đều có vị trí trong Giáo hội, và “trước lúc làm bất cứ điều gì đều có báo cáo xin ý kiến của ngài”. Tuy nhiên, Uy ban là “một tổ chức trần thế, có tính cách xã hội và công dân, nên nòng cốt phải là giáo dân, các linh mục, tu sĩ chỉ nên có mặt ở mức độ tối cần thiết”.

Ngài nói không sai, nhưng riêng người viết cúi xin Đức cha xét cho, là xu thế thời đại đã khiến cho lắm linh mục, tu sĩ, thậm chí giám mục “chân trong chân ngoài, chân ngoài dài hơn chân trong”, chân trong còn trụ tại bàn thờ hay trong tu viện, chân ngoài chạy khắp xã hội, quan tâm bênh vực đủ thứ chuyện. Nếu như Đức cha đã khẳng định rằng “ở Việt Nam không có nguy cơ mầm mống của một thứ Giáo hội tự trị hay song song”, thì cúi xin Đức cha ban phép cho Uy ban trở thành khung cảnh đón tiếp các linh mục, tu sĩ, giáo dân hoạt động tông đồ xã hội như một dạng tiền mục vụ, hay hậu mục vụ. Nếu Đức cha đừng ngại ngùng đặt tin tưởng vào các linh mục, tu sĩ, chắc chắn, họ sẽ không bao giờ lỗi đạo, ít ra, với chủ chăn.

Đối với báo Công giáo và Dân tộc, ngài đã nhìn nhận “ tờ báo đã có những đóng góp nhất định làm tăng sự hiểu biết giữa Công giáo và không Công giáo, nhất là làm cho Công giáo hiểu xã hội mới hơn. Trong những năm gần đây, tờ báo đã có một sự đổi mới đúng hướng”,v.v…, như vậy vấn đề, nếu có, đã được giải quyết.

Tổng kết, ngài chỉ còn bốn ước nguyện. Một là quan hệ (đạo đời nói chung là tốt) cần được duy trì và phát triển hơn nhiều, vừa tốt cho đất nước, vừa tốt cho Giáo hội. Hai là Đảng và Nhà nước một mặt giải quyết tập trung dứt điểm các điều bất hợp lý còn tồn đọng, đồng thời ban hành văn bản pháp chế rõ ràng, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo bình thường tạo cho các tín hữu an tâm, cùng với nhân dân, ra sức xây dựng đất nước. Ba là Giáo hội Công giáo ngày càng làm rõ nét bộ mặt Giáo hội phục vụ, dễ được mọi người đón nhận, trong một xã hội đang cần sự phục vụ như xã hội Việt Nam chúng ta ngày nay. Bốn là trong một nền kinh tế thị trường mở cửa, người công nhân lao động không bị hy sinh và người nghèo không bị bỏ rơi.

Chúng ra có quyền tự hào đối với vị chủ chăn 85 tuổi “không còn nắm quyền” của chúng ta. Ngày xưa, các tiên tri không thể nói tách bạch, rõ ràng hơn ngài những vấn đề phức tạp, tế nhị của thực tiễn quan hệ đạo đời mà cộng đoàn Công giáo chúng ta đang sống. Là người Công giáo Việt Nam, chúng ta yêu Thiên Chúa và Giáo hội như con yêu cha, và yêu đất nước quê hương như con yêu mẹ. Là con, chúng ta không bênh cha hay bênh mẹ, chúng ta đều yêu cả hai, trong mọi hoàn cảnh. Nếu xảy bất hoà giữa cha và mẹ, chúng ta chỉ biết đau xót cầu nguyện lạc quan và tin tưởng, không bao giờ oán hận, trách móc, dù cha hay mẹ. Chúng ta luôn luôn trung thành với Tổ quốc Việt Nam, cũng như luôn luôn trung thành với Thiên Chúa và Giáo hội.

(Công Giáo và Dân Tộc 5-1995)



No comments: