Wednesday 2 January 2008

Kỷ Niệm Về Linh Mục Đỗ Minh Lộ (LORRY): NGÀY MAI TRỞ VỀ BÊN KIA CHÂN TRỜI QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM VẪN SỐNG MÃI TRONG TÔI

Lâm Võ Hoàng

CHIỀU hôm ấy (8-12-1995), những giáo dân tấp nập đến nhà nguyện đồng thời là nhà thờ giáo xứ Mai Khôi, có lẽ đều vì sùng kính mừng Kim khánh 50 năm linh mục của cha Lorry (Đỗ Minh Lộ), mới từ Pháp trở qua. Tất nhiên, ai cũng kính mến ngài, một phần, do cảm thương hoàn cảnh hai lần phải ra đi của ngài, phần khác, do quí trọng cảm tình gắn bó thiết tha của ngài với xã hội Việt Nam, vì ngài làm lễ và giảng bằng tiếng Việt, với giọng Tây không thể gột, nhưng lưu loát, chính xác, dễ hiểu. Đặc biệt, ai cũng thích bài giảng của ngài ngắn gọn, khoảng năm phút và tập trung vào ý nghĩa Tin Mừng ngày đó. Do vậy buổi thánh lễ chiều hôm ấy, tuy long trọng, nhưng chẳng hứa hẹn gì đặc biệt.

Nhưng cái bất ngờ đã xảy ra và người tạo “thời sự” bất ngờ đó, chẳng ai khác hơn là cha Đỗ MinhLộ là người, không phải bởi khiêm tốn, mà vì khách quan, đã tự nhận mình “chỉ là một linh mục thường, rất tầm thường”. Thực tế quả là như thế: Tây mà không cao to, ngài lại là con người nhỏ nhẹ, ít nói, đôi khi cũng cười vui, nhưng nụ cười không nở to như hoa hồng, mà sớm cụp xuống như hoa trinh nữ. Hơn thế nữa, ngài như triền miên chìm đắm trong chiêm niệm, trong một đối thoại bất tận với Ba Ngôi Thiên Chúa, ra vào lủi thủi như một bóng mờ. Như vậy, thử hỏi làm sao ngài có thể “chịu đựng” nổi sự so sánh với nhiều “ngôi sao” lấp lánh khác ?

Năm 1960, ngài rời đất Bắc. Hôm cha giảng “ra mắt” lần đầu tiên dưới trời Nam, bằng tiếng Việt, ngoài vẻ mệt mỏi, “nét buồn như cúc, điệu gầy như mai” (Kiều) của ngài đã làm cho cử tọa ngậm ngùi ái ngại. Không rõ, ngài được phân công làm gì, chỉ thấy ngài làm lễ, giảng, ngồi tòa, ngoài ra, có vẻ gần gũi với mấy bà cụ bổn đạo, răng đen, khăn vấn, quê mùa, điều khá hiếm hoi trong cộng đoàn giáo dân đa số trí thức của Mai Khôi.

Anh em trong nhóm trí thức công giáo chúng tôi, khách ưu đãi của Mai Khôi, đều rất quí trọng ngài, nhưng “để yên” ngài với mối sầu vạn cổ, thương nhớ khôn nguôi đất Bắc, mối tình đầu của cuộc đời linh mục của ngài. Do vậy, khi ngài trở lại Việt Nam, lần đầu tiên kể từ năm 1976, sau thánh lễ, tôi đến chào ngài. Lúc đầu ngài không nhận ra, nhưng khi tôi xưng tên, ngài “ồ” lên một nụ cười rạng rỡ chưa từng thấy và nhắc lại các hoạt động của nhóm chúng tôi một cách chính xác nồng ấm không ngờ. Như vậy, ngài đã âm thầm quan tâm và chắc chắn, đã cầu nguyện cho chúng tôi. Quá muộn màn, tôi mới nhận ra sự phong phú tinh tế tràn đầy trong ngài.

Trở lại thánh lễ chiều 8-12-1995, do ngài chủ tế với tất cả các cha Mai Khôi. Bài giảng của ngài, chỉ sau vài câu, đã gây sự chú ý. Ngài kể lại 50 năm linh mục của ngài, bắt đầu từ năm 1945, lúc thế chiến thư hai vừa chấm dứt, với những vấn đề mới đặt ra. Lúc đó ngài đã là tu sĩ Đa Minh được 7 năm và sắp bị động viên làm lính canh giữ tù binh Đức. Nhằm tăng cường khả năng của ngài giúp đỡ những bạn đồng đội và tù binh cùng lứa tuổi, bề trên đã cho ngài thụ phong linh mục sớm hơn dự định trước ngày nhập ngũ. Giải ngũ, ngài tiếp tục học đến tháng chạp năm 1947, và xuống tàu sang Việt Nam mà ngài hoàn toàn không biết.

Tới Hà Nội, ngài còn phải cặm cụi học tiếng Việt trong 2 năm. Sau đó, ngài dạy tiểu chủng viện ở Lạng Sơn; trở lại Hà Nội, ngài dạy giáo lý ở các trường trung tiểu học, rồi làm cha phó, cha chính giáo xứ Đa Minh Hà Nội, đến năm 1960, ngài bị buộc phải rời miền Bắc. Vào Nam, ngài gặp lại và sống chung với các anh em ngài tại tu viện Mai Khôi cho đến năm 1976, bị buộc phải về Pháp luôn. Từ đó, mãi cho đến năm 1995, ngài mới được phép về thăm Mai Khôi 3 tháng như khách du lịch.

Rõ ràng cuộc đời làm linh mục 50 năm qua của ngài, như ngài đã nhận, “không thấy gì đặc biệt, đáng ghi, đáng kể”. Sở dĩ như vậy, có lẽ, như ngài đã cho biết, ngài “không có ý định làm thừa sai, lái xe, cưỡi ngựa đi truyền giáo, mà chỉ muốn làm tu sĩ trên đất Việt và góp phần xây dựng đời sống tu trì, đặc biệt của dòng Đa Minh, tại Việt Nam”. Chính vì xuyên suốt cuộc đời mục vụ ngài nặng hướng về tu trì, không thoát ly với chiêm niệm, mà ngài như “chùa đất Phật vàng”, tức là dưới bề ngoài mờ nhạt của cuộc đời và con người, là cả một bầu trời phong phú yêu thương nồng cháy, một tin tưởng cậy trông xác tín. Đó là hương trầm xông lên từ phần kế tiếp của bài giảng.

Không những ngài không than phiền gì về điều mà người đời cho là số phận hẩm hiu, mà ngài còn coi “những biến cố xảy ra trong cuộc đời chính là Thiên Chúa mặc khải và nói cho chúng ta”. Và ngài tự đặt câu hỏi: “Thiên Chúa đã gọi tôi sang Việt Nam, vậy thì Thiên Chúa đã muốn nói gì cho tôi nghe, tức là tôi đã học hỏi được gì tại Việt Nam?”

Câu trả lời đầu tiên của ngài quả là bất ngờ thích thú cho cử tọa Việt Nam : “Trước hết, tôi đã gặp và khám phá một dân tộc tha thiết yêu mến quê hương, biết chịu đựng và sẵn sàng hy sinh vì một lý tưởng cao cả, thiêng liêng. Tôi cũng đã gặp một dân tộc hiếu khách, vui vẻ niềm nở đón tiếp người nước ngoài. Tôi đã gặp một dân tộc chăm chỉ, hăng say làm việc cho quê hương mình mau phát triển”.

“Tôi đã gặp một xã hội tương đối vững bền, trong đó đa số gia đình sống đoàn tụ, ấm cúng. Cha mẹ yêu thương, giáo dục con cái kỹ lưỡng. Con cái tôn trọng và yêu mến cha mẹ cho đến tuổi già, cho đến giây phút cuối cùng. Tóm lại, tôi đã gặp một dân tộc, một xã hội vô cùng đáng kính và đáng mến”.

Thích thú, vì chưa chắc nhiều người trong số chúng ta đã có thể thấu suốt được những ưu điểm “đáng kính đáng mến” của dân tộc ta, xã hội ta, một cách đơn sơ, sâu sắc, cô đọng, hàm súc đến thế. Mặt khác, ngài là một người nước ngoài, mà nói lên những lời chan chứa không những thể hiện tấm lòng gắn bó quân tử đối với đất nước dân tộc ta, dù sao cũng đã đùm bọc ngài trong gần suốt 30 năm, mà còn tỏ ra hiểu biết xác thực về chúng ta, “tương tri dường ấy mới là tương tri” (Kiều). Quả thật ngài không còn là khách, mà là con của đất nước chúng ta.

Không những thích thú mà còn xúc động đến tận đáy lòng, nhiều giáo dân đã không cầm được nước mắt khi nghe ngài tuyên xưng “Ngày mai, tôi sẽ trở về Pháp. Pháp là tổ quốc tôi, tức là đất tổ tiên tôi, cha mẹ tôi. Còn Việt Nam là một quê hương thiêng liêng mà Chúa đã dâng cho tôi, đã biếu cho tôi. Tôi luôn luôn bao hàm cả Việt Nam và Pháp trong một tình yêu duy nhất. Ngày mai tôi sẽ trở về bên kia chân trời, nhưng quê hương Việt Nam vẫn sống mãi trong tâm hồn tôi”.

Yêu mến đất nước ta, ngài không quên Giáo hội Việt Nam ta và đã có cái nhìn lạc quan đầy hy vọng: “Trở lại Việt Nam lần này, tôi đã hòa nhập vào một Giáo hội rất sinh động và sốt sắng, siêng năng cầu nguyện. Tại Pháp, đa số vẫn xưng là công giáo, nhưng lại bỏ đạo, hoặc rất thờ ơ lãnh đạm với đạo. Người Công giáo Việt Nam, trái lại, theo ý tôi, vẫn công nhận vị trí của Chúa trong đời mình, vẫn sẵn sàng làm tròn bổn phận của mình đối với Thiên Chúa và đối với xã hội, vẫn sẵn sàng làm cho đức tin mình ngày càng bền vững, sáng suốt, sâu xa. Giáo hội Việt Nam là một Giáo hội tràn đầy công trạng và hy vọng. Tôi sẽ cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam luôn luôn làm chứng nhân của Chúa trong đất nước Việt Nam hiện tại”.

Tất nhiên ngài không quên thổ lộ tình yêu đối với anh em dòng Đa Minh của ngài: “Dù có khác nhau ở tuổi tác, chủng tộc, chúng tôi đã sống rất huynh đệ với nhau, đã trở thành một cộng đoàn chân thật. Đã có lòng trông cậy lẫn nhau, chúng tôi đã sống đời sống tu trì , cộng tác và làm mục vụ với nhau, như anh em một nhà. Trong gần 30 năm sống với anh em dòng tại Việt Nam, tôi không bao giờ nhớ nhà quá, không bao giờ gặp dịp cãi vã với ai”.

Đỉnh cao của tình yêu, ngài dành cho Thiên Chúa đã làm tươi trẻ suốt cuộc đời của ngài. Ngài đã tuyên xưng tình yêu đó một cách khiêm tốn, đơn sơ, cô đọng, đầy đủ, như đứa trẻ thơ: “Nhìn lại năm chục năm qua, tôi ý thức rằng tôi không phải là một linh mục ưu tú, tôi chỉ là một linh mục thường, rất tầm thường. Nhưng tôi không hổ thẹn, tôi vẫn an tâm. Vì tôi biết tôi tin vào ai và tôi đặt hy vọng không phải vào những công việc mình đã làm được, hoặc những công trạng mình đã có. Tôi chỉ đặt hy vọng vào Thiên Chúa, vào lòng xót thương của Thiên Chúa. Từ thuở nhỏ, Chúa đã kêu gọi tôi và Chúa là Đấng trung tín vô hạn”.

Những lời tuyên xưng trên thật ra chẳng có chi lạ, thậm chí đã quen tai, nhưng trong bầu khí nồng ấm chân thành, yêu thương, tin tưởng, đã mang âm hưởng mới, rung động tâm hồn. khiến cho người nghe, ít ra người viết, không thể không nhìn lại đời mình, xét lại đức tin mình và âm thầm nức nở bám chặt vào sự xót thương của Thiên Chúa. : “chậm giận nhưng giàu tình thương”.

Không chỉ riêng giáo dân xúc động, ngài cũng đã sụt sùi, sau lời tạ từ của cha tu viện trưởng Đỗ Xuân Quế, làm ngắt quảng lời ban phép lành cuối lễ.

Hôm sau lên sân bay tiễn ngài, tôi đã nói đùa với ngài : “Bài giảng hôm qua, đối với con là di chúc thiêng liêng của cha. Con đã khóc và hôm nay xin tiễn đưa cha một khúc đường. Vậy ngày nào cha về với Chúa mà con không ở gần, thì xin cha nhớ cho là con cũng đã tròn bổn phận với cha rồi đấy! Chúc cha thượng lộ, theo hai nghĩa, trong bình an của Chúa. Amen”.

Công Giáo và Dân Tộc 1- 1996

No comments: