Wednesday, 2 January 2008

MÂU THUẪN và CƠ TẤT THẮNG

Lâm Võ Hoàng

MỖI lần bước vào mùa Chay, con người, như thuở bé, nghe trống đánh hết giờ ra chơi, liền cắt đứt câu chuyện cười đùa, nghỉ ngang trò chơi đang cao hứng, quệt mồ hôi, lấy bộ mặt nghiêm chỉnh, tiến về lớp đứng sắp hàng, sửa lại áo quần, chờ thầy cô kiểm tra hàng ngũ và cho lệnh vào lớp. Đứa bé trở thành tín hữu, sống một cuộc sống tín hữu trưởng thành nhứt, toàn diện nhứt, “không phải là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”, như Thánh Phaolô đã xác tín.

Trong năm, với ngày thánh trôi qua, con người vẫn là tín hữu, vẫn sống cuộc sống tín hữu bình thường, nhưng không với chất lượng, độ đậm đặc như bắt đầu từ ngày hôm nay đến tuyệt đỉnh là đêm canh thức Phục Sinh, từ đó xuống dần tới “đồng bằng” ngày thường quanh năm, với hai cột mốc là lễ Thăng Thiên và lễ Hiện Xuống. Nói rõ hơn, mùa chay chuẩn bị tâm hồn tín hữu sống ba huyền nhiệm lễ Lá, Thương khó và Phục Sinh, xuất phát từ huyền nhiệm nhập thể Giáng sinh.

Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô nhập thể giáng sinh là để loan báo Tin Mừng từ Thiên Chúa cha. Việc loan báo này hệ trọng đến đỗi, Người phải tự chuẩn bị bằng bốn mươi ngày cầu nguyện trong sa mạc, kết thúc bằng sự khẳng định lập trường kiên định với Satan, vạch cho nó-và cho chúng ta-thấy sự cám dổ của nó, không những sai trái mà còn là ảo vọng và chỉ là hư ảo.

Bốn mươi ngày cầu nguyện này gắn liền với bốn mươi năm xuất hành cũng trong sa mạc của dân Do Thái cũng như sự minh định lập trường của Chúa Giêsu xác nhận, nâng cao sự bày tỏ lập trường của dân Do Thái quyết tâm rời bỏ nô lệ, để trở về với tự do, tự do của con cái Thiên Chúa, dù trong gian khổ cực kỳ và họ chỉ tới đất hứa, sau khi người dao động, thiếu tin tưởng cuối cùng trả giá bằng cái chết.

Đó cũng là ý nghĩa của mùa Chay chúng ta là cầu nguyện và suy nghĩ ôn lại những gì ta đã làm gì về phép Thánh tẩy của ta, từ đó ta khẳng định lập trường kiên định chúng ta một cách công khai cộng đồng vào đêm canh thức Phục sinh, tin vào ai, bỏ cái gì? Do đó, mùa Chay tổng dợt chúng ta sống đêm canh thức Phục sinh và tập cho ta, bắt đầu từ đó, tập trung toàn tâm, toàn ý toàn thân, hướng về đêm đó.

Hết mùa Chay, Chúa nhật lễ Lá là một sự mở màn hết sức độc đáo, công khai hóa một mâu thuẫn sâu thẳm. Nếu trước đây, Chúa Giêsu vừa tỏ lộ mình là Đức Kitô lại vừa cấm đoán người được tỏ tường nói ra, thì hôm nay Chúa Giêsu lại công khai ra mắt với dân Do Thái như Đấng Mêsia chính hiệu y như Thánh Kinh đã ghi báo hàng trăm năm trước cho tới chi tiết nhỏ nhặt nhứt, như cởi con lừa tơ còn theo mẹ. Dân Do Thái đã không lầm, khi đón chào Người, giữa luồng sấm hoan hô và rừng cành thiên tuế trên đường đi lên Giêrusalem.

Nhưng ơ kìa ! Người không màn ngôi vương bá mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho Người mà lại rời bỏ thành thánh đi nơi khác. Hẫng hụt ! Thất vọng ! Tuyệt vọng ! Cho những ai không chịu hiểu rằng Người quả thật là Đấng Mêsia, nhưng là Đấng Mêsia- theo- ý- muốn- của Thiên Chúa, chớ không phải là Đấng Mêsia- theo- ý- muốn- của- con người. Thế là đảo lộn mọi dự tính của con người và họ đã phẩn nộ và hành động theo sự phẩn nộ ấy, bắt đầu từ Giuda Iscariot, dứt tình, đem bán Chúa. Kế đó là dân Do Thái, trong ngày xử án Chúa Giêsu, khi kêu gào không tha chết và đem đóng đinh Chúa Giêsu.

Mâu thuẩn này ngày càng sâu sắc khi Chúa Giêsu bước vào Thương khó. Một mặt, trước kia, khi Người càng “úp mở” trong việc xác nhận mình là Đấng Kitô phải đến và đã đến bao nhiêu, thì người Do thái càng khát khao đòi Người nói trắng ra Người là ai để họ nghe theo, bấy nhiêu. Và giờ đây, khi trước đủ mặt bá quan, Người càng khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát mình là Đấng Kitô, như Thánh Kinh đã loan báo, bao nhiêu, thì người ta càng thấy Người chỉ là thợ mộc con của thợ mộc ở Galilê, do đó, lộng ngôn phạm thánh đáng chết, hoặc giả huênh hoang khoác lác đáng đánh đòn, bấy nhiêu. Và thực tế, người ta đã chọc quê, đánh đòn và giết Người bằng nhục hình thập giá, như thể ngày nay người ta xử đứa cướp của, hiếp dâm, giết người gớm ghiếc, không bằng vậy!

Mặt khác, trước kia, khi Người loan báo trước cho môn đệ thương khó tất yếu phải đến với Người một cách tỉnh táo, thanh thản bao nhiêu, thì giờ đây thương khó đã đến, Người càng bồn chồn, bức xúc muốn đẩy lùi xa chén đắng bấy nhiêu, mặc dù ngay sau đó, Người đã an tâm tin tưởng chấp nhận theo ý Cha tuyệt đối. Mâu thuẫn này càng làm rõ nét Người là Thiên Chúa hằng sống, hiển vinh bên hữu Thiên Chúa Cha trước khi Cha tạo thành trời đất, thế mà đã chấp nhận làm người, Người lại còn muốn mang thân phận con người thấp hèn nhất, bị sỉ nhục đớn đau nhất, hơn cả những tên tội phạm ghê gớm nhất. Tất cả, chỉ vì yêu thương con người, muốn chia sẻ với con người phần thấp thỏi nhất, để cho cái giá gánh tội, chuộc tội cho con người đắt nhất.

Mâu thuẫn ngày sâu sắc cực cùng, khi Người tất yếu phải chết để mới có thể Phục sinh và bằng Phục sinh mới chứng tỏ hùng hồn, không chối cãi, Người là hằng sống và được Đấng hằng sống trên trời sai đến. Không qua cái chết, Người không thể chứng minh được bất cứ điều gì. Không phục sinh, Người chỉ có thể chứng minh rằng tất cả những gì Người đã loan báo, dạy dỗ, chỉ là gió thoảng mây trôi, nếu không phải là bố láo, điên khùng. Như thế, phải chăng cái chết của Người chỉ là một “thủ tục”, một cái chết giả vờ như trong cải lương? Không, đây là một cái chết thật, thật đến đỗi chính ngay Người là Thiên Chúa mà cũng không được “bảo đảm”, vào giờ phút quyết liệt là Người “tất nhiên” sẽ được sống lại, “theo hợp đồng”. Như trước kia, Người đã tỉnh tuồng cho các môn đệ biết là sẽ như thế. Bởi vậy, sau những khổ ải tinh thần và đớn đau thể xác mà chưa một con người nào đã trải qua, Người đã trút hơi thở, sau tiếng kêu than não nuột, xé lòng Cha : “Lạy Chúa, sao Chúa nỡ bỏ con?”, khiến cho cả đất trời đều nức nở.

Với Phục sinh mọi nút thắt đều được mở ra. Người đã chứng minh được Người là ai và những gì Người đã giảng dạy có giá trị mặc khải trực tiếp từ Chúa Cha như thế nào? Siêu việt hơn cả là qua Phục sinh máu Người đỗ ra đã được chứng minh là làm cho tín hữu trở thành người công chính và có khả năng làm cho người khác trở thành công chính theo. Khi được sống lại như đã được các ngôn sứ và bản thân Người loan báo trước, Người đã chứng minh Người không phải là một tôn sư bình thường, mà là “Chúa và Thiên Chúa”, như Tôma đã run rẩy kêu lên, khi đút ngón tay vào lỗ đính và thọc bàn tay vào cạnh sườn Người.

Do đó, Người đã bảo đảm cho các tín hữu của Người qua mọi không gian và thời gian, một cơ tất thắng, mãnh liệt phi thường, đối với tội lỗi và cái chết trong tội lỗi. Từ nay, tội lỗi chỉ là “vùng tạm chiếm” mà do yêu cầu của chương trình cứu chuộc, chúng ta còn bắt buộc phải ở, trong thời gian không biết bao lâu, nhưng chắc chắn là từ nay không phải như người nô lệ của tội lỗi, bị tội lỗi khống chế toàn diện, như khi ở Ai Cập và xa xưa trước đây, mà như người cách mạng được tổ chức bố trí ở trong vùng tạm chiếm, hoặc như Quan Vân Trường “ở với Tào mà chẳng hàng Tào”.

Nhưng mâu thuẫn không phải vì đó mà hết. Phục sinh là một sự kiện phi thường, là phép lạ của phép lạ, khơi nguồn mọi đổi mới, hồng ân và cách mạng trên địa cầu. Thế tại sao Chúa Giêsu Kitô Phục sinh lại không xuất hiện công khai như khi Người tử nạn ? Cái gì sẽ xảy ra, nếu Người xuất hiện tại đền thờ, hội đường, dinh Caipha, toà tổng trấn? Có lẽ toàn dân Do Thái sẽ trở lại trên đống gạch ngói vụn của hội đường! Nhưng Chúa không làm “sơn đông mãi võ” như vậy để thu phục tín hữu. Vả chăng, đối với dân do Thái là dân riêng của Chúa, vấn đề vốn phức tạp từ ngàn xưa, nay với “nợ máu” mới, càng phức tạp hơn. Chúa có lẽ muốn “khoanh” vấn đề lại để giải quyết rốt ráo, vào dịp thích hợp, để tập trung mở đường cứu độ cho dân ngoại.

Hơn nữa, sự trở lại của mỗi người đều là một hành động tự do, tự giác, tự nguyện, đáp ứng những yêu sách rất ngặt nghèo của ơn cứu độ, tức là tin vào Con, để tin vào Cha, từ đó “thi hành ý muốn của Đấng đã sai Con”. Cho nên nếu thấy mới tin thì những tâm hồn muốn hồi hương mà ở xa, hoặc thuộc thế hệ mai sau thì làm sao họ có thể thấy được? Do vậy, Chúa Kitô Phục sinh đã ưu tiên cho một dạng “không thấy mà tin”, như lời Người đã nói với Tôma.

Bởi lẽ đó, ngay cả đối với các môn đệ, Người chỉ xuất hiện, sau khi Phục sinh, cho một số người, vì lợi ích của loan báo Tin Mừng và củng cố Giáo hội mà thôi. Suy nghĩ này dựa trên những định chế lớn, những bí tích lớn của Giáo hội mà Chúa Kitô đã thiết lập sau khi Phục sinh.

Tóm lại, cách ẩn hiện, tỏ mờ mà Chúa Kitô đã hành động trước hay sau Phục sinh đều gây những mâu thuẫn kéo dài tới ngày nay, nhưng mâu thuẫn mà may thay những tâm hồn có đức tin, như chúa Kitô đã định nghĩa là “không thấy mà tin”, vẫn có thể khắc phục, giải quyết được. Nhưng điều tôi tâm đắc nhất trong Phục sinh là cơ tất thắng mà máu Chúa đổ ra đã đem lại cho ta. Cơ tất thắng đó là bảo hiểm, nhờ đó ta vẫn giữ được bình an của Chúa trong mọi hoàn cảnh, mặc dù những sóng dập gió dồi của cuộc sống, cũng đó là chìa khóa mở cánh cửa hy vọng vô bờ bến mà những người anh em của ta trong cuộc sống của họ gọi là lạc quan cách mạng.

Công Giáo và Dân Tộc 7-4-1996


No comments: