Wednesday 2 January 2008

LẦN ĐẦU TIÊN GẶP ĐỨC HỒNG Y PHẠM ĐÌNH TỤNG

Lâm Võ Hoàng

Rất lâu, trước khi thành lập Tổ Tư vấn Cải cách của Chính phủ, tôi đã có dịp ra Hà Nội công tác nhiều lần, vào thời Đức Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tạm ngụ tại Tòa Tổng Hà Nội. Tôi may mắn được làm quen với ngài, đang nằm mổ ở bệnh viện Bạch Mai, hồi tháng 10-1989. Là một con chiên giáo phận Sài Gòn, tôi không thể không coi ngài là bề trên của tôi và tự thấy bổn phận đến thăm ngài trong cơn bệnh nặng. Ngày lúc đầu, ngài đã không tỏ ra nghi ngờ gì hết về sự thăm viếng đường đột này, vả lại còn tâm đắc về sự đóng góp của tôi. Động viên tôi “quên hết quá khứ, nhìn thẳng vào tương lai”. Ngài hứa sẽ cầu nguyện và từ giường bệnh, ban phép lành cho tôi.

Kể lòng vòng như trên để thấy rằng tôi rất xót xa khi nghe nói Đức Trịnh (đệ nhị) Hồng y, đã cư xử với ngài, như Đức Tomko, bên Vatican, đã cư xử với Đức Phaolô Bình, nghĩa là “rất khô”, như đã có ghi lại trong CGvDT. Năm 1991, tôi gặp lại ngài nhiều lần ở Tòa Tổng Hà Nội và ngày càng hiểu và quí ngài hơn. Những năm dài gian khổ và hy vọng đã thăng hoa tư tưởng, tài uyên bác, tầm suy nghĩ, bề dày kinh nghiệm chăn dắt, ngài như con trai mang ngọc trong người, điều họa phúc thật khôn lường!

Thuở ấy, Đức Phạm đã về Giám quản Tổng địa phận Hà Nội. Vài lần, tôi xin Đức Phanxicô dẫn tôi đến bái chào Đức Phạm, mục đích, trong thâm tâm tôi, là để xem Đức Phạm có khác Đức Trịnh không ? Có lẽ Chúa đã soi thấu lòng tôi thấy thắc mắc của tôi không lành mạnh, hoặc thiếu nhân ái hay sao, mà lần nào Đức Phạm cũng đã trở về Bắc Ninh. Vì vậy, ngày được tin ngài đã nhận pallium, lĩnh Chính tòa Hà Nội, tôi đã ngần ngại, không gởi thơ mừng ngài…

Thánh 11-1994 vừa qua, tôi có dịp ra Hà Nội, sau khi nghe tin ngài được Đức Thánh Cha bổ nhiệm Hồng y, tức là, theo điều lệ được có quyền bầu và kế vị Giáo hoàng, nếu được suy cử. Chuộc lại thiếu sót nói trên, buổi nọ, sau khi xong công tác, sắp trở vào Nam, tôi đến Tòa tổng xin yết kiến ngài, sau khi nhờ cha Thủy, cha chính xứ và quản lý giáo phận có lẽ trẻ nhất Việt Nam, thậm chí thế giới, thưa giùm.

Ngồi chờ tại phòng khách cổ kính, lòng đang bồi hồi tưởng nhớ những lần ra vào nơi đây, thăm “Người xa xăm lắm”, cánh cửa bỗng hé mở, một linh mục nhỏ thó, thò đầu và nhẹ nhàng bước vào. Tưởng đâu là thư ký của ngài, vì áo không viền, tay lẫn dưới nếp áo, tôi lễ phép đứng dậy tính trình bày lý do viếng thăm. Bỗng cái gì đó khiến tôi tin chắc đây là ngài. Tôi lật đật bước tới bái gối, tìm tay hôn nhẫn. Ngài liền kéo tôi đứng dậy, tôi mới thấy chiếc nhẫn đơn sơ của ngài.

Tôi trình bày tôi là giáo dân Sài Gòn, nhưng có công tác ở ngoài này, cho nên mạo muội đến diện trình, trước là mừng ngài lên Tổng Giám mục và Hồng y trong thời gian kỷ lục (vì Đức Lustiger, Tổng Giám mục Paris, “con cưng” của Đức Thánh Cha đã phải chờ “mũ đỏ” hằng mấy năm trời), sau là báo cáo qua công tác của tôi, để ngài mừng và ban phép lành cho tôi. Quả ngài mừng thật, ngài vui vẻ trao đổi với tôi, như cha gặp lại con ở xa về. Ngài cho biết nhiệm vụ ngài nặng nề, nhưng nếu trông cậy và phó thác vào Chúa, đồng thời, biết suy nghĩ để tìm đường đúng đắn phù hợp với lợi ích của Giáo hội và Nhà nước, thì vẫn có thể cố gắng được.

Tôi dạn dĩ nói đùa là tôi không chắc các khó khăn sẽ hết. Vì như tôi có viết trong CGvDT, là ở đây có vấn đề cộng tồn giữa hai quyền bính độc tôn, Xê-da và Thiên Chúa. Nếu cố gắng hiểu biết bản-chất-không-thể-từ-bỏ của nhau, thì vẫn có thể, từng bước phát triển quan hệ tốt đẹp, vì lợi ích của đối tượng chung là giáo dân đồng thời là công dân, công dân cũng là giáo dân.

Ngài trầm ngâm lắng nghe, tôi lại báo cáo thêm là tôi đã có lần trình bày cùng một vị lãnh đạo quốc gia là Chúa chúng ta, trong Tin Mừng, đã có dạy, nếu ta có điều mâu thuẩn với người anh em, đến đổi phải kéo nhau ra tòa, thì trên đường và trước khi đến pháp đình, chúng ta phải cố gắng tranh thủ giảng hòa, vì sự giảng hòa ít tai hại hơn bản án. Vị lãnh đạo quốc gia đã cho biết ông không theo Chúa, nhưng không chống Chúa. Đó là những cơ sở có giá trị để, từng bước, thực hiện sự hiểu biết, thông cảm và tôn trọng cần thiết cho hòa hợp, đoàn kết dân tộc, nền tảng để phát triển, vì tương lai đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng và văn minh.

Ngài nhìn tôi cười buồn, như trìu mến thằng con đã quá lục tuần, mà vẫn còn dỡ hơi, chưa hết nóng nảy. Xoay qua chuyện khác, ngài bảo: “Tôi rất mừng thấy anh có đức tin và biết anh có đóng góp cho đất nước. anh cứ cố gắng làm hết sức mình, theo lương tâm và trong cầu nguyện. Tôi rất muốn trao đổi nhiều với anh về đức tin và những vấn đề xã hội. Khi có dịp trở ra, anh nhớ ghé tôi, để chúng ta cùng trao đổi”.

Tôi rất xúc động không ngờ ngài có những lời ưu ái chí tình với đứa hèn mọn, lắm điều mà ngài chỉ mới gặp chưa đầy nửa giờ. Tôi đứng dậy chúc mừng ngài được ơn Chúa cất nhắc lên tột đỉnh vào cái tuổi hết còn trông mong bất cứ cái gì, ngoài ơn cứu rỗi: “Có lẽ Đức Cha được chấp nhận chính vì cái tuổi đó, như khi xưa, đức Gioan XXIII được bầu, nhờ cái tuổi “chẳng còn được bao lâu”.

Ngài làm như không nghe lời ví của tôi và đưa tay ra bắt. Tôi xin ngài ban phép lành. Không cho tôi quì, ngài trang trọng trong cử chỉ ban phép, cũng như trong cách đọc chậm rõ và hết lời kinh, bằng tiếng Latinh. Rồi Ngài tiễn tôi tới tận cửa ra sân và nhắc tôi nhớ ghé qua ngài, khi có dịp trở ra lần tới.

Ra về, trong tôi, bỗng nhiền Hà Nội đẹp và đáng yêu hơn bao giờ hết. Hồn tôi, tim tôi, trí tôi, tôi sẵn sàng xẻ cho Hà Nội, mà không giảm phần trọn vẹn của thành phố Hồ Chí Minh.

(Công Giáo và Dân Tộc 11-12-1994)

No comments: