Wednesday 2 January 2008

HÌNH ẢNH MỘT CHÂN TU

Lâm Võ Hoàng

Hôm 4-8-1995, trong khi tôi đang vật lộn với ánh nắng chói chang ở phía đầu đường Đồng Khởi và kiên nhẫn với mấy cây dù phía trước chụm lại như hòn núi cao che khuất cảnh tượng thánh lễ an táng Đức Tổng Phaolô, bỗng tôi thấy một vị sư tiểu thừa, từ phía trường Hòa Bình xăm xăm tới gần chỗ tôi đứng. Ngài khoảng 70, người thấp, lưng hơi gù, chống gậy trúc, tay cầm nhánh huệ tướng mạnh khoẻ, mặt hiền từ, không nhìn ai. Tới bìa đám đông, ngài dừng lại, hướng về lễ đài, chắp tay vẫn cầm huệ và gậy, đứng im lặng, nhắm mắt cầu nguyện một cách an nhiên.

Thấy không ai quan tâm đến ngài, tôi bồn chồn lo lắng. Nhưng mình chỉ là phó thường dân, lo thì lo, chớ làm gì được? Một lát sau, kềm lòng không được, tôi nói với một em ban trật tự, nhờ em đưa ngài lên chỗ vị trí quan khách, nơi xa xăm kia. Có lẽ vì lệnh nghiêm, nên em ngần ngừ, rồi biến vào đám đông. Tôi lại nói với một em khác rằng đây là đại diện tôn giáo bạn, đến với Đức Tổng chúng ta, chia buồn cùng với Giáo hội chúng ta, cho nên chúng ta không thể để ngài tại đây được, mà phải đưa ngài lên trên kia kìa, có ghế ngồi đàng hoàng. Em này bàn bạc với vài em khác trong ban trật tự, rồi im re.

Lúc đó, ngài đã ngồi xuống mặt đường, bông huệ để trước mặt, gậy để xuôi theo người, chắp tay mặc niệm, hoàn toàn như cách biệt với đám đông. Biết không thể làm gì hơn, tôi vừa theo dõi thánh lễ ba sồn ba sựt qua các loa ồm ồm, vừa quan sát ngài. Quả là đời tôi chưa thấy một chân tu nào nhập định sâu thẳm vào cầu nguyện như ngài. Ngài ngồi bất động giữa đám đông, mà hầu như ngài ở trên non cao, trong động vắng. Thậm chí da thịt ngài cũng ráo mát như ở trong nhà, trong khi chúng tôi đều mồ hôi mồ kê không kịp vuốt. Một vài bà đang che dù ngồi gần đó, thấy ngài phơi đầu trọc dưới lửa nắng, cũng trắc ẩn nghiêng dù qua hướng ngài một ít. Nhưng vì mắc lo nói chuyện với nhau, cho nên mấy bà cầm dù lúc la lúc lắc, khiến cho ngài lúc nắng lúc mát vô chừng, trông thật tội.

Bỗng có một anh nhiếp ảnh đến chụp hình ngài lia lịa, lúc xa, lúc cận, ngài cũng không màng để ý, vẫn giữ tư thế bất động. Anh này chụp đã, rồi ngắm ngài, rồi chụp nữa. Tôi bèn nảy ý đến gần anh nhờ anh đưa ngài vào khu vực quan khách, vì anh được tự do đi khắp nơi. Lúc đầu anh từ chối, nhưng tôi liền giở nghề “khích tướng”, nói anh đã chụp hình ngài đã đời rồi, vậy anh nên “sòng phẳng” đưa ngài đi giùm, tôi sẽ đi theo cùng anh, có bề gì sẽ “chia lửa” với anh. Anh nhận lời. Tôi đến bên ngài thỏ thẻ xin lỗi đã để ngài chịu nắng nãy giờ và mời ngài đứng dậy lên chỗ quan khách.

Không một thoáng gì chứng tỏ ngài biết có tôi ở bên cạnh ngài và đang thưa với ngài điều gì đó, ngài đứng dậy, có anh nhiếp ảnh và tôi ở hai bên đỡ ngài. Bộ ba vạch người, tiến tới vùng cấm địa. Ngài theo chúng tôi như cái máy. Chúng tôi ngừng, ngài ngừng, chúng tôi đi, ngài đi, không một lời trao đổi, không một cái nhìn chúng tôi. Đến “chốt biên phòng”, một anh trung niên, có vẻ là “trưởng” ở đó. Dứt khoát đưa bàn tay chặn chúng tôi lại. Tôi năn nỉ, anh vẫn kiên quyết. Tôi nổi cáu, la nho nhỏ: “Cụ Hòa thượng đại diện tôn giáo bạn, đến đây tỏ lòng quí mến Đức Tổng mình và chia sẽ đau buồn của chúng ta, chớ chẳng ăn vàng ăn ngọc gì ở đây. Anh không cho cụ vào chỗ quan khách thật là vô lý. Tại Đức Tổng mình đang kẹt giữa sáu miếng ván, chớ không thì ngài đã lật đật tới rước cụ vào, khỏi cần tôi năn nỉ anh. Vậy anh không cho, tôi cũng xông vào đưa cụ đến nơi, ra sao thì ra, chớ tôi xốn xang chịu hết nổi rồi”.

Chúa quan phòng đã khiến cho anh “trưởng” bị réo về công chuyện gì đó, anh vừa quay đi, tôi cùng anh nhiếp ảnh “phò” ngài qua khu đất không người (no man land) mênh mông và gặp cha Hiền (Tân Định) đang đi tới. Trình báo và bàn giao xong, tôi một mình quay về vị trí phó thường dẫn cũ, lòng nhẹ bổng, nhưng thấy mình kỳ kỳ không giống ai. Nhưng thôi! Xưa nay người Công giáo có giống ai bao giờ? Từ đó, tôi không còn gặp cụ nữa. Nhưng hình ảnh cụ vẫn sắc nét trong tôi cũng như trong cầu nguyện của tôi. Qua tiễn đưa một chân tu về cực lạc, Chúa đã cho tôi gặp một hình ảnh chân tu khác. Hai lối tu trì khác nhau, nhưng ai bảo là không đồng sức mạnh siêu nhiên?

(Công Giáo và Dân Tộc 13-8-1995)

No comments: