Wednesday 2 January 2008

MỘT BẢN LĨNH LÃNH ĐẠO RẤT PHÚC ÂM

Lâm Võ Hoàng

Đang chuẩn bị viết một bài thật “ngon” đánh dấu kỷ niệm 20 năm hiện diện của Công Giáo Và Dân Tộc, cho rõ mặt người thợ giờ thứ 11 mà vẫn được trả lương đầy đủ, thậm chí, hậu hĩ hơn những người thợ đã vất vả từ trời còn tối om, thì tang tóc đã đổ xuống trên đầu Giáo hội, giáo dân Tp. Hồ Chí Minh và riêng tôi, một người yêu kính, tin tưởng không đổi đời Đức Phaolô, Tổng Giám mục giáo phận thành phố Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta, từ thuở xa xưa, trước khi trở thành con chiên của Chúa Kitô và mãi cho tới ngày nay.

Thật ra giữa ngài và tôi có mối duyên thầm, mối duyên ngầm, kín đáo đến đỗi những vị thân cận, những anh chị hầu cận ngài cũng không biết, không ngờ, khiến cho đôi lúc những người khả ái này phải thoáng chút lúng túng, khi tôi xuất hiện, xin phép hầu thăm vấn an ngài đang đau yếu và hứa chắc là chỉ bái gối rồi lui gót liền. Nhưng hỡi ôi! Nào tôi có muốn, nhưng đành phải thất hứa ở “lì”, do bị níu tay, nhanh lắm là 15 phút, trung bình cũng nửa giờ.

Tôi như đứa con hoang trong Tin Mừng, xa cách ngài là chủ yếu. Nhưng tôi tin rằng ngài biết chắc giữa tôi với Thiên Chúa, cũng như với ngài, có sợi chỉ đỏ cầu nguyện xuyên suốt, không bao giờ đứt. Cho nên mỗi lần gặp lại ngài, có khi trong nước mắt, như lần đi cải tạo về, câu chuyện lại y như giữa những người thường gặp nhau. Nhưng, mặt khác, bởi sự xa cách thường xuyên đó, ngài và tôi không có trao đổi thừa, hỏi ngắn, trả lời gọn. Phần nhiều, tôi tranh thủ hỏi ngài những tin tức được nghe bên ngoài để ngài xác nhận, phủ định, hay điều chỉnh, giúp tôi xây dựng nhận định cho riêng tôi.

Tôi cũng trình bày những suy nghĩ, những công việc làm hoặc dự định làm của tôi để ngài bảo ban vài lời khuyên dạy. Luôn luôn ngài động viên tôi, dù gặp khó khăn đến đâu, nếu còn khả năng và sức lực, thì đừng bao giờ quên nhiệm vụ đối với đất nước, đồng bào, luôn luôn tìm cơ hội đóng góp, tích cực đóng góp vì lợi ích và sự nghiệp phát triển đất nước. Tôi còn nhớ ngài đã lộ vẻ mừng, khi trở về chuyến công tác đầu tiên tại Hà Nội, tháng 10.1989, do Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng) mời tôi tham gia đề án “đổi mới căn bản ngân hàng”, tôi báo cáo với ngài là anh Huỳnh Bửu Sơn và tôi, đã có những đóng góp ráo riết, đầy nhiệt tình, với kết quả ban đầu tích cực, ngài vui vẻ, theo yêu cầu của tôi, ban phép lành cho công việc chúng tôi đang làm và cho tất cả những người tham gia.

Tôi cũng còn nhớ như in nét xúc động trên nét mặt chưa hết dấu hỏi của ngài, khi tôi đến trình báo ngài tôi vừa nhận được thơ của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thay mặt Thủ tướng, mời tôi làm chuyên gia tư vấn Thủ tướng Chính phủ về cải cách kinh tế, cải cách hành chánh, nhưng giữ ý không thưa tiếp là tôi đã quyết định nhận lời. Đang vui, ngài nghiêm sắc mặt, lộ vẻ xúc động, đôi mắt lồi nhìn thẳng vào mắt tôi, như muốn xác tín rằng tôi đã nói thật với ngài. Tôi cũng xúc động, im lặng. Ngài trở lại vui vẻ khuyên tôi không những nên nhận lời, mà còn đem hết khả năng, nhiệt tình đóng góp vào công việc có ý nghĩa cao và hết sức quan trọng này. Ngài nói ngài mừng vì Chánh phủ đã mạnh dạn sử dụng chuyên viên chế độ cũ, sau một số chưa phải là nhiều, nhưng lần này có ý nghĩa đặc biệt. Ngài kết luận: “Anh hãy cố gắng vì đất nước quê hương, tôi sẽ cầu nguyện đặc biệt cho anh”. Sau tôi thuật lại cho cụ Nguyễn Văn Huyền nghe, trên giường bệnh, cụ chắt lưỡi tán: “Được Đức Tổng cầu nguyện đặc biệt là ơn lớn lắm đó! Ong (khổ ghê!) hãy nghe lời ngài căn dặn và hãy thường xuyên cầu nguyện xin ơn trên giúp sức, soi trí, coi lòng để làm tư vấn tốt. Tôi sẽ đứng sau Đức Tổng, cầu nguyện tiếp cho ông (nữa!)”.

Lùi xa trong dĩ vãng, nhớ lại lúc tôi còn 25 tuổi, phụ trách chi nhánh ngân hàng V.N.T.T ở Cần Thơ, một ngày kia, năm 1958, tôi lái xe dạo chơi, sau giờ làm việc. Chạy qua khỏi nhà đèn, chợt nhìn trong khuôn viên một toà nhà khá bề thế, thấy một cây thánh giá to, tôi bèn nảy ý ghé thăm Đức cha Giám mục. Lúc đó tôi đã được đào tạo giáo lý khá vững vàng (từ suốt những năm học trung học), đọc gần thuộc hết Tân Ước, đủ sức tham chiếu Tin Mừng vào mỗi sự kiện đời sống, nhưng vẫn chưa muốn vô đạo, bởi ham chơi và thiếu một cái gì đó mà sau này tôi mới biết là ơn gọi. Khi bước vào nhà, tôi dợm muốn trở ra, vì không biết vô để làm chi, nói cái gì, thì một vị cao lớn, tướng mạo uy phong, nghiêm trang bước ra, đưa tay bắt. Tôi cúi đầu chào, thấy nhẫn muốn hôn, nhưng bụng bảo dạ là chưa. Tôi thưa với ngài là chúng tôi mở chi nhánh ngân hàng khá lâu, nay mới đến chào ngài , xin ngài miễn chấp. Ngài vui vẻ hỏi thăm công việc chúng tôi làm và khuyến khích chúng tôi quan tâm đến các thương gia Việt Nam (lúc bấy giờ ít được giới ngân hàng để ý). Câu chuyện ngắn ngủi, nhưng đượm thân tình ngay giây phút đầu.

Sau đó, tôi đổi về Sài Gòn và quyết định trở lại đạo. Ngài cũng trở về Sài Gòn, giữa lúc tôi đang ráo riết chuẩn bị nhận phép rửa. Ngài vui mừng gặp lại tôi và càng vui mừng hơn, khi thấy tôi chưa vô đạo chính thức mà đã hoạt động tích cực trong phong trào trí thức Công giáo của Giáo hội hồi ấy mà ngài rất quan tâm. Ngày tôi rửa tội tại nhà thờ Mai Khôi, ngài cũng có mặt với nhiều cha khả kính khác. Sau đó, tôi phụ trách nhóm tông đồ cầu nguyện và càng có dịp gần gũi ngài nhiều hơn, vì ngài rất ưu ái với nhóm này, đến đỗi mỗi lần chúng tôi “nhõng nhẽo” mời ngài làm lễ hay họp hành với chúng tôi, ngài đều sốt sắng nhận lời.

Qua những năm tháng dài, cha con thắm thiết với nhau, chúng tôi rất thương yêu kính trọng ngài, vì thấy rõ ngài không phải là “người” của chế độ Ngô Đình Diệm, cũng như các chế độ sớm nở tối tàn sau đó. Ngài trách nhiệm một Giáo hội và tất cả những gì ngài làm, hay không làm, đều nhằm mục đích bảo vệ sự vẹn toàn và vị trí đứng chính đáng của Giáo hội đó, ngoài ra ngài không có bất cứ mục đích riêng tư cá nhân nào. Có thể nói những năm dài trước 1975; ngài sống khá cực khổ, âm thầm cực khổ, ít ai biết. Vớ ngài rách, một số bổn đạo phải dâng ngài trứng cút, để tối ngài ăn dậm thêm. Một số bạn bè của tôi phải cực nhọc dúi tay ngài bao thơ, với nhiều lý do, để ngài có cái làm phúc. Tuy rằng bề ngoài, ngài là “chủ” Ngân hàng Đại Nam, Khách sạn Caravelle v.v…

Sau 1975, tôi hết cải tạo mới gặp lại ngài, sau khi nghe đủ thứ điều tiếng về ngài. Với tình cha con, tôi hỏi ngài và mới có dịp nhận thấy một bản lĩnh lãnh đạo của ngài, rất Phúc Am và rất Nho phong. Như Phúc Am đã dạy: “Khi anh em ta có mâu thuẫn với ta, ta phải đeo đẳng dàn xếp cho xong, trước khi đến tụng đình, nơi đó ta có thể mất nhiều hơn cái mà ta đã nhân nhượng. Mặt khác, thái độ ngài xử sự như bậc “quân tử hoà nhi bất đồng” khác với “tiểu nhân đồng nhi bất hoà”. Ngài chủ động tập trung giữ chữ “hoà” và giữ riêng cho mình những “bất đồng”.

Như người lội giữa giòng, ngài cố gắng bảo vệ những gì mà lương tâm, nhiệm vụ, trách nhiệm buộc ta phải bám giữ, cho tới khi phải thí mạng sống, ngài thấy rằng muốn được, phải cho, không thể khác, nhược bằng muốn ôm đồm tất cả, đòi hỏi hết mà không muốn nhả ra cái gì, thì có thể chết chìm một cách không cần thiết giữa giòng nước vô tình. Một lần nữa, ngài đã tỏ ra, trong hoàn cảnh, môi trường phức tạp, nguy hiểm gấp bội và chỉ bằng trông cậy, phó thác vào Chúa và qua nguyện cầu cũng như trung thành tuyệt đối với lý tưởng mình, ngài đã tránh cho Giáo hội thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Giáo hội Việt Nam nói chung, một tình hình nguy kịch không phải là không thể xảy ra, nếu đối chiếu với tình hình giáo phận thành phố Hồ Chí Minh có chủ chăn, mà không có chủ chăn, một cách tỉnh bơ, lạnh lùng, từ hai năm nay, thì đủ rõ.

(Công Giáo và Dân Tộc 9-7-1995)

No comments: