Wednesday 2 January 2008

Ý kiến và sáng kiến: NHƯ BÓ HOA SEN ĐỒNG NỘI

Lâm Võ Hoàng

LTS: Để dành những ý kiến và sáng kiến cụ thể cho về sau, hôm nay anh Lâm Võ Hoàng xin phép cống hiến một số suy nghĩ tin yêu về thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam sau Hội nghị thường niên 1996 gửi cộng đồng dân Chúa.

KHÁC với lần trước, khi mà thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam gởi cộng đồng dân Chúa ngắn ngủi dễ sợ, khiến cho một số giáo dân vội lo ngại các đấng không có gì để bàn, hoặc ngược lại, có bàn nhiều việc không thể nói ra, như ngày 31-8-1996 lần này rõ ràng, không ít thì nhiều, làm thỏa mãn mọi người, với nội dung phong phú và hình thức trình bày từng mục đánh số, dễ đọc, dễ nhớ, để tham chiếu.

Điều này nói lên sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng dân Chúa đối với công việc làm của các chủ chăn mình. Một sự quan tâm đầy mong mòi, đầy tin tưởng sâu xa vào sự sáng suốt, không ngoan và ý thức trách nhiệm của các ngài, cũng như đầy yêu thương, thông cảm đối với những khó khăn, bất ưng, đau khổ, mà trong công tác mục vụ, các ngài thường gặp và gánh chịu, để đàn chiên an tâm ăn cỏ.

* Điểm nổi bật trong thư, mục 12, là lời mời gọi mọi người đóng góp “ý kiến và sáng kiến giúp đở Hội đồng Giám mục thi hành chức năng phục vụ dân Chúa”. Đây là biểu hiện lòng khiêm hạ đáng kính của các Đức Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục, Giám quản, muốn cho “ý kiến và sáng kiến” phong phú đa dạng của con cái, đồng thời cũng là hồng ân Chúa, quyện vào “ý kiến và sáng kiến” của mình, đồng thời cũng là đặc sủng Thánh Kinh, thành một “hợp kim” mới, chắc chắn và nhiều tính năng hơn, giữa “ơn Chúa kêu gào ơn Chúa”. Từ đó, Thánh Linh sẽ tác động, giúp các ngài mạnh mẽ, sáng suốt, sáng tạo hơn trong việc đề ra định hướng, tìm ra liệu pháp và các giải đáp cho những bài toán đặt ra cho các ngài.

Lời mời gọi chính thức, long trọng này chắc chắn sẽ giải tỏa đáng kể các ức chế tâm lý khiến cho giáo dân, thậm chí giáo sĩ, không khỏi e dè ngần ngại bộc bạch hết tâm sư suy nghĩ của mình ngay với chính chủ chăn của mình, nói chi là với Hội đồng Giám mục. Vì khoảng cách trong cảm nhận giữa đóng góp và bè rối đôi khi chỉ có một bước.

Các bạn trẻ giáo dân và tu sĩ, với bản chất nhiệt thành và quảng đại, chắc chắn sẽ có nhiều đóng góp phong phú, đôi khi còn non nớt, nhưng nhờ có ân sủng “chân lý từ miệng con trẻ mà ra”, không phải là không tích cực. Các giáo sĩ và tu sĩ, dưới mũ rộng vành hợp pháp của lời mời gọi của cộng đoàn Giám mục, chắc chắn sẽ nói lên biết bao điều trăn trở, nhiều khi không biết tỏ bày cùng ai. Mặt khác, một số ít thường phiền hà “cấp trên” từ nay sẽ không còn lý do để làm như vậy nữa. Lời mời gọi trên rõ ràng là một nhân tố mãnh liệt đoàn kết và củng cố thêm hơn lòng yêu thương tin tưởng, thông cảm nhau, trong cộng đồng dân Chúa, ngay từ giữa lòng dân tộc sống phong phú Tin Mừng giải phóng con người khỏi ghét ghen buồn phiền sợ hãi.

* Có ý kiến cho rằng lời chia buồn của Hội đồng Giám mục với các địa phương trong nước bị thiên tai bão lụt là một điểm mới, đây là lần đầu tiên. Thực ra, tai họa này “chưa từng thấy từ những năm qua”, vả lại áp sau thời điểm Hội nghị thường niên 1996, cho nên lời chia buồn này xét ra cũng bình thường thôi. Chứ nếu trong quá khứ, có tai họa xảy ra không áp sát thời điểm Hội nghị, ắt các ngài cũng đã chẳng tiếc chi mà gởi lời chia buồn và “phần đóng góp của mình để tỏ lòng cảm thông với đồng bào đang khổ sở”.

* Giới trẻ được đề cao nhiều nhất trong thư (mục 4,5,6). Tất nhiên, Hội đồng Giám mục chỉ có thể đề cập đến giới trẻ “sống đạo”, hoặc “hoạt động dấn thân tu sĩ”, hoặc đang kiên nhẫn chờ đợi giải quyết “ơn gọi chủng sinh tồn đọng hiện nay” , hoặc “được Thánh Thần khơi lên nhiều đặc sủng khác” hoặc “đang nhiệt thành cùng với các linh mục nâng cao và đào sâu giáo lý Thánh Kinh”: v.v…

Hiện nay, nhiều giới trẻ “sống đạo”, tham giá sinh hoạt cộng đoàn, một cách đều đặn chuyên cần. Cánh đồng lúa của Thiên Chúa trên tổ quốc ta càng mở rộng diện tích và tăng năng suất chừng nào, thì vấn đề đặt ra cho Giáo hội ngày càng gay gắt chừng ấy. Vấn đề trước hết ở chỗ thợ gặt thiếu trầm trọng, đặc biệtt ở miền Bắc; số thợ Chúa gởi đến không bù đắp nổi số thợ Chúa gọi về. Làm sao có đủ thợ gặt, khi “ơn gọi chủng sinh tồn đọng hiện nay” không ít ?

Vấn đề kế đến là ơn gọi chỉ khả dụng, khi nhằm vào những người trẻ có giáo dục đạo đức khả quan, có trình độ học vấn nhất định, có vốn liếng giáo lý vững vàng tức là hội đủ điều kiện vào đại chủng viện hay vào nhà tập. Trong khi đó do thiếu trầm trọng linh mục, tu sĩ đàn anh, các giáo xứ, cũng như tu viện khó có thể “chăm sóc giới trẻ dễ thương này nhiều hơn nữa về mặt nhân bản, trí thức và đức tin, cũng như về tinh thần quảng đại và phục vụ”. Do vậy, nhiều giới trẻ muốn tận hiến, nhưng chưa được chuẩn bị trước một nền tảng vững chắc cho ơn gọi, gặp nhiều khó khăn nản chí, khi đụng chạm vào thực tiễn đời sống tu trì, đời sống cộng đoàn tu viện.

Không chỉ có giới trẻ, “giáo dân cũng muốn học hỏi và hiểu biết giáo lý một cách mới mẻ hơn để áp dụng vào đời sống”. Nhưng học ai hỏi ai, để hiểu, để biết, khi linh mục giáo xứ đã mệt nhoài với phụng vụ, mục vụ, trên địa bàn quá rộng lớn, như ở miền Bắc và các linh mục tu sĩ, vốn đã thiếu cho nhu cầu bản thân tu viện, đôi khi lại còn phải gánh vác thêm một phần mục vụ trong giáo xứ, thậm chí lãnh giáo xứ ? Do linh mục đào tạo thiếu thì giờ, một số tân tòng chưa được chỉ dẫn đến nơi đến chốn, không những về nội dung giáo lý, mà còn về nề nếp sống đạo về mặt kinh kệ, phụng vụ, bí tích, cho nên không khỏi gặp nhiều lúng túng, thậm chí hoang mang, sau ngày nhận phép rửa.

Vì vậy vấn đề giáo dục “giới trẻ, học sinh, sinh viên”, tuy hiện nay không thuộc phạm vi chăm sóc của Giáo hội, nhưng vẫn không ngớt là nỗi ưu tư trăn trở của Giáo hội Việt Nam. Rất may là “Chúa không bỏ rơi đoàn chiên của Người và luôn luôn ban cho Giáo hội nhiều mục tử” và “hoạt động dấn thân của các tu sĩ hiện nay là những mẫu gương sáng ngời, để khích lệ giới trẻ”. Sự thiếu thốn về đào tạo được bù bằng sự sung mãn đức tin.

* Năm thánh 2000 chiếm ba mục 8,9,10, nói lên tầm mức trọng đại của công tác chuẩn bị bắt đầu từ mùa Vọng năm nay. Về mặt ý nghĩa “chuẩn bị Năm Thánh thật ra là chuẩn bị một trời mới đất mới, để người người được sống hạnh phúc trên một đất nước đổi mới và thanh bình”. Chiều kích cánh chung của ơn cứu độ không những xuyên qua vũ trụ, qua năm 2000, mà còn qua tổ quốc, “đổi mới và thanh bình” của chúng ta.

Một trong những trọng tâm của Năm Thánh là “xem xét lại cách thức cử hành và tham dự các lễ nghi phụng vụ của Hội Thánh”, với sự cộng tác của mọi người “và theo đúng chỉ dẫn của Hội Thánh”. Ta sẽ không nuối tiếc “những kiểu sùng kính cổ truyền” mà, nếu muốn duy trì, cũng “phải tiến hành theo tinh thần mới của phụng vụ”.

Như vậy, từ mùa Vọng này, “các Tòa Giám mục sẽ đảm nhận trực tiếp mọi sinh hoạt về Năm Thánh”. Ước mong giáo phận thành phố Hồ Chí Minh chúng ta vốn có nhiều điều kiện thuận lợi hơn hết, mặc dù thiếu vắng bóng chủ chăn, sẽ là điển hình trong việc vận động, tuyên huấn sao cho mọi thành phần dân Chúa quán triệt mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, của Năm Thánh 2000, từ đó “phát triển hơn tình đồng bào cũng như tình đồng đạo vì mến Chúa và yêu người (nhằm) tăng cường lòng đạo và làm đời sống đẹp hơn, phù hợp với hoàn cảnh địa phương, … mang đến một sự hiệp thông thiết thực cho tất cả các giáo phận”.

* Bày tỏ lòng cảm mến mọi người, bằng nhiều cách khác nhau đang làm cho Giáo hội tại quê hương chúng ta trở nên sinh động cách thánh thiện”, Hội đồng Giám mục loan báo sẽ “mang theo hình ảnh này đi theo các ngài qua Rôma vào đầu tháng 12 này, để làm nghĩa vụ viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.

Xin cho chúng con được bổ sung thêm là ngoài “hình ảnh” nói trên, xin các đấng chủ chăn mang theo luôn lòng kính trọng, yêu thương, tin tưởng và hiệp thông không bao giờ phai của chúng con, như bó hoa sen đồng nội, để dâng lên Đức Thánh Cha mà chúng con đang hãm mình cầu nguyện cho sức khỏe người được chóng bình phục, và củng cố, hầu từ trên ngai tòa Phêrô, người chủ trì Năm Thánh 2000 mà người đã có sáng kiến, cũng như đã đặt biết bao ước vọng vào việc phụng vụ đặc biệt có ý nghĩa, ngàn năm mới có một lần này.

Công Giáo và Dân Tộc 6-10-1996

No comments: