Wednesday 2 January 2008

Một bước nhỏ đại kết: TÌNH HUYNH ĐỆ THIÊNG LIÊNG: CHÚNG TÔI VẪN LÀ CHÚNG TÔI

Lâm Võ Hoàng

KHÔNG phải ngẫu nhiên, càng không phải ngẫu hứng, mà có cuộc gặp gỡ này. Vì tôi rất quí trọng Thầy Tâm Thiện, cũng như tôi rất quí trọng anh Lê Trọng Nhi, nên không hề có thoáng một ý nghĩ thiếu lành mạnh nào trong việc mời hai hiền hữu trên đây. Tôi mời, như một người, sau khi cảm thấy may mắn được làm quen và kết thân với một bực đáng quí, nay muốn bộc lộ thêm để tỏ lòng tin cậy và quí mến, cho nên lật đật và ân cần mời bạn đến nhà chơi.

Không phải để khoe nhà cửa, càng không phải để dựa dẫm chỗ thân tình, hòng lợi dụng kéo người ta vô đạo mai sau. Mà chỉ để cho bạn hiểu biết thêm về mình, thấy lòng chân thành của mình, để tạo thêm keo sơn gắn bó, phát triển hơn tình thân hữu, vốn là một trong những bảo vật vô hình quí hiếm của đời người.

Không khoe nhà cửa, của cải vốn là thứ phù du. Nhưng nói không khoe là chưa thể tất lòng hiếu khách. Vâng! Khi mời ai đến, trong lòng, chớ không phải trong “ý đồ”, đã có cái để khoe, để mong bạn chia sẻ diễm phúc của mình. Như khoe cha mẹ là gương sáng của đời mình, khoe vợ hiền đức, khoe con khôn ngoan là để tạ ơn Chúa, thậm chí, còn khoe lối xóm để cho thấy mình may mắn hơn Mạnh mẫu ngày xưa. Tất nhiên, mình khoe đi, thì phải mong đợi, ao ước bạn khoe lại với mình, giúp mình mở rộng hiểu biết, tiếp thu kinh nghiệm sống, làm phong phú hơn cuộc đời mình, không giàu tiền, nhưng giàu bạn thành tín.

Được may mắn gặp Thầy Tâm Thiện, trong lần đưa Tạ Nguyễn Tấn Trương lên đường qua Uc và quen thân sau đó, khi được Thầy tặng sách. Giao duyên càng thắt chặt hơn khi, sau bài “Hình ảnh một chân tu” của tôi (CGvDT ngày 13-8-1995), Thầy đến mời tôi, có dịp, đến thăm Ngài Thượng tọa Trí Quảng, Tiến sĩ Phật học (Nhật), Phó chủ tịch Thường trực Thành hội Phật giáo, Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng biên tập báo Giác Ngộ, đang ngỏ ý muốn gặp lại tôi, sau lần gặp Ngài tại trụ sở Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, nhân dịp chúng tôi nhận lời tham gia ban giám khảo cuộc thi “Hoài bão của bạn”. Tôi đã nhờ Thầy Tâm Thiện dẫn đến chào Ngài tại chùa An Quang. Ngài hoan hỉ đãi trà sen, bánh trung thu và tranh thủ tôi viết bài cho báo Giác Ngộ. Tôi coi đây là một vinh hạnh, nên đã sốt sắng nhận lời. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, cho nên đến nay vẫn chưa đáp ứng lòng chiếu cố của ngài, không phải vì lười, mà vì chưa biết “tiếp cận” như thế nào, để bài của mình như cá luồn vào trong nước. bài hôm nay của Thầy Tâm Thiện làm tôi hoan hỉ và áy náy không thôi.

Trong khi “giao duyên”, tôi kể cho thầy biết hoạt động xã hội và tâm linh của mình, đặc biệt, tôi có gắn bó với dòng chiêm niệm Biển Đức và thường xuyên lên Đan viện Thiên Phước, thủ Đức, để chia sẻ các giờ kinh, thánh lễ và tĩnh tâm. Gặp nhau trong nguyện cầu, tôi ao ước có ngày mời thầy tham quan đan viện, để thấy một lối đan tu nghèo khó dựa trên “Nguyện cầu và lao động” của con cái thánh Biển Đức, thế kỷ thứ V, khá gần gũi với quan niệm và phong cách tu trì khổ hạnh của Phật Giáo. Thầy đã vui vẻ và chân tình nhận lời. Song tôi không vội “chụp lấy” cơ hội, chờ sự việc, nếu cần sẽ tự xảy ra. Tất nhiên, tôi có trình bày với cha Bề trên Thiên Phước. Cha đã hoan hỉ và chờ đợi.

Tôi quen với anh Lê Trọng Nhi, ngay khi anh từ Mỹ sang hoạt động trong ngành tài chánh. Anh tích cực tham gia với anh em chúng tôi trong Nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế của Thành phố. Hai tâm hồn sùng đạo không khó khăn gì gặp nhau, dù anh là Tin Lành gốc, tôi là Công giáo tân tòng. Tất nhiên là chúng tôi không “giảng đạo” cho nhau và không hề đề cập đến những gì chưa đồng nhất trong đức tin của nhau. Cũng như đối với Thầy Tâm Thiện, chúng tôi vẫn là chúng tôi. Chỉ có việc chúng tôi vui mừng nhận ra nhau cùng là anh em trong Chúa Cha, qua Đức Kitô, bằng chung một phép rửa, một tác động của Thánh Linh duy nhất.

Điều dễ hiểu là tôi có lần gợi ý mời anh lên Thiên Phước, dự giờ kinh, đọc Thánh Vịnh, Lời Chúa chung với nhau. Anh đã sốt sắng nhận lời và tôi cũng để ngâm-cho-chín đo , mặc dù đôi ba lần anh có nhắc tôi sắp xếp đi Thủ Đức.

Rồi trong một buổi tối họp sinh hoạt của Nhóm chuyên đề, thấy anh đã khá mệt mỏi, vì đã đóng góp hăng, tôi viết giấy chuyền tay hẹn anh vào chiều thứ bảy, trước ngày lễ trọng thánh Gioan Tẩy Giả, lên Thiên Phước dự giờ kinh chiều. Anh vui vẻ gật đầu. Tôi liền điện thoại cho cha Bề trên Thiên Phước và được cha tán thành. Họp xong, tôi chạy riết đến báo Giác Ngộ mời Thầy Tâm Thiện và được thầy hoan hỉ nhận lời và chia sẻ với tôi một gói mè xửng chính gốc Huế.

Đúng ngày, nhưng không đúng giờ, vì anh Nhi có bận đột xuất, chúng tôi lên đường trong chiếc xe Mercedès cáu cạnh của (công ty cung cấp cho) anh Nhi, đến thăm viếng “thế giới trầm lặng” của một nhà dòng “lụp xụp buồn tẻ”, nhưng rất giàu tình huynh đệ thiêng liêng như đã thấy.

Công Giáo và Dân Tộc 30-6-1996

No comments: