Wednesday 2 January 2008

Tháng 11,Tiếc Thương… TẢN MẠN VÀO THU

Lâm Võ Hoàng

“Từ vào thu đến nay.

Gió thu hiu hắt.

Sương thu lạnh

Trăng thu bạch.

Khói thu xây thành.

thu rơi rụng đầu ghềnh.

Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly!”

(Thơ Tản Đà)

Mùa hè cướp của tôi hai người thân thương.

Sang thu, tâm hồn tôi nặng trĩu nhớ tiếc, nguyện cầu, và suy gẫm về cái sống của những người ra đi và cái chết là sự ra đi, trút gánh cho những người ở lại, nối tiếp, điều chỉnh, mạnh dạn “xếp tàn y lại” những gì không hợp thời và dũng cảm sáng tạo vạch phương hướng mới.

Đức Tổng Phaolô và cha Mai Văn Hùng, hai cái sống và hai cái chết, đã làm tôi phần nào (vì còn nhiều “chuyện” khác nữa) thơ thẫn mấy tháng nay. Giờ đây xin mượn thơ thu Tản Đà làm nén hương lòng dâng chút lễ vật là kỷ niệm về hai người. Theo thứ bậc, kể cả trong cõi hư vô, xin bắt đầu bằng Đức Tổng.

Vào năm 1960 tôi chưa chịu phép rửa, nhưng đã hoạt động hăng say trong nhóm Trí thức Công giáo, “cục cưng” của Đức Tổng. Anh chị T.Q.T., đều là thành viên của nhóm, anh là dược sĩ, dạy đại học; chị là giáo sư “Couvent des Oiseaux”, một tư thục công giáo, chất lượng “siêu”, dành cho nữ sinh, của các chị dòng Đức Bà (tên thật dài lắm). Lễ cưới được cử hành tại nhà nguyện của “Couvent”. Vì là “con cưng” nên anh chị dám mời Đức Tổng và Đức Tổng đã đến làm lễ.

Khung cảnh thơ mộng tĩnh mịch, bạn bè đông đảo hân hoan, Đức cha vui vẻ chuyện trò. Gần đến giờ hành lễ, bỗng nhiên “trời trở gió”, Đức cha nghiêm mặt phê phán việc tổ chức lễ cưới ở nhà nguyện dòng tu, thay vì tại nhà thờ giáo xứ. Đức cha dạy: “Người Công giáo có giáo xứ là nơi định sở của mình. Mọi việc quan hôn tang tế đều nên và phải tổ chức tại nhà thờ giáo xứ, để toàn giáo xứ chia sẻ vui buồn chung và biết được những biến đổi xảy ra trong giáo xứ để cùng nhau tạ ơn Chúa. Người ta lần lần mất hết ý niệm về vị trí, vai trò của giáo xứ. Mặt khác, tổ chức lễ hôn phối trong nhà nguyện của một dòng tu đề cao đức trinh khiết trong đời sống là điều không phù hợp”.

Tôi còn nhớ rõ như in, ngài vừa đi, vừa khoa tay phê phán. Chúng tôi riu ríu đi theo vây quanh ngài. Tội nghiệp các mẹ, các xơ và cha Pacificô An, tuyên úy chúng tôi. Anh chị T.Q.T. chắc có lý do riêng của họ, nên sắc mặt vẫn bình an.

Bước vào nhà nguyện, ngài khoan thai tiến lên bàn thờ, mặc áo và làm lễ bình thường, kể cả trong lời giảng, không nhắc lại một chữ nào những gì đã nói ở ngoài sân. Và ngài ở lại cho tới khi mãn cuộc. Đối với tôi đó là bài học và gương sáng đức bác ái cao thượng của ngài.

Sau này, tôi có dịp nghe đầu này đầu nọ nói ngài là “ba phải, nhu nhược”. Tôi cứ xác tín là ngài sống có và theo nguyên tắc, không phải thứ nguyên tắc cứng ngắc, mà có độ đàn hồi cần thiết, theo yêu cầu của luật bác ái, theo gương của Chúa trên trời là “chậm nóng giận và nhiều thông cảm, thứ tha”.

Tôi không thể không nhớ lời anh Võ Long Triều, một thành viên khá bướng và có miệng lưỡi hơn ai hết, khi, hồi cuối những năm 60, so sánh ngài với Đức cha Mỹ Tho Trần Văn Thiện: “Để ông Thiện ở Sài Gòn là “hư” hết, vì ổng cứng quá, dễ đụng, dễ bể. Chỉ có ông Bình mới ở Sài Gòn được! Chỉ có ổng, với cái ba phải bề ngoài của ổng, mới “trị” được mấy tay “cứng đầu”. Ơ cái địa phận “hằm bà lằng”, đủ mặt, đủ ý, đủ ngón, đủ cỡ này, chỉ có ông Bình mới “kết”được mà thôi. Đừng coi thường ổng”.

Sau ngày 30-4-1975, ngài đã tỏ rõ bản lĩnh sống và lãnh đạo của ngài khi kết “cách mạng với Công giáo, một cách rất Phúc Am là “Hy Lạp với người Hy Lạp, Do Thái với người Do Thái”. Không phải trở thành Hy Lạp với người Hy Lạp, mà là “ngài vẫn là ngài”, như cha Nguyễn Hồng Giáo đã khẳng định. Nhưng, bởi bác ái là chủ yếu và khả năng thấu đáo tương quan lực lượng là thứ yếu, ngài đã sáng suốt và chủ động làm những gì không thể né tránh, đúng hơn, cần thiết phải làm, để xây dựng, một cách khôn ngoan, chân thành, một chỗ đứng mới cho Giáo hội. Một chỗ đứng phù hợp với tình thế mới và tương quan lực lượng mới mà, trong thâm tâm, có lẽ ngài không mong mỏi (do đó, không thể chịu trách nhiệm), nhưng nếu xảy ra theo qui luật, thì trước hơn ai hết, với trách nhiệm của một chủ chăn phải bảo vệ đàn chiên của mình, ngài đã nhanh chóng suy nghĩ và chọn lựa một cách dứt khoát con đường phải đi. Một chọn lựa mà chỉ có những con người bản lĩnh, suốt cuộc đời sống theo nguyên tắc rõ ràng, mới có thể làm được. Bởi vì con người bản lĩnh, tức là khôn-ngoan- trước-Thiên- Chúa- trong lương- tâm, luôn luôn xử lý việc lớn như việc lớn và việc nhỏ như việc nhỏ, khác với con người nghiệt ngã, xử lý việc lớn như việc nhỏ và việc nhỏ như việc lớn.

Đấng chủ chăn quá cố của chúng ta đã kiên trì, dù bị “cấp trên” trù dập, trong đường hướng phải đi, nhưng đồng thời nhờ óc trào phúng tuyệt vời, biết coi việc nhỏ như việc nhỏ. Như khi sắp bước tới ngưỡng cửa Thiên Đàng, tức là sắp gặp hai thánh cả Phêrô và Phaolô, ngài đã bảo vệ sự yên tĩnh của ngài bằng mấy chữ để đời: “Thôi đi! Bổn mạng cái gì?”. Trong nước mắt, tôi đã phá lên cười, vì câu nói bực dọc ngắn ngủi ngàn vàng này!

Cha Mai Văn Hùng, Đa Minh (Lyon) “đi” sau Đức Tổng hai tháng mà không bị bóng đại thụ che khuất. Tất nhiên, ngài không uy danh lừng lẫy như chủ chăn của ngài. Nhưng chất lượng tình cảm tiếc thương mà hai ngài, “mỗi người một vẻ”, đã để lại xét ra đều là vàng bốn số chín cả.

Riêng tôi, được vinh dự quen và thân với thế hệ trước của tu viện Mai Khôi. Sau thời gian dài “giang hồ mê chơi quên quê hương” (Tản Đà) tôi trở lại Mai Khôi, khá lạ lẫm với thế hệ thứ hai, đều đã là đại thụ cả, trong đó có cha Hùng. Khác với xưa kia tôi “tung tăng” khắp nơi ở 43 Nguyễn Thông. Ngày trở lại 44 Tú Xương và sau đó, tôi chỉ là một bóng mờ giáo dân xem lễ và âm thầm bật nước mắt trong thánh lễ đêm Phục Sinh, khi cất tiếng “Ha- lê- lui-a”.

Hoàn cảnh đẩy đưa, tôi viết cho báo CGvDT. Cha Hùng thường đi ngang nhà tôi, một hôm ngài ghé lại thăm và tìm hiểu tôi. Tôi thành thật trao đổi, vì Mai Khôi lúc nào cũng là cái nôi, là tổ ấm tuổi xuân xanh, khi tôi giành giúp lễ sáng sớm với các em. Từ cha Hùng, tôi lần lần tìm cách làm quen với các “đại thụ” nói trên, để lần lần sống với một Mai Khôi, hết là Tây, hoàn toàn Việt Nam và sau Cách mạng thành công. Mỗi thời một ân sủng, một hồng ân, một thành đạt!

Như với Đức cha Phaolô, quan hệ của tôi với cha Hùng có nhiều sâu lắng nhiều hơn bề mặt. Chúng tôi có những trao đổi rất dài, nhưng, thường khi, khá ngắn, rất ngắn. Tôi rất quí và kính cha. Hơn thế nữa, tôi rất mến cha về óc trào phúng và cách nói tếu nhẹ mà thấm cũng như về những cái “tật” khi làm lễ, như cặp mắt kiếng trễ xuống mũi, cha hay nhìn lên trời, hoặc nhìn chọc xuống cộng đoàn khi ban ơn bình an, khiến cho ai nấy (và tôi) cảm thấy cha ban ơn riêng cho mình.

Tôi có ba lần cuối cùng với ngài. Lần thứ nhất như Nguyện san CGvDT có nhắc, thì chính tôi là thủ phạm đã vô tình “chọc” ngài dốc bầu tâm sự tràn trề hôm ấy. Trước hết, tôi tỏ ý không hiểu tại sao CGvDT lại dành nhiều giấy (đang lên giá) và mực, để viết về ông Giám mục Gaillot là đấng được cấp dưới vâng phục, mà lại phớt tỉnh thậm chí “làm tới”, trong thời gian dài mặc dù sự khuyên can của tập thể huynh đệ giám mục của ông và sự nhắc nhở nhiều lần của cấp trên của ông là Đức Thánh Cha? Vì không nhắm vào ngài tôi quên khuấy ngài đang ngồi đó là người viết nhiều nhất về Đức Gaillot.

Kế đến, tôi chỉ trích những người muốn tình dục loạn xạ mà không muốn mắc tội, xưng tội, mắc bệnh, có con v.v…, cho nên đã lên án Đức Thánh Cha quá nhẫn tâm không cho phép ngừa thai, phá thai, dùng bao cao su v.v… Ý kiến của tôi là sứ vụ và trách nhiệm của Giáo Hoàng là thay mặt Thiên Chúa phán những điều đúng sai về luân lý cho cả nhân loại và một cách bó buộc cho người Công giáo. Hãy để ngài thực hiện trách nhiệm và sứ vụ của ngài! Đối với những trường hợp riêng tư mà Thiên Chúa và Giáo hội luôn luôn quan tâm sâu sắc, mỗi người có hoàn cảnh bức bách đáng xót thương, cứ trung thực theo lương tâm, trong cầu nguyện, qua tham khảo với các bậc thẩm quyền đạo và đời, rồi hành động theo lương tâm. Nếu vẫn thấy về mặt hình thức, hãy còn mắc tội, thì cứ đi xưng tội. Cha này gắt, thì đi xưng với cha khác, thế nào cũng gặp một cha nhẹ tay, như Giáo hội không cấm đoán. Vì xưng tội là tìm gặp Chúa để mở tâm hồn, và tìm giải đáp là ơn thứ tha. Cho nên không thể cố định hộ khẩu của Chúa ở một địa chỉ nào đó. Lương tâm và bác ái không cho phép ta buộc người phụ nữ gánh chịu mọi hậu quả bi thương, của tình yêu hôn phối, chỉ vì xã hội quá ích kỷ chưa tổ chức được sự tương trợ đùm bọc đối với những gia đình đông con, như hiện nay, ở nhiều nước, đối với những người thất thế (già cả, thất nghiệp v.v…)

Cha Hùng chỉ nghe, rồi chắt lưỡi, nhìn lên trời và than nho nhỏ: “Như thế còn gì là ý thức tội lỗi nữa?”. Tôi chớp bụng: “Như thế càng hay, ta sẽ lợi dụng, để bắt cha giảng cho ta nghe, đến đầu đến đũa, ý thức tội lỗi, vốn là mặt yếu kém của ta”. Cha ra đi là một sự thiếu may mắn của tôi. Ai sẽ giảng cho tôi nghe đây?

Sau buổi họp khá sóng gió đó, tôi ra về, thấy ngài hình như đang chờ ai ở cổng. Tôi đề nghị đưa ngài về. Ngài vui vẻ leo lên yên sau. Dọc đường, cha con trao đổi tếu với nhau. Sau này, các anh ở CGvDT nhắc lại: tôi là người cuối cùng đưa cha từ toà soạn về tu viện.

Vài hôm trước khi cha mất, tôi dự lễ chiều do cha chủ tế, trong căn phòng chật hẹp nóng nực, vì nhà thờ đang sửa trần. Cha có vẻ khó chịu trong mình và bình tâm chịu đựng. Điều thu hút sự chú ý của tôi là hôm nay sao cha nhìn trời chăm chăm và lâu đến thế, hình như đang trao đổi thiêng liêng với ai. Tôi đâm ra sợ hãi. Đó là thánh lễ cuối cùng cha trao mình thánh cho tôi.

Khi nghe tin cha mất, tôi có phản ứng không tin như Cát Anh. Nhưng khi nhìn tận mắt xác cha, tôi không khóc như Hồ Ngọc Nhuận, mà chỉ nghẹn ngào trong cổ, “vấn nạn” Chúa: “Chúa đã đầu tư biết bao công sức để đào tạo được một cha Hùng. Sao Chúa “xài sang” thế, sao Chúa hoang phí thế?”. Chúa không trả lời, chỉ đưa mắt tôi nhìn các thầy trẻ đang lăng xăng chung quanh và tự tôi đã tìm ra câu trả lời: “Nếu các cha Vọng, cha Chiểu, cha Đường, cha Lễ v.v… không “nhường chỗ”, thì làm sao có các đại thụ hôm nay. Rõ là đồ ngu! Hãy cầu nguyện sao cho thế hệ thứ ba này sớm nên vai nên vóc, trước khi các đại thụ này ra đi theo diện “ODP” (đoàn tụ gia đình) về thiên quốc. Ơ đó mà khóc cho hạt giống chịu rả trong lòng đất!”.

(Công Giáo và Dân Tộc 10-1995)

No comments: