Wednesday 2 January 2008

CHẶNG ĐƯỜNG 19 NĂM CÔNG GIÁO và DÂN TỘC


Lâm Võ Hoàng


Ngày 10-7-1994 là ngày kỷ niệm 19 năm trụ chân vững vàng của báo “CÔNG GIÁO và DÂN TỘC”, không những giữa lòng dân tộc mà còn giữa lòng những thời cuộc, thời sự đưa đất nước trải qua những chuyển biến sâu sắc nhứt trong lịch sử, về mặt xã hội, theo nghĩa rộng, bao gồm chính trị và kinh tế.

Trong cùng một chế độ chính trị ổn định, hai cơ chế kinh tế, không phải là không có đối kháng nhau ở mức độ nhất định, kế tục nhau, trong điều kiện êm ái tối ưu, tức là vớimất mát ít nhất, hiếm có ở bất cứ chế độ XHCN nào khác. Càng hiếm có, khi cơ chế kinh tế sau, kinh tế thị trường, chỉ rời bỏ, chớ không phủ định cơ chế kinh tế trước, kinh tế bao cấp, thậm chí còn tuyên xứng kế thừa định hướng cơ bản mà cơ chế kinh tế trước chưa đạt được, định hướng XHCN, tạo một phát sinh mới, phát sinh khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài, song tồn đoàn kết vớikhu vực quốc doanh, từ nay trở về nguồn gốc đích thực, nguồn gốc doanh nghiệp, chớ không phải là công cụ quản lý Nhà nước nữa.

* * *

CGvDT trụ vững trong bối cảnh đó và lớn lên cùng nhịp với đất nước và ngành nghề, bởi vì CGvDT, cũng như nhiều đồng nghiệp khác, đã có những đóng góp tích cực và tâm huyết cho sự nghiệp đổi mới và phát triển của dân tộc. Đặc biệt CGvDT trụ vững và lớn lên trong thân phận một cộng đoàn mà CGvDT là một tiếng nói bé nhỏ, nhưng âm thanh sắc : cộng đoàn công giáo.

Cộng đoàn công giáo, cùng với dân tộc, hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử, tận tụy, kiên trì chia sẻ mọi vui mừng, âu lo, khó khăn, thậm chí gian nguy của đất nước, sau Nước Trời, coi đây là quê hương duy nhất, đích thực của mình. Khi “xả tắc lưỡng hồi lao thạch mã” (Trần Nhân Tôn) ở phía Bắc và Tây-Nam, máu người công giáo, cùng với máu của đồng bào, đã tưới đẫm từng tấc đất thiêng liêng của biên giới, đã “tuyệt nhiên định phận tại thiên thư” (Lý Thường Kiệt) của tổ quốc Việt Nam.

Thế nhưng, một quá khứ chưa được khảo sát, đào sâu với tất cả khách quan cần thiết, vẫn đè nặng và càng đè nặng trên cộng đoàn công giáo. Mặc dù công tâm mà nói, không phải là không có một sự thông cảm sâu sắc nào, thậm chí, từ những vị lãnh đạo quốc gia cao cấp nhất. Tuy không chối cãi là không còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn chưa “nới” tay siết chặt. Đó là qui luật nghiệt ngã của chính trị. Điều an ủi là thỉnh thoảng, đây đó “khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân” (Kiều).

CGvDT lớn lên và tự rèn luyện trong lò lửa thử thách đó, dần dần khắc phục những định kiến từ trong “anh em”, chưa hết chấn động (traumatisés) bởi thời cuộc năm xưa. Trung thành với Giáo hội tông truyền, trong mọi bắt buộc của đức tin, CGvDT lần lần làm cho cộng đoàn và chính quyền hiểu rõ những nhu cầu chính đáng, bức thiết của Giáo hội toàn cầu cũng như địa phương, và con đường hẹp mà CGvDT phải dấn thân, để đứng giữa lòng Giáo hội và dân tộc, đối tượng phục vụ duy nhất của tờ báo. So với năm qua và nhiều năm trước, CGvDT đã có nhiều tiến bộ rõ rệt, nhờ đó đã chen vai thích cánh đồng đẳng với nhiều tờ báo khác, về các mặt mỹ thuật trình bày, cũng như thông tin phong phú, đạo, đời cân xứng. Mặt hạn chế, khách quan, xuất phát từ tính chất phổ biến nội bộ của tờ báo, cho nên không có điều kiện với tay đến nhiều đối tượng khác, dù không phải công giáo, vẫn có thể tìm thấy trong CGvDT nhiều bài báo bổ ích, lý thú không những về đời sống tinh thần, vật chất của một cộng đồng, trong cộng đồng dân tộc, mà còn về nhiều đề tài thời sự nóng bỏng với nhiều cây bút lớn như : Lương Hữu Định, tiến sĩ kinh tế (thứ thiệt), Hàng Chức Nguyên, bạn chí tình của những con người thất thế, Nguyễn Nguyên, nhà văn kỳ cựu v.v…

Từ đó, nảy sinh một hạn chế khác là có ít quảng cáo, đến độ thừa giấy, phải quảng cáo sản phẩm nhà ! Thế đấy, các nhà kinh doanh tưởng đâu độc giả công giáo chỉ biết kinh kệ, mà không biết mua sắm ! Lầm to ! Khác với nhiều tờ báo khác, CGvDT tuy phát hành có mức độ, nhưng được phổ biến nội bộ rất rộng rãi, mỗi tờ đến tay một gia đình, được nhiều gia đình khác mượn xem, và truyền tay cho tất cả thành viên, từ cụ già đọc bài giảng Phúc âm, đến em bé, được dành ít nhất hai trang thiếu nhi, đến các thanh niên trẻ, đọc bài kinh tế, xã hội, đời sống phương xa v.v… Hơn nữa, CGvDT, sau khi đọc xong, được cất giữ trân trọng, chớ ít khi theo các “đồng nghiệp” đi vào nồi nấu nguyên liệu của Cogido. Nào, các nhà quảng cáo, thử một lần xem sao! Nào Aiwa, Sony và các Mitsubishi khác, hãy nhờ CGvDT quảng cáo giùm sản phẩm của quí vị đi, các ngài sẽ thấy!

Nhưng điều tâm đắc nhứt đối với người viết là trong năm nay tuy mới hơn nửa năm, tiếng nói giáo dân đã có chỗ đứng. Người giáo dân Việt Nam cảm thấy tự hào được sống trong gọng kềm của hai tình yêu: Tổ quốc và Thiên Chúa. Hai tình yêu bổ sung và tuyệt đối không tương phản, vì Chúa Giêsu, Thiên Chúa của người công giáo, cũng có Tổ quốc của Ngài. Ngài yêu Tổ quốc của Ngài như thế nào, đó là gương mẫu cho người công giáo yêu Tổ quốc của họ. Như vậy tiếng nói giáo dân, chính là tiếng nói xuất phát từ dưới hai gọng kềm đầy chúc lành đó. Hơn nữa, giáo dân có lợi thế hơn giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ để nói lên vài điều tế nhị mà tiếng nói giáo sĩ, có trách nhiệm cai quản linh hồn, có thể bị nghi ngờ là có ý đồ hay mục đích riêng. Chẳng biết có phải tiếng nói giáo dân là “chân lý từ miệng trẻ con mà ra” không, nhưng ít ra, là biểu hiện của “sự tự do của con cái Thiên Chúa”, trong tinh thần yêu thương, phục tùng Giáo hội và kính trọng, tuân hành chính quyền.

Nhân ngày vui mừng kỷ niệm 19 năm tồn tại phục vụ của CGvDT. Xin chúc Ban Biên tập, Tòa osạn, các cộng tác viên, toàn thể độc giả, nhiều cố gắng thành công, và nhiều ơn phước của Thiên Chúa và các Thánh Việt Nam.

(Công Giáo và Dân Tộc 10-7-1994)

No comments: