Wednesday 2 January 2008

MỘT ĐAN SĨ TRONG TRẦN THẾ

Không tu mà cũng như tu mới là ! (Kiều)

Thương nhớ cụ Nguyễn Văn Huyền:

MỘT ĐAN SĨ TRONG TRẦN THẾ


Rõ ràng tang tóc vẫn chưa chịu buông tha tôi. Hôm nay, tôi lại đau buồn viết về cụ Nguyễn Văn Huyền, mất ngày 26-10-1995, thọ 83 tuổi, một khuôn mặt công giáo tiêu biểu, gương mẫu, sáng chói, mặc dù cụ sống ẩn dật suốt đời.

Cụ là ai ? Là Luật sư Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, thủ lĩnh Luật sư đoàn suốt ba nhiệm kỳ, trước đây. Rồi vâng lời Bề trên, Đức Tổng, cụ ra ứng cử Thượng viện chế độ cũ, để đại diện cho quyền lợi chính trị của giáo dân, theo tất yếu tương quan lực lượng thời ấy. Rồi cũng vâng lời, cụ nhận làm Phó Tổng thống cuối cùng của chế độ đang đổ sụp, với nổi ê chề mà cụ cắn răng chấp nhận, không một tiếng phân trần, than thở với ai.

Vâng lời bề trên, nhưng cụ không bị động, càng không thụ động. Tuy không ham vinh hoa, nhưng cụ luôn luôn đem hết lương tâm, ý chí, trí tuệ, nhiệt tình, khách quan chu toàn nhiệm vụ. Hơn nữa, cụ luôn luôn nghiêm túc giữ tư thế đúng đắn, để tỏ lòng tôn trọng, cũng như để người khác tôn trọng, trách nhiệm của mình.

Theo quan niệm chính trực của cụ, cụ không muốn gì khác hơn là thể hiện tối ưu vai trò một Kitô hữu trong thế gian, một công cụ của Thiên Chúa Cứu độ, sống và làm theo yêu sách của Tin Mừng là mưu cầu bác ái, công bằng, lợi ích chung. Do vậy, suốt thời gian hoạt động chuyên nghiệp hay chính trị, cụ đều nêu cao tinh thần độc lập, bất khuất, theo tiếng nói của lương tâm được soi sáng qua nguyện cầu và đối thoại không ngừng với Thiên Chúa.

Là luật sư, cụ không quản ngại bào chữa miễn phí cho nhiều vụ án gay gắt. Như thế, cụ đã lãnh bào chữa cho nhiều lãnh tụ cách mạng bị địch bắt, không phải vì cụ đã ngã theo cách mạng mà vì đó là những vụ án ít ai ham, không ai muốn rớ, nhưng cụ không thể làm ngơ. Hơn thế nữa, đó là những con người vào tù vì lý tưởng, vì đại nghĩa, dù bị kẻ thù vu cáo thấp hèn, vẫn là những con người trung cang, nghĩa khí đáng kính mà cụ vui lòng giúp đỡ phục vụ. Theo thôi thúc của lương tâm, cụ đem hết tài năng, sở học, kinh nghiệm, ra sức cứu vãn tình thế đến mức có thể được.

Chính quyền đương thời, dù không bằng lòng, thậm chí bực tức cụ, cũng không làm gì được cụ, vì sự ngay thẳng, vô tư trong suốt, sự tận tụy vô vị lợi của cụ đối với chức trách lương tâm nghề nghiệp của mình. Các đồng nghiệp cụ, dù đồng tình hay không với cụ, cũng đều đánh giá cụ như là đại diện xứng đáng nhất cho nghề nghiệp, cho nên đã liên tục bầu cụ làm thủ lĩnh, vị trí mà cụ phải rời, để bước vào lĩnh vực chính trị, vì vâng lời, như đã nói.

Là đại biểu của thành phần giáo dân công giáo, cụ cũng chỉ biết hành động theo công tâm và lợi ích trên hết của đất nước. Trong mọi tình huống, không bao giờ ai thấy cụ chà đạp lẽ phải, để bảo vệ quyền lợi bè phái, cục bộ của công giáo. Trong thời kỳ hiểu lầm, xung khắc đen tối giữa hai tôn giáo lớn miền Nam lúc ấy, cụ và Đức Tổng Phaolô (ở hậu trường) là nhân tố tích cực xoa dịu, tháo gỡ, hàn gắn, giải hoà không mệt mỏi, dưới áp lực khắc nghiệt từ bên ngoài lẫn bên trong.

Nhờ vậy, trong cương vị Chủ tịch Thượng viện, cụ chẳng những được cả hai phe thân, hay không thân chính quyền, nể trọng, mà còn được lãnh đạo chóp bu hành pháp thời ấy kiêng dè. Cụ đã không ngần ngại bày tỏ thái độ phản đối chế độ độc tài quân phiệt bấy giờ, bằng cách khẳng khái từ chức Chủ tịch thương viện, gây tiếng vang không nhỏ.

Ngay cả trong nội bộ Giáo hội Công giáo, không ai có thể nghĩ rằng cụ là “bung xung”, hoặc giả công cụ sai phái của các đấng. Cụ là cụ, luôn là cụ, tự giác vâng lời, để sáng suốt biểu hiện đích thực vai trò người Kitô hữu có trách nhiệm của cụ. Cụ quan niệm và sống đức vâng lời, theo ý nghĩa siêu nhiên, như là nguồn hồng ân thánh hóa và không để ai hiểu khác đi, theo ý nghĩa trần tục, trong quan hệ xử sự với cụ, mặc dù bề ngoài khiêm tốn hạ mình của cụ.

Sở dĩ tôi có điều kiện nhận ra các “đặc thù” trên đây là vì cụ là bõ đỡ đầu mà Đức Tổng Phaolô đã “chọn” cho tôi. Số là trong buổi lễ thêm sức của tôi, ông bõ mà tôi chọn đã vắng mặt. Khi tới phiên tôi quì nhận bí tích, Đức Tổng thấy sau lưng tôi không có ai, bèn dòm quanh thấy cụ Huyền đứng đó liền ra hiệu và cụ đã sốt sắng bước vào chỗ, đặt tay trên vai tôi. Như vậy, ngoài quan hệ đồng hành trong phong trào trí thức công giáo, chúng tôi còn có thêm tình nghĩa gắn bó thiêng liêng với nhau.

Tình nghĩa này ngày càng sâu lắng, qua cầu nguyện thường xuyên cho nhau. Nhưng trong đời thường, không ai bảo ai, chúng tôi cư xử theo châm ngôn người xưa “quân tử chi tình đạm đạm như thủy” (tình người quân tử lạt lạt như nước) và lấy lễ đối đãi với nhau, như bạn vong niên. Điều đáng tiếc là về sau cụ thủ lễ thái quá đối với tôi, dù sao cũng là con cái tinh thần, lại kém cụ những hai mươi tuổi, nhất là trong điều kiện đau yếu triền miên của cụ. Sau nhiều lần van nài không kết quả, tôi không đến cụ nữa, chỉ mượn thơ từ làm cánh nhạn liên lạc, cho đỡ nhọc sức cụ tiếp tôi.

Rồi bỗng nhiên đầu tháng 10.1995, tôi trở lại thăm cụ, thấy cụ ốm yếu hơn, nhưng lại nằm ở trần trên giường, chỉ đắp tấm vải drap mõng, mà không sợ gió. Tôi mừng rỡ và “hăm he” liền: “Ông mà ngồi dậy là tôi xin kiếu về liền”. Cụ cười hềnh hệch và nằm im. Tôi ngồi cạnh bên, cúi xuống kể đủ thứ chuyện Nam tào Bắc đẩu cho cụ nghe cho vui.

Sau đó ít hôm, tôi ở Hà nội về, ghé (lần đầu tiên) ban đêm, để thưa với cụ một câu chuyện. Cụ lắng nghe rất minh mẫn, hỏi lại cho rõ và góp ý nhanh nhẹn sắc bén. Hốt nhiên, tôi sững nhìn mặt cụ, thấy hốc mắt cụ sâu xuống đáng sợ, miệng cười như móm, cho thấy cái lưỡi đu đưa như đớ, mặc dù cụ nói chuyện còn rõ ràng. Tôi linh cảm một cái gì đó làm tôi xúc động, khi cụ nắm tay tôi động viên tôi cố gắng và hứa sẽ cầu nguyện cho tôi. Đó là lần cuối cùng tôi gặp cụ.

Khi hay tin cụ từ trần, tôi liền tạ ơn Chúa đã cho tôi hồi tâm trở lại thăm cụ. Giờ đây, tôi tin chắc rằng, trên nước Thiên Đàng, cụ sẽ giữ lời hứa cầu xin cho tôi. Nhìn xác cụ nằm đó, trong bộ đồ tươm tất duy nhất của cụ, tôi thầm cảm tạ cụ đã để riêng cho tôi một gia tài lớn để độ nhật, lúc xế chiều cuộc đời. Đó là gương mẫu đời sống thánh thiện, con tim tinh tuyền của cụ, suốt đời chỉ tìm kiếm Chúa và “tuyệt đối, không quí gì hơn Chúa Kitô”. Tuy không vào dòng hay khấn hứa chi, cuộc sống của cụ thể hiện trọn vẹn ba lời khấn của đan sĩ là khiết tịnh, nghèo khó và vâng lời.

Sau khi phu nhân thất lộc, cụ ở vậy thờ mẹ, nuôi dạy hai con để dâng hiến hết cho Chúa. Con trai cụ là linh mục dòng Đa minh, con gái cụ là đan sĩ Dòng Kín. Cụ sống khiết tịnh như vậy đến ngày nhắm mắt.

Là luật sư giỏi từ thời Pháp thuộc, về sau lại có địa vị chính trị tột đỉnh, cụ sống và về với Chúa với hai bàn tay trắng. Nhà ở chức vụ sang trọng trước đây, cụ chỉ sử dụng trong việc lễ tân. Cụ sống khiêm tốn tại ngôi nhà xưa cha mẹ để lại trong xóm đạo bình dân. Sau giải phóng, sinh hoạt và chữa trị của cụ đều do thân nhân, học trò, bạn bè giúp đỡ. Phẩm chất đơn sơ, thanh bạch, khiêm tốn là ưu điểm sáng chói nhất của cụ, nhờ đó, trong xóm cũng như ngoài đời, cụ được nhiều người biết tiếng và quí trọng.

Nhiều giáo dân đã sống trọn vẹn đức khiết tịnh và nghèo khó. Nhưng ít ai, không bị ràng buộc như tu sĩ, mà sống đức vâng lời một cách có ý thức, dẫn đến phó thác toàn diện như cụ. Cụ dấn thân vì vâng lời, để làm sáng tỏ ý Chúa hơn là để mưu ích riêng. Đức vâng lời của cụ phảng phất hương trầm vâng lời của tổ phụ Abraham và Mẹ Maria, tức là một sự vâng lời tức khắc, vì tin yêu Chúa, mà không suy nghĩ đến những hậu quả khủng khiếp, tai hại, sẽ xảy ra cho mình.

Bõ Huyền ơi! Bõ hãy an nghĩ trong Chúa mà bõ đã tìm, nay bõ đã gặp. Bõ hãy cầu xin cho đất nước thân yêu mà có hồi bõ đã kê vai gánh vác ! Amen.

(Công Giáo và Dân Tộc 17-12-1995)

No comments: