Wednesday 2 January 2008

LÊ CÔNG TUẤN ANH : HÃY NGHỈ AN TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA

Lâm Võ Hoàng

TÔI chưa được gặp Lê Công Tuấn Anh (LCTA) lần nào và thường lầm lộn anh với các anh Lê Tuấn Anh và Lê Tuấn. Tôi cũng chưa được xem phim nào của anh, vì từ lâu, tôi bỗng nhiên không ham xem phim. Thế nhưng, tôi không khỏi bàng hoàng khi đọc tin anh mất, vì ngộ độc thuốc. Việc báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin dữ về anh sớm nhất và không phải ở nơi góc kẹt, nói lên anh là con người của thời sự và là một nhân vật được quần chúng chú ý cảm tình.

Vì một người trẻ tài hoa, đầy triển vọng như anh mà phải ra đi trong hoàn cảnh bi đát như thế, làm sao không gây xót thương và để tiếc hận cho những ai mến mộ tài nghệ anh? nhất là nhờ sự ra đi này, mới được tiết lộ cả một quá khứ khổ cực và phấn đấu kiên trì vươn lên cho tới ngày thành đạt khá vẻ vang của anh và cho tới ngày anh tuyệt vọng tìm một cái chết tức tưởi khó khăn.

Tôi bàng hoàng như tất cả những ai chỉ nghe tiếng anh, thường ngày đọc tên anh, thấy hình anh trên báo, hay trước các rạp chiếu phim. Làm người ai lại không động lòng trắc ẩn và xót thương trước hoàn cảnh khốn cùng tuyệt đối ấy của một con người. Huống chi việc anh chủ động dứt mạng sống, vì một cơn thất tình, đặt ra cho lương tâm, không lãnh đạm, của người công giáo, biết bao suy nghĩ và trong niềm tin, nguyện cầu Chúa cứu rỗi linh hồn và chữa lành mọi oan khiên, nghiệp chướng của anh.

Vì vậy, tôi bèn đến thăm anh ở chùa Xá Lợi. Hỡi ôi! người đâu mà đông đúc, chen chân không lọt, đen nghẹt cả hai con đường và vây kín vòng rào chùa? Tôi đứng ngoài đường, thầm lặng dâng lời tạ ơn Chúa đã cho những đoàn người này, dù một số không ít vì tò mò, đến đây chứng tỏ, bằng cảm tình, rằng anh không phải là con người xấu, vì người xấu, bị tai tiếng xấu, khó có sức thu hút như vậy.

Hơn thế nữa, theo báo chí, qua các vai diễn rất đạt, anh đã gieo vào lòng khán giả những ý niệm đáng quí về lòng nhân ái, tính thật thà và ngay thẳng. Chính những ý niệm đó, còn sống động trong lòng những người xem phim hay đọc báo, đã đưa họ đến bên anh. họ thuộc mọi thành phần: người lớn chững chạc, người trẻ ăn mặc đứng đắn, thiếu niên đeo rào như ong bám ổ, người lao động trầm ngâm đọc bài báo “phô-tô”, mà hầu như ai cũng có cầm tay. Họ đến, một phần vì hiếu kỳ, một phần vì cảm thương một con người “tài hoa bạc mệnh”, một phần khác nữa, để tìm lại hình bóng của mình và những ước mơ của mình trong cuộc đời thật và hư của anh.

Ơ mức độ nào đó và trừ hành động cuối cùng, anh là tấm gương phản ánh một tuổi trẻ dễ thương, biết chịu đựng trong khốn khổ, biết phấn đấu chống nghịch cảnh, biết khiêm tốn và giữ mình trong vinh quang, biết trọng nghĩa khinh tài v.v…, tóm lại một tuổi trẻ dữ dội mà không dữ dội, một tuổi trẻ chưa đánh mất tuổi trẻ!

Chỗ tôi đứng, xéo cổng chùa Xá Lợi, một không khí bình an như bao phủ những con người chan hòa nhau, trao đổi nhau một nụ cười thông cảm kín đáo, vui vẻ cho nhau mượn tờ báo “phô-tô”, để khỏi mua, các cô gái khép nép, thì thào, chỉ chỏ, xa xa tiếng reo hò của đám trẻ bị lực lượng trật tự xô đẩy, nghe như đùa vui hơn là tức giận. Đúng là một không khí bình an.

Miên man trong giòng suy tư cầu nguyện, tôi chợt nhớ đến hai việc mà dư luận còn đặt dấu hỏi. Trước hết, là tại sao, với thế giá của anh, anh lại ở trong một căn nhà “rách nát”, nực mùi cống rãnh? Hình ảnh một diễn viên ăn khách, tài hoa, túân tú, với nụ cười rạng rỡ, khó thể được đóng trong một cái khung tồi tàn đến thế! Theo ý tôi, điều ấy chẳng có chi lạ. Con người thật của anh là con người của tấm bé, mồ côi cha, phải vất vả tự kiếm sống, đâu cũng là chiếu, đâu cũng là nhà. Chỗ ở của anh tồi tàn đối với ai, chớ không đối với anh là con người không chối bỏ quá khứ chôn chặt trong lòng. Sau một ngày lao động nhọc nhằn trong ánh sáng, phấn hương, chưng diện, phô trương v.v…, anh cần có một chỗ của chính anh, để tìm gặp lại chính mình và thả hồn trong giấc mơ của thời phải khóc thầm trong bóng tối.

Kế đến, đối với người công giáo, việc quyên sinh của anh được nghĩ như thế nào? Về trách nhiệm giữ gìn sự sống, không ai được cướp quyền Đấng Tạo hóa mà tự dứt mạng sống của mình. Do vậy “tội lỗi” của anh – vì anh cũng là con Thiên Chúa nói cách chung – chỉ là tội lỗi do không biết, do chúng ta không cho anh biết, chắc chắn sẽ được Chúa thông cảm và thứ tha. Hơn thế nữa, hoàn cảnh và những uẩn khúc dẫn anh tới hành động cùng cực, chắc chắn sẽ được Chúa, vốn “chậm giận mà giàu lòng từ bi thương xót”, xét thấu đáo.

Vả chăng, Giáo hội là Mẹ chúng ta, giờ đây đã bớt khắt khe rất nhiều đối với “tội lỗi” trên đây. Trong xót thương con cái, Giáo hội đã thấu hiểu trong cuộc sống tốc độ hiện đại, con người đã mong manh trước bệnh tật, lại càng mong manh hơn trong tâm lý, trước những ma sát dày vò, cắn rứt, rã rời bí ẩn, khôn nguôi, dẫn đưa con người đến sự tuyệt vọng và xô đẩy con người đến bước đường cùng. Khi Thủ tướng Pháp Pierre Bérégovoy tự sát bằng súng, Giáo hội địa phận Paris vẫn cho phép chôn cất theo nghi thức công giáo đàng hoàng. Đây là lòng nhân ái dưới đất, đáp ứng với lòng nhân ái bao la trên Trời.

Công Giáo và Dân Tộc 27-10-1996

Ý kiến và sáng kiến: NHƯ BÓ HOA SEN ĐỒNG NỘI

Lâm Võ Hoàng

LTS: Để dành những ý kiến và sáng kiến cụ thể cho về sau, hôm nay anh Lâm Võ Hoàng xin phép cống hiến một số suy nghĩ tin yêu về thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam sau Hội nghị thường niên 1996 gửi cộng đồng dân Chúa.

KHÁC với lần trước, khi mà thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam gởi cộng đồng dân Chúa ngắn ngủi dễ sợ, khiến cho một số giáo dân vội lo ngại các đấng không có gì để bàn, hoặc ngược lại, có bàn nhiều việc không thể nói ra, như ngày 31-8-1996 lần này rõ ràng, không ít thì nhiều, làm thỏa mãn mọi người, với nội dung phong phú và hình thức trình bày từng mục đánh số, dễ đọc, dễ nhớ, để tham chiếu.

Điều này nói lên sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng dân Chúa đối với công việc làm của các chủ chăn mình. Một sự quan tâm đầy mong mòi, đầy tin tưởng sâu xa vào sự sáng suốt, không ngoan và ý thức trách nhiệm của các ngài, cũng như đầy yêu thương, thông cảm đối với những khó khăn, bất ưng, đau khổ, mà trong công tác mục vụ, các ngài thường gặp và gánh chịu, để đàn chiên an tâm ăn cỏ.

* Điểm nổi bật trong thư, mục 12, là lời mời gọi mọi người đóng góp “ý kiến và sáng kiến giúp đở Hội đồng Giám mục thi hành chức năng phục vụ dân Chúa”. Đây là biểu hiện lòng khiêm hạ đáng kính của các Đức Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục, Giám quản, muốn cho “ý kiến và sáng kiến” phong phú đa dạng của con cái, đồng thời cũng là hồng ân Chúa, quyện vào “ý kiến và sáng kiến” của mình, đồng thời cũng là đặc sủng Thánh Kinh, thành một “hợp kim” mới, chắc chắn và nhiều tính năng hơn, giữa “ơn Chúa kêu gào ơn Chúa”. Từ đó, Thánh Linh sẽ tác động, giúp các ngài mạnh mẽ, sáng suốt, sáng tạo hơn trong việc đề ra định hướng, tìm ra liệu pháp và các giải đáp cho những bài toán đặt ra cho các ngài.

Lời mời gọi chính thức, long trọng này chắc chắn sẽ giải tỏa đáng kể các ức chế tâm lý khiến cho giáo dân, thậm chí giáo sĩ, không khỏi e dè ngần ngại bộc bạch hết tâm sư suy nghĩ của mình ngay với chính chủ chăn của mình, nói chi là với Hội đồng Giám mục. Vì khoảng cách trong cảm nhận giữa đóng góp và bè rối đôi khi chỉ có một bước.

Các bạn trẻ giáo dân và tu sĩ, với bản chất nhiệt thành và quảng đại, chắc chắn sẽ có nhiều đóng góp phong phú, đôi khi còn non nớt, nhưng nhờ có ân sủng “chân lý từ miệng con trẻ mà ra”, không phải là không tích cực. Các giáo sĩ và tu sĩ, dưới mũ rộng vành hợp pháp của lời mời gọi của cộng đoàn Giám mục, chắc chắn sẽ nói lên biết bao điều trăn trở, nhiều khi không biết tỏ bày cùng ai. Mặt khác, một số ít thường phiền hà “cấp trên” từ nay sẽ không còn lý do để làm như vậy nữa. Lời mời gọi trên rõ ràng là một nhân tố mãnh liệt đoàn kết và củng cố thêm hơn lòng yêu thương tin tưởng, thông cảm nhau, trong cộng đồng dân Chúa, ngay từ giữa lòng dân tộc sống phong phú Tin Mừng giải phóng con người khỏi ghét ghen buồn phiền sợ hãi.

* Có ý kiến cho rằng lời chia buồn của Hội đồng Giám mục với các địa phương trong nước bị thiên tai bão lụt là một điểm mới, đây là lần đầu tiên. Thực ra, tai họa này “chưa từng thấy từ những năm qua”, vả lại áp sau thời điểm Hội nghị thường niên 1996, cho nên lời chia buồn này xét ra cũng bình thường thôi. Chứ nếu trong quá khứ, có tai họa xảy ra không áp sát thời điểm Hội nghị, ắt các ngài cũng đã chẳng tiếc chi mà gởi lời chia buồn và “phần đóng góp của mình để tỏ lòng cảm thông với đồng bào đang khổ sở”.

* Giới trẻ được đề cao nhiều nhất trong thư (mục 4,5,6). Tất nhiên, Hội đồng Giám mục chỉ có thể đề cập đến giới trẻ “sống đạo”, hoặc “hoạt động dấn thân tu sĩ”, hoặc đang kiên nhẫn chờ đợi giải quyết “ơn gọi chủng sinh tồn đọng hiện nay” , hoặc “được Thánh Thần khơi lên nhiều đặc sủng khác” hoặc “đang nhiệt thành cùng với các linh mục nâng cao và đào sâu giáo lý Thánh Kinh”: v.v…

Hiện nay, nhiều giới trẻ “sống đạo”, tham giá sinh hoạt cộng đoàn, một cách đều đặn chuyên cần. Cánh đồng lúa của Thiên Chúa trên tổ quốc ta càng mở rộng diện tích và tăng năng suất chừng nào, thì vấn đề đặt ra cho Giáo hội ngày càng gay gắt chừng ấy. Vấn đề trước hết ở chỗ thợ gặt thiếu trầm trọng, đặc biệtt ở miền Bắc; số thợ Chúa gởi đến không bù đắp nổi số thợ Chúa gọi về. Làm sao có đủ thợ gặt, khi “ơn gọi chủng sinh tồn đọng hiện nay” không ít ?

Vấn đề kế đến là ơn gọi chỉ khả dụng, khi nhằm vào những người trẻ có giáo dục đạo đức khả quan, có trình độ học vấn nhất định, có vốn liếng giáo lý vững vàng tức là hội đủ điều kiện vào đại chủng viện hay vào nhà tập. Trong khi đó do thiếu trầm trọng linh mục, tu sĩ đàn anh, các giáo xứ, cũng như tu viện khó có thể “chăm sóc giới trẻ dễ thương này nhiều hơn nữa về mặt nhân bản, trí thức và đức tin, cũng như về tinh thần quảng đại và phục vụ”. Do vậy, nhiều giới trẻ muốn tận hiến, nhưng chưa được chuẩn bị trước một nền tảng vững chắc cho ơn gọi, gặp nhiều khó khăn nản chí, khi đụng chạm vào thực tiễn đời sống tu trì, đời sống cộng đoàn tu viện.

Không chỉ có giới trẻ, “giáo dân cũng muốn học hỏi và hiểu biết giáo lý một cách mới mẻ hơn để áp dụng vào đời sống”. Nhưng học ai hỏi ai, để hiểu, để biết, khi linh mục giáo xứ đã mệt nhoài với phụng vụ, mục vụ, trên địa bàn quá rộng lớn, như ở miền Bắc và các linh mục tu sĩ, vốn đã thiếu cho nhu cầu bản thân tu viện, đôi khi lại còn phải gánh vác thêm một phần mục vụ trong giáo xứ, thậm chí lãnh giáo xứ ? Do linh mục đào tạo thiếu thì giờ, một số tân tòng chưa được chỉ dẫn đến nơi đến chốn, không những về nội dung giáo lý, mà còn về nề nếp sống đạo về mặt kinh kệ, phụng vụ, bí tích, cho nên không khỏi gặp nhiều lúng túng, thậm chí hoang mang, sau ngày nhận phép rửa.

Vì vậy vấn đề giáo dục “giới trẻ, học sinh, sinh viên”, tuy hiện nay không thuộc phạm vi chăm sóc của Giáo hội, nhưng vẫn không ngớt là nỗi ưu tư trăn trở của Giáo hội Việt Nam. Rất may là “Chúa không bỏ rơi đoàn chiên của Người và luôn luôn ban cho Giáo hội nhiều mục tử” và “hoạt động dấn thân của các tu sĩ hiện nay là những mẫu gương sáng ngời, để khích lệ giới trẻ”. Sự thiếu thốn về đào tạo được bù bằng sự sung mãn đức tin.

* Năm thánh 2000 chiếm ba mục 8,9,10, nói lên tầm mức trọng đại của công tác chuẩn bị bắt đầu từ mùa Vọng năm nay. Về mặt ý nghĩa “chuẩn bị Năm Thánh thật ra là chuẩn bị một trời mới đất mới, để người người được sống hạnh phúc trên một đất nước đổi mới và thanh bình”. Chiều kích cánh chung của ơn cứu độ không những xuyên qua vũ trụ, qua năm 2000, mà còn qua tổ quốc, “đổi mới và thanh bình” của chúng ta.

Một trong những trọng tâm của Năm Thánh là “xem xét lại cách thức cử hành và tham dự các lễ nghi phụng vụ của Hội Thánh”, với sự cộng tác của mọi người “và theo đúng chỉ dẫn của Hội Thánh”. Ta sẽ không nuối tiếc “những kiểu sùng kính cổ truyền” mà, nếu muốn duy trì, cũng “phải tiến hành theo tinh thần mới của phụng vụ”.

Như vậy, từ mùa Vọng này, “các Tòa Giám mục sẽ đảm nhận trực tiếp mọi sinh hoạt về Năm Thánh”. Ước mong giáo phận thành phố Hồ Chí Minh chúng ta vốn có nhiều điều kiện thuận lợi hơn hết, mặc dù thiếu vắng bóng chủ chăn, sẽ là điển hình trong việc vận động, tuyên huấn sao cho mọi thành phần dân Chúa quán triệt mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, của Năm Thánh 2000, từ đó “phát triển hơn tình đồng bào cũng như tình đồng đạo vì mến Chúa và yêu người (nhằm) tăng cường lòng đạo và làm đời sống đẹp hơn, phù hợp với hoàn cảnh địa phương, … mang đến một sự hiệp thông thiết thực cho tất cả các giáo phận”.

* Bày tỏ lòng cảm mến mọi người, bằng nhiều cách khác nhau đang làm cho Giáo hội tại quê hương chúng ta trở nên sinh động cách thánh thiện”, Hội đồng Giám mục loan báo sẽ “mang theo hình ảnh này đi theo các ngài qua Rôma vào đầu tháng 12 này, để làm nghĩa vụ viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.

Xin cho chúng con được bổ sung thêm là ngoài “hình ảnh” nói trên, xin các đấng chủ chăn mang theo luôn lòng kính trọng, yêu thương, tin tưởng và hiệp thông không bao giờ phai của chúng con, như bó hoa sen đồng nội, để dâng lên Đức Thánh Cha mà chúng con đang hãm mình cầu nguyện cho sức khỏe người được chóng bình phục, và củng cố, hầu từ trên ngai tòa Phêrô, người chủ trì Năm Thánh 2000 mà người đã có sáng kiến, cũng như đã đặt biết bao ước vọng vào việc phụng vụ đặc biệt có ý nghĩa, ngàn năm mới có một lần này.

Công Giáo và Dân Tộc 6-10-1996

Một bước nhỏ đại kết: TÌNH HUYNH ĐỆ THIÊNG LIÊNG: CHÚNG TÔI VẪN LÀ CHÚNG TÔI

Lâm Võ Hoàng

KHÔNG phải ngẫu nhiên, càng không phải ngẫu hứng, mà có cuộc gặp gỡ này. Vì tôi rất quí trọng Thầy Tâm Thiện, cũng như tôi rất quí trọng anh Lê Trọng Nhi, nên không hề có thoáng một ý nghĩ thiếu lành mạnh nào trong việc mời hai hiền hữu trên đây. Tôi mời, như một người, sau khi cảm thấy may mắn được làm quen và kết thân với một bực đáng quí, nay muốn bộc lộ thêm để tỏ lòng tin cậy và quí mến, cho nên lật đật và ân cần mời bạn đến nhà chơi.

Không phải để khoe nhà cửa, càng không phải để dựa dẫm chỗ thân tình, hòng lợi dụng kéo người ta vô đạo mai sau. Mà chỉ để cho bạn hiểu biết thêm về mình, thấy lòng chân thành của mình, để tạo thêm keo sơn gắn bó, phát triển hơn tình thân hữu, vốn là một trong những bảo vật vô hình quí hiếm của đời người.

Không khoe nhà cửa, của cải vốn là thứ phù du. Nhưng nói không khoe là chưa thể tất lòng hiếu khách. Vâng! Khi mời ai đến, trong lòng, chớ không phải trong “ý đồ”, đã có cái để khoe, để mong bạn chia sẻ diễm phúc của mình. Như khoe cha mẹ là gương sáng của đời mình, khoe vợ hiền đức, khoe con khôn ngoan là để tạ ơn Chúa, thậm chí, còn khoe lối xóm để cho thấy mình may mắn hơn Mạnh mẫu ngày xưa. Tất nhiên, mình khoe đi, thì phải mong đợi, ao ước bạn khoe lại với mình, giúp mình mở rộng hiểu biết, tiếp thu kinh nghiệm sống, làm phong phú hơn cuộc đời mình, không giàu tiền, nhưng giàu bạn thành tín.

Được may mắn gặp Thầy Tâm Thiện, trong lần đưa Tạ Nguyễn Tấn Trương lên đường qua Uc và quen thân sau đó, khi được Thầy tặng sách. Giao duyên càng thắt chặt hơn khi, sau bài “Hình ảnh một chân tu” của tôi (CGvDT ngày 13-8-1995), Thầy đến mời tôi, có dịp, đến thăm Ngài Thượng tọa Trí Quảng, Tiến sĩ Phật học (Nhật), Phó chủ tịch Thường trực Thành hội Phật giáo, Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng biên tập báo Giác Ngộ, đang ngỏ ý muốn gặp lại tôi, sau lần gặp Ngài tại trụ sở Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, nhân dịp chúng tôi nhận lời tham gia ban giám khảo cuộc thi “Hoài bão của bạn”. Tôi đã nhờ Thầy Tâm Thiện dẫn đến chào Ngài tại chùa An Quang. Ngài hoan hỉ đãi trà sen, bánh trung thu và tranh thủ tôi viết bài cho báo Giác Ngộ. Tôi coi đây là một vinh hạnh, nên đã sốt sắng nhận lời. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, cho nên đến nay vẫn chưa đáp ứng lòng chiếu cố của ngài, không phải vì lười, mà vì chưa biết “tiếp cận” như thế nào, để bài của mình như cá luồn vào trong nước. bài hôm nay của Thầy Tâm Thiện làm tôi hoan hỉ và áy náy không thôi.

Trong khi “giao duyên”, tôi kể cho thầy biết hoạt động xã hội và tâm linh của mình, đặc biệt, tôi có gắn bó với dòng chiêm niệm Biển Đức và thường xuyên lên Đan viện Thiên Phước, thủ Đức, để chia sẻ các giờ kinh, thánh lễ và tĩnh tâm. Gặp nhau trong nguyện cầu, tôi ao ước có ngày mời thầy tham quan đan viện, để thấy một lối đan tu nghèo khó dựa trên “Nguyện cầu và lao động” của con cái thánh Biển Đức, thế kỷ thứ V, khá gần gũi với quan niệm và phong cách tu trì khổ hạnh của Phật Giáo. Thầy đã vui vẻ và chân tình nhận lời. Song tôi không vội “chụp lấy” cơ hội, chờ sự việc, nếu cần sẽ tự xảy ra. Tất nhiên, tôi có trình bày với cha Bề trên Thiên Phước. Cha đã hoan hỉ và chờ đợi.

Tôi quen với anh Lê Trọng Nhi, ngay khi anh từ Mỹ sang hoạt động trong ngành tài chánh. Anh tích cực tham gia với anh em chúng tôi trong Nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế của Thành phố. Hai tâm hồn sùng đạo không khó khăn gì gặp nhau, dù anh là Tin Lành gốc, tôi là Công giáo tân tòng. Tất nhiên là chúng tôi không “giảng đạo” cho nhau và không hề đề cập đến những gì chưa đồng nhất trong đức tin của nhau. Cũng như đối với Thầy Tâm Thiện, chúng tôi vẫn là chúng tôi. Chỉ có việc chúng tôi vui mừng nhận ra nhau cùng là anh em trong Chúa Cha, qua Đức Kitô, bằng chung một phép rửa, một tác động của Thánh Linh duy nhất.

Điều dễ hiểu là tôi có lần gợi ý mời anh lên Thiên Phước, dự giờ kinh, đọc Thánh Vịnh, Lời Chúa chung với nhau. Anh đã sốt sắng nhận lời và tôi cũng để ngâm-cho-chín đo , mặc dù đôi ba lần anh có nhắc tôi sắp xếp đi Thủ Đức.

Rồi trong một buổi tối họp sinh hoạt của Nhóm chuyên đề, thấy anh đã khá mệt mỏi, vì đã đóng góp hăng, tôi viết giấy chuyền tay hẹn anh vào chiều thứ bảy, trước ngày lễ trọng thánh Gioan Tẩy Giả, lên Thiên Phước dự giờ kinh chiều. Anh vui vẻ gật đầu. Tôi liền điện thoại cho cha Bề trên Thiên Phước và được cha tán thành. Họp xong, tôi chạy riết đến báo Giác Ngộ mời Thầy Tâm Thiện và được thầy hoan hỉ nhận lời và chia sẻ với tôi một gói mè xửng chính gốc Huế.

Đúng ngày, nhưng không đúng giờ, vì anh Nhi có bận đột xuất, chúng tôi lên đường trong chiếc xe Mercedès cáu cạnh của (công ty cung cấp cho) anh Nhi, đến thăm viếng “thế giới trầm lặng” của một nhà dòng “lụp xụp buồn tẻ”, nhưng rất giàu tình huynh đệ thiêng liêng như đã thấy.

Công Giáo và Dân Tộc 30-6-1996

MÂU THUẪN và CƠ TẤT THẮNG

Lâm Võ Hoàng

MỖI lần bước vào mùa Chay, con người, như thuở bé, nghe trống đánh hết giờ ra chơi, liền cắt đứt câu chuyện cười đùa, nghỉ ngang trò chơi đang cao hứng, quệt mồ hôi, lấy bộ mặt nghiêm chỉnh, tiến về lớp đứng sắp hàng, sửa lại áo quần, chờ thầy cô kiểm tra hàng ngũ và cho lệnh vào lớp. Đứa bé trở thành tín hữu, sống một cuộc sống tín hữu trưởng thành nhứt, toàn diện nhứt, “không phải là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”, như Thánh Phaolô đã xác tín.

Trong năm, với ngày thánh trôi qua, con người vẫn là tín hữu, vẫn sống cuộc sống tín hữu bình thường, nhưng không với chất lượng, độ đậm đặc như bắt đầu từ ngày hôm nay đến tuyệt đỉnh là đêm canh thức Phục Sinh, từ đó xuống dần tới “đồng bằng” ngày thường quanh năm, với hai cột mốc là lễ Thăng Thiên và lễ Hiện Xuống. Nói rõ hơn, mùa chay chuẩn bị tâm hồn tín hữu sống ba huyền nhiệm lễ Lá, Thương khó và Phục Sinh, xuất phát từ huyền nhiệm nhập thể Giáng sinh.

Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô nhập thể giáng sinh là để loan báo Tin Mừng từ Thiên Chúa cha. Việc loan báo này hệ trọng đến đỗi, Người phải tự chuẩn bị bằng bốn mươi ngày cầu nguyện trong sa mạc, kết thúc bằng sự khẳng định lập trường kiên định với Satan, vạch cho nó-và cho chúng ta-thấy sự cám dổ của nó, không những sai trái mà còn là ảo vọng và chỉ là hư ảo.

Bốn mươi ngày cầu nguyện này gắn liền với bốn mươi năm xuất hành cũng trong sa mạc của dân Do Thái cũng như sự minh định lập trường của Chúa Giêsu xác nhận, nâng cao sự bày tỏ lập trường của dân Do Thái quyết tâm rời bỏ nô lệ, để trở về với tự do, tự do của con cái Thiên Chúa, dù trong gian khổ cực kỳ và họ chỉ tới đất hứa, sau khi người dao động, thiếu tin tưởng cuối cùng trả giá bằng cái chết.

Đó cũng là ý nghĩa của mùa Chay chúng ta là cầu nguyện và suy nghĩ ôn lại những gì ta đã làm gì về phép Thánh tẩy của ta, từ đó ta khẳng định lập trường kiên định chúng ta một cách công khai cộng đồng vào đêm canh thức Phục sinh, tin vào ai, bỏ cái gì? Do đó, mùa Chay tổng dợt chúng ta sống đêm canh thức Phục sinh và tập cho ta, bắt đầu từ đó, tập trung toàn tâm, toàn ý toàn thân, hướng về đêm đó.

Hết mùa Chay, Chúa nhật lễ Lá là một sự mở màn hết sức độc đáo, công khai hóa một mâu thuẫn sâu thẳm. Nếu trước đây, Chúa Giêsu vừa tỏ lộ mình là Đức Kitô lại vừa cấm đoán người được tỏ tường nói ra, thì hôm nay Chúa Giêsu lại công khai ra mắt với dân Do Thái như Đấng Mêsia chính hiệu y như Thánh Kinh đã ghi báo hàng trăm năm trước cho tới chi tiết nhỏ nhặt nhứt, như cởi con lừa tơ còn theo mẹ. Dân Do Thái đã không lầm, khi đón chào Người, giữa luồng sấm hoan hô và rừng cành thiên tuế trên đường đi lên Giêrusalem.

Nhưng ơ kìa ! Người không màn ngôi vương bá mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho Người mà lại rời bỏ thành thánh đi nơi khác. Hẫng hụt ! Thất vọng ! Tuyệt vọng ! Cho những ai không chịu hiểu rằng Người quả thật là Đấng Mêsia, nhưng là Đấng Mêsia- theo- ý- muốn- của Thiên Chúa, chớ không phải là Đấng Mêsia- theo- ý- muốn- của- con người. Thế là đảo lộn mọi dự tính của con người và họ đã phẩn nộ và hành động theo sự phẩn nộ ấy, bắt đầu từ Giuda Iscariot, dứt tình, đem bán Chúa. Kế đó là dân Do Thái, trong ngày xử án Chúa Giêsu, khi kêu gào không tha chết và đem đóng đinh Chúa Giêsu.

Mâu thuẩn này ngày càng sâu sắc khi Chúa Giêsu bước vào Thương khó. Một mặt, trước kia, khi Người càng “úp mở” trong việc xác nhận mình là Đấng Kitô phải đến và đã đến bao nhiêu, thì người Do thái càng khát khao đòi Người nói trắng ra Người là ai để họ nghe theo, bấy nhiêu. Và giờ đây, khi trước đủ mặt bá quan, Người càng khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát mình là Đấng Kitô, như Thánh Kinh đã loan báo, bao nhiêu, thì người ta càng thấy Người chỉ là thợ mộc con của thợ mộc ở Galilê, do đó, lộng ngôn phạm thánh đáng chết, hoặc giả huênh hoang khoác lác đáng đánh đòn, bấy nhiêu. Và thực tế, người ta đã chọc quê, đánh đòn và giết Người bằng nhục hình thập giá, như thể ngày nay người ta xử đứa cướp của, hiếp dâm, giết người gớm ghiếc, không bằng vậy!

Mặt khác, trước kia, khi Người loan báo trước cho môn đệ thương khó tất yếu phải đến với Người một cách tỉnh táo, thanh thản bao nhiêu, thì giờ đây thương khó đã đến, Người càng bồn chồn, bức xúc muốn đẩy lùi xa chén đắng bấy nhiêu, mặc dù ngay sau đó, Người đã an tâm tin tưởng chấp nhận theo ý Cha tuyệt đối. Mâu thuẫn này càng làm rõ nét Người là Thiên Chúa hằng sống, hiển vinh bên hữu Thiên Chúa Cha trước khi Cha tạo thành trời đất, thế mà đã chấp nhận làm người, Người lại còn muốn mang thân phận con người thấp hèn nhất, bị sỉ nhục đớn đau nhất, hơn cả những tên tội phạm ghê gớm nhất. Tất cả, chỉ vì yêu thương con người, muốn chia sẻ với con người phần thấp thỏi nhất, để cho cái giá gánh tội, chuộc tội cho con người đắt nhất.

Mâu thuẫn ngày sâu sắc cực cùng, khi Người tất yếu phải chết để mới có thể Phục sinh và bằng Phục sinh mới chứng tỏ hùng hồn, không chối cãi, Người là hằng sống và được Đấng hằng sống trên trời sai đến. Không qua cái chết, Người không thể chứng minh được bất cứ điều gì. Không phục sinh, Người chỉ có thể chứng minh rằng tất cả những gì Người đã loan báo, dạy dỗ, chỉ là gió thoảng mây trôi, nếu không phải là bố láo, điên khùng. Như thế, phải chăng cái chết của Người chỉ là một “thủ tục”, một cái chết giả vờ như trong cải lương? Không, đây là một cái chết thật, thật đến đỗi chính ngay Người là Thiên Chúa mà cũng không được “bảo đảm”, vào giờ phút quyết liệt là Người “tất nhiên” sẽ được sống lại, “theo hợp đồng”. Như trước kia, Người đã tỉnh tuồng cho các môn đệ biết là sẽ như thế. Bởi vậy, sau những khổ ải tinh thần và đớn đau thể xác mà chưa một con người nào đã trải qua, Người đã trút hơi thở, sau tiếng kêu than não nuột, xé lòng Cha : “Lạy Chúa, sao Chúa nỡ bỏ con?”, khiến cho cả đất trời đều nức nở.

Với Phục sinh mọi nút thắt đều được mở ra. Người đã chứng minh được Người là ai và những gì Người đã giảng dạy có giá trị mặc khải trực tiếp từ Chúa Cha như thế nào? Siêu việt hơn cả là qua Phục sinh máu Người đỗ ra đã được chứng minh là làm cho tín hữu trở thành người công chính và có khả năng làm cho người khác trở thành công chính theo. Khi được sống lại như đã được các ngôn sứ và bản thân Người loan báo trước, Người đã chứng minh Người không phải là một tôn sư bình thường, mà là “Chúa và Thiên Chúa”, như Tôma đã run rẩy kêu lên, khi đút ngón tay vào lỗ đính và thọc bàn tay vào cạnh sườn Người.

Do đó, Người đã bảo đảm cho các tín hữu của Người qua mọi không gian và thời gian, một cơ tất thắng, mãnh liệt phi thường, đối với tội lỗi và cái chết trong tội lỗi. Từ nay, tội lỗi chỉ là “vùng tạm chiếm” mà do yêu cầu của chương trình cứu chuộc, chúng ta còn bắt buộc phải ở, trong thời gian không biết bao lâu, nhưng chắc chắn là từ nay không phải như người nô lệ của tội lỗi, bị tội lỗi khống chế toàn diện, như khi ở Ai Cập và xa xưa trước đây, mà như người cách mạng được tổ chức bố trí ở trong vùng tạm chiếm, hoặc như Quan Vân Trường “ở với Tào mà chẳng hàng Tào”.

Nhưng mâu thuẫn không phải vì đó mà hết. Phục sinh là một sự kiện phi thường, là phép lạ của phép lạ, khơi nguồn mọi đổi mới, hồng ân và cách mạng trên địa cầu. Thế tại sao Chúa Giêsu Kitô Phục sinh lại không xuất hiện công khai như khi Người tử nạn ? Cái gì sẽ xảy ra, nếu Người xuất hiện tại đền thờ, hội đường, dinh Caipha, toà tổng trấn? Có lẽ toàn dân Do Thái sẽ trở lại trên đống gạch ngói vụn của hội đường! Nhưng Chúa không làm “sơn đông mãi võ” như vậy để thu phục tín hữu. Vả chăng, đối với dân do Thái là dân riêng của Chúa, vấn đề vốn phức tạp từ ngàn xưa, nay với “nợ máu” mới, càng phức tạp hơn. Chúa có lẽ muốn “khoanh” vấn đề lại để giải quyết rốt ráo, vào dịp thích hợp, để tập trung mở đường cứu độ cho dân ngoại.

Hơn nữa, sự trở lại của mỗi người đều là một hành động tự do, tự giác, tự nguyện, đáp ứng những yêu sách rất ngặt nghèo của ơn cứu độ, tức là tin vào Con, để tin vào Cha, từ đó “thi hành ý muốn của Đấng đã sai Con”. Cho nên nếu thấy mới tin thì những tâm hồn muốn hồi hương mà ở xa, hoặc thuộc thế hệ mai sau thì làm sao họ có thể thấy được? Do vậy, Chúa Kitô Phục sinh đã ưu tiên cho một dạng “không thấy mà tin”, như lời Người đã nói với Tôma.

Bởi lẽ đó, ngay cả đối với các môn đệ, Người chỉ xuất hiện, sau khi Phục sinh, cho một số người, vì lợi ích của loan báo Tin Mừng và củng cố Giáo hội mà thôi. Suy nghĩ này dựa trên những định chế lớn, những bí tích lớn của Giáo hội mà Chúa Kitô đã thiết lập sau khi Phục sinh.

Tóm lại, cách ẩn hiện, tỏ mờ mà Chúa Kitô đã hành động trước hay sau Phục sinh đều gây những mâu thuẫn kéo dài tới ngày nay, nhưng mâu thuẫn mà may thay những tâm hồn có đức tin, như chúa Kitô đã định nghĩa là “không thấy mà tin”, vẫn có thể khắc phục, giải quyết được. Nhưng điều tôi tâm đắc nhất trong Phục sinh là cơ tất thắng mà máu Chúa đổ ra đã đem lại cho ta. Cơ tất thắng đó là bảo hiểm, nhờ đó ta vẫn giữ được bình an của Chúa trong mọi hoàn cảnh, mặc dù những sóng dập gió dồi của cuộc sống, cũng đó là chìa khóa mở cánh cửa hy vọng vô bờ bến mà những người anh em của ta trong cuộc sống của họ gọi là lạc quan cách mạng.

Công Giáo và Dân Tộc 7-4-1996


Kỷ Niệm Về Linh Mục Đỗ Minh Lộ (LORRY): NGÀY MAI TRỞ VỀ BÊN KIA CHÂN TRỜI QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM VẪN SỐNG MÃI TRONG TÔI

Lâm Võ Hoàng

CHIỀU hôm ấy (8-12-1995), những giáo dân tấp nập đến nhà nguyện đồng thời là nhà thờ giáo xứ Mai Khôi, có lẽ đều vì sùng kính mừng Kim khánh 50 năm linh mục của cha Lorry (Đỗ Minh Lộ), mới từ Pháp trở qua. Tất nhiên, ai cũng kính mến ngài, một phần, do cảm thương hoàn cảnh hai lần phải ra đi của ngài, phần khác, do quí trọng cảm tình gắn bó thiết tha của ngài với xã hội Việt Nam, vì ngài làm lễ và giảng bằng tiếng Việt, với giọng Tây không thể gột, nhưng lưu loát, chính xác, dễ hiểu. Đặc biệt, ai cũng thích bài giảng của ngài ngắn gọn, khoảng năm phút và tập trung vào ý nghĩa Tin Mừng ngày đó. Do vậy buổi thánh lễ chiều hôm ấy, tuy long trọng, nhưng chẳng hứa hẹn gì đặc biệt.

Nhưng cái bất ngờ đã xảy ra và người tạo “thời sự” bất ngờ đó, chẳng ai khác hơn là cha Đỗ MinhLộ là người, không phải bởi khiêm tốn, mà vì khách quan, đã tự nhận mình “chỉ là một linh mục thường, rất tầm thường”. Thực tế quả là như thế: Tây mà không cao to, ngài lại là con người nhỏ nhẹ, ít nói, đôi khi cũng cười vui, nhưng nụ cười không nở to như hoa hồng, mà sớm cụp xuống như hoa trinh nữ. Hơn thế nữa, ngài như triền miên chìm đắm trong chiêm niệm, trong một đối thoại bất tận với Ba Ngôi Thiên Chúa, ra vào lủi thủi như một bóng mờ. Như vậy, thử hỏi làm sao ngài có thể “chịu đựng” nổi sự so sánh với nhiều “ngôi sao” lấp lánh khác ?

Năm 1960, ngài rời đất Bắc. Hôm cha giảng “ra mắt” lần đầu tiên dưới trời Nam, bằng tiếng Việt, ngoài vẻ mệt mỏi, “nét buồn như cúc, điệu gầy như mai” (Kiều) của ngài đã làm cho cử tọa ngậm ngùi ái ngại. Không rõ, ngài được phân công làm gì, chỉ thấy ngài làm lễ, giảng, ngồi tòa, ngoài ra, có vẻ gần gũi với mấy bà cụ bổn đạo, răng đen, khăn vấn, quê mùa, điều khá hiếm hoi trong cộng đoàn giáo dân đa số trí thức của Mai Khôi.

Anh em trong nhóm trí thức công giáo chúng tôi, khách ưu đãi của Mai Khôi, đều rất quí trọng ngài, nhưng “để yên” ngài với mối sầu vạn cổ, thương nhớ khôn nguôi đất Bắc, mối tình đầu của cuộc đời linh mục của ngài. Do vậy, khi ngài trở lại Việt Nam, lần đầu tiên kể từ năm 1976, sau thánh lễ, tôi đến chào ngài. Lúc đầu ngài không nhận ra, nhưng khi tôi xưng tên, ngài “ồ” lên một nụ cười rạng rỡ chưa từng thấy và nhắc lại các hoạt động của nhóm chúng tôi một cách chính xác nồng ấm không ngờ. Như vậy, ngài đã âm thầm quan tâm và chắc chắn, đã cầu nguyện cho chúng tôi. Quá muộn màn, tôi mới nhận ra sự phong phú tinh tế tràn đầy trong ngài.

Trở lại thánh lễ chiều 8-12-1995, do ngài chủ tế với tất cả các cha Mai Khôi. Bài giảng của ngài, chỉ sau vài câu, đã gây sự chú ý. Ngài kể lại 50 năm linh mục của ngài, bắt đầu từ năm 1945, lúc thế chiến thư hai vừa chấm dứt, với những vấn đề mới đặt ra. Lúc đó ngài đã là tu sĩ Đa Minh được 7 năm và sắp bị động viên làm lính canh giữ tù binh Đức. Nhằm tăng cường khả năng của ngài giúp đỡ những bạn đồng đội và tù binh cùng lứa tuổi, bề trên đã cho ngài thụ phong linh mục sớm hơn dự định trước ngày nhập ngũ. Giải ngũ, ngài tiếp tục học đến tháng chạp năm 1947, và xuống tàu sang Việt Nam mà ngài hoàn toàn không biết.

Tới Hà Nội, ngài còn phải cặm cụi học tiếng Việt trong 2 năm. Sau đó, ngài dạy tiểu chủng viện ở Lạng Sơn; trở lại Hà Nội, ngài dạy giáo lý ở các trường trung tiểu học, rồi làm cha phó, cha chính giáo xứ Đa Minh Hà Nội, đến năm 1960, ngài bị buộc phải rời miền Bắc. Vào Nam, ngài gặp lại và sống chung với các anh em ngài tại tu viện Mai Khôi cho đến năm 1976, bị buộc phải về Pháp luôn. Từ đó, mãi cho đến năm 1995, ngài mới được phép về thăm Mai Khôi 3 tháng như khách du lịch.

Rõ ràng cuộc đời làm linh mục 50 năm qua của ngài, như ngài đã nhận, “không thấy gì đặc biệt, đáng ghi, đáng kể”. Sở dĩ như vậy, có lẽ, như ngài đã cho biết, ngài “không có ý định làm thừa sai, lái xe, cưỡi ngựa đi truyền giáo, mà chỉ muốn làm tu sĩ trên đất Việt và góp phần xây dựng đời sống tu trì, đặc biệt của dòng Đa Minh, tại Việt Nam”. Chính vì xuyên suốt cuộc đời mục vụ ngài nặng hướng về tu trì, không thoát ly với chiêm niệm, mà ngài như “chùa đất Phật vàng”, tức là dưới bề ngoài mờ nhạt của cuộc đời và con người, là cả một bầu trời phong phú yêu thương nồng cháy, một tin tưởng cậy trông xác tín. Đó là hương trầm xông lên từ phần kế tiếp của bài giảng.

Không những ngài không than phiền gì về điều mà người đời cho là số phận hẩm hiu, mà ngài còn coi “những biến cố xảy ra trong cuộc đời chính là Thiên Chúa mặc khải và nói cho chúng ta”. Và ngài tự đặt câu hỏi: “Thiên Chúa đã gọi tôi sang Việt Nam, vậy thì Thiên Chúa đã muốn nói gì cho tôi nghe, tức là tôi đã học hỏi được gì tại Việt Nam?”

Câu trả lời đầu tiên của ngài quả là bất ngờ thích thú cho cử tọa Việt Nam : “Trước hết, tôi đã gặp và khám phá một dân tộc tha thiết yêu mến quê hương, biết chịu đựng và sẵn sàng hy sinh vì một lý tưởng cao cả, thiêng liêng. Tôi cũng đã gặp một dân tộc hiếu khách, vui vẻ niềm nở đón tiếp người nước ngoài. Tôi đã gặp một dân tộc chăm chỉ, hăng say làm việc cho quê hương mình mau phát triển”.

“Tôi đã gặp một xã hội tương đối vững bền, trong đó đa số gia đình sống đoàn tụ, ấm cúng. Cha mẹ yêu thương, giáo dục con cái kỹ lưỡng. Con cái tôn trọng và yêu mến cha mẹ cho đến tuổi già, cho đến giây phút cuối cùng. Tóm lại, tôi đã gặp một dân tộc, một xã hội vô cùng đáng kính và đáng mến”.

Thích thú, vì chưa chắc nhiều người trong số chúng ta đã có thể thấu suốt được những ưu điểm “đáng kính đáng mến” của dân tộc ta, xã hội ta, một cách đơn sơ, sâu sắc, cô đọng, hàm súc đến thế. Mặt khác, ngài là một người nước ngoài, mà nói lên những lời chan chứa không những thể hiện tấm lòng gắn bó quân tử đối với đất nước dân tộc ta, dù sao cũng đã đùm bọc ngài trong gần suốt 30 năm, mà còn tỏ ra hiểu biết xác thực về chúng ta, “tương tri dường ấy mới là tương tri” (Kiều). Quả thật ngài không còn là khách, mà là con của đất nước chúng ta.

Không những thích thú mà còn xúc động đến tận đáy lòng, nhiều giáo dân đã không cầm được nước mắt khi nghe ngài tuyên xưng “Ngày mai, tôi sẽ trở về Pháp. Pháp là tổ quốc tôi, tức là đất tổ tiên tôi, cha mẹ tôi. Còn Việt Nam là một quê hương thiêng liêng mà Chúa đã dâng cho tôi, đã biếu cho tôi. Tôi luôn luôn bao hàm cả Việt Nam và Pháp trong một tình yêu duy nhất. Ngày mai tôi sẽ trở về bên kia chân trời, nhưng quê hương Việt Nam vẫn sống mãi trong tâm hồn tôi”.

Yêu mến đất nước ta, ngài không quên Giáo hội Việt Nam ta và đã có cái nhìn lạc quan đầy hy vọng: “Trở lại Việt Nam lần này, tôi đã hòa nhập vào một Giáo hội rất sinh động và sốt sắng, siêng năng cầu nguyện. Tại Pháp, đa số vẫn xưng là công giáo, nhưng lại bỏ đạo, hoặc rất thờ ơ lãnh đạm với đạo. Người Công giáo Việt Nam, trái lại, theo ý tôi, vẫn công nhận vị trí của Chúa trong đời mình, vẫn sẵn sàng làm tròn bổn phận của mình đối với Thiên Chúa và đối với xã hội, vẫn sẵn sàng làm cho đức tin mình ngày càng bền vững, sáng suốt, sâu xa. Giáo hội Việt Nam là một Giáo hội tràn đầy công trạng và hy vọng. Tôi sẽ cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam luôn luôn làm chứng nhân của Chúa trong đất nước Việt Nam hiện tại”.

Tất nhiên ngài không quên thổ lộ tình yêu đối với anh em dòng Đa Minh của ngài: “Dù có khác nhau ở tuổi tác, chủng tộc, chúng tôi đã sống rất huynh đệ với nhau, đã trở thành một cộng đoàn chân thật. Đã có lòng trông cậy lẫn nhau, chúng tôi đã sống đời sống tu trì , cộng tác và làm mục vụ với nhau, như anh em một nhà. Trong gần 30 năm sống với anh em dòng tại Việt Nam, tôi không bao giờ nhớ nhà quá, không bao giờ gặp dịp cãi vã với ai”.

Đỉnh cao của tình yêu, ngài dành cho Thiên Chúa đã làm tươi trẻ suốt cuộc đời của ngài. Ngài đã tuyên xưng tình yêu đó một cách khiêm tốn, đơn sơ, cô đọng, đầy đủ, như đứa trẻ thơ: “Nhìn lại năm chục năm qua, tôi ý thức rằng tôi không phải là một linh mục ưu tú, tôi chỉ là một linh mục thường, rất tầm thường. Nhưng tôi không hổ thẹn, tôi vẫn an tâm. Vì tôi biết tôi tin vào ai và tôi đặt hy vọng không phải vào những công việc mình đã làm được, hoặc những công trạng mình đã có. Tôi chỉ đặt hy vọng vào Thiên Chúa, vào lòng xót thương của Thiên Chúa. Từ thuở nhỏ, Chúa đã kêu gọi tôi và Chúa là Đấng trung tín vô hạn”.

Những lời tuyên xưng trên thật ra chẳng có chi lạ, thậm chí đã quen tai, nhưng trong bầu khí nồng ấm chân thành, yêu thương, tin tưởng, đã mang âm hưởng mới, rung động tâm hồn. khiến cho người nghe, ít ra người viết, không thể không nhìn lại đời mình, xét lại đức tin mình và âm thầm nức nở bám chặt vào sự xót thương của Thiên Chúa. : “chậm giận nhưng giàu tình thương”.

Không chỉ riêng giáo dân xúc động, ngài cũng đã sụt sùi, sau lời tạ từ của cha tu viện trưởng Đỗ Xuân Quế, làm ngắt quảng lời ban phép lành cuối lễ.

Hôm sau lên sân bay tiễn ngài, tôi đã nói đùa với ngài : “Bài giảng hôm qua, đối với con là di chúc thiêng liêng của cha. Con đã khóc và hôm nay xin tiễn đưa cha một khúc đường. Vậy ngày nào cha về với Chúa mà con không ở gần, thì xin cha nhớ cho là con cũng đã tròn bổn phận với cha rồi đấy! Chúc cha thượng lộ, theo hai nghĩa, trong bình an của Chúa. Amen”.

Công Giáo và Dân Tộc 1- 1996

MỘT ĐAN SĨ TRONG TRẦN THẾ

Không tu mà cũng như tu mới là ! (Kiều)

Thương nhớ cụ Nguyễn Văn Huyền:

MỘT ĐAN SĨ TRONG TRẦN THẾ


Rõ ràng tang tóc vẫn chưa chịu buông tha tôi. Hôm nay, tôi lại đau buồn viết về cụ Nguyễn Văn Huyền, mất ngày 26-10-1995, thọ 83 tuổi, một khuôn mặt công giáo tiêu biểu, gương mẫu, sáng chói, mặc dù cụ sống ẩn dật suốt đời.

Cụ là ai ? Là Luật sư Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, thủ lĩnh Luật sư đoàn suốt ba nhiệm kỳ, trước đây. Rồi vâng lời Bề trên, Đức Tổng, cụ ra ứng cử Thượng viện chế độ cũ, để đại diện cho quyền lợi chính trị của giáo dân, theo tất yếu tương quan lực lượng thời ấy. Rồi cũng vâng lời, cụ nhận làm Phó Tổng thống cuối cùng của chế độ đang đổ sụp, với nổi ê chề mà cụ cắn răng chấp nhận, không một tiếng phân trần, than thở với ai.

Vâng lời bề trên, nhưng cụ không bị động, càng không thụ động. Tuy không ham vinh hoa, nhưng cụ luôn luôn đem hết lương tâm, ý chí, trí tuệ, nhiệt tình, khách quan chu toàn nhiệm vụ. Hơn nữa, cụ luôn luôn nghiêm túc giữ tư thế đúng đắn, để tỏ lòng tôn trọng, cũng như để người khác tôn trọng, trách nhiệm của mình.

Theo quan niệm chính trực của cụ, cụ không muốn gì khác hơn là thể hiện tối ưu vai trò một Kitô hữu trong thế gian, một công cụ của Thiên Chúa Cứu độ, sống và làm theo yêu sách của Tin Mừng là mưu cầu bác ái, công bằng, lợi ích chung. Do vậy, suốt thời gian hoạt động chuyên nghiệp hay chính trị, cụ đều nêu cao tinh thần độc lập, bất khuất, theo tiếng nói của lương tâm được soi sáng qua nguyện cầu và đối thoại không ngừng với Thiên Chúa.

Là luật sư, cụ không quản ngại bào chữa miễn phí cho nhiều vụ án gay gắt. Như thế, cụ đã lãnh bào chữa cho nhiều lãnh tụ cách mạng bị địch bắt, không phải vì cụ đã ngã theo cách mạng mà vì đó là những vụ án ít ai ham, không ai muốn rớ, nhưng cụ không thể làm ngơ. Hơn thế nữa, đó là những con người vào tù vì lý tưởng, vì đại nghĩa, dù bị kẻ thù vu cáo thấp hèn, vẫn là những con người trung cang, nghĩa khí đáng kính mà cụ vui lòng giúp đỡ phục vụ. Theo thôi thúc của lương tâm, cụ đem hết tài năng, sở học, kinh nghiệm, ra sức cứu vãn tình thế đến mức có thể được.

Chính quyền đương thời, dù không bằng lòng, thậm chí bực tức cụ, cũng không làm gì được cụ, vì sự ngay thẳng, vô tư trong suốt, sự tận tụy vô vị lợi của cụ đối với chức trách lương tâm nghề nghiệp của mình. Các đồng nghiệp cụ, dù đồng tình hay không với cụ, cũng đều đánh giá cụ như là đại diện xứng đáng nhất cho nghề nghiệp, cho nên đã liên tục bầu cụ làm thủ lĩnh, vị trí mà cụ phải rời, để bước vào lĩnh vực chính trị, vì vâng lời, như đã nói.

Là đại biểu của thành phần giáo dân công giáo, cụ cũng chỉ biết hành động theo công tâm và lợi ích trên hết của đất nước. Trong mọi tình huống, không bao giờ ai thấy cụ chà đạp lẽ phải, để bảo vệ quyền lợi bè phái, cục bộ của công giáo. Trong thời kỳ hiểu lầm, xung khắc đen tối giữa hai tôn giáo lớn miền Nam lúc ấy, cụ và Đức Tổng Phaolô (ở hậu trường) là nhân tố tích cực xoa dịu, tháo gỡ, hàn gắn, giải hoà không mệt mỏi, dưới áp lực khắc nghiệt từ bên ngoài lẫn bên trong.

Nhờ vậy, trong cương vị Chủ tịch Thượng viện, cụ chẳng những được cả hai phe thân, hay không thân chính quyền, nể trọng, mà còn được lãnh đạo chóp bu hành pháp thời ấy kiêng dè. Cụ đã không ngần ngại bày tỏ thái độ phản đối chế độ độc tài quân phiệt bấy giờ, bằng cách khẳng khái từ chức Chủ tịch thương viện, gây tiếng vang không nhỏ.

Ngay cả trong nội bộ Giáo hội Công giáo, không ai có thể nghĩ rằng cụ là “bung xung”, hoặc giả công cụ sai phái của các đấng. Cụ là cụ, luôn là cụ, tự giác vâng lời, để sáng suốt biểu hiện đích thực vai trò người Kitô hữu có trách nhiệm của cụ. Cụ quan niệm và sống đức vâng lời, theo ý nghĩa siêu nhiên, như là nguồn hồng ân thánh hóa và không để ai hiểu khác đi, theo ý nghĩa trần tục, trong quan hệ xử sự với cụ, mặc dù bề ngoài khiêm tốn hạ mình của cụ.

Sở dĩ tôi có điều kiện nhận ra các “đặc thù” trên đây là vì cụ là bõ đỡ đầu mà Đức Tổng Phaolô đã “chọn” cho tôi. Số là trong buổi lễ thêm sức của tôi, ông bõ mà tôi chọn đã vắng mặt. Khi tới phiên tôi quì nhận bí tích, Đức Tổng thấy sau lưng tôi không có ai, bèn dòm quanh thấy cụ Huyền đứng đó liền ra hiệu và cụ đã sốt sắng bước vào chỗ, đặt tay trên vai tôi. Như vậy, ngoài quan hệ đồng hành trong phong trào trí thức công giáo, chúng tôi còn có thêm tình nghĩa gắn bó thiêng liêng với nhau.

Tình nghĩa này ngày càng sâu lắng, qua cầu nguyện thường xuyên cho nhau. Nhưng trong đời thường, không ai bảo ai, chúng tôi cư xử theo châm ngôn người xưa “quân tử chi tình đạm đạm như thủy” (tình người quân tử lạt lạt như nước) và lấy lễ đối đãi với nhau, như bạn vong niên. Điều đáng tiếc là về sau cụ thủ lễ thái quá đối với tôi, dù sao cũng là con cái tinh thần, lại kém cụ những hai mươi tuổi, nhất là trong điều kiện đau yếu triền miên của cụ. Sau nhiều lần van nài không kết quả, tôi không đến cụ nữa, chỉ mượn thơ từ làm cánh nhạn liên lạc, cho đỡ nhọc sức cụ tiếp tôi.

Rồi bỗng nhiên đầu tháng 10.1995, tôi trở lại thăm cụ, thấy cụ ốm yếu hơn, nhưng lại nằm ở trần trên giường, chỉ đắp tấm vải drap mõng, mà không sợ gió. Tôi mừng rỡ và “hăm he” liền: “Ông mà ngồi dậy là tôi xin kiếu về liền”. Cụ cười hềnh hệch và nằm im. Tôi ngồi cạnh bên, cúi xuống kể đủ thứ chuyện Nam tào Bắc đẩu cho cụ nghe cho vui.

Sau đó ít hôm, tôi ở Hà nội về, ghé (lần đầu tiên) ban đêm, để thưa với cụ một câu chuyện. Cụ lắng nghe rất minh mẫn, hỏi lại cho rõ và góp ý nhanh nhẹn sắc bén. Hốt nhiên, tôi sững nhìn mặt cụ, thấy hốc mắt cụ sâu xuống đáng sợ, miệng cười như móm, cho thấy cái lưỡi đu đưa như đớ, mặc dù cụ nói chuyện còn rõ ràng. Tôi linh cảm một cái gì đó làm tôi xúc động, khi cụ nắm tay tôi động viên tôi cố gắng và hứa sẽ cầu nguyện cho tôi. Đó là lần cuối cùng tôi gặp cụ.

Khi hay tin cụ từ trần, tôi liền tạ ơn Chúa đã cho tôi hồi tâm trở lại thăm cụ. Giờ đây, tôi tin chắc rằng, trên nước Thiên Đàng, cụ sẽ giữ lời hứa cầu xin cho tôi. Nhìn xác cụ nằm đó, trong bộ đồ tươm tất duy nhất của cụ, tôi thầm cảm tạ cụ đã để riêng cho tôi một gia tài lớn để độ nhật, lúc xế chiều cuộc đời. Đó là gương mẫu đời sống thánh thiện, con tim tinh tuyền của cụ, suốt đời chỉ tìm kiếm Chúa và “tuyệt đối, không quí gì hơn Chúa Kitô”. Tuy không vào dòng hay khấn hứa chi, cuộc sống của cụ thể hiện trọn vẹn ba lời khấn của đan sĩ là khiết tịnh, nghèo khó và vâng lời.

Sau khi phu nhân thất lộc, cụ ở vậy thờ mẹ, nuôi dạy hai con để dâng hiến hết cho Chúa. Con trai cụ là linh mục dòng Đa minh, con gái cụ là đan sĩ Dòng Kín. Cụ sống khiết tịnh như vậy đến ngày nhắm mắt.

Là luật sư giỏi từ thời Pháp thuộc, về sau lại có địa vị chính trị tột đỉnh, cụ sống và về với Chúa với hai bàn tay trắng. Nhà ở chức vụ sang trọng trước đây, cụ chỉ sử dụng trong việc lễ tân. Cụ sống khiêm tốn tại ngôi nhà xưa cha mẹ để lại trong xóm đạo bình dân. Sau giải phóng, sinh hoạt và chữa trị của cụ đều do thân nhân, học trò, bạn bè giúp đỡ. Phẩm chất đơn sơ, thanh bạch, khiêm tốn là ưu điểm sáng chói nhất của cụ, nhờ đó, trong xóm cũng như ngoài đời, cụ được nhiều người biết tiếng và quí trọng.

Nhiều giáo dân đã sống trọn vẹn đức khiết tịnh và nghèo khó. Nhưng ít ai, không bị ràng buộc như tu sĩ, mà sống đức vâng lời một cách có ý thức, dẫn đến phó thác toàn diện như cụ. Cụ dấn thân vì vâng lời, để làm sáng tỏ ý Chúa hơn là để mưu ích riêng. Đức vâng lời của cụ phảng phất hương trầm vâng lời của tổ phụ Abraham và Mẹ Maria, tức là một sự vâng lời tức khắc, vì tin yêu Chúa, mà không suy nghĩ đến những hậu quả khủng khiếp, tai hại, sẽ xảy ra cho mình.

Bõ Huyền ơi! Bõ hãy an nghĩ trong Chúa mà bõ đã tìm, nay bõ đã gặp. Bõ hãy cầu xin cho đất nước thân yêu mà có hồi bõ đã kê vai gánh vác ! Amen.

(Công Giáo và Dân Tộc 17-12-1995)

Tháng 11,Tiếc Thương… TẢN MẠN VÀO THU

Lâm Võ Hoàng

“Từ vào thu đến nay.

Gió thu hiu hắt.

Sương thu lạnh

Trăng thu bạch.

Khói thu xây thành.

thu rơi rụng đầu ghềnh.

Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly!”

(Thơ Tản Đà)

Mùa hè cướp của tôi hai người thân thương.

Sang thu, tâm hồn tôi nặng trĩu nhớ tiếc, nguyện cầu, và suy gẫm về cái sống của những người ra đi và cái chết là sự ra đi, trút gánh cho những người ở lại, nối tiếp, điều chỉnh, mạnh dạn “xếp tàn y lại” những gì không hợp thời và dũng cảm sáng tạo vạch phương hướng mới.

Đức Tổng Phaolô và cha Mai Văn Hùng, hai cái sống và hai cái chết, đã làm tôi phần nào (vì còn nhiều “chuyện” khác nữa) thơ thẫn mấy tháng nay. Giờ đây xin mượn thơ thu Tản Đà làm nén hương lòng dâng chút lễ vật là kỷ niệm về hai người. Theo thứ bậc, kể cả trong cõi hư vô, xin bắt đầu bằng Đức Tổng.

Vào năm 1960 tôi chưa chịu phép rửa, nhưng đã hoạt động hăng say trong nhóm Trí thức Công giáo, “cục cưng” của Đức Tổng. Anh chị T.Q.T., đều là thành viên của nhóm, anh là dược sĩ, dạy đại học; chị là giáo sư “Couvent des Oiseaux”, một tư thục công giáo, chất lượng “siêu”, dành cho nữ sinh, của các chị dòng Đức Bà (tên thật dài lắm). Lễ cưới được cử hành tại nhà nguyện của “Couvent”. Vì là “con cưng” nên anh chị dám mời Đức Tổng và Đức Tổng đã đến làm lễ.

Khung cảnh thơ mộng tĩnh mịch, bạn bè đông đảo hân hoan, Đức cha vui vẻ chuyện trò. Gần đến giờ hành lễ, bỗng nhiên “trời trở gió”, Đức cha nghiêm mặt phê phán việc tổ chức lễ cưới ở nhà nguyện dòng tu, thay vì tại nhà thờ giáo xứ. Đức cha dạy: “Người Công giáo có giáo xứ là nơi định sở của mình. Mọi việc quan hôn tang tế đều nên và phải tổ chức tại nhà thờ giáo xứ, để toàn giáo xứ chia sẻ vui buồn chung và biết được những biến đổi xảy ra trong giáo xứ để cùng nhau tạ ơn Chúa. Người ta lần lần mất hết ý niệm về vị trí, vai trò của giáo xứ. Mặt khác, tổ chức lễ hôn phối trong nhà nguyện của một dòng tu đề cao đức trinh khiết trong đời sống là điều không phù hợp”.

Tôi còn nhớ rõ như in, ngài vừa đi, vừa khoa tay phê phán. Chúng tôi riu ríu đi theo vây quanh ngài. Tội nghiệp các mẹ, các xơ và cha Pacificô An, tuyên úy chúng tôi. Anh chị T.Q.T. chắc có lý do riêng của họ, nên sắc mặt vẫn bình an.

Bước vào nhà nguyện, ngài khoan thai tiến lên bàn thờ, mặc áo và làm lễ bình thường, kể cả trong lời giảng, không nhắc lại một chữ nào những gì đã nói ở ngoài sân. Và ngài ở lại cho tới khi mãn cuộc. Đối với tôi đó là bài học và gương sáng đức bác ái cao thượng của ngài.

Sau này, tôi có dịp nghe đầu này đầu nọ nói ngài là “ba phải, nhu nhược”. Tôi cứ xác tín là ngài sống có và theo nguyên tắc, không phải thứ nguyên tắc cứng ngắc, mà có độ đàn hồi cần thiết, theo yêu cầu của luật bác ái, theo gương của Chúa trên trời là “chậm nóng giận và nhiều thông cảm, thứ tha”.

Tôi không thể không nhớ lời anh Võ Long Triều, một thành viên khá bướng và có miệng lưỡi hơn ai hết, khi, hồi cuối những năm 60, so sánh ngài với Đức cha Mỹ Tho Trần Văn Thiện: “Để ông Thiện ở Sài Gòn là “hư” hết, vì ổng cứng quá, dễ đụng, dễ bể. Chỉ có ông Bình mới ở Sài Gòn được! Chỉ có ổng, với cái ba phải bề ngoài của ổng, mới “trị” được mấy tay “cứng đầu”. Ơ cái địa phận “hằm bà lằng”, đủ mặt, đủ ý, đủ ngón, đủ cỡ này, chỉ có ông Bình mới “kết”được mà thôi. Đừng coi thường ổng”.

Sau ngày 30-4-1975, ngài đã tỏ rõ bản lĩnh sống và lãnh đạo của ngài khi kết “cách mạng với Công giáo, một cách rất Phúc Am là “Hy Lạp với người Hy Lạp, Do Thái với người Do Thái”. Không phải trở thành Hy Lạp với người Hy Lạp, mà là “ngài vẫn là ngài”, như cha Nguyễn Hồng Giáo đã khẳng định. Nhưng, bởi bác ái là chủ yếu và khả năng thấu đáo tương quan lực lượng là thứ yếu, ngài đã sáng suốt và chủ động làm những gì không thể né tránh, đúng hơn, cần thiết phải làm, để xây dựng, một cách khôn ngoan, chân thành, một chỗ đứng mới cho Giáo hội. Một chỗ đứng phù hợp với tình thế mới và tương quan lực lượng mới mà, trong thâm tâm, có lẽ ngài không mong mỏi (do đó, không thể chịu trách nhiệm), nhưng nếu xảy ra theo qui luật, thì trước hơn ai hết, với trách nhiệm của một chủ chăn phải bảo vệ đàn chiên của mình, ngài đã nhanh chóng suy nghĩ và chọn lựa một cách dứt khoát con đường phải đi. Một chọn lựa mà chỉ có những con người bản lĩnh, suốt cuộc đời sống theo nguyên tắc rõ ràng, mới có thể làm được. Bởi vì con người bản lĩnh, tức là khôn-ngoan- trước-Thiên- Chúa- trong lương- tâm, luôn luôn xử lý việc lớn như việc lớn và việc nhỏ như việc nhỏ, khác với con người nghiệt ngã, xử lý việc lớn như việc nhỏ và việc nhỏ như việc lớn.

Đấng chủ chăn quá cố của chúng ta đã kiên trì, dù bị “cấp trên” trù dập, trong đường hướng phải đi, nhưng đồng thời nhờ óc trào phúng tuyệt vời, biết coi việc nhỏ như việc nhỏ. Như khi sắp bước tới ngưỡng cửa Thiên Đàng, tức là sắp gặp hai thánh cả Phêrô và Phaolô, ngài đã bảo vệ sự yên tĩnh của ngài bằng mấy chữ để đời: “Thôi đi! Bổn mạng cái gì?”. Trong nước mắt, tôi đã phá lên cười, vì câu nói bực dọc ngắn ngủi ngàn vàng này!

Cha Mai Văn Hùng, Đa Minh (Lyon) “đi” sau Đức Tổng hai tháng mà không bị bóng đại thụ che khuất. Tất nhiên, ngài không uy danh lừng lẫy như chủ chăn của ngài. Nhưng chất lượng tình cảm tiếc thương mà hai ngài, “mỗi người một vẻ”, đã để lại xét ra đều là vàng bốn số chín cả.

Riêng tôi, được vinh dự quen và thân với thế hệ trước của tu viện Mai Khôi. Sau thời gian dài “giang hồ mê chơi quên quê hương” (Tản Đà) tôi trở lại Mai Khôi, khá lạ lẫm với thế hệ thứ hai, đều đã là đại thụ cả, trong đó có cha Hùng. Khác với xưa kia tôi “tung tăng” khắp nơi ở 43 Nguyễn Thông. Ngày trở lại 44 Tú Xương và sau đó, tôi chỉ là một bóng mờ giáo dân xem lễ và âm thầm bật nước mắt trong thánh lễ đêm Phục Sinh, khi cất tiếng “Ha- lê- lui-a”.

Hoàn cảnh đẩy đưa, tôi viết cho báo CGvDT. Cha Hùng thường đi ngang nhà tôi, một hôm ngài ghé lại thăm và tìm hiểu tôi. Tôi thành thật trao đổi, vì Mai Khôi lúc nào cũng là cái nôi, là tổ ấm tuổi xuân xanh, khi tôi giành giúp lễ sáng sớm với các em. Từ cha Hùng, tôi lần lần tìm cách làm quen với các “đại thụ” nói trên, để lần lần sống với một Mai Khôi, hết là Tây, hoàn toàn Việt Nam và sau Cách mạng thành công. Mỗi thời một ân sủng, một hồng ân, một thành đạt!

Như với Đức cha Phaolô, quan hệ của tôi với cha Hùng có nhiều sâu lắng nhiều hơn bề mặt. Chúng tôi có những trao đổi rất dài, nhưng, thường khi, khá ngắn, rất ngắn. Tôi rất quí và kính cha. Hơn thế nữa, tôi rất mến cha về óc trào phúng và cách nói tếu nhẹ mà thấm cũng như về những cái “tật” khi làm lễ, như cặp mắt kiếng trễ xuống mũi, cha hay nhìn lên trời, hoặc nhìn chọc xuống cộng đoàn khi ban ơn bình an, khiến cho ai nấy (và tôi) cảm thấy cha ban ơn riêng cho mình.

Tôi có ba lần cuối cùng với ngài. Lần thứ nhất như Nguyện san CGvDT có nhắc, thì chính tôi là thủ phạm đã vô tình “chọc” ngài dốc bầu tâm sự tràn trề hôm ấy. Trước hết, tôi tỏ ý không hiểu tại sao CGvDT lại dành nhiều giấy (đang lên giá) và mực, để viết về ông Giám mục Gaillot là đấng được cấp dưới vâng phục, mà lại phớt tỉnh thậm chí “làm tới”, trong thời gian dài mặc dù sự khuyên can của tập thể huynh đệ giám mục của ông và sự nhắc nhở nhiều lần của cấp trên của ông là Đức Thánh Cha? Vì không nhắm vào ngài tôi quên khuấy ngài đang ngồi đó là người viết nhiều nhất về Đức Gaillot.

Kế đến, tôi chỉ trích những người muốn tình dục loạn xạ mà không muốn mắc tội, xưng tội, mắc bệnh, có con v.v…, cho nên đã lên án Đức Thánh Cha quá nhẫn tâm không cho phép ngừa thai, phá thai, dùng bao cao su v.v… Ý kiến của tôi là sứ vụ và trách nhiệm của Giáo Hoàng là thay mặt Thiên Chúa phán những điều đúng sai về luân lý cho cả nhân loại và một cách bó buộc cho người Công giáo. Hãy để ngài thực hiện trách nhiệm và sứ vụ của ngài! Đối với những trường hợp riêng tư mà Thiên Chúa và Giáo hội luôn luôn quan tâm sâu sắc, mỗi người có hoàn cảnh bức bách đáng xót thương, cứ trung thực theo lương tâm, trong cầu nguyện, qua tham khảo với các bậc thẩm quyền đạo và đời, rồi hành động theo lương tâm. Nếu vẫn thấy về mặt hình thức, hãy còn mắc tội, thì cứ đi xưng tội. Cha này gắt, thì đi xưng với cha khác, thế nào cũng gặp một cha nhẹ tay, như Giáo hội không cấm đoán. Vì xưng tội là tìm gặp Chúa để mở tâm hồn, và tìm giải đáp là ơn thứ tha. Cho nên không thể cố định hộ khẩu của Chúa ở một địa chỉ nào đó. Lương tâm và bác ái không cho phép ta buộc người phụ nữ gánh chịu mọi hậu quả bi thương, của tình yêu hôn phối, chỉ vì xã hội quá ích kỷ chưa tổ chức được sự tương trợ đùm bọc đối với những gia đình đông con, như hiện nay, ở nhiều nước, đối với những người thất thế (già cả, thất nghiệp v.v…)

Cha Hùng chỉ nghe, rồi chắt lưỡi, nhìn lên trời và than nho nhỏ: “Như thế còn gì là ý thức tội lỗi nữa?”. Tôi chớp bụng: “Như thế càng hay, ta sẽ lợi dụng, để bắt cha giảng cho ta nghe, đến đầu đến đũa, ý thức tội lỗi, vốn là mặt yếu kém của ta”. Cha ra đi là một sự thiếu may mắn của tôi. Ai sẽ giảng cho tôi nghe đây?

Sau buổi họp khá sóng gió đó, tôi ra về, thấy ngài hình như đang chờ ai ở cổng. Tôi đề nghị đưa ngài về. Ngài vui vẻ leo lên yên sau. Dọc đường, cha con trao đổi tếu với nhau. Sau này, các anh ở CGvDT nhắc lại: tôi là người cuối cùng đưa cha từ toà soạn về tu viện.

Vài hôm trước khi cha mất, tôi dự lễ chiều do cha chủ tế, trong căn phòng chật hẹp nóng nực, vì nhà thờ đang sửa trần. Cha có vẻ khó chịu trong mình và bình tâm chịu đựng. Điều thu hút sự chú ý của tôi là hôm nay sao cha nhìn trời chăm chăm và lâu đến thế, hình như đang trao đổi thiêng liêng với ai. Tôi đâm ra sợ hãi. Đó là thánh lễ cuối cùng cha trao mình thánh cho tôi.

Khi nghe tin cha mất, tôi có phản ứng không tin như Cát Anh. Nhưng khi nhìn tận mắt xác cha, tôi không khóc như Hồ Ngọc Nhuận, mà chỉ nghẹn ngào trong cổ, “vấn nạn” Chúa: “Chúa đã đầu tư biết bao công sức để đào tạo được một cha Hùng. Sao Chúa “xài sang” thế, sao Chúa hoang phí thế?”. Chúa không trả lời, chỉ đưa mắt tôi nhìn các thầy trẻ đang lăng xăng chung quanh và tự tôi đã tìm ra câu trả lời: “Nếu các cha Vọng, cha Chiểu, cha Đường, cha Lễ v.v… không “nhường chỗ”, thì làm sao có các đại thụ hôm nay. Rõ là đồ ngu! Hãy cầu nguyện sao cho thế hệ thứ ba này sớm nên vai nên vóc, trước khi các đại thụ này ra đi theo diện “ODP” (đoàn tụ gia đình) về thiên quốc. Ơ đó mà khóc cho hạt giống chịu rả trong lòng đất!”.

(Công Giáo và Dân Tộc 10-1995)

HÌNH ẢNH MỘT CHÂN TU

Lâm Võ Hoàng

Hôm 4-8-1995, trong khi tôi đang vật lộn với ánh nắng chói chang ở phía đầu đường Đồng Khởi và kiên nhẫn với mấy cây dù phía trước chụm lại như hòn núi cao che khuất cảnh tượng thánh lễ an táng Đức Tổng Phaolô, bỗng tôi thấy một vị sư tiểu thừa, từ phía trường Hòa Bình xăm xăm tới gần chỗ tôi đứng. Ngài khoảng 70, người thấp, lưng hơi gù, chống gậy trúc, tay cầm nhánh huệ tướng mạnh khoẻ, mặt hiền từ, không nhìn ai. Tới bìa đám đông, ngài dừng lại, hướng về lễ đài, chắp tay vẫn cầm huệ và gậy, đứng im lặng, nhắm mắt cầu nguyện một cách an nhiên.

Thấy không ai quan tâm đến ngài, tôi bồn chồn lo lắng. Nhưng mình chỉ là phó thường dân, lo thì lo, chớ làm gì được? Một lát sau, kềm lòng không được, tôi nói với một em ban trật tự, nhờ em đưa ngài lên chỗ vị trí quan khách, nơi xa xăm kia. Có lẽ vì lệnh nghiêm, nên em ngần ngừ, rồi biến vào đám đông. Tôi lại nói với một em khác rằng đây là đại diện tôn giáo bạn, đến với Đức Tổng chúng ta, chia buồn cùng với Giáo hội chúng ta, cho nên chúng ta không thể để ngài tại đây được, mà phải đưa ngài lên trên kia kìa, có ghế ngồi đàng hoàng. Em này bàn bạc với vài em khác trong ban trật tự, rồi im re.

Lúc đó, ngài đã ngồi xuống mặt đường, bông huệ để trước mặt, gậy để xuôi theo người, chắp tay mặc niệm, hoàn toàn như cách biệt với đám đông. Biết không thể làm gì hơn, tôi vừa theo dõi thánh lễ ba sồn ba sựt qua các loa ồm ồm, vừa quan sát ngài. Quả là đời tôi chưa thấy một chân tu nào nhập định sâu thẳm vào cầu nguyện như ngài. Ngài ngồi bất động giữa đám đông, mà hầu như ngài ở trên non cao, trong động vắng. Thậm chí da thịt ngài cũng ráo mát như ở trong nhà, trong khi chúng tôi đều mồ hôi mồ kê không kịp vuốt. Một vài bà đang che dù ngồi gần đó, thấy ngài phơi đầu trọc dưới lửa nắng, cũng trắc ẩn nghiêng dù qua hướng ngài một ít. Nhưng vì mắc lo nói chuyện với nhau, cho nên mấy bà cầm dù lúc la lúc lắc, khiến cho ngài lúc nắng lúc mát vô chừng, trông thật tội.

Bỗng có một anh nhiếp ảnh đến chụp hình ngài lia lịa, lúc xa, lúc cận, ngài cũng không màng để ý, vẫn giữ tư thế bất động. Anh này chụp đã, rồi ngắm ngài, rồi chụp nữa. Tôi bèn nảy ý đến gần anh nhờ anh đưa ngài vào khu vực quan khách, vì anh được tự do đi khắp nơi. Lúc đầu anh từ chối, nhưng tôi liền giở nghề “khích tướng”, nói anh đã chụp hình ngài đã đời rồi, vậy anh nên “sòng phẳng” đưa ngài đi giùm, tôi sẽ đi theo cùng anh, có bề gì sẽ “chia lửa” với anh. Anh nhận lời. Tôi đến bên ngài thỏ thẻ xin lỗi đã để ngài chịu nắng nãy giờ và mời ngài đứng dậy lên chỗ quan khách.

Không một thoáng gì chứng tỏ ngài biết có tôi ở bên cạnh ngài và đang thưa với ngài điều gì đó, ngài đứng dậy, có anh nhiếp ảnh và tôi ở hai bên đỡ ngài. Bộ ba vạch người, tiến tới vùng cấm địa. Ngài theo chúng tôi như cái máy. Chúng tôi ngừng, ngài ngừng, chúng tôi đi, ngài đi, không một lời trao đổi, không một cái nhìn chúng tôi. Đến “chốt biên phòng”, một anh trung niên, có vẻ là “trưởng” ở đó. Dứt khoát đưa bàn tay chặn chúng tôi lại. Tôi năn nỉ, anh vẫn kiên quyết. Tôi nổi cáu, la nho nhỏ: “Cụ Hòa thượng đại diện tôn giáo bạn, đến đây tỏ lòng quí mến Đức Tổng mình và chia sẽ đau buồn của chúng ta, chớ chẳng ăn vàng ăn ngọc gì ở đây. Anh không cho cụ vào chỗ quan khách thật là vô lý. Tại Đức Tổng mình đang kẹt giữa sáu miếng ván, chớ không thì ngài đã lật đật tới rước cụ vào, khỏi cần tôi năn nỉ anh. Vậy anh không cho, tôi cũng xông vào đưa cụ đến nơi, ra sao thì ra, chớ tôi xốn xang chịu hết nổi rồi”.

Chúa quan phòng đã khiến cho anh “trưởng” bị réo về công chuyện gì đó, anh vừa quay đi, tôi cùng anh nhiếp ảnh “phò” ngài qua khu đất không người (no man land) mênh mông và gặp cha Hiền (Tân Định) đang đi tới. Trình báo và bàn giao xong, tôi một mình quay về vị trí phó thường dẫn cũ, lòng nhẹ bổng, nhưng thấy mình kỳ kỳ không giống ai. Nhưng thôi! Xưa nay người Công giáo có giống ai bao giờ? Từ đó, tôi không còn gặp cụ nữa. Nhưng hình ảnh cụ vẫn sắc nét trong tôi cũng như trong cầu nguyện của tôi. Qua tiễn đưa một chân tu về cực lạc, Chúa đã cho tôi gặp một hình ảnh chân tu khác. Hai lối tu trì khác nhau, nhưng ai bảo là không đồng sức mạnh siêu nhiên?

(Công Giáo và Dân Tộc 13-8-1995)