Monday 21 April 2008

ĐỌC LẠI THÔNG ĐIỆP “PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC”

Lâm Võ Hoàng

Một trong những đặc thù nổi bật của hậu bán thế kỷ 20 này là hiện tượng phát triển, đúng hơn phát triển kinh tế dẫn đến phát triển quốc gia. Với sự phát huy ngành kinh tế toán học, người ta đã định lượng, thậm chí dự phóng khá chính xác các mức phát triển. Từ đó, người ta tập trung chú ý đến các mức tăng trưởng kinh tế và lấy đó làm thước đo cho phát triển kinh tế, rồi phát triển quốc gia.

Khi các nhà kinh tế cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế chỉ là một tiêu chí của phát triển, chứ không phải là tất cả phát triển, vì phát triển đòi hỏi một sự khởi động đồng bộ, nhịp nhàng, của nhiều mặt, nhiều ngành liên quan, để tác động ăn khớp lẫn nhau, tạo một thế phát triển cộng hưởng, hài hòa, đáp ứng nhiều mặt yêu cầu cùng lúc của đời sống con người và xã hội, thì thực tế cho ta thấy vấn đề không đơn giản. Chỉ riêng chuyện đầu tư tiền của, chất xám, đồng loạt cho các ngành cũng đã là trở ngại không dễ vượt qua, nếu không muốn nói là không thể vượt qua.

Vì vậy, để tiến hành phát triển, thường thường người ta bắt đầu bằng lĩnh vực kinh tế, trong các ngành mà đất nứơc đó có lợi thế tương đối nhứt, như trường hợp Việt Nam ta, mà lợi thế tương đối là lao động trẻ, thông minh, khéo tay, kỷ luật, để bắt đầu bằng công nghiệp sử dụng nhiều lao động, như may mặc, xây dựng, chẳng hạn và dựa vào đầu tư nước ngoài. Nhưng phát triển “điểm” như thế (nếu có thể gọi đó là phát triển) không những tránh khỏi những mất cân đối ngày càng trầm trọng, giữa các mặt đời sống quốc gia, chẳng hạn như văn hoá, xã hội bị coi nhẹ, thậm chí sút giảm và càng sút giảm với đà tăng trưởng sản xuất, tiêu thụ của một xã hội hướng về hưởng thụ.

Hơn thế nữa, tại một số nước gần gũi chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, chưa kể Trung Quốc, khi đã phát triển đến mức độ cao nào đó, thì bỗng nhiên, khủng hoảng kinh tế, tài chánh, chính trị, xã hội v.v… đổ sụp trên đầu họ, khiến cho đà phát triển của họ chựng lại, cơ hồ như để họ định thần tìm một hướng đi mới, trong sự khiêm tốn của những người nhận thức ra những giới hạn của mình. Trong khi đó, những nước phát triển cực điểm, như Mỹ, Anh, Pháp, sự sa sút càng thê thảm hơn, bởi sự tuột dốc uy danh còn lừng lẫy mới năm nào, với một Tổng htống sống phập phồng lo sợ bị lôi ra tòa vì hình sự, với một hoàng gia không ngớt bị bêu riếu và tự bêu riếu, với một Tổng thống “ma đưa lối, quỉ đưa đàng”, đang nắm đa số 80% Quốc hội, lại bày đặt giải tán rõ ràng là “chỉ tìm những nỗi đoạn tràng mà đi”.

Từ đo, trong sự định thần và khiêm tốn nói trên, người ta tự hỏi: “Phát triển là gì ? Làm thế nào mới có phát triển đích thực, đem lại hạnh phúc, chứ không phải bất ổn”. Trong bối cảnh như trên, tiếng nói của Giáo hội, Mẹ và Thầy, trong Thông điệp “Phát triển các dân tộc” của Đức Phaolô VI, tuy đã 30 năm, vẫn vang vang âm sắc hy vọng của ngôn sứ thời hiện đại. Vì phát triển cũng là yêu sách của Tin Mừng, cho nên đặt ra cho Giáo hội nghĩa vụ dấn thân phục vụ con người “để giúp họ nắm tất cả các chiều kích của vấn đề nghiệm trọng đó, nhằm thuyết phục họ về tính khẩn trương của một hành động liên đới, trong thời điểm bước ngoặt này của lịch sử loài người”.

NHƯ THẾ PHÁT TRIỂN LÀ GÌ ?

Là những cố gắng của các dân tộc mong thoát khỏi đói kém, cùng khổ, bệnh tật, dốt nát và đang mưu tìm cách tham gia chia sẻ nhiều hơn, các thành quả của nền văn minh, cũng như khai thác tối ưu những khả năng giá trị nhân bản của mình, hầu tiến tới sự triển nở toàn diện bản thân. Cụ thể, phát triển là một khát vọng của con người muốn được giải phóng khỏi sự nghèo khổ, kiếm được miếng sống, có sức khỏe, được học hành khá hơn, tìm được việc làm ổn định, có cơ hội tham gia các trách nhiệm xã hội, không bị áp bức, không bị lâm vào tình thế xúc phạm nhân phẩm, tóm lại, cho khả năng hiểu biết, hành động và sở hữu nhiều hơn “để được sống cho ra con người”.

Do đâu, phát triển là một vấn đề nghiêm trọng ? Bởi trong thực tế có rất nhiều con người bị đọa đày, sống trong những điều kiện tồi tệ, khiến cho những khát vọng chính đáng trên đây trở thành vô vọng, vì vậy “những dân tộc của đói kém đang kêu gào hạch hỏi các dân tộc của sung túc, khiến cho Giáo hội không thể không rúng động trước tiếng kêu tuyệt vọng ấy và phải mời gọi mỗi người đáp ứng, trong thương yêu, tiếng kêu bi thiết ấy của người anh em mình”. Vấn đề càng nghiêm trọng ở chỗ thời đại đang chứng kiến những mâu thuẫn xã hội đã lan rộng toàn cầu. “Nỗi lo âu sâu sắc của các tầng lớp nghèo khổ trong các nước công nghiệp đã lây lan sang các nước kinh tế nông nghiệp: người nông dân đã ý thức ra sự cùng khổ oan uổng của mình”.

Thêm vào đó, là sự phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc của một thiểu số kẻ có quyền sống trong xa hoa cực kỳ và tuyệt đại bộ phận dân cư nghèo khổ và lưu tán phải sống và lao động trong những điều kiện bất xứng với phẩm giá con người. Ngoài ra, còn xảy ra hiện tượng đáng lo âu là sự va chạm giữa các nền văn minh cổ truyền và những phát triển mới lạ của văn minh công nghiệp đã phá vở các cơ cấu xã hội không thích ứng đựơc với các điều kiện sinh hoạt mới. “Những mâu thuẫn giữa các thế hệ đặt con người trước một chọn lựa bi đát hoặc bảo lưu các truyền thống của tổ tiên và khước từ mọi tiến bộ, hoặc mở cửa đón nhận kỹ thuật, văn hóa ngoại lai và từ bỏ những giá trị nhân bản phong phú của quá khứ. Thực tế là những chỗ dựa tinh thần đạo đức của quá khứ đã đổ sụp, trong khi sự hội nhập vào thế giới mới vẫn chưa thành”.

Trước tình thế như trên, lập trường của Giáo hội là phát triển không bó hẹp trong tăng trưởng kinh tế. “Phát triển đích thực phải toàn diện, tức là thăng tiến mỗi con người và tất cả bản chất con người”. Kinh tế không thể cách ly với nhân bản, cũng như phát triển không thể cách ly với nền văn minh của địa bàn. Điều đáng kể, đối với Giáo hội là con người, là mỗi người, là mỗi nhóm người, cho tới tất cả loài người.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ PHÁT TRIỂN ĐÍCH THỰC ?

“Thiên hướng của con người là tự phát triển”, vì ngay từ lúc chào đời, con người đã mang trong mình toàn bộ những mầm mống khả năng và tính chất cần được đơm hoa kết trái không ngừng. Sự triển nở của họ là sự kết hợp giữa giáo dục của môi trường sống và cố gắng của bản thân. Tài trí và tự do, họ tự trách nhiệm về sự trưởng thành và sự cứu rỗi của họ. Với cố gắng của thông minh và ý chí, họ có thể lớn lên trong nhân phẩm, để sáng giá hơn và hiện hữu hơn.

Sự phát triển toàn diện của con người không thể không đi đôi với sự phát triển liên đới của loài người. Đây là nghĩa vụ của những người, những nước được ưu đãi, thể hiện bằng hành động tích cực trên ba mặt: liên đới giữa con người, công bằng xã hội, bác ái đại đồng.

·Nghĩa vụ liên đới thể hiện trong sự trợ giúp của các nước phát triển giàu có cho các nước đang mở mang, thường bị dày vò vì nạn đói, bệnh tật. Đã đành của cải là do sức lao động làm ra, nhưng không được dành riêng cho mình dùng. Mỗi nước đều phải cố gắng sản xuất tốt nhiều, để bảo mức sống xứng đáng cho công dân mình và đóng góp cho công cuộc phát triển liên đới của loài người. Do vậy, của cải dư thừa của các nước giàu phải phục vụ các nước nghèo, để tránh sự phán xét của Thiên Chúa và sự giận dữ căm ghét, hậu quả khôn lường của đám cùng khổ, trong sự đối thoại hợp tác hữu hiệu giữa nước trợ giúp và nước hưởng dụng, trong sự tôn trọng phẩm giá của nhau, hầu góp phần xây dựng một thế giới nhân ái hơn, vì lợi ích hòa bình thế giới.

·Nghĩa vụ công bằng thể hiện trong quan hệ mậu dịch giữa các nước giàu và nghèo. Thành quả của công cuộc trợ giúp tài chính, kỹ thuật của nước giàu cho những nước nghèo có thể bị triệt tiêu bởi các quan hệ mậu dịch bất bình đẳng giữa những nước công nghiệp hóa mà sản phẩm công nghiệp luôn được bán với giá cao cho các nước đang phát triển, chỉ có thể bán nguyên liệu với giá cả bấp bênh, thường bị đè nén. Do đó, chủ thuyết tự do mậu dịch, với cơ cấu giá cả hình thành theo qui luật cung cầu của thị trường, thường là bất công, do đó, không thể làm chuẩn mực cho quan hệ quốc tế, trong đó những điều kiện không thể nào bình đẳng giữa các nước.

·Nghĩa vụ bác ái thể hiện trong tình huynh đệ giữa những con người và những dân tộc với nhau, qua sự đón nhận các di dân, và bảo vệ họ khỏi cảm thấy cô độc, bị bỏ rơi, hay tuyệt vọng, nhất là đối với những người trẻ được đào tạo, khỏi sự cám dỗ khinh chê những giá trị tinh thần của di sản văn hóa dân tộc của họ. Cuộc đối thoại giữa các nền văn minh sẽ giúp các dân tộc gần gũi nhau trong tình huynh đệ phong phú, dẫn tới xây dựng một nền văn minh thế giới liên đới, trong đó các nước nghèo được trợ giúp có điều kiện cải thiện đời sống vật chất và nâng cao đời sống tinh thần. Sự trợ giúp sẽ qua đi, nhưng các mối quan hệ bình đẳng, tin cậy sẽ tồn tại và là nguồn bền vững của hòa bình thế giới, từ đó, lần lần sẽ hình thành một quyền bính toàn cầu tác động bằng chính trị và luật pháp.

Tóm lại, đối với những ai chịu lắng nghe thời cuộc sẽ nhận thấy một động lực mới của thế giới muốn sống huynh đệ với nhau, mặc dù những hạn chế, tồn tại, cản ngại còn dẫy đầy. Con đường đưa con người ngày càng nhân bản hơn, cũng là con đường đưa con người âm thầm tiến tới gần Đấng Tác Thành họ hơn. Điều này, các Kitô hữu rõ hơn ai hết, khi sự kết hợp vào hiến tế của Đấng Cứu chuộc sẽ là động lực qui tụ Dân Chúa, trong nhiệm thể viên mãn của Đức Kitô. “Cảo thơm lần dở trước đèn”, ba mươi năm qua, tóc người viết đã bạc nhiều nhưng lời lẽ mãi mãi thanh xuân của thông điệp vẫn sang sảng vang lên trong lòng tôi những đợt dâng trào quảng đại của tuổi trẻ đã qua đi, nhưng không bao giờ mất.

Công Giáo và Dân Tộc 15-6-1997

No comments: