Monday 21 April 2008

Suy nghĩ và thời sự: KHOA HỌC, TRỢ THỦ ĐẮC LỰC CỦA ĐỨC TIN

Lâm Võ Hoàng

Đức Thánh Cha, sau khi rời bàn mổ (lần thứ 10) giải phẫu ruột thừa, đã làm cho ngài đau đớn suốt cả năm nay và trong khi vẫn chưa hoàn toàn khôi phục sức khỏe, đã làm một cử chỉ gây sửng sốt trên thế giới. Ngài đã viết thư tay gởi Viện Hàn lâm Giáo hoàng Khoa học cho biết ngài công nhận thuyết tiến hóa của Darwin, với bảo lưu sự sáng tạo con người, vẫn do chính bàn tay Thiên Chúa.

Có lẽ đây là sự “phản tỉnh”lần thứ hai của Giáo hội Công giáo, đối với khoa học tự nhiên, sau vụ Galilée. Sự “phản tỉnh” này, dù chân thành đến đâu, cũng không đơn giản dễ dàng. Bởi lập trường của Giáo hội không thể không ảnh hưởng đến lương tâm của toàn thể cộng đồng giáo dân, cho nên Giáo hội chỉ nhảy bước quyết định đó, khi sự việc đã được suy nghĩ, cân nhắc thật chín muồi. Mặt khác, đây là thể hiện một lòng khiêm hạ khả kính mà thiên hạ chờ đợi từ lâu, cũng như đã từng chờ đợi sự rút vạ tuyệt thông đối với Đại Giáo chủ Constantinople, cũng như đang chờ đợi sự phục chính, dẫn đến tuyên phong hiển thánh, cho Đức Luther.

Nhưng tại sao Đức Thánh cha lại viết thủ thư thay vì ra tông thư ? Có lẽ, theo suy đoán độc lập của người viết, Đức Thánh Cha muốn đem hết trọng lượng của mình, tạo một bước khởi động quyết định, nhằm tránh bớt những tranh cải nội bộ, tuy chính đáng, nhưng vô bổ. Vấn đề còn lại là các nhà thần học, cùng với các nhà khoa học, động não tìm ra lý luận xác đáng, biện minh lập trường nói trên của ngài, tuy không nằm trong điều kiện bất khả ngộ, nhưng chắc chắn không sai.

Hoặc giả, ngài muốn tỏ lòng tôn trọng thẩm quyền nghiên cứu, lật trở vấn đề của “bộ máy” của ngài, cho nên ngài đi trước một bước “chỉ đạo” kết luận, dành phần cho “bộ máy” chọn lọc, giải thích, biện luận, diễn đạt, sao cho “bước ngoặt” 180 độ này không phải là một sự “chịu thua” đơn giản, mà là kết quả của một dòng suy nghĩ chín chắn, thấu đáo kéo dài hơn thế kỷ và càng không phải là một cú “sốc” đối với truyền thống công giáo.

Hoặc giả, do một linh hứng mà các Giáo hoàng cận đại luôn được ơn ban của Chúa Thánh Thần, ngài đã thấu suốt phần chân lý ẩn tàng trong lý thuyết bị hiểu lầm, hoặc diễn đạt thiếu dè chừng của Darwin, nhưng ngài sẽ không còn đủ thì giờ để thai nghén một tông thư hoàn chỉnh, cho nên ngài lấy trách nhiệm nói ra nhận thức của mình, tùy người kế vị tiếp tục cho làm sáng tỏ, hay cho trôi vào trong quên lãng.

Điều chắc chắn là ngài muốn các nhà khoa học Kitô hữu lỗi lạc của Viện Hàn lâm Giáo hoàng Khoa học, đầy uy tín, mà ngài mới thành lập cách đây vài năm, để làm tư vấn khoa học cho Tòa Thánh, nói lên tiếng nói trung thực của khoa học, dưới sự soi rọi trung thực của đức tin. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, Tòa Thánh chính thức, công khai tranh thủ các nhà khoa học, để tìm ra những cơ sở khoa học khách quan cho những định hướng đức tin và luân lý mà Giáo hội có thể đề ra cho lương tâm công giáo, trong thời đại tiến bộ khoa học siêu tốc và bùng nổ thông tin long trời.

Tất nhiên, trước đây, các Giáo hoàng cũng đều khôn ngoan tham vấn thấu đáo các nhà khoa học có thẩm quyền uy tín nhất về các vấn đề có khía cạnh dính líu đến khoa học, trước khi đưa ra các định hướng và nội dung đức tin. Chẳng hạn, như khi đề ra bào thai đã là con người, ngay vừa lúc tượng hình, các ngài đã thấu triệt rằng, về mặt khoa học, bào thai đã có hầu như đầy đủ biểu hiệu của trí giác, trí tuệ, tình cảm, như lúc sẽ ra đời. Cũng như khiđề cao sự độc thân của người tận hiến, các ngài đã nắm chắc, về mặt khoa học, là sự thanh khiết không làm cho con người nam hoặc nữ, dở hơi, “mát”, hay bị ức chế tâm sinh lý chi hết.

Tuy nhiên, việc tham vấn đó, dù sao, cũng chỉ có tính cách riêng tư, kín đáo. Y kiến đưa ra có được nghe hay không, không ai có thể biết. Đằng này, với một cơ chế Viện Hàn lâm đường bệ, và một tập thể đầy uy tín các nhà khoa học, không ngoan ngoãn như các em giúp lễ, những ý kiến đưa ra đều có cơ sở vững chắc và trách nhiệm cao độ, do đó không dễ dàng muốn nghe cũng được, không nghe không sao. Chính cách giải thích đức tin phải uốn mình theo kết luận của khoa học, chứ không phải ngược lại.

Vì sao ? Vì khoa học, sản phẩm của trí tuệ, là một công cụ mà Thiên Chúa ban cho con người, khi thiết lập họ làm bá chủ trái đất và vũ trụ, nhằm giúp họ tìm hiểu, khám phá và nắm lấy “lãnh địa phong ấp” của mình. Để chi ? Để, theo cái nhìn đức tin, dưới quyền “thủ lĩnh” của Đức Kitô và cùng với Đức Kitô, chúng ta đưa tất cả mọi thế giới thụ tạo về với Thiên Chúa tác thành, vào lúc thời gian viên mãn, để tạo lập một trời mới, đất mới, chẳng còn tội lỗi và sự chết nữa.

Nếu luân lý thuộc về lĩnh vực định đoạt của Thiên Chúa, thì tri thức khoa học đối với thế giới hữu hình, thuộc về lĩnh vực khả năng con người. Đây là lĩnh vực mà cố gắng khám phá của con người hầu như đều thành công, trái với những nỗ lực lập thuyết triết học luân lý của con người, thường khi gặp phải vấp ngã, hay sớm phơi bày những mặt hạn chế, không tưởng, gượng ép.

Từ sau thế chiến thế thứ hai, khoa học tự nhiên có những bước đi bằng đôi hia bảy dặm, nhờ đó, có nhiều khám phá vừa xác nhận đức tin, vừa đặt lại vấn đề với đức tin, hay đúng hơn, với khám phá mới của khoa học, Giáo hội có điều kiện và cơ sở đào sâu và hoàn thiện hơn. Như vậy, rõ ràng khoa học không mâu thuẫn, càng không đối lập với mặc khải và đức tin. Giữa hai phạm trù này, có quan hệ hữu cơ gắn bó với nhau, nhiều hơn người ta tưởng.

Trí tuệ khao khát của con người không ngừng vươn lên, tiến tới, đáp ứng lời mời gọi của mặc khải, như con tàu căn cứ vào hải đăng để xác định phương hướng và hải trình. Như dân Israel nghiền ngẫm Kinh Thánh để trồng rau, nuôi cá, đào mỏ trong sa mạc. Có thể nói khoa học là trợ thủ của mặc khải và đức tin, nhằm giúp con người ngày càng nhận ra bản chất, nguồn gốc linh thánh của mình, từ đó nhận rõ ra mình là hình ảnh của Thiên Chúa, có sứ mệnh hẳn hòi, có mục tiêu sống nhất định, cũng như có trách nhiệm rõ ràng đốivới bản thân, đồng loại, môi trường sống trên trái đất này, cũng như trong toàn vũ trụ.

Trở lại với thuyết tiến hóa của Darwin và đối chiếu với Kinh Thánh, chúng ta có thể nghĩ rằng sự sinh hóa muôn loài trên quả đất và trên các hành tinh tương tự là do sự tiến hoá biến đổi không ngừng của các nguyên tố hữu cơ chứa đựng sự sống ban đầu, như các chất các-bon hữu cơ được khám phá mới đây trong một thiên thạch rơi từ hỏa tinh. Duy con người là một sáng tạo đặc biệt duy nhất của Thiên Chúa ra sức lao động “nhồi nắn” con người “theo hình ảnh của mình”, từ “đất thó” sẵn có, tức là từ một sinh vật đang có mặt trên trái đất.

Trên đây là một giải thích từ suy nghĩ độc lập và với trách nhiệm duy nhất của người viết, để chứng tỏ rằng nếu đừng hoài nghi loại trừ khoa học, khoa học sẽ là trợ thủ đắc lực của mặc khải và đức tin. Vì khoa học hay đức tin đều là quà tặng của Thiên Chúa để qua mặc khải, tìm kiếm chân lý và trở về với Chúa, và đó là mục đích sống làm người của con người.

Công Giáo và Dân Tộc 10-11-1996

No comments: