Monday 21 April 2008

VẤN ĐỀ NHÂN BẢN VÔ TÍNH CON NGƯỜI VÀ LƯƠNG TÂM CÔNG GIÁO

Lâm Võ Hoàng

Xuất phát của vấn đề

Việc nhân bản vô tính thực vật đã được thực hiện và khai thác hiệu quả từ lâu, trong “cấy mô” cây lan (rất khó trồng) chẳng hạn, bằng cách cắt một tế bào của lá nuôi trong dung dịch vô trùng để cho mọc ra một cây lan, tới lớn cho hoa y chang về hình dáng sắc hương với cây lan mẹ, nhờ vậy việc “chơi lan” được phổ biến rộng rãi. Nhưng điều kỳ diệu này không được để ý nhiều, vì người ta quá quen với những phát minh lạ lùng trong trồng trọt : gốc nhãn cho ra chôm chôm mùi nhãn, gốc mai cho ra hoa đủ màu, gốc bình bát “lên hương” nhờ cho ra mãng cầu lớn trái...

Phải đợi tới năm 1997, khi việc nhân bản vô tính động vật cao cấp đã thành công mỹ mãn với cô cừu Dolly xinh ơi là xinh, tối ngày gặp ai cũng be be đòi ăn, người ta mới chú ý đến nguyên lý của nhân bản vô tính là không cần :

“Có âm dương, có vợ chồng

“Dẫu từ thiên địa, cũng vòng phu thê” (Cung Oán)

Ây mà người ta vẫn có thể sử dụng một tế bào của con vật nào đó để làm cho ra một con vật như bản sao phôtô của con vật kia. Và điều nhiệm mầu làm cơ sở cho nguyên lý nói trên là Đấng Tạo hóa đã tài tình cho nhân của mỗi tế bào của sinh vật đều chứa toàn thể bộ gien của sinh vật đó. Để làm gì ? Đó là nhiệm mầu, làm sao thấu được ?

Chính vì vậy mà sau thành công vang dội của cừu Dolly, đây đó người ta thử nghiệm nhân bản vô tính nhiều súc vật khác, với một số trường hợp được “cho biết” thành công, nhưng chưa được đem khoe cho thiên hạ thấy mãn nhãn, như cừu Dolly, hoặc như mới đây, trên truyền hình con mèo nhân bản biết chụp giỡn với sợi giây, không khác chi những con mèo sinh từ “bố-rú-mẹ-gào”, rậm rật trên nóc nhà. Trung Quốc cũng cho chiếu trên truyền hình cả bầy dê nhân bản của họ. Nhưng hỡi ôi ! thấy bầy dê, không thể không liên tưởng đến xe gắn máy Future (?) hay Hongda (!) cũng của họ.

Rồi cũng từ những kinh nghiệm thành công thất bại tích lũy đây đó của những công trình thử nghiệm nhân bản vô tính thú vật người ta đã nghĩ tới tiến hành thí nghiệm nhân bản vô tính con người, dẫn đến một số người và tổ chức, như nhóm của Giáo sư - Bác sĩ Severino Antinori, trước Hội nghị các Viện Hàn lâm quốc gia Hoa Kỳ, ngày 7.8.2001 tại Rôma và tổ chức Công ty Advanced Cell Technology Inc (AST) trên các phương tiện báo chí, truyền thanh, truyền hình quốc tế, giữa cơn dầu sôi lửa bỏngở Apganistan, ngày 26.11.2001, đã dõng dạc tuyên bố trước cử tọa những nhà phôi học (embryologistes) uy danh thế giới, rằng họ (GS-BSS.A.) “có đủ tất cả những thông tin mà họ cần dùng để tiến hành công việc nhân bản vô tính con người trong nay mai, trên một chiếc tàu đậu trên hải phận quốc tế, nếu không có quốc gia nào chịu nhận cho họ tiến hành thí nghiệm trên lãnh thổ của mình..., hoặc đã khẳng định táo bạo hơn rằng họ (ACT) thành công trong việc tạo ra một phôi thai con người, nhờ phương pháp sinh sản vô tính”, khiến cho thế giới nín thở, quên đi trong phút chốc tiếng bom bạt núi xé trời ở Apganistan. Nhưng sau khi tuyên bố và khẳng định khống, một cách vô căn cứ, và vô trách nhiệm, họ đã nín khe cho tới ngày hôm nay. Như vậy việc nhân bản vô tính con người xem ra không là chuyện ngày một ngày hai, nhưng nó làm dấy lên biết bao vấn đề, mà nổi bật là vấn đề những mặt hạn chế cơ bản của kỹ thuật nhân bản vô tính và vấn đề chống đối của lương tâm và đạo đức trước nguy cơ sử dụng con người làm nguyên liệu và vật thí nghiệm. Để có thể hiểu vấn đề một cách đầy đủ, xin phép trở lại từ ban đầu.

KỸ THUẬT NHÂN BẢN

Muốn sinh sản, từ động vật đến thực vật (Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa !), phải có giao hợp hai giới tính, như hai câu thơ nói trên của Cung oán. Nhưng nhân bản vô tính là một sinh sản phi giao hợp giới tính, nhờ tiến bộ của khoa học và kỹ thuật sinh học.

Trước hết, người ta lấy một noãn rồi tách nhân ra bỏ (tức là không xài 23 thể sắc cái trong nhân của noãn) và thay thế bằng nhân của bất cứ tế bào nào (da, thịt, tóc...) của đối tượng đã trưởng thành mà ta muốn nhân bản (tức là chỉ xài 46 thể sắc trong nhân tế bảo của đối tượng đó). Xong đem chạy điện gây sốc cho hai loại bào tương và các bào quan của hai loại tế bào được hòa vào nhau thành một phôi bào. Phôi bào bắt đầu phân chia tế bào cho tới khi đạt được 64 tế bào gốc (hay mầm).

Tới đây, tùy theo mục tiêu của việc nhân bản : mục tiêu điều trị hay mục tiêu sinh sản, mà người ta cho ngưng sự phát triển phôi bào trong nitơ lỏng, để lâm thời đem ra sử dụng các tế bào gốc này mà điều trị cho đối tượng cho nhân, hoặc thay thế các cơ quan hư hoại của nó. Nếu mục tiêu là sinh sản, người ta đem cấy phôi bào vào tử cung của đối tượng mang thai hộ, để nhờ sinh huyết của đối tượng cái này mà (nếu thành công) sẽ cho ra đời một con vật hay một con người nhân bản, giống y chang về mặt di truyền và đồng tuổi sinh học với đối tượng cho nhân.

NHỮNG MẶT HẠN CHẾ CỦA KỸ THUẬT NHÂN BẢN VÔ TÍNH

Kỹ thuật nhân bản vô tính, như trình bày trên đây, có vẻ dễ ợt. Nhưng thực tế thành công, ngay cả đối với thú, cho đến nay hầu như chỉ có trường hợp cô cừu Dolly là xác thực nhất. Còn về nhân bản con người thì chẳng thấy gì hết, ngoài đề án “ba xạo” của nhóm GS-BS Severino Antinori bị cả thế giới khoa học lên án “bịp bợm” một cách thậm tệ. Rõ ràng, việc nhân bản vô tính, nói chung, tuy đã khá nắm vững về mặt nguyên lý, nhưng về mặt kỹ thuật vận hành, còn nhiều ẩn số, khiếm khuyết, bất trắc, khó khăn chưa hồ dễ được khắc phục trong nay mai, thậm chí trong một tương lai không gần.

Mặt khác, đừng thấy Dolly sởn sơ mà tưởng bở. Chính “bố đẻ” cô, GS Ian Smith đã nhìn nhận rằng kỹ thuật nhân bản thú vật (cừu, bò, dê, lợn, chuột) còn bấp bênh, chưa hoàn chỉnh và còn có tỷ lệ thất bại cao. Theo tạp chí Khoa học của Mỹ (3.7.2001), chỉ có vài phần trăm bào thai phát triển đến mãn kỳ và sau khi sinh, phần đông con vật nhân bản đều chết vì bệnh hô hấp, tim mạch, mặc dù chúng to lớn hơn bình thường. Những trường hợp sống sót, tuy bề ngoài bình thường, đều bộc lộ nhiều rối loạn di truyền về sau. Rõ ràng đây là những báo hiệu không thể bỏ qua, nếu muốn nhân bản con người.

Nguyên nhân là, trong trường hợp thụ tinh tự nhiên, thì ADN “cõng” gien trong nhân có khả năng, thậm chí chức năng tái chương trình hóa (reprogrammation) một cách tự nhiên, tức là khởi động nhịp nhàng việc chuyên biệt hóa (différentiation) các tế bào gốc thành những rồi thành những cơ quan của cơ thể, như đã được chương trình hóa ngay từ lúc hình thành phôi bào. Ở đây, nhân của tế bào “cù bơ cù bấc” nào đó (tóc, xương, da...) được đưa vào thế chỗ cho nhân của noãn (được tách bỏ), cho nên nó “lạc lõng”, rồi “xụi lơ” (éteint), không có khả năng tái chương trình hóa làm cho ADN của nó nhân tự nhiên các gien, theo chương trình định sẵn là khi một tế bào gốc nhất định “tới phiên” bước vào giai đoạn chuyên biệt hóa thành mô, thì chỉ có các gien chứa trong ADN của tế bào gốc ấy mới được “hoạt động” nhân lên mà thôi. Gien của các tế bào gốc khác phải “nằm im” chờ “tới phiên” hoạt động.

Đằng này, do nhân tế bào thuộc loại “cù bơ cù bấc” như nói trên, không được “đào tạo” để tiến hành chuyên biệt hóa như nhân tế bào sinh dục (giao tử, gamète) “chuyên dùng” cho nên ADN của nó không biết điều khiển nhịp nhàng, khiến cho các gien khi thì “nín khe”, khi thì “phát triển” rầm rộ, hết sức vô chính phủ, dẫn tới những “sai phạm” nặng nhẹ khác nhau mà hậu quả là : trụy thai, chết khi sinh, hoặc mất năng lực hoạt động sau này. Trường hợp con người, sự mất năng lực hoạt động rất nghiêm trọng, vì 50% bộ gien (génome) được sử dụng cho hoạt động bộ não. Và đời sống con người còn có ý nghĩa gì khi bộ não đã mất năng lực hoạt động, ngay trong bụng mẹ ?

Trước nguy cơ xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm và xâm hại ác độc đến quyền sống của con người, dù dưới dạng phôi thai, Giáo hội Công giáo đã tiên phong và kiên trì lên tiếng bảo vệ quyết liệt nhân phẩm và quyền sống bất khả xâm phạm của con người mà theo niềm tin sắt đá của mình ngày càng được khoa học chứng minh xác thực, con người đã là con người đầy đủ trọn vẹn ngay từ lúc thụ thai, khởi đầu của một cuộc sống độc lập mới của riêng một nhân vị tự do, độc nhất, từng bước thực hiện việc hình thành bản thân theo một “chương trình" đã được ấn định sẵn, ngay từ giây phút ban đầu và hơn thế nữa được tiếp tục hoàn chỉnh nhiều năm dài, sau khi sinh ra : củng cố vỏ bọc các giây thần kinh sau vài tháng tuổi, có bộ răng thiệt thọ, sau một lần thay răng, lúc bảy tám tuổi, hoàn thành chức năng sinh sản trước 15 tuổi... Vì vậy, xâm phạm đến sự vẹn toàn và sự sống của phôi thai là sát hại con người.

Lương tâm công giáo và nhân BẢN con ngưỜI

Hơn thế nữa, theo niềm tin Kitô giáo, kế thừa các mặc khải từ Do Thái giáo, thì con người, có một phẩm giá siêu vời mà không tôn giáo nào, ngoài con cháu của Apraham, dám nghĩ tới và đề ra là con người không chỉ là một tạo vật từ lời phán của Thiên Chúa mà còn là một thọ tạo hết sức đặc biệt được “làm” ra bởi Ba Ngôi Thiên Chúa và có sự sống thiên tính được truyền qua hơi thở của Thiên Chúa thổi vào, đễ làm chủ tể của vũ trụcủa chính mình, điều mà các truyền thống tôn giáo Á đông cho là con người có tánh linh, không những có thể khuất phục thú dữ mà còn có thể đạt được bậc thánh bằng đời sống trong sáng, vị tha, anh hùng, trọn tình trọn nghĩa trong các quan hệ xã hội (tam cang ngũ thường) và hiển thánh sau khi lìa trần, như Đức Thánh Trần, Quan Vân Trường, và các thần Thành hoàng được vua sắc phong. Riêng đối với tín hữu Kitô giáo, phẩm giá siêu vời nói trên đây còn được củng cố và nâng cao lên tới Thiên đình, bằng sự xuống thế làm Người của Ngôi Hai.

Lương tâm công giáo, dưới sự soi sáng và hướng dẫn của Huấn quyền, sở dĩ “bác bỏ và ngăn cấm mọi tạo sinh con người bằng dòng vô tính, dưới bất cứ hình thức nào”, không phải vì sợ lúng túng trước một con người nhân bản (mà sau này kỹ thuật được cải tiến hoàn hảo có thể tạo ra an toàn) mà ta hoàn toàn không có điều kiện để đánh giá người hay ngợm (!?), có linh hồn hay không, mà vì trước hết việc nhân bản này, để thành công, không chỉ đơn giản sử dụng một tế bào và một noãn trong một lần, mà có thể phải sử dụng hàng chục, thậm chí hàng trăm tế bào và noãn, mới hình thành được một phôi bào và kế đó phải sử dụng hàng chục phôi bào mới ra được một phôi bào phát triển đến mãn kỳ và không chết non. Như vậy không biết bao nhiêu bộ phận con người và con- người- phôi - thai được sử dụng và vứt đi, tức là sát hại. Đó là chưa kề những đau đớn rứt thịt da và những di căn dài hạn của những phụ nữ cung cấp noãn , vì tình hình kỹ thuật hiện tại chưa cho phép hút từng noãn một, mà cả chục cái mỗi lần, sau khi kích thích buồng trứng. Mặt khác lương tâm công giáo dựa trên niềm tin đặc thù không thể không chia sẻ với lương tâm bình thường của người chỉ ăn ngay ở lành. Và lương tâm bình thường này không thể không phẫn nộ và kinh tởm tột cùng khi biết mục tiêu của nhân bản điều trị sử dụng phôi bào có 64 tế bào gốc để bào chế thành thuốc đặc trị được kinh doanh rất mắc tiền, cho bệnh nhân Altzeimer, hoặc tiểu đường hoặc để tiến hành, trong ống nghiệm, việc phát triển các tế bào gốc, được chuyên biệt hóa thành những , rồi từ mô thành quan (hệ thần kinh, tim mạch, tụy, gan...) để lấy cơ quan cần thiết đem thay cho cơ quan bị hư không thể chữa trị của người cho nhân (tế bào), như người ta thay bình xăng con. Còn các cơ quan khác không cần thiết thì vứt bỏ, vì không thể xài “mót” cho ai khác được.

Ghê gớm và bức xúc hơn nữa là với mục tiêu nhân bản sinh sản, thì phôi bào được cấy vào tử cung người mang thai hộ đúng chín tháng nếu thành công thì sẽ hạ sanh một con người nhân bản. Nếu phúc phần nó được đẹp như cô cừu Dolly thì còn đỡ, nhưng cũng chưa chắc người “cho nhân” đã nhận nó là con, dù nó được sinh từ một tế bào da chẳng hạn của ông ta. Vả chăng thật khó lòng gọi nó là con, vì tuy mới sinh, nhưng các tế bào của nó có nhân đồng tuổi sinh học với ông. Không có cha, nó cũng không có mẹ, vì người mang thai hộ lãnh tiền xong là “vù” liền. Tóm lại, nếu phúc phần lần nữa, hay vô phúc, nó có linh hồn, lương tri tình cảm, thì nó sẽ là người đau khổ nhất trên đời, vì nó được sinh trong một gia đình đã tốn hằng núi tiền để cho nó ra đời mà lại không có cha, có mẹ, bên nội, bên ngoại, anh em bà con cô bác. Đứa mồ côi còn hạnh phúc hơn nó, vì ít ra còn kỷ niệm mẹ cha để nhớ thương than khóc.

Không được nhìn nhận, nhưng nó được bảo vệ hết sức cẩn thận về mặt an toàn cũng như sức khỏe. Do những khiếm khuyết của kỹ thuật nhân bản nó mang trong người không biết bao nhiêu bệnh tật bẩm sinh, chỉ chờ dịp trái trời trở gió là bùng ra. Nó cũng không được đi chơi đâu, vì sợ bị bắt cóc, hay xe đụng, hay bị ăn hiếp và tối ngày cứ ở ru rú trong phòng chờ ngày “nuôi quân ba năm, dùng một thuở”. Thuở ấy sẽ tới, khi bệnh viện chê “người cho nhân” nó là nhân bản, mắc bệnh ung thư gan đã chuyển biến thành cổ trướng cấp tính, hết phương cứu chữa. Bệnh nhân sẽ cho gọi nó vào, rồi nhớ bác sĩ mổ lấy gan trinh nguyên tươi rói của nó thay vào gan hôi thối của ông. Mất gan nó không thể sống và bị vất vào thùng rác y tế.

Hoặc giả nếu “người cho nhân” có nhiều bệnh ngặt nghèo và để cho chắc ăn và đỡ nuôi cơm thì ngay khi nó sinh ra (và cho nó bú vài ngày cho nó nếm mùi đời), nó sẽ được phanh thây bởi những bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất để lấy từng cơ quan (hệ thần kinh, tim mạch, tụy, gan...) bỏ vào hộp đem gởi vào kho đông lạnh, chờ khi “ông chủ” mắc bệnh nan y nào, thì cứ lấy cơ quan cần thiết đó của nó cho rã đông rồi đem thay thế cơ quan hư hoại của “ông chủ”.

Chỉ còn tồn tại hai vấn đề. Trong xã hội, liệu luật pháp có nhìn nhận nó là “người” không, mặc dù nó được “mẹ người” sinh ra tại nhà bảo sanh đàng hoàng, thậm chí có thể được khai sinh hợp pháp với tên cha để trống. Nếu nó được luật pháp công nhận là người, thì ai dại gì tốn tiền tạo sinh ra nó, mà không thể lấy bất cứ bộ phận cơ quan nào hết của nó để trị bệnh, nếu không muốn phạm tội giết người, hơn thế nữa mà còn phải nuôi cơm, thuốc nó suốt đời ? Trên thiên đàng, khi nó có xác con người đầy đủ đàng hoàng mà bị chết phanh thây oan ức như trên đây, liệu tình trạng vô tội của nó có cho phép nó vào thiên đàng, chỉ vì nó không có linh hồn hay không ?

Tác ĐỘNG cỦA ĐỨc Thánh Cha và SỰ hưỞNg Ứng chính trỊ, pháp lý CỦA THẾ GIỚI

Trước những nguy cơ rất hiện thực chà đạp nhân phẩm, và xâm hại quyền sống của “con-người-phôi thai” là kẻ thất thế nhất trên đời, Giáo hội Công giáo, người bênh vực kẻ nghèo yếu không thể “chờ cho đá kêu”. Do vậy Đức Thánh Cha đã dũng cảm, kiên trì bảo vệ lập trường cố hữu của Giáo hội là “con người phải được tôn trọng và đối xử như một nhân vị, ngay từ khi thụ thai và bắt đầu từ đó, người ta phải nhìn nhận họ có tất cả những quyền của nhân vị, trong số những quyền đó, trên hết có quyền bất khả xâm phạm được sống của mọi con người vô tội” (Th. Ambrosiô, giảng về Tin Mừng theo Luca). Nhờ vậy, mà sau khi cừu Dolly ra đời, tháng 2.1997, Nghị viện châu Âu đã lên án, ngày 12.3.1997, việc triển khai nhân bản con người và Hội đồng châu Âu, ngày 12.1.1998 đã “nghiêm cấm mọi hành vi nhằm tạo ra một con người giống như đúc, về mặt di truyền, với một người khác, sống hay chết”. Ngoài ra UNESCO còn ra tuyên bố “không nên cho phép những cách làm trái với phẩm giá con người, chẳng hạn như việc nhân bản vô tính sinh sản con người”, tuyên bố được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc chấp nhận ngày 9.12.1998. Còn bên Mỹ, sau lời khuyến cáo của ĐTC Gioan Phaolô II với Tổng thống G.W.Bush, Hạ viện đã biểu quyết, ngày 31.7.2001, “nghiêm cấm mọi hình thức nhân bản sinh sản con người”. Khuynh hướng là Thượng viện có thể tỏ ra gắt gao hơn Hạ viện, khi sẵn dịp, có thể cấm luôn việc nhân bản vô tính điều trị, cũng như những nghiên cứu về tế bào gốc, trên những phôi thai người thừa thãi bị vứt bỏ.

Muôn đời sẽ tri ân Giáo hội, đặc biệt ĐTC. Gioan Phaolô II đã dùng Huấn quyền nhắc nhở chân lý trên đây mà Giáo hội là người trì thủ và bảo vệ xuyên suốt lịch sử. Tin đài mới vài tuần đây, cho biết Liên Hiệp Quốc đã quyết định cấm mọi nhân bản vô tính con người. Chân ly và Thuận lý đã thắng. Tạ ơn Chúa!

Nguyệt San CGvDT Số 87. Tháng 3.2002

No comments: