Monday 21 April 2008

Tưởng Nhớ Bà Chị Cả Của Những Người Cùng Khổ: MẸ TÊRÊSA: LẠC HOA…ĐÁO ĐỊA NHẤT VÔ THANH

Lâm Võ Hoàng

Không hẹn mà nên, từ hai phương trời xa cách, hai nữ lưu lừng danh nhất thế giới, đã rủ nhau giũ sạch bụi trần, ra đi hầu như cùng lúc (31-8 và 5-9). Đó là cựu nguyên phi Diana, quận chúa xứ Wales (Anh Quốc) và Mẹ Têrêsa thành Calcutta (An Độ). Hai đóa hồng rực rỡ sắc hương của thời đại đã có dịp gặp nhau và quí mến nhau, mặc dù từ nhân thân và cuộc sống, cho tới cách “ra đi”, hai bà đều phản diện nhau tuyệt đối.

Báo chí đã có nhiều về Diana “nửa chừng xuân sắc gãy cành thiên hương”, mà cái chết quá thảm thương đã dấy lên không biết bao nhiêu bi ai thống thiết trên khắp hành tinh. Ơ đây, người viết chỉ xin nói về một hình bóng thân thương nhất của Giáo hội Công giáo mà bản thân tôi đã từng đôi lần “bẻ bánh” chung một bàn tiệc.

Đó là Mẹ Têrêsa, gốc Anbani, quốc tịch An Độ, công dân danh dự, công dân ưu tú Mỹ, nữ tu đã trên bảy mươi năm tận hiến, Đấng sáng lập dòng Thừa sai Bác ái, giải thưởng Hòa bình, giải Nobel Hòa bình 1979. Dưới dáng dấp đơn sơ của một “bà ngoại” dòng Mến Thánh Giá, Mẹ là một nhà hoạt động xã hội từ thiện bền bỉ dẻo dai, đầy chất thép, đầy sức thu hút, thuyết phục, tiến công, tất cả, để phục vụ Chúa Kitô trong những con người khốn cùng không chỗ tựa nương, như những người bệnh tật hấp hối ở các khu ổ chuột, những em nhỏ sống lang thang trên đường phố và nhữngngười nghèo khổ cầu bơ cầu bất trên trái đất.

Với hai cực pin trong trái tim nồng cháy tình yêu Thiên Chúa và con người, Mẹ bôn ba lặn lội không mệt mỏi khắp nơi trên thế giới, đặc biệt có qua Việt Nam nhiều lần, để tìm cách cố gắng nhỏ một giọt nước cam lồ an ủi yêu thương trên những đại dương khổ ải lầm than.

Mẹ đã gặp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhiều lần. Giữa hai ngài, có một tình cảm gắn bó như bà chị nhà quê nhỏ thó rúc rích trong vòng tay vạm vỡ của cậu em quan to. Rồi Mẹ bay qua Niu-do dự liên hoan mừng Mẹ của giới thượng lưu Mỹ và quốc tế, không quên dâng cúng Mẹ những món tiền xứng đáng. Mẹ lại lật đật ghé thăm Luân Đôn, Paris, trước khi trở về Calcutta với những đàn con hấp hối, nghèo khổ, mồ côi đang mong chờ Mẹ.

Dù chìm ngập trong ánh đèn chớp của báo chí quốc tê, giữa vàng son của cung điện, lâu đài hay hòa mình trong bóng tối hôi tanh của những hẻm hóc nhung nhúc những con người không còn ra con người nữa, Mẹ vẫn là Mẹ, hiền lành, đơn sơ, khiêm tốn, dễ gần gũi, vui tươi, pha lẫn chút hài hước, như giọt cà cuống nguyên chất trong chén nước mắm ngon. Mẹ như con vịt, dù lặn xuống nước trong của giòng suối, hay nước đen của ao tù, khi ngoi lên, vẫn trắng muốt bộ lông khô rao.

Tôi còn nhớ hai lần được vinh hạnh xem lễ chiều chung với Mẹ tại nhà nguyện Đa Minh Mai Khôi. Cùng cử tọa quen thuộc, thường ngày, ai ngồi chỗ nấy. Trong không khí thản nhiên, trầm lắng, an bình của buổi lễ chiều hôm, Mẹ không khác mấy bà xơ lớn tuổi có mặt hôm đó. Có khác chăng là Mẹ ngồi trên cái gối bột quế của Mẹ mang theo, lưng còng như chữ C. Mẹ túm tụm với mấy chị nữ tu con của Mẹ trong một góc ở hàng ghế thứ ba, thứ tư gì đó. Mẹ nghiêm túc theo dõi lễ, nhưng không vó vẻ gì xuất thần cả. Mẹ lên rước lễ như mọi người. Xong lễ Mẹ cặp nách cái gối bột quế theo dòng người ra ngoài cửa. Các bạn trẻ trong ca đoàn nở rộng môi cười, xúm xít chung quanh Mẹ, tìm cách nói lên lòng quí mến Mẹ. Mẹ cũng nở nụ cười nhăn nheo, đối đáp đôi lời chia sẻ . Cha đứng xớ rớ gần đó. Tôi cũng thế, chỉ thầm cầu nguyện cho Mẹ và các con gái da ngăm đen của Mẹ.

Nay Mẹ ra đi thực sự như “hoa rụng chạm đất, không một tiếng vang” như câu thơ Đường ở tựa đề, sau nhiều lần báo động thập tử nhất sinh, để lại biết bao tiếc thương thầm lặng trong lòng người khắp nơi trên thế giới. Điều bất ngờ là chính phủ An Độ đã tôn vinh Mẹ bằng lễ quốc táng dành cho thi hài Mẹ. Đây là một đánh giá đầy ý nghĩa sâu xa không những đối với tinh thần và sự nghiệp bác ái vị tha hết sức độc đáo của Mẹ đã làm rạng danh tổ quốc thứ hai của Mẹ, cũng là quê hương của “cách mạng xanh”, mà còn đối với lý tưởng và tôn chỉ của Giáo hội Chúa Kitô, coi người nghèo khổ như là kẻ thừa hưởng hàng đầu Nước Trời, là anh em của Ngôi Lời Nhập thể, là đối tượng ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa Cha và là kho tàng mà Chúa Thánh Thần ẩn chứa những bản tính tốt đẹp nhất của con người.

Do biết đón nhận và dám vâng lời một linh hứng của Thần Khí Chúa, Mẹ đã đào trúng một vỉa vàng ròng, khi chui rúc vào những đống rác của các xã hội công nghiệp, tiêu thụ, đô thị, cạnh tranh phi nhân, hiện đại, để moi tìm, chăm sóc và trả lại phẩm giá cho họ, những con người cùng khổ nhất của hành tinh, tại nơi cùng khổ tiêu biểu nhất của hành tinh là “thành phố Calcutta của mọi tai họa”.

Trong một thế giới mà người ta đã quá vội vã kết luận là Thiên Chúa đã vắng mặt, thậm chí, đã chết, Mẹ đã minh chứng rằng Thiên Chúa Phục Sinh gần gũi với con người hơn bao giờ hết, khi mặt kề mặt với mỗi người hấp hối trong các ngôi “nhà lâm chung” của mẹ, Chúa Kitô chịu chết trên thập-giá đã tỉ tê an ủi, đem bình an và ơn cứu độ cho linh hồn họ được thoát xác yên lành, đền bù gấp bội bao nỗi đau thương mà họ phải hứng chịu trong suốt cuộc đời khổ ải của trần gian.

Mẹ sắp được phong thánh cấp tốc như lời của một chức sắc Tòa Thánh chăng? Điều này chắc chắn Mẹ không bao giờ nghĩ tới, vì “mẹ đã sống thiên đàng của mẹ dưới thế rồi”, khi Mẹ đã hoàn thành nhiệm vụ, về phần Mẹ, là biến linh hứng nói trên thành một thực tế khả thi, vững chắc, đầy sức sống, để làm món quà thương yêu dâng lên Thiên Chúa. Sống khôn thác thiêng, nơi nhà luyện hình, ắt Mẹ đã cười thầm khi nghe đài BBC loan báo tin ấy. Làm nữ tu trong hơn bảy mươi năm, Mẹ đã thừa kinh nghiệm để hiểu rằng một trong những cái mà “cửa địa ngục cũng không làm gì được”, đó là tài “ngâm cứu” hồ sơ, đặc biệt hồ sơ phong thánh, của thủ tục hành chánh pháp lý Vatican. Ba Đức cố Giáo hoàng Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI còn đang đợi đấy. Không biết tới chừng nào ?

Vạn nhất mà “chuyện đó” xảy ra thì vì đức vâng lời, “dưới đất cũng như trên trời”, chắc Mẹ cũng sẽ sốt sắng vui vẻ nhận lời không phải vì ham leo lên bàn thờ, mà như anh bộ đội phục viên, sẵn sàng mặc lại áo lính ra trận, khi có yêu cầu của tổ chức. Nhưng trước mắt, xin Mẹ hãy nghỉ an trong Đấng đã yêu thương mẹ và đã tuyển chọn mẹ khi mẹ còn trong dạ mẫu thân. Amen!

Công Giáo và Dân Tộc 21-9-1997

No comments: