Monday 21 April 2008

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỚI CON MẮT ĐỨC TIN va NGHIỀN NGẪM MẠC KHẢI VỚI CON MẮT KHOA HỌC

Lâm Võ Hoàng

Ngay sau khi bài “Khoa học, trợ thủ đắc lực của đức tin” ra mắt trên Tuần báo CGvDT ngày 10-11-1996, nhiều độc giả đã điện thoại, đến gặp, yêu cầu người viết nói thêm, cụ thể hơn, quá trình “một sinh vật đang có trên mặt đất được “Thiên Chúa nhồi nắn thành con người theo hình ảnh của Ngài”. Đây là một yêu cầu chính đáng, nhưng khá căng, vì chưa ai dám liều lĩnh giả tưởng một biên kịch về việc Thiên Chúa tạo dựng con người. Lỡ “phóng lao”, người viết xin lấy trách nhiệm cá nhân để trình bày một số suy nghĩ độc lập của mình.

Sách Sáng thế, như tấm ảnh chụp trên cùng một mặt bằng, nhiều cận cảnh, viễn cảnh khác nhau, khiến cảnh xa cũng hóa ra gần như nhau. Công trình sáng thế, gồm nhiều giai đoạn, kéo dài hằng tỷ năm, từ lúc mới tạo dựng trời đất, cho tới khi “người khôn ngoan” (homo sapiens) xuất hiện, cách nay 300.000 năm, được đúc kết chỉ trong vài trang sách, rõ ràng là không thể mô tả những sự kiện chính xác trong chi tiết, một cách sát hợp với logic thông thường.

Nhưng điều khá lạ lùng là trí tuệ bán khai, dốt nát của những du mục Do Thái, cách đây hơn 4.000 năm, lại có thể cảm thụ, truyền tụng những măc khải, hầu như khá đúng với các khám phá của khoa học hiện đại, về trình tự tiến hóa của các sinh vật trên trái đất. Đó là dấu ấn của chân lý măc khải dưới bề ngoài có vẻ hoang đường. Thực ra, nếu ta nghiên cứu khoa học với con mắt đức tin, hoặc nghiền ngẫm măc khải với con mắt khoa học, ta có thể thấy giữa hai phạm trù mạc khải và khoa học, vẫn có sự trùng hợp ly kỳ.

SÁNG THẾ THEO MĂC KHẢI VÀ KHOA HỌC

· Măc khải cho biết: “Thuở ban đầu, vào ngày thứ nhất, Chúa tạo thành trời và đất”. Trời có thể được hiểu như vũ trụ (mà măc khải không đi vào chi tiết) và đất là quả đất chúng ta. Lúc ấy “đất trống rỗng và hoang vu, bóng tối bao phủ vực sâu và thần khí Thiên Chúa xoáy là đà trên mặt nước”. về sau khoa học khám phá là cách đây gần 5 tỷ năm, quả đất được tạo thành từ chất liệu các vì sao, chỉ là một quả cầu bỏng cháy. Trong quá trình nguội dần, sau hơn một tỷ năm, trái đất phóng ra các loại khí, tạo thành khí quyển, trong đó, hơi nước ngưng đọng tạo thành nước, làm tăng khối nước đại dương ban đầu. Trong hơi nóng của đại dương các hoá chất cơ bản kết hợp, tạo thành những sinh vật đầu tiên dưới dạng vi khuẩn, đơn bào. Đến đây, con mắt đức tin cho ta thấy, tự thân phản ứng hóa học không thể tạo sự sống có tổ chức, có “chương trình” phát triển, tiến hóa mà chính thần khí Thiên Chúa bay là đà trên mặt nước mới là nhân tố ban sự sống ban đầu, nhờ đó mới thực hiện được việc kết hợp các hóa chất cơ bản nói trên. Sự sống không tự phát từ hư vô, mà từ nguồn gốc của sự sống là Chúa Thánh Linh.

· Các ngày thứ hai và thứ tư dành cho việc tạo dựng ngoài quả đất, cho nên không đề cập đến.

· Theo măc khải, “vào ngày thứ ba, sau Lời Chúa phán, đất liền hiện ra và cây cối phủ xanh mặt đất”. Về sau, khoa học giải thích rằng hoạt động tổng hợp quang học của cỏ cây dưới nước đã làm cho lớp Ozone đủ bề dày để lọc các tia cực tím của mặt trời, nhờ đó các thực vật mới có điều kiện “đổ bộ” chinh phục đất liền mới nổi lên, vào kỳ thứ nhất địa tầng (ère primaire).

· Măc khải cũng cho biết “vào ngày thứ năm, Chúa tạo ra các giống hải vật sinh sôi dày đặc trong nước và các giống chim bay trên trời và Chúa đã tạo ra các rắn biển khổng lồ”. Về sau, khoa học khám phá rằng kỳ thứ hai địa tầng (ère secondaire) là thời kỳ cực thịnh của các khủng long (biến mất sau 100 triệu năm) và cũng là thời kỳ xuất hiện các giống bò sát sống dưới nước và trên bờ và các loài chim.

· Măc khải còn cho biết “vào ngày thứ sáu, Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của mình nam và nữ Thiên Chúa đã tạo ra”. Về sau, khoa học khám phá là vào kỳ thứ tư địa tầng (ère quartenaire), cách nay 1,8 triệu năm, “nhân tộc”, phát tích từ cuối kỳ thứ ba địa tầng, cách nay năm triệu năm (bộ xương cô bé “Lucy” được phát hiện ở Phi Châu), đã phát triển thành giống “người khôn ngoan”, cách nay 300.000 năm. Đây là khâu cuối cùng phát triển “nhân hóa” (hominisation).

QUÁ TRÌNH TẠO DỰNG CON NGƯỜI

· Như vậy, khoa học, bằng tìm kiếm, khám phá độc lập, vô hình trung, đã xác nhận nhiều nội dung của măc khải, liên quan đến các sinh vật. Nhưng có điều mà khoa học, dựa trên thể nghiệm vật chất, hoàn toàn không có khả năng tiếp cận được. Đó là sự tạo dựng con người có linh hồn mà không sinh vật nào khác có được. Khoa học nói chung, lý thuyết tiến hóa nói riêng, dừng lại ở ngưỡng cửa cõi linh thánh vô hình liên quan đến con người.

· Đây là chủ trương của Giáo hội, trong thông điệp “Humani generis” của Đức Piô XII, mà Đức Gioan Phaolô II vừa xác nhận lại: “Nếu xác thân con người có nguồn gốc từ vật chất sinh động đã có sẵn trước, thì linh hồn được Thiên Chúa tức khắc tạo ra. Những lý thuyết tiến hóa cho rằng linh hồn thoát thai từ vật chất sinh động, hoặc chỉ là phó hiện tượng của vật chất, đều trái với chân lý về con người và không có khả năng làm cơ sở cho nhân vị”. Chính linh hồn đã làm cho con người, chí cho tới phần xác, có một phẩm giá cao quí mà không một sinh vật nào có thể có được.

· Thân xác con người từ đâu có ? Và linh hồn con người được tạo dựng như thế nào ? Về mặt phương pháp luận, qua một số sự kiện lịch sử, ta có thể nhận thấy cách làm cố hữu của Thiên Chúa là làm việc gì cũng có kế hoạch và chuẩn bị “từ trước muôn đời”. Ngay sau khi Adam và Eva phạm tội, Thiên Chúa đã có kế hoạch cứu độ loài người sau này, là cho Ngôi Hai nhập thể, thông qua hai nhân vật ưu việt là Abraham và Maria.

· Để tạo dựng con người, Thiên Chúa cũng có kế hoạch và chuẩn bị như thế. Nhằm chuẩn bị phần thân xác, Chúa đã chọn từ giống khỉ, đười ươi, vượn v.v…, một giống nhỏ, tinh khôn nhất, cho đột biến (mutation) thành một giống mới, tạm gọi là “tiền nhân” (hominidés), danh từ khoa học gọi là Australopithécus, để khai sinh một họ mới “họ người” hay “nhân tộc” (famille de l’homme), cách nay 5 triệu năm. Rồi từ trong giống Australopithécus, Chúa chọn một giống nhỏ, cho đột biến thành một giống mới nữa, tạm gọi là “như nhân” (hominiens), danh từ khoa học gọi là Homo habilis (người khéo léo), cách nay 2 triệu năm.

Đây là giống trong đó Chúa sẽ chọn đối tượng để làm thân xác cho con người sau này. Để chuẩn bị, trước hết Chúa cho họ đột biến, lần lần được đứng thẳng lên để trở thành giống người đứng thẳng (Homo erectus). Vị trí đứng thẳng, giải phóng đôi tay khỏi chức năng di chuyển, tạo điều kiện phát triển bộ não và bước đầu tâm thái (psychisme). Khi giai đoạn phát triển này hoàn tất, cách nay 300.000 năm, người đứng thẳng đã đột biến, trở thành “người khôn ngoan” (Homo Sapiens hay neanderthalenis).

· Từ giống “người khôn ngoan”, Chúa chọn một cặp nam và nữ hoàn chỉnh nhất, để làm thân xác cho Adam và Eva, mà Chúa tạo dựng bằng cách “thổi một linh khí sống của Thiên Chúa vào mũi của họ” để “cấy” vào thân xác họ một linh hồn bất diệt, khiến cho họ trở thành một con người toàn vẹn, tách biệt, về mặt phẩm giá, khỏi thế giới sinh vật, cũng như vĩnh viễn đoạn tuyệt với tất cả những đồng loại trước đây. Tuy nhiên Adam và Eva và con người phải trải qua một thời kỳ phát triển hoàn chỉnh mới nữa, để trở thành người khôn ngoan khôn ngoan (Homo sapiens sapiens), cách nay 35.000 năm. Giai đoạn phát triển hoàn chỉnh này có thể ví như giai đoạn thai nghén, từ phôi (đã là người), trở thành hài nhi, với tất cả tính năng của con người chúng ta hiện nay. Từ nguyên tổ Adam và Eva, loài người đã sinh sôi nảy nở và tứ tán khắp các lục địa với đủ màu da. Điều này tương tự với việc từ Abraham thủy tổ, dân Do Thái đã sinh sôi nẩy nở có mặt khắp năm châu, dưới nhiều màu da: trắng, đen (Yémen, Ethiopia), vàng (Trung Quốc), nâu (An Độ, Bắc Phi) v.v…

Việc gì đã xảy ra sau khi con người ra đời ? tất cả các giống thuộc “nhân tộc” mà Thiên Chúa đã sữ dụng để chuẩn bị phần thân xác cho con người (từ Australopithécus cho tới Homo sapiens) đều được coi như “đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử” cho nên tất cả đều phải biến mất trên cõi đất, một cách bí ẩn như trường hợp khủng long. Còn các giống khỉ, vượn, đười ươi, vì không thuộc “họ nhà người”, nên vẫn tồn tại như thú, gần gũi nhất với con người về cấu trúc sinh lý.

Trên đây là một thử nghiệm tìm hiểu măc khải qua khám phá khoa học, cũng như qua măc khải, nắm bắt ý nghĩa kỳ diệu của các khám phá khoa học, trong phạm vi cực tiểu và cực đại hiện nay. Từ đó, con người mới có điều kiện tán tạ hồng ân của Thiên Chúa biểu hiện trong công trình sáng tạo vĩ đại, tuyệt vời của Ba Ngôi tác thành, thương yêu và cho sống và mới có thái độ khiêm hạ thích đứng trước Đấng Tạo hóa, cũng như trước mỗi công trình từ tay Ngài.

Công Giáo và Dân Tộc 12-96

No comments: