Monday 21 April 2008

Nhớ lại ngày 30-4-1975: MỘT ĐÊM PHÓ THÁC TRONG CHÚA PHỤC SINH

Lâm Võ Hoàng

Tháng 3-1975, khi Buôn Ma Thuột thất thủ, sự tê liệt sau đó của lãnh đạo đầu não miền Nam đã tạo thời cơ và thế chẻ tre cho quân đội cách mạng, đồng thời khai mào cho sự tan rã không gì cứu chữa của quân đội và sự cáo chung không thể tránh khỏi của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Vì đã suy nghĩ nhiều về thời cuộc và hướng sắp tới của đời mình, mặc dù chung quanh tôi không khí di tản đã rộn rã, tôi vẫn quyết ở lại với Tổ quốc, với ước mong được đem khả năng, kinh nghiệm chuyên môn, đến hồi sung mãn của mình (42 tuổi), phục vụ đất nước vĩnh tồn bất diệt.

Không phải việc chuyển đổi chế độ, đã thấy rõ trước mắt, là không đau đớn cho tôi, vì một chế độ, dù hay dù đở, vẫn là một môi trường văn hóa quen thuộc trong đó tôi đã sinh sống, được đào tạo, có nghề nghiệp mà tôi say mê và gắn bó cả cuộc đời, có thân thuộc, bạn bè, cùng biết bao kỳ niệm với người sống, người chết. Nhưng để đất nước có hoà bình và được thống nhất, cái giá mà bản thân tôi sẽ phải trả, trước hết là một dịp báo đền ơn Tổ quốc đã dưỡng dục tôi nên vai nên vóc, kế đến là một đóng góp sòng phẳng để giải quyết thế kẹt đã kéo dài quá lâu của quốc gia, cuối cùng là một cơ hội để thấy được chân lý của đất nước, của bản thân, của cuộc đời, trong một đất nước đích thực như tổ tiên ta để lại. Như vậy cái giá phải trả, tức là tuyệt đường công danh, xét ra còn rẻ chán. Với tâm trí như trên, tôi bình tĩnh chờ đợi giờ điểm của định mệnh.

Đến sáng sớm 30-4-1975, tôi còn ghé qua ngân hàng, kiểm tra cửa nẻo, căn dặn anh em bảo vệ ngăn chống bọn cướp phá, đón tiếp và thi hành mệnh lệnh của lực lượng cách mạng, bình tĩnh an tâm chờ đợi mọi diễn tiến trong kỷ luật. Mọi trách nhiệm đối với Cách mạng thuộc về tôi. Khi tôi vừa về đến nhà, thì một đoàn xe tăng đầy người chạy ngang qua, cờ xanh đỏ Mặt trận Giải phóng, phất phới chiến thắng trên cần Angten. Lần đầu tiên tôi trông thấy lá cờ này, tim tôi như muốn đứng lại. Liền đó, tôi thở phào, nhẹ nhõm. Đất nước đã thanh bình, hết chiến tranh, vết thương đất nước bắt đầu liền da. Một vị đắng không khỏi dâng lên miệng. Kể từ giờ phút này, tôi là con số không, trở lại ô bắt đầu. Không phải đâu ! Đúng hơn, tôi là con số âm, với cái dĩ vãng thành viên của bộ máy một chế độ bại trận, đầu hàng, sụp đổ. Ngôi nhà đã tiêu tan, còn trơ lại là gạch ngói, được gọi là xà bần, ước mong ít ra còn có công dụng san lấp mặt bằng. Tự dưng, từ đáy lòng, tôi thầm thỉ với Chúa như ông Jop: “Lạy Chúa, Chúa cho tất cả, Chúa lấy lại tất cả, vinh danh Chúa !. Tuy miệng tán tụng thế, nhưng nào tôi có đo lường được dung độ của sự “tất cả” này đâu!

Tình hình dồn dập. Ong Dương Văn Minh, trong cương vị Tổng thống, đọc tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh. Lịch sử đã sang trang, cả nước bắt đầu một cuộc sống mới, lành dữ chưa biết, nhưng chắc chắn có dữ có lành, có lành có dữ. Dù gì đi nữa, lòng tôi tự nhủ, tuy tôi hết quyền hạn, trách nhiệm đối với các anh chị em đồng sự, tôi vẫn còn một nghĩa vụ cuối cùng là trong mọi tình huống, hoàn cảnh, tôi phải giữ tư thế của một con người, con người mà anh chị em đã từng quí mến bởi vì mặc dù chức vụ, do chuyên môn mà có, tôi ở trong chế độ, mà không bao giờ thuộc chế độ.

Dẫu biết thế nào Cách mạng cũng cho gọi tôi, nhưng khi thấy một anh em bảo vệ đưa một cán bộ dừng xe trước của nhà, tôi không khỏi hồi hộp, nhưng liền trấn tĩnh và bước ra đón khách. Đấy là một cán bộ rất trẻ, trắng trẻo, hiền hậu, vũ trang súng ngắn, mang xà cột đầy bản đồ và thước ê-ke. Anh khoan thai bước vào nhà không chút nghi kỵ và ngồi vào ghế sa lông gần cửa, tôi ngồi ghế phía trong và bắt đầu tự giới thiệu. Nghe xong, anh cho biết mục đích anh tới đây là để tiếp thu các chìa khóa hầm bạc và các két sắt khác của ngân hàng. Lúc đó vào khoảng 5 giờ chiều. Tôi trả lời tôi không giữ bất cứ chìa khóa nào của ngân hàng, kể cả chìa khóa văn phòng tôi. On tồn, anh hỏi tôi có phải là lãnh đạo cao cấp nhất còn lại của ngân hàng không? Tôi đáp có lẽ thế, vì tôi không có tin tức gì về ông Tổng Giám đốc của tôi từ hai hôm nay. Anh vẫn ôn tồn hỏi vặn là lãnh đạo cao cấp nhất, tại sao tôi không giữ chìa khóa hầm bạc và hầm chứa vàng bạc, đá quí, giấy tờ bí mật của khách hàng gửi ? Tôi trả lời tất cả chìa khóa của hai hầm này đều do hai bộ phận phụ trách giữ, mà mỗi bộ phận gồm ba chìa khóa và hai mã số, do bấy nhiêu nhân viên cấp chỉ huy cầm giữ, tôi là lãnh đạo không có giữ chìa khóa nào hết. Anh tiếp tục hỏi tại sao với cương vị như thế, tôi không được giữ chìa khóa ? Tôi đáp không phải do cương vị, mà do qui định tổ chức, chìa khóa được giao cho nhân viên trực tiếp phụ trách giữ. Anh lại vặn, thế khi các nhân viên đó thông đồng nhau lấy mất hết tiền bạc, vàng bạc đá quí, tôi có trách nhiệm không ? Tôi đáp tôi chia sẻ trách nhiệm với toàn ban Tổng Giám đốc, nhưng điều anh vừa nêu rất khó xảy ra, thậm chí không thể xảy ra. Anh nhìn tôi, rồi hỏi xoay qua hướng khác là những nhân viên phụ trách giữ chìa khóa có ở cùng cư xá với tôi không ? Tôi đáp không, mặc dù anh Q. giữ chìa khóa ở khít vách tôi.

Anh hỏi thêm họ ở đâu và yêu cầu tôi đi cùng anh đến nhà họ lấy chìa khóa. Tôi đáp có đi cũng vô ích, vì từ hôm qua nay, một số đông họ sợ bị cướp bóc, đã chạy ra trung tâm thành phố tạm trú nhà bà con hết rồi, vả lại trời đã tối (lúc đó hơn 7 giờ) điện bị cúp hầu như toàn thành phố, lặn lội ra ngoại ô tìm họ bất tiện lắm ! Rồi anh xẳng giọng nói nếu tôi không tự giác trao chìa khóa cho anh, thì anh sẽ đưa tôi về cơ quan trả lời với cấp trên của anh. Tôi nói vâng tùy anh, thực tình tôi không có chìa khóa. Điều ngày mai anh sẽ rõ. Có thể ngày mai nhân viên sẽ đi làm đầy đủ và họ sẽ giao tất cả chìa khóa, sổ sách, tiền bạc cho các anh. Chúng tôi đã ở lại, thì không còn chạy trốn đi đâu được nữa.

Rồi anh nhìm chăm tôi, tay mân mê cây thước ê-ke và nghiêm sắc mặt bảo tôi viết tờ cam đoan tôi không có giữ chìa khóa tủ sắt hầm bạc ngân hàng. tuy nhiên, từ đây đến 8 giờ sáng mai, tôi phải làm đủ mọi cách để trao chìa khóa cho Cách mạng, bằng không tôi phải cam đoan sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Cách mạng và chịu mọi hậu quả có thể xảy đến cho tôi. Xong anh đứng dậy ra về, sau khi hẹn tôi trước 8 giờ ngày mai, đến tìm anh tại ngân hàng báo cáo kết quả. Lúc đó đã 8 giờ tối. Tiễn anh xong tôi bước qua nhà Q. Nhà Q. tối om, cửa vào khóa, như một số nhà khác trong cư xá.

Trở vào nhà lù mù đèn cầy gần tàn lụi, tôi ngồi xuống ghế suy nghĩ. Bà bếp rón rén chạy lên hỏi có sao không và nhắc tôi tắm rửa, ăn cơm. Tôi khoát tay bảo bà tôi mệt, bà ăn đi, rồi lo dọn dẹp đi ngủ, để mặc tôi. Ngồi một mình, tôi bóp trán tự hỏi: “Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Cách mạng và chịu mọi hậu quả có thể xảy đến” là gì ? Nếu ngày mai, trước 8 giờ, Q. không trở về, tôi sẽ trả lời làm sao với anh cán bộ và liệu anh còn giữ thái độ hòa nhã nữa không ? Không tìm được lời giải đáp, tôi thờ thẫn lên lầu, vô phòng, buông mình trên giường, với tâm trạng rã rời, trong oi bức và bóng đêm dày đặc.

Đâu rồi những định hướng, quyết tâm, chấp nhận, đầy lý tưởng mấy tuần trước ? Cái giá phải trả chưa ngả ngũ, mà đã thế. Giá hô rồi, tôi còn yếu hèn đến đâu ? Bỗng nhiên, như một chớp lòa, tôi nhớ đến Chúa Giêsu đỗ mồ hôi máu đêm thứ Năm trong vườn Cây Dầu. Chúa Giêsu, “người tình” và Chúa của tôi, mà tôi xao lãng trong nhiều năm qua, bởi quá say mê công việc phát triển ngân hàng, nay ra miền Trung, mai xuống miền Tây, mốt trở về miền Đông, bữa kia lên Cao Nguyên. Tôi thường bỏ lễ Chúa nhật, bởi tối thứ bảy mắc ăn tiệc với chi nhánh và khách hàng. nói chi xưng tội, rước lễ, hãm mình ! Nhưng được cái là tôi không quên làm phúc, giúp đỡ người yếu thế và trên hết, cuộc thầm thĩ của tôi về đủ mọi thứ chuyện với Chúa, từ nhiều năm trước ngày nhận Phép Rửa, cho đến nay, vẫn chưa chấm dứt. Tức là tôi vẫn gắn bó yêu mến Chúa, mà lại giữ lời Chúa một cách tuỳ tiện. Để rồi đến mỗi đêm Phục Sinh lại âm thầm đỗ lệ ăn năn và hân hoan thấy mình sống lại bởi tội lỗi và sự chết không làm chi tôi được.

Ngày mai thứ Sáu là ngày Chúa chịu thương khó và khổ hình, như Chúa Cha đã dành phần cho Con Một. Còn tôi ? Phải rồi! Một luồng hơi lạnh chạy buốt xương sống tôi. Phải rồi ngày mai, phần dành cho tôi sẽ là sự đấu tố, như đã diễn ra ở miền Bắc(?). Tôi sẽ gục quì gối ở tầng trệt, chung quanh là nhân viên các cấp và khách hàng. Để tự cứu, họ sẽ bắt tôi gánh mọi thứ tội trên đời, kèm theo những viên đá đưa tôi về với Chúa. Phải rồi, những con người trẻ đẹp, hiền hòa, nói năng chững chạc kia, cũng chính là những con người làm nền những chiến tích lạ lùng. Chắc chắn họ sẽ thừa cứng cõi để tru diệt kẻ thù, bởi quan niệm bạn thù của họ rất rõ ràng và dứt khoát, không khoan nhượng. Số phận kẻ chiến bại là không thể đòi hỏi bất cứ gì nơi kẻ chiến thắng. Tốt nhất, họ chỉ nên như những con cừu được đưa tới lò sát sinh. Vâng tôi sẽ im lặng như những con cừu kia, vì ít ra tôi còn diễm phúc có bên tôi, trong hồn tôi, sự hiện diện của một người đồng cảnh, im lặng nhận cái chết thê thảm, không than van, trách móc, hay đổ tội cho khách quan v.v… Vâng, tôi sẽ không độc hành. Tôi sẽ đi cùng Chúa đến những chỗ Chúa đã đi qua, nơi đó tôi sẽ chờ ngày Chúa gọi tôi sống lại đời đời. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!

Thế là tôi chỉ còn mươi giờ nữa để sống. Tôi ngạc nhiên thấy mình tĩnh táo quá, y như người mê dại, hết biết sầu đau. Tôi nhỏm dậy lần mò kiếm đèn cầy đốt lên, ngồi viết chúc thư nhét dưới gối gởi lời yêu thương đến những ai tôi từng yêu thương, lời tạ lỗi đến những ai tôi từng xúc phạm, mâu thuẫn, hay làm thiệt thòi và lời tri ân đến những ai đã giúp đỡ tôi trên mỗi bước đường đời. Với tất cả, tôi cầu xin Chúa tuôn đổ hồng ân, soi sáng, phù trì, nâng đỡ họ trong bước ngoặt của lịch sử này, sao cho họ sống có ý nghĩa, không tuyệt vọng, không hận thù, đầy yêu thương.

Để hãm mình lần cuối, tôi ra ngoài bao lơn, nằm trần dưới gạch, không gối, không mền, mặc tình cho muỗi cắn xé, tay lần xâu chuỗi tôi luôn bỏ trong mình, nhưng hiếm khi dùng tới. Tôi đọc tất cả những kinh tôi đã thuộc, bằng tiếng La tinh, tiếng Pháp, tiếng Việt. Lời kinh mộc mạc quê mùa kéo tôi về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” với Chúa. Xong, tôi tự tình kể lễ nỉ non cùng Chúa, Mẹ Maria, thánh Giuse, gương mẫu khiết trinh, mã thượng, quân tử, mà tôi không sao bắt chước đựơc, thánh Biển Đức, thánh phụ của tôi, thánh Têrêxa Hài Đồng, chị cả đặc biệt yêu mến v.v. cho tới lúc ngủ quên. Bừng mắt dậy, thấy trời đã sáng bét. Tôi chỉ còn đủ thời giờ rửa mặt, mặc áo quần, đi xe ra ngân hàng, cho kịp trước 8 giờ. Dự định của tôi qua nhà thờ Tân Sa Châu xưng tội rước lễ, ăn mày của ăn đi đường lần cuối không thành. Chúa chắc thông cảm cho tôi.

Tới nơi, tôi thấy mọi người tấp nập, tươi cười, vui vẻ chào hỏi tôi. Tôi đi kiếm anh cán bộ hôm qua để trình diện. Gặp anh, tôi nhắc lại tờ cam đoan. Anh như không nhớ ra tôi, bảo tôi lên gặp lãnh đạo mà trình diện. Gặp lại Q., tôi, hỏi chìa khóa. Anh bảo đã nộp hồi sáng sớm rồi và dẫn tôi đi gặp anh Hai Thoại. Anh này, nghe Q. giới thiệu tôi, không đưa tay bắt, nhưng tươi cười cho biết, trong khu, anh là người theo dõi hồ sơ tôi và bảo tôi về chỗ làm việc cũ mà ngồi và an tâm chờ bố trí công tác mới. Tôi như đi trong mơ. Anh chị em gặp lại tôi, mừng mừng tủi tủi. Tôi cũng mừng mừng tủi tủi cho họ và cho tôi đã từ cõi chết mà sống lại, tất cả chỉ trong vòng một đêm mất điện, sống hoàn toàn phó thác trong tay Chúa Phục Sinh. Từ đó tâm hồn tôi hoàn toàn bình an trước mọi thử thách, như cải tạo, đói rét, mất sạch nhà cửa xe cộ, nghèo túng, ăn nhờ ở đậu v.v… Không ai bảo, tôi đã thực sự an tâm sống với Cách mạng.

Công Giáo và Dân Tộc 5/1997


No comments: